Khái quát chung về nghề luật sư trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Những nội dung liên quan:
- Luật sư là gì? Quy trình để trở thành một luật sư ở Việt Nam?
- Các loại hình tổ chức hành nghề luật sư
- So sánh các hình thức tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay
- Cơ cấu tổ chức của văn phòng luật sư, công ty luật
- Hoạt động của văn phòng luật sư, công ty luật
- Trở thành Luật sư – dễ hay khó?
Khái quát chung về nghề luật sư
Mục lục:
- Lịch sử hình thành và phát triển của chế định luật sư bào chữa
- Qui tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của luật sư
1. Lịch sử hình thành và phát triển của chế định luật sư bào chữa
Trong hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới, luật sư là một chế định quan trọng và được xem như một nghề nghiệp đặc biệt. Hoạt động tranh tụng, nghề luật có lịch sử xuất hiện gắn với thiết chế Tòa án gắn với việc tổ chức, hoàn thiện bộ máy nhà nước và thừa nhận quyền được bào chữa, đảm bảo tự do, nhân quyền của các đương sự.
Ở Việt Nam, pháp luật thành văn thiết lập chế định luật sư và các quy định pháp luật đảm bảo vai trò tranh tụng của luật sư chỉ được hình thành sau khi thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1945 trở về trước, pháp luật về luật sư là một bộ phận gắn liền với hệ thống pháp luật của chủ nghĩa thực dân và đế quốc xâm lược. Về bản chất, đó là hình thức, công cụ phục vụ cho bộ máy nhà nước thực dân và bán nước.
Sau khi nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân được thiết lập, đánh dấu bởi thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự kiện chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, tư tưởng nhân quyền, đảm bảo quyền tự do các nhân trong đó có quyền tự do cơ bản là quyền bào chữa của bị can, bị cáo đã được thực hiện trên thực tế. Chỉ 38 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ sự cần thiết phải thay thế tổ chức luật sư cũ do Pháp bắt đầu thiết lập từ năm 1864 ở nước ta và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu mới của Cách mạng. Ngày 10/10/1945, Người ký Sắc lệnh số 46/SL quy định cho duy trì các tổ chức đoàn thể luật sư, trong đó nêu rõ: “Cách tổ chức đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ. Sắc lệnh ngày 25/5/1930 quy định tổ chức ấy vẫn tạm thi hành với các điều sửa đổi sau này (…) các luật sư có quyền bào chữa ở trước tất cả các tòa án (…)” (Điều 1 và Điều 2). Trong Sắc lệnh này, các tiêu chuẩn để được làm luật sư cũng được quy định cụ thể: có quốc tịch Việt Nam bất luận nam, nữ; có bằng cử nhân luật; đã làm luật sư tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một văn phòng luật sư thực thụ trong nước Việt Nam; những người đã làm luật sư tập sự ở Pháp có thể xin tính thời hạn tập sự ở Pháp nhưng chỉ được trừ nhiều nhất là 12 tháng; có hạnh kiểm tốt; được bằng chứng rằng đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm luật sư tập sự… Điều đó cho thấy sự đánh giá cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bào chữa, nghề luật sư và vận dụng nó thích nghi, phù hợp trong điều kiện cụ thể của Cách mạng Việt Nam.
Quyền bào chữa đã chính thức trở thành một nguyên tắc hiến định trong lĩnh vực tư pháp. Nguyên tắc ấy đã khẳng định vị trí, vai trò của người luật sư trong xã hội dân chủ pháp quyền với tính cách là người bảo vệ, trợ giúp pháp lý cho nhân dân, đồng thời thể chế hóa quyền bào chữa và nhờ người khác – Luật sư bào chữa cho mình.
Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945 đã trở thành một cột mốc quan trọng trong việc hình thành khái niệm quyền bào chữa và nghề luật sư trong chế độ Cách mạng. Hơn một năm sau, Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta, do chính Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thực hiện, Điều 67 đã quy định: “Các phiên tòa đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”.
Một điều trùng hợp ý nghĩa là hơn hai năm sau, trong Bản tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền ngày 10/12/1948 của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, ý tưởng này cũng đã được khẳng định: “Mỗi bị cáo dù đã bị buộc tội đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo luật pháp tại một phiên tòa xét xử công khai với mọi bảo đảm biện hộ cần thiết” (khoản 1, Điều 11).
