Chúng ta đều biết CV (Curriculum Vitae) không phải thứ duy nhất nhà tuyển dụng xem xét để đưa ra quyết định “nhận” hay “không nhận” chọn chúng ta vào làm ở một vị trí nào đó. Nhưng CV lại giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Các cụ có câu “đầu xuôi đuôi lọt”. Ấn tượng ban đầu khi ứng tuyển cũng vậy. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành bại khi ứng tuyển vào công việc mà chúng ta mong muốn.
Những nội dung liên quan:
- Lời khuyên dành cho những cử nhân luật (mới ra trường)
- Kinh nghiệm trước khi đi xin việc dành cho sinh viên luật
Ý thức được tầm quan trọng của CV trong xin việc cùng với những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế, bạn Linh Linhh (fb.com/linhlinhhbe) đã có một bài viết chia sẻ trong Group Mentori Community (Kết nối cố vấn MT/ Big 4/ MNCs,..) vào ngày 21 tháng 04 năm 2021 với tựa đề “Tại sao CV xin việc của em bị loại?”. Mời các bạn cùng đón đọc.
Tại sao CV xin việc của em bị loại?
Trước đây, mình từng làm HR một thời gian, mình có scan qua rất nhiều CV được các bạn gửi về khi đó mình mới thực sự hiểu rõ vì sao CV của nhiều bạn bị loại như thế. Dưới đây là những lưu ý, lời khuyên mình rút ra được sau trải nghiệm này. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn “nâng cấp” CV của mình “xịn hơn”.
Miếng trầu là đầu câu chuyện, email khởi đầu hành trình
Với các vị trí yêu cầu bạn gửi email ứng tuyển, bạn hãy dành chút thời gian để viết và chăm chút cho email của mình thật chu đáo cho dù bạn đã có đính kèm cover letter phía dưới. Email ứng tuyển bạn nên viết ngắn gọn, giới thiệu sơ lược về bản thân, lý do ứng tuyển,… Để viết được một email chuyên nghiệp, ngắn gọn vẫn đảm bảo đầy đủ thông tin và tính lịch sự các bạn có thể search từ khoá “Job application email template/ sample” để tìm hiểu chi tiết hơn về cách viết email đúng chuẩn nhé.
>>> Xem thêm: Cách viết Email chuyên nghiệp người học luật nên biết
Một trong những chiếc email mình thấy không được tôn trọng nhất từ các bạn ứng viên là chiếc email xin việc chỉ vỏn vẹn 1 dòng (bao gồm xin chào và cảm ơn), khá trống trải và làm mình cảm nhận thấy bạn ứng viên không thực sự nghiêm túc với vị trí đang apply. Do vậy, các bạn hãy lưu ý nếu đã dành rất nhiều thời gian chăm chút cho CV thì hãy dành thêm chút thời gian để viết một chiếc email khiến người nhận muốn đọc và hào hứng tìm hiểu về bạn.
Đọc kỹ yêu cầu, đừng bỏ sót thông tin
Ngắn gọn, đúng trọng tâm
Mình thường nói chuyện với các anh chị trong ngành nhân sự, đa số mọi người cho biết họ chỉ dành trung bình 10s để đọc 1 chiếc CV do tính chất công việc cũng như số lượng CV gửi về trong một ngày rất nhiều. Đặc biệt đối với các vị trí công việc có tính cạnh tranh cao, thời gian đọc CV của nhà tuyển dụng còn nhanh hơn nữa và họ chỉ chậm lại một chút khi đọc được một chiếc CV ngắn gọn, “trúng” và phù hợp với vị trí công việc đang tuyển dụng.
>>> Xem thêm: Những yếu kém của sinh viên luật khi xin thực tập và xin việc làm
Có rất nhiều bạn sinh viên năng động, tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá, đi làm thêm, trải nghiệm một số công việc nhưng thời gian của NTD dành cho CV của chúng ta có hạn nên hãy chắt lọc những thông tin giá trị, liên quan đến vị trí apply nhất. Mình từng gặp một số trường hợp rất đáng tiếc của một số bạn:
Chiếc CV dài 3 trang, kín chữ, liệt kê hết tất cả các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm công việc nhưng trong đó có rất nhiều hoạt động không liên quan và bạn cũng không làm nổi bật hoạt động, thành tích nổi bật khiến mình đọc lướt qua mà không có nhiều ấn tượng do không đọc được những điểm đáng chú ý.
Một chiếc CV chỉ trình bày các thông tin, vị trí công việc từng làm qua ngoài ra không mô tả chi tiết về hoạt động, kết quả nên mình cũng không cảm nhận được nhiều sự tiềm năng của ứng viên gửi chiếc CV đó.
