Ly hôn trong trường hợp một bên bị hoặc có dấu hiệu bị bệnh tâm thần

Chuyên mụcLuật hôn nhân và gia đình, Luật tố tụng dân sự benh-tam-than
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ly hôn trong trường hợp một bên (vợ/chồng) bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bị bệnh tâm thần để có góc nhìn cụ thể và có hướng hoàn thiện pháp luật.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ) có nhiều điểm mới so với các Luật HN&GĐ trước. Một trong những điểm mới đó được qui định ngay tại Điều 3 giải thích về từ ngữ ly hôn:Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà không cần phải có thêm cụm từ theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng như Luật HN&GĐ năm 2000[1]. Việc giải thích từ ly hôn như hiện nay thể hiện: Ngoài vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn thì còn có một chủ thể khác không phải là vợ, chồng nhưng cũng có quyền yêu cầu ly hôn trong một số trường hợp đặc biệt. Đó là cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ[2]. Đây cũng là một điểm mới của Luật HN&GĐ năm 2014. Tuy nhiên, để giải quyết vụ án ly hôn trong trường hợp đặc biệt nêu trên không đơn giản đối với các Thẩm phán. Thực tế khi giải quyết có sự vướng mắc, bất cập khi áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS),  Luật HN&GĐ.

1. Quy định về ly hôn khi vợ, chồng bị bệnh tâm thần

Trong thực tiễn có hai trường hợp xảy ra, trường hợp thứ nhất người vợ (chồng) bình thường yêu cầu ly hôn với người còn lại bị bệnh tâm thần mà đã xác định đã mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Toà án. Trường hợp thứ hai là người bị bệnh tâm thần (Đã xác định là mất năng lực hành vi dân sự) bị đối xử ngược đãi hay vì một lý do nào đó mà chủ thể khác (Chủ thể thứ ba) đứng ra yêu cầu Toà án giải quyết cho người bị bệnh tâm thần được ly hôn với người vợ (chồng) còn lại.

1.1.Trường hợp thứ nhất, người vợ (chồng) yêu cầu ly hôn với người còn lại bị bệnh tâm thần (được hiểu là đã xác định mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Toà án)

Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn chỉ bị hạn chế đối với người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được qui định tại khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014Điều luật qui định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn không cấm hay hạn chế trường hợp vợ (chồng) yêu cầu ly hôn với người còn lại bị bệnh tâm thần. Khi có yêu cầu ly hôn trong trường hợp bên bị kiện là người bị tâm thần thì Tòa án phải thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự như chỉ dẫn của khoản 1 Điều 53 Luật HN&GĐ năm 2014. Nhưng chưa có qui định cụ thể nào về tố tụng trong trường hợp người bị kiện trong vụ án ly hôn là người bị tâm bệnh tâm thần. Do đó, Thẩm phán phải vận dụng các qui định của BL TTDS để xác định tư cách đương sự cho hợp lý.

Khi bị đơn là người bị bệnh tâm thần thì họ không thể tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, khoản 4 Điều 69 BLTTDS qui định: Người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”.

Vậy người đại diện cho vợ (chồng) bị tâm thần là ai?

Đại diện cho nhau giữa vợ, chồng khi một bên bị mất năng lực hành vi dân sự cần phải tiếp cận dưới hai phương diện. Thứ nhất, vợ (chồng) bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì người còn lại sẽ được xác định là người giám hộ đương nhiên theo qui định tại khoản 1 Điều 53 BLDS và khoản 3 Luật HN&GĐ năm 2014[3]. Khi thực hiện các giao dịch dân sự hoặc tham gia tố tụng tại Toà án với một chủ thể thứ ba thì người giám hộ đại diện và thay mặt họ để thực hiện. Thứ hai, nếu ngay chính vợ (chồng) hay nói cách khác là ngay người giám hộ và người được giám hộ có xung đột về lợi ích, xung đột về quyền và nghĩa vụ thì người giám hộ sẽ không đủ điều kiện để giám hộ, Toà án sẽ chỉ định người khác giám hộ để đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự thực hiện bảo vệ các quyền và lợi ích của họ, chẳng hạn như vợ chồng ly hôn.

Nội dung này được qui định tại khoản 3 Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2014: Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn. Việc chỉ định của Toà án phải căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sựTại khoản 1 Điều 88 BLTTDS cũng có đề cập: Khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Bộ luật này thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.

Vậy thì ai là người được Toà án chỉ định đại diện cho người cho người bị mất năng lực hành vi dân sự (vợ hoặc chồng bị bị bệnh tâm thần) để đại diện cho họ khi giải quyết việc ly hôn theo chỉ dẫn của Khoản 3 Đều 24 Luật HN&GĐ năm 2014 và khoản 1 Điều 88 BLTTDS?

Theo BLDS, Toà án chỉ được chỉ định người giám hộ trong trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ địnhngười giám hộ. Cũng theo BLDS tại khoản 2, khoản 3 Điều 136 qui định về đại diện theo pháp luật của cá nhân là người giám hộ đối với người được giám hộ, cũng có nghĩa là người mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ là người đại diện cho họ. Toà án chỉ định người đại diện khi không xác định được người đại diện (là người giám hộ đối với người được giám hộ).

Với những qui định trên cho thấy BLDS và BLTTDS năm 2015, không có điều khoản nào qui định cho trường hợp Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn nên Thẩm phán bị lúng túng, nhận thức không thống nhất về việc chỉ định ai là người đại diện cho vợ (chồng) tham gia tố tụng khi tiến hành giải quyết vụ án ly hôn trong trường hợp đặc biệt này. Toà án chỉ định bằng hình thức nào? Trước khi thụ lý vụ án hay sau khi thụ lý vụ án? Người được chỉ định: Cha, mẹ, người thân thích khác hay là ai?

Theo tác giả, cần phải có hướng dẫn cụ thể vấn đề này để có thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật trên thực tế, trong khi chờ đợi sửa đổi bổ sung, chúng ta nhìn nhận một số giải pháp sau:

Áp dụng pháp luật tương tự về giám hộ, đại diện nói chung để vận dụng vào tình huống ly hôn

Một giải pháp là Toà án có thể áp dụng pháp luật tương tự được qui định tại khoản 3 Điều 53 về giám hộ đương nhiên của BLDS trong tình huống này. Khoản 3 Điều 53 qui định: Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.Theo điều khoản này, ta lần lược xem xét: Vợ chồng ly hôn thì người còn lại không đủ điều kiện giám hộ, để làm đại diện cho nhau khi ly hôn nên bị loại trừ. Chủ thể còn lại là con của vợ chồng xin ly hôn đại diện cho cha, mẹ (Bị mất năng lực hành vi dân sự) để ly hôn với người còn lại là cha hoặc mẹ mình, tuy không bị cấm nhưng Toà án sẽ không chọn lựa trong tình huống như vậy bởi vì trái với truyền thống tốt và ý thức hệ của gia đình người Việt Nam. Chủ thể còn lại là cha (mẹ) của người vợ (chồng) bị bệnh tâm thần là người sẽ được chỉ định để đại diện cho con của họ (nếu đủ điều kiện) để tham gia tố tụng tại Toà án khi chồng hoặc vợ có yêu cầu ly hôn. Xa hơn nữa, nếu cha mẹ của người bị mất năng lực hành vi dân sự không có đủ điều kiện giám hộ (hoặc đã chết hoặc không có cha mẹ) thì Toà án sẽ chỉ định người thân thích[4] của người mất năng lực hành vi dân sự để đại diện cho họ tham gia tố tụng trong vụ án ly hôn.

Thời điểm nào Toà án chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng và giải quyết việc ly hôn và xác định tư cách tham gia tố tụng?

Khi Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự đồng thời xác định người đại diện của người mất năng lực hành vi dân sự ngay trong quyết định của Toà án. Vợ (chồng) là người giám hộ đương nhiên của nhau khi một khi một bên bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Nhưng khi người giám hộ muốn ly hôn với người được giám hộ thì người giám hộ không còn đủ điều kiện được giám hộ và cũng không thể làm đại diện như đã phân tích. Khoản 4 Điều 69 BLTTDS trường hợp người bị kiện là người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Người đại diện hợp pháp trong trường hợp ly hôn với một người bị tâm thần thì như đã luận giải phải do Toà án chỉ định để làm người đại diện. Nhưng Toà án chỉ định tại thời điểm nào: Sau khi thu lý vụ án hay tại giai đoạn xử lý đơn?

Vấn đề này pháp luật tố tụng hiện hành không đề cập nhưng chúng ta vận dụng Điều 70 BLDS về thay đổi người giám hộ (vì người giám hộ không còn đủ các điều kiện giám hộ), Toà án xác định (chỉ định) cha, mẹ là giám hộ đương nhiên để đại diện. Việc này phải được thực hiện tại thời điểm xử lý đơn và yêu cầu người vợ (chồng) ly hôn phải xác định được tên, tuổi, địa chỉ của cha, mẹ (của người bị tâm thần) và yêu cầu người khởi kiện ghi vào đơn khởi kiện. Để khi Toà án thụ lý vụ án xác định được người đại diện và tiến hành tống đạt văn bản tố tụng để người này tiến hành các hoạt động đại diện cho bị đơn.

1.2.Trường hợp thứ hai người vợ (chồng) bị bệnh tâm thần yêu cầu ly hôn với người còn lại. 

Như trình bày ở mục 1.1, người bị bệnh tâm thần là vợ (chồng) thì người kia là người giám hộ và đại diện cho họ nhưng trong thực tế người bị tâm thần vì lý do nào đó cần được ly hôn với người vợ chồng nên khoản 2 Điều 51 Luật HNGĐ qui định:  Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Ngoài chủ thể là cha, mẹ, người thân thích, khoản 1, 5 Điều 187 BLTTDS còn có qui định: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. 

2. Ly hôn với một bên có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh tâm thần nhưng chưa có quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự

BLTTDS và Luật HN&GĐ không có qui định về trường hợp ly hôn với người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh tâm thần nhưng chưa có quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự. Khi gặp tình huống này, Toà án thường yêu cầu đương sự làm thủ tục xác định tình trạng năng lực pháp luật của người này để xác định họ có thể đủ năng lực tham gia tố tụng tại Toà án hay không. Một trong trong những cách thức đó là: Yêu cầu làm thủ tục tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Nhưng để tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự vì lý do bị bệnh tâm thần thì cần phải có tài liệu chứng cứ chứng minh như kết luận của cơ quan chuyên môn và đó là một việc dân sự nên đòi hỏi những thủ tục nhất định theo qui định của BLTTDS.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải đương sự nào cũng đáp ứng về thủ tục, đặc biệt là kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về trình trạng nhận thức của người bị bệnh tâm thần vì họ từ chối đi giám định. Do đó, Toà án không thể tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Toà án phải làm gì trong những trường hợp như vậy: Trả lại đơn khởi kiện, từ chối thụ lý, nếu đã thụ lý thì tạm đình chỉ, đình chỉ? Hay Toà án phải thụ lý và giải quyết theo thủ tục chung. Tác giả đã trao đổi và tìm hiểu một số đồng nghiệp và nhận được nhiều câu trả lời không rõ ràng, không dứt khoát nhưng có một điểm chung trong nhận thức là: Việc trả đơn, tạm đình chỉ, đình chỉ, từ chối thụ lý trong tình huống trên rõ ràng cách làm này miễn cưỡng vì pháp luật tố tụng dân sự không cho phép và không nằm trong các trường hợp trả đơn khởi kiện tại Điều 192, tạm đình chỉ Điều 214 (Trừ trường hợp áp dụng điểm d khoản 1 Điều 214), đình chỉ Điều 217 của BLTTDS. Nhưng nếu tiến hành giải quyết theo thủ tục chung thì còn lúng túng và khả năng bản án bị hủy, sửa do sự thiếu sót khi nhận thức, vận dụng pháp luật là điều không tránh khỏi.

Quan điểm của TANDTC về vấn đề này như thế nào? Chúng ta nhận diện quan điểm của TANDTC thông qua một số văn bản như sau:

Theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 7/NCPL ngày 30-9-1966 của Tòa án nhân dân tối cao “Về việc xét xử việc ly hôn với người mất trí” được giải quyết như sau: Người mắc bệnh tâm thần là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, như vậy họ không thể tham gia tố tụng. Do đó, việc làm trước tiên của Toà án khi nhận được đơn xin ly hôn về loại này là điều tra, xác minh tình trạng và mức độ bệnh tật, thời gian mắc bệnh của bị đơn, nếu đúng bị đơn là người bị mắc bệnh tâm thần, thì phải có giám định của bệnh viện xác nhận. 