Về sau, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua ngày 16/12/1966 (Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982) cũng khẳng định quyền bào chữa của con người và vai trò của luật sư trong xã hội tiến bộ. Cụ thể là trong quá trình xét xử về một tội phạm hình sự, mỗi người đều có quyền đòi hỏi đủ thời gian phù hợp, điều kiện thuận tiện để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn, trong trường hợp do lợi ích của công lý đòi hỏi, phải bố trí cho người đó một sự giúp đỡ về pháp lý mà người đó không phải trả tiền nếu họ không có đủ điều kiện trả (khoản 3, Điều 14, Công ước).
Đến năm 1990, Hội nghị Liên Hiệp quốc lần thứ 8 về phòng chống tội phạm tổ chức ở Havana (Cu Ba) đã thông qua “Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư” – (Basic principles on the role of lawyers) đặt trách nhiệm cho các Chính phủ và Hiệp hội chuyên môn của luật sư ở các nước là phải thúc đẩy những chương trình nhằm thông báo cho công chúng biết rõ vai trò quan trọng của luật sư trong việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản của công dân.
Cùng với sự phát triền và hoàn thiện dần của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, quyền bào chữa của công dân và vai trò của luật sư ngày càng được nâng cao. Quyền bào chữa và nghề luật sư được xác định ngày càng cụ thể trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Hiến pháp nước ta năm 1980, Điều 133 quy định: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”.
Điều 132 Hiến pháp năm 1992 cũng nêu rõ: “Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình”.
Nhà nước ta lần lượt thể chế hóa, nâng cao vai trò của luật sư qua các văn bản quy phạm pháp luật từ thấp đến cao: Pháp lệnh Tổ chức luật sư ngày 18/12/1987 và Quy chế Đoàn Luật sư ban hành kèm theo Nghị định số 15/HĐBT ngày 12/2/1989 của Hội đồng Bộ trưởng đánh dấu sự đổi mới về tư duy pháp lý đối với nghề luật sư theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Để tiếp tục hoàn thiện chế định luật sư, mười hai năm sau một pháp lệnh mới về luật sư được ban hành, Pháp lệnh luật sư năm 2001 đưa chế định luật sư nước ta tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm cơ sở cho việc hội nhập thế giới trong quá trình toàn cầu hóa. Sau 5 năm thi hành Pháp lệnh Luật sư 2001, Luật Luật sư năm 2006 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2007) thay thế Pháp lệnh Luật sư năm 2001 cụ thể và chi tiết hóa các quy định trước đây về địa vị pháp lý và xác lập rõ nét hơn vai trò luật sư.
Các Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ Luật Tố tụng dân sự của nhà nước ta cũng từng bước tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm đầy đủ quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân trước pháp luật và không ngừng nâng cao vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng.
>>> Xem thêm: Số tiền để một sinh viên luật có thể trở thành luật sư?
2. Qui tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của luật sư
Đạo đức là phép tắc đối xử trong xã hội, là phép tắc về quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân và tập thể, ai cũng phải biết và tuân thủ, giữ gìn.
– Luật sư là nghề đang được xã hội quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Khi nói đến đạo đức nghề nghiệp của luật sư, trước hết phải đề cập tới sứ mệnh mà người luật sư phải gánh vác, sau đó đến phẩm chất, thanh danh của luật sư, kỹ năng hành nghề và cuối cùng là những chuẩn mực ứng xử của luật sư trong khi hành nghề.
– Đạo đức nghề nghiệp của luật sư bao gồm: những qui định chung về đạo đức của bản thân luật sư trong các mỗi quan hẹ với khách hàng, cơ quan nhà nước và đồng nghiệp trong hành nghề.
– Những qui tắc chung về đạo đức nghề nghiệp của luật sư:
+ Độc lập, trung thực, khách quan: Luật sư độc lập trung thực, khách quan và tận tụy trong hành nghề; không vì bất cứ lợi ích vật chất, tinh thần hoặc áp lực nào khác mà làm sai lệch sự thật, trái pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp.
+ Văn hóa ứng xử trong hành nghề và lối sống: Luật sư ứng xử đứng mực, có văn hóa trong hành nghề và trong lối sống để luôn tạo được sự tin cậy và tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.
+ Nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý: Nghĩa vụ cao cả của luật sư là tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách. Luật sư tận tâm, tích cực thực hiện yêu cầu trợ giúp pháp lý như đối với các vụ việc có thù lao.
+ Người luật sư có đạo đức là người thực hiện trọn vẹn các qui tắc chung nói trên. Các qui tắc này luôn bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau và tạo thành bộ qui tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư.
>>> Xem thêm: 05 phẩm chất quan trọng mà luật sư cần có
Để lại một phản hồi Hủy