Tóm lại, việc trình bày chiếc CV rất quan trọng vì nó thể hiện một phần con người và sự tiềm năng của bạn nên chú ý về cách trình bày CV ngắn gọn, dễ hiểu để “thu hút ánh nhìn” nhà tuyển dụng tại vòng CV nhé!
Thể hiện sự tiềm năng qua sự liên quan và kỹ năng/kinh nghiệm
Tuyển dụng là một mối quan hệ win – win đôi bên cùng có lợi, nhà tuyển dụng mong muốn tìm được những đồng đội phù hợp để cùng sát cánh, thực hiện và san sẻ những công việc. Do vậy, khi lọc hồ sơ NTD sẽ chú ý vào khả năng mà ứng viên có thể thực hiện được thông qua các hoạt động, trải nghiệm ứng viên đã tham gia để đánh giá năng lực, tiềm năng của ứng viên và kỹ năng/ kinh nghiệm ứng viên có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không.
Và mình luôn đánh giá tiềm năng của ứng viên dựa vào sự liên quan của CV đối với với vị trí đang tuyển và những kỹ năng, kinh nghiệm.
Tận dụng “transferable skills”
Không phải bạn nào cũng làm đúng ngành mình học vậy phải làm sao để thể hiện được sự liên quan, kỹ năng/ kinh nghiệm trên CV?
Lời khuyên của mình là hãy tận dụng transferable skills.
Transferable skills là những kỹ năng có thể chuyển đổi và thích ứng với những công việc khác nhau. Ví dụ bạn từng làm cộng tác viên viết báo hoàn toàn có thể tận dụng kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của mình để chuyển sang làm nội dung trên social media cho một doanh nghiệp hoặc vị trí copywriter cho Agency truyền thông. Hay ứng viên có kỹ năng nghiên cứu, phân tích, làm việc tốt với các con số từ làm việc cho doanh nghiệp về kiểm toán, kế toán hoàn toàn có thể tận dụng điểm mạnh của mình chuyển sang làm nghiên cứu thị trường.
>>> Xem thêm: [Chia sẻ kinh nghiệm học luật] Sinh viên luật cần gì?
Về hình thức của CV
Nội dung rất quan trọng nhưng hình thức cũng quan trọng không kém, sự chuyên nghiệp, chỉnh chu của bạn được thể hiện rất rõ qua cách bạn trình bày CV. Mình đã chắt lọc một số thông tin để các bạn lưu ý về hình thức:
Nên gửi file PDF và tránh gửi file có định dạng word để tránh trường hợp lỗi phông chữ do bạn sử dụng phông chữ đặc biệt hoặc thiết bị phức tạp.
Trình bày mạch lạc, rõ ràng, tách các ý ra. Cách trình bày này sẽ giúp nhà tuyển dụng nhanh chóng đọc được thành tích, kỹ năng nổi bật của bạn và để tránh họ có thể scan hết các thông tin có trên CV của bạn mà không bị bỏ sót.
Kiểm tra lại file trước khi gửi để đảm bảo CV của bạn không bị mắc một số lỗi “vẩn vơ” nhưng đủ làm bạn bị rớt khỏi vòng CV. Một số lỗi phổ biến các CV thường mắc phải như sai chính tả, thiếu thông tin liên hệ, lỗi phông chữ.
Lưu ý nhỏ nữa mình khuyên các bạn đừng nên trình bày các bạn thể hiện các kỹ năng của mình qua thanh hoặc ô vì nó mang tính chất chủ quan, các bạn nên liệt kê các kỹ năng mình có và thể hiện những kỹ năng đó thông qua các chứng chỉ, hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm việc mà bạn tham gia.
>>> Xem thêm: Những kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên luật
Những lí do mà có thể khiến CV của bạn bị loại.
Ngoài những lỗi lầm bên trên, CV các bạn vẫn có thể bị loại bởi vô vàn các lý do khác nhau. Mình có quan sát được một số lý do thường gặp như sau:
Không phù hợp về thời gian: Công việc yêu cầu bạn có khả năng làm việc full-time nhưng bạn chỉ có thể làm part-time đương nhiên hồ sơ của bạn bị loại.
Không phù hợp về định hướng phát triển: Bạn dự định phát triển theo hướng X nhưng công ty có định hướng phát triển Y và công việc này chỉ là một bước tạm thời trong hành trình theo đuổi mục tiêu, hơn nữa công ty cần tìm người có thể cam kết lâu dài để đảm bảo sự ổn định của dự án? Loại.
Làm giả thông tin: điều này chắc chắn các bạn ai cũng hiểu rõ vì sao. Nên dù trong trường hợp nào các bạn cũng đừng nên “make up” CV nhé vì từ phía các anh chị nhân sự cũng có các mối quan hệ mật thiết trong ngành nên để check thông tin của các bạn thì vô cùng dễ dàng.
Cảm ơn các bạn đã đọc, hy vọng bài viết hữu ích với bạn!
Để lại một phản hồi Hủy