Công văn số 53/KHXX ngày 21-9-1996: “Trường hợp một bên vợ hoặc chồng mắc bệnh tâm thần mà bên kia gửi đơn đến Toà án xin ly hôn, nếu xét thấy mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án nhân dân xử cho ly hôn”, đồng thời lưu ý: “Thủ tục giải quyết loại việc này là thủ tục phức tạp, trong đó việc bảo vệ quyền lợi của một bên đương sự được đặc biệt chú ý và viện dẫn tinh thần của nội dung tại Công văn số 7/NCPL ngày 30-9-1966 của TANDTC “Về việc xét xử việc ly hôn với người mất trí”.

Tại Công văn số 16/1999/KHXX ngày 1 tháng 2 năm 1999 của TANDTC giải đáp về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng tiếp tục nhắc lại nội dung của các công văn giải đáp trước đó và có hướng dẫn thêm: Toà án không nhất thiết phải lấy lời khai của người mắc bệnh tâm thần và triệu tập họ đến Toà án. Trường hợp họ là người hoàn toàn mất trí, bệnh tình trầm trọng, Toà án sẽ không lấy lời khai của họ. Trường hợp họ không phải là người thường xuyên mất trí (có khi họ tỉnh táo), thì kinh nghiệm một số Toà án cử cán bộ đến tận nơi kết hợp với gia đình và bệnh viện để giải thích và lấy lời khai của họ. Với giải đáp này, quan điểm của TANDTC tuy có đặt ra vấn đề về trình trạng nhận thức của người bị bệnh tâm thần: Thứ nhất đó là người hoàn toàn mất trí, bệnh tình trầm trọng và thứ hai là không phải là người thường xuyên mất trí (có khi họ tỉnh táo) nhưng TANDTC không đề cập đến việc có cần phải tuyên bố người bị bệnh tâm thần, mất trí đó mất năng lực hành vi dân sự không. Ngoài ra, giải đáp này còn hướng dẫn về người đại diện: Tại phiên toà, người đại diện sử dụng quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn nên không cần thiết gọi người mắc bệnh tâm thần đến phiên toà vì sẽ ảnh hưởng đến trật tự phiên toà, gây khó khăn cho việc xét xử. Khi xét xử, cần có đại diện Viện kiểm sát và đây là loại việc mà Viện kiểm sát có thể tham gia tố tụng ngay từ khi Toà án bắt đầu thụ lý đơn xin ly hônHướng dẫn về thủ tục: Toà án không tiến hành hoà giải như các vụ ly hôn khác, nhưng đối với nguyên đơn xin ly hôn, Toà án nên thuyết phục, giải thích để họ đoàn tụ và rút đơn xin ly hôn. Trường hợp bị đơn không phản đối việc ly hôn Toà án cũng không ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn mà phải mở phiên toà xét xử… 

Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 07 tháng 4 năm 2017 của TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, có tình huống đặt vấn đề: Trong vụ án dân sự, đương sự có dấu hiệu tâm thần nhưng chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án giải quyết như thế nào? TANDTC giải đáp: …”khi có chủ thể cho rằng một người là đương sự trong vụ án mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án phải giải thích, hướng dẫn để họ thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự theo quy định …; trường hợp họ có yêu cầu và Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu này thì Tòa án áp dụng điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; trường hợp họ không yêu cầu thì Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung

3. Nhận xét, kiến nghị 

Qua các giải đáp từ năm 1966 cho đến hiện nay, quan điểm của TANDTC là không cấm hay hạn chế việc Tòa án thụ lý giải quyết ly hôn với người bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bị bệnh tâm thần. Tuy nhiên, tại Công văn số 7/NCPL ngày 30-9-1966 của TANDTC “Về việc xét xử việc ly hôn với người mất trí” có nội dung “… nếu đúng bị đơn là người bị mắc bệnh tâm thần, thì phải có giám định của bệnh viện xác nhận..”  và tại nội dung của giải đáp Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC thể hiện nếu nói bị đơn, hay đương sự nào đó là bị thâm thần thì phải có giám định của bệnh viện xác nhận. Hướng dẫn này là nhằm để có những thủ tục phù hợp khi giải quyết vụ án, không cấm hay hạn chế việc ly hôn đối với trường hợp ly hôn có người bị bệnh tâm thần hay có dấu hiệu bị bệnh tâm thần.

Như vậy, quan điểm của TANDTC cũng như qui định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014, Điều luật qui định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, không cấm hay hạn chế một người yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với một người bị bệnh tâm thần hay có dấu hiệu bị bệnh tâm thần cho dù người đó đã có quyết định của Tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự hay chưa. Việc yêu cầu Tòa án tuyên bố người vợ (chồng) mất năng lực hành vi dân sự là một việc dân sự độc lập với việc ly hôn theo thủ tục, trình tự nhất định và chỉ có ý nghĩa cho việc xác định người giám hộ, đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ cho người đó.

Tuy nhiên, như đã phân tích các qui định ở mục 1, 2; chúng ta đã nhận diện được sự bất cập tại Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 là: Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hônthì Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn. Việc chỉ định của Toà án phải căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự. Qui định này đã viện dẫn đến BLDS về giám hộ và đại diện nhưng đạo luật này không dự liệu cho trường hợp đã viện dẫn. Trong khi đó, thủ tục ly hôn là do Tòa án tiến hành nên việc chỉ định đại diện trong trường hợp này là phải theo qui định của BLTTDS, đại diện trong BLDS cũng là đại diện trong BLTTDS. Tạm thời khắc phục những khiếm khuyết, bất cập đã nêu chúng ta cần áp dụng pháp luật tương tự như phân tích ở trên để chỉ định đại diện cho những trường hợp ly hôn này.

Bên cạnh đó, phải sửa đổi, bổ sung qui định tại Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014: Sửa cụm từ “chỉ định” thành “xác định”,cần làm rõ “người khác” là cha, mẹ, hoặc anh, em, chú, bác (Trong phạm vi ba đời) hoặc cơ quan, tổ chức (Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam). Bỏ qui định chỉ dẫn việc “giám hộ” trong Bộ luật dân sự nên thay vào đó là chỉ dẫn đến “đại diện”  trong BLTTDS.

Nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể: “Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án xác định một trong những người có huyết thống trong phạm vi ba đời (cha, mẹ, anh, em, chú, bác, cô, dì..) hoặc cơ quan, tổ chức (Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam) đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn. Việc xác địnhcủa Toà án phải căn cứ vào quy định về đại diện trong Bộ luật tố tụng dân sự”.

Về tố tụng dân sự, cần có qui định hoặc hướng dẫn giải thích thời điểm xác định người đại diện: “Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án cần yêu cầu người khởi kiện ly hôn phải xác định người đại diện của người vợ chồng còn lại hoặc do Tòa án xác định khi tiến hành xử lý đơn khởi kiện”.

TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể: “Trường hợp vợ chồng xin ly hôn mà một bên, hay cả hai bên bị bệnh tâm thần hoặc chỉ có dấu hiệu bị tâm thần không phải là trường cấm hay hạn chế quyền ly hôn nhưng cũng phải có hướng dẫn  trình tự thủ tục tố tụng riêng cho trường hợp này như việc mời các cá nhân, cơ quan chức năng tham gia gia tố tụng để tạo sự thống nhất trong nhận thức trong hệ thống Tòa án đối với những trường hợp ly hôn đặt biệt này.

Nguồn Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

 

[1] Khoản 14 Điều 3 Luât Hôn nhân và gia đình năm 2014 bỏ cụm từ theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng như khoản 8 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

[2] Xem Khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

[3] Xem Khoản 3 Điều 24 Luật HN&GĐ năm 2014. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

[4] Theo khoản 19 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.

 


Các tìm kiếm liên quan đến ly hôn trong trường hợp một bên bị tâm thần, ly hôn khi chồng bị tâm thần, ly hon voi nguoi benh tam than, ly hôn với người mất năng lực hành vi dân sự, giai quyet ly hon doi voi nguoi tam than, chồng tôi bị bệnh tâm thần, vợ bị tâm thần, vợ bị bệnh tâm thần, ly hon theo yeu cau cua cha me nguoi than thich

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền