Công khai tuyển vợ/chồng liệu có vi phạm pháp luật?

Chuyên mụcLuật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình, Thảo luận pháp luật Công khai tuyển vợ/chồng

Nội dung bài viết này sẽ xoay quanh bàn luận về hiện tượng các cá nhân người nước ngoài – thường là những người đàn ông Đài Loan, HongKong, thông qua các đối tượng môi giới đến Việt Nam để lấy vợ theo phương thức sau:

Người có nhu cầu chọn vợ sẽ đưa ra 1 danh sách các điều kiện từ ngoại hình, tính cách đến sức khỏe và khả năng ngôn ngữ. Sau đó bên môi giới sẽ dựa trên những tiêu chí có sẵn này lọc ra danh sách những người tham gia ứng tuyển (tạm gọi là vòng sơ loại). Qua vòng này những ứng viên (người vợ tương lai) sẽ được mang số báo danh, xuất hiện trước mặt những người thực hiện việc tuyển chọn. Những ông chồng được quyền yêu cầu tất cả các cô gái này khỏa thân, thực hiện một vài động tác để thể hiện sức khỏe cũng như khả năng chăn gối. Sau phần này, người kén vợ sẽ chọn người phù hợp với mình nhất, sau đó tiến hành việc đăng ký kết hôn.

Một câu hỏi được đặt ra, cách thức tuyển vợ như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ một số yếu tố.

I. Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình

Thứ nhất, quyền kết hôn với người nước ngoài

Có thể khẳng định rằng quyền kết hôn với người nước ngoài là quyền rất cơ bản được quy định trong Luật Hôn nhân gia đình qua các thời kỳ. Nhà làm luật luôn dành ra những chương riêng, quy định cụ thể hóa quyền này thông qua các Điều luật và được hướng dẫn chi tiết bởi các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ hai, điều kiện kết hôn

Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình bao gồm những điều kiện về độ tuổi; sự tự nguyện; không bị mất năng lực hành vi dân sự và không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn:

a) Kết hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Trong các điều kiện kết hôn, dễ dàng nhận thấy rằng chỉ có điều kiện về các quy định cấm kết hôn là những người trong cuộc có khả năng vi phạm nhất, những điều kiện còn lại như về độ tuổi, sự tự nguyện và năng lực hành vi thì những người tuyển vợ và người ứng tuyển đều có thể đáp ứng được.

– Trường hợp kết hôn giả tạo: Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Tác giả không cho rằng việc kết hôn giữa những ông chồng Đài Loan, HongKong và cá cô gái Việt Nam là kết hôn giả tạo. Họ thực sự muốn xác lập quan hệ hôn nhân và muốn trở thành chồng vợ thực sự của nhau. Có thể các bên không chỉ đơn thuần lấy nhau vì tình yêu khi một bên cần tài chính, một bên cần có người vợ trong bối cảnh các nước như Đài Loan, HongKong khá hiểm phụ nữ và muốn lấy được vợ bản xứ phải tốn rất nhiều tiền, đáp ứng các điều kiện như có nhà, có xe, thu nhập 1 tháng phải tối thiểu X đồng v.v…nhưng nhìn chung họ vẫn nhằm mục đích xây dựng gia đình.

– Cưỡng ép kết hôn: Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.

Như tác giả đã trình bày những cô gái Việt Nam vì một lý do nào đó mà đã muốn lấy chồng Đài Loan, HongKong, họ gặp gỡ bên môi giới và sau đó đã tự nguyện có mặt tại buổi phỏng vấn tuyển vợ. Vì thế khó có thể nói rằng họ không tự nguyện, họ bị cưỡng ép trong việc này.

Tựu chung lại, trong phạm vi pháp luật hôn nhân và gia đình, hình thức phỏng vấn tuyển vợ như trên không cho thấy có dấu hiệu vi phạm bất kỳ một quy định nào.

II. Theo quy định Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Luật Hình sự

Với hành động yêu cầu các ứng viên cởi hết quần áo, đi lại và thực hiện một vài thao tác, nhiều quan điểm cho rằng việc làm này đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cô gái vì quyền được tôn trọng danh dự nhân phẩm là quyền hiến định và đã được cụ thể hóa tại Khoản 1 Điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt từ 100.000 – 300.000 đồng theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS 2015).

Tác giả lại không cho rằng hành vi này là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ. Bởi lẽ, việc yêu cầu cởi bỏ quần áo để tuyển vợ hoàn toàn được sự tự nguyện đồng ý từ phía các cô gái, yêu cầu này không hề mang đến cho các cô gái bất kỳ một sự tổn thương nào về tinh thần. Thậm chí đó còn là cơ hội đã các cô thể hiện khả năng làm vợ của mình trong tương lai, ghi được điểm trong mắt hội đồng tuyển chọn và chú rể. Việc làm này này tương tự với việc mua bán dâm hiện nay, một hoạt động bị pháp luật cấm tuy nhiên trong lúc mua bán khách hàng có thể yêu cầu người bán dâm thực hiện nhiều hành vi mà theo lẽ thông thường sẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm người được yêu cầu nhưng trong hoàn cảnh khá đặc thù này thì không hề có dấu hiệu của sự xúc phạm.

Theo quan điểm của tác giả, những trường hợp như thế này vẫn có khả năng đáp ứng các điều kiện về cấu thành tội phạm của tội mua bán người (Điều 150 BLHS 2015) và người phạm tội ở đây rất có thể là bên môi giới hôn nhân và thậm chí là chú rể. Cụ thể, tội mua bán người được quy định như sau:

Điều 150. Tội mua bán người

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

Thủ đoạn khác trong yếu tố cấu thành tội phạm ở đây là một quy định mở, nó có thể là bất kỳ thủ đoạn nào để nhằm thực hiện hành vi được quy định tại điểm a, b. Việc tổ chức tuyển chọn vợ thông qua hình thức môi giới rất có thể là một trong những thủ đoạn, lợi dụng quyền tự do kết hôn để thực hiện việc mua bán người. Chỉ cần chứng minh được rằng sau khi cô dâu đã sang nhà chồng và trở thành công cụ phục vụ tình dục, bị bóc lột sức lao động hay tệ hơn là bị lấy bộ phận cơ thể thì đủ yếu tố chứng minh rằng cuộc hôn nhân trước đây bản chất là một vụ mua bán người đội lốt kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Theo con số thống kê hiện nay về số nạn nhân là các cô dâu trẻ tuổi lấy chồng Đài Loan, HongKong bị hành hạ, ngược đãi, bị bóc lột sức lao động, bị bóc lột tình dục, một người vợ phục vụ nhu cầu tình dục cho cả gia đình bên chồng là rất cao. Nhiều người sau khi trở về được quê nhà đã bị tổn thương tâm lý khá nặng, đôi khi bị tâm thần. Do vậy, những hoạt động công khai tuyển vợ bằng hình thức như đã đề cập tại nội dung đầu tiên cần được kiểm soát và ngăn chặn để tránh mầm móng mua bán người đội lốt lấy chồng nước ngoài.

Nguồn: Uselaw.vn

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền