Bàn về định chế án lệ – nhằm áp dụng vào việt nam (Phần 2)

Chuyên mụcLuật dân sự, Thảo luận pháp luật Án lệ

I. Đặt vấn đề

1. Trong định chế án lệ được đưa vào áp dụng ở Việt Nam hiện nay (Nghị quyết ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ) có quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau” (khoản 2 điều 8), án lệ sẽ có hiệu lực ràng buộc nên Thẩm phán khi ra phán quyết hoặc quyết định thì phải áp dụng những án lệ vào những vụ án có tình tiết hoặc vấn đề pháp lý tương tự để xét xử.

Tuy nhiên, vấn đề lớn là những điểm nào giống nhau và giống ở mức độ như thế nào thì mới được coi là vụ án có “tình tiết hoặc vấn đề pháp lý tương tự”. Ngoài ra, phần suy luận nào trong án lệ sẽ thực sự có hiệu lực ràng buộc như là một án lệ cũng là điều chưa được làm rõ. Hơn nữa, một vấn đề cơ bản vẫn còn tồn tại là cho dù có những bản án, quyết định tuy đã được tuyển chọn làm án lệ nhưng trong đó chưa bao hàm hoặc chỉ ra được quy phạm hay quy tắc rõ rệt, chưa khái quát hóa dẫn đến việc không thể áp dụng được trong các vụ án khác nên không thể nào có hiệu lực ràng buộc như là án lệ được. Mặc dù có những vấn đề như vậy, các Thẩm phán – những người sử dụng tất cả các án lệ này, vẫn được giao trách nhiệm phải tự mình xem xét, quyết định có áp dụng án lệ hay không (đây là điều đương nhiên của chế độ áp dụng nguyên tắc án lệ, coi án lệ là nguồn luật chính) thì việc các Thẩm phán khác nhau có những ý kiến khác nhau, kéo theo việc thực hiện hỗn loạn; đồng thời không thể đạt được mục đích của định chế án lệ là nhằm tạo ra sự thống nhất trong giải thích và áp dụng pháp luật…là chuyện không khó đoán.

Do đó, như tôi cũng đã trình bày trước đây (tham khảo bài phát biểu trước “Bàn về định chế án lệ – nhằm áp dụng vào Việt Nam”), nhằm đảm bảo việc áp dụng định chế án lệ một cách thuận lợi ở Việt Nam, chúng tôi xin đề xuất phương án là: lấy tiêu chí có hay không hiệu lực ràng buộc và phạm vi của hiệu lực để chia án lệ làm 3 loại: “án lệ giải thích”, “án lệ quy phạm”, “án lệ tham khảo” (trước đây tôi gọi loại này là “án lệ trường hợp” nhưng để làm rõ mục đích của nó kể từ bài này xin thay đổi cách gọi); thêm nữa khi tuyển chọn, công bố án lệ thì phải áp dụng phương pháp để làm rõ cái nào sẽ là án lệ giải thích, án lệ quy phạm hay án lệ tham khảo; ngoài ra nếu là án lệ quy phạm thì nội dung quy phạm nào sẽ được ghi rõ trong mục “tóm lược án lệ”, xác định xem án lệ đó có hiệu lực ràng buộc hay không, phạm vi của nó đến đâu. Thêm vào đó, ở những buổi hội thảo được tổ chức trước đây, chúng ta đã cùng thảo luận về việc nếu coi những quyết định của Giám đốc thẩm là nguồn để tuyển chọn án lệ, thì cái nào sẽ là án lệ giải thích, án lệ quy phạm hay án lệ tham khảo, nếu là án lệ quy phạm thì nội dung quy phạm nào sẽ như thế nào.

2. Ở Tòa án Việt Nam, kể từ khi áp dụng định chế án lệ đến nay, đã có 10 án lệ được tuyển chọn, công bố và chúng tôi cũng đã có cơ hội được đọc cũng như nghiên cứu các án lệ đó. Những quyết định của Giám đốc thẩm trở thành nguồn của án lệ đều là những quyết định có từ trước khi áp dụng định chế án lệ và không được soạn thảo với định hướng là chúng sẽ có thể được tuyển chọn thành án lệ nên có thể dễ dàng thấy rằng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, và ta có thể đoán được vấn đề tiếp theo chính là vấn đề về “kỹ thuật xây dựng bản án, quyết định để trở thành án lệ chuẩn”. Nếu được góp ý khái quát về những án lệ đã được tuyển chọn và công bố từ trước đến nay thì tôi xin được nêu ra một số điểm như sau: (1) Trong các án lệ ở những nước theo hệ thống dân luật như Nhật Bản hay Việt Nam thì hầu như không tìm thấy ví dụ về án lệ giải thích là loại án lệ vốn dĩ đóng vai trò chính; (2) Trong các mục của án lệ không có mục nào ghi rõ đây là án lệ giải thích, án lệ quy phạm hay án lệ tham khảo, và cũng không có dấu hiệu nào để nhận biết xem nó thuộc loại gì; (3) Những án lệ quy phạm có nội dung quy phạm được ghi đích xác trong mục “tóm lược án lệ” còn ít; (4) Có những án lệ chưa xây dựng được những “quy phạm” hoặc “quy tắc” nên không có hiệu lực ràng buộc như là án lệ được. Đây là những vấn đề chúng tôi đã luôn trăn trở mà đến nay vẫn chưa thấy giải quyết xong.

3. Do đó, trong hội thảo lần này, bên cạnh việc giải thích lại tính phù hợp của án lệ, cách phân biệt 3 loại án lệ, tôi cũng muốn nêu ra những vấn đề xung quanh hiệu lực ràng buộc của án lệ quy phạm – điều mà trong những dịp trước đây tôi vẫn chưa đề cập nhiều.

TRA CỨU BÀI VIẾT ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

MURAKAMI KEIICHI & ENDO KENJI – Chuyên gia Jica tại Việt Nam

SOURCE: Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện công tác phát triển án lệ – TANDTC. Tại TPHCM. 17/9/2018.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền