Phân tích quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng luật sư/công ty luật) theo quy định của pháp luật hiện hành.
..
Những nội dung liên quan:
- Hình thức tổ chức hành nghề luật sư
- Điều kiện, thủ tục thành lập tổ chức hành nghề luật sư
- Thủ tục thành lập & chấm dứt hoạt động văn phòng giao dịch, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư
..
Quyền của tổ chức hành nghề luật sư
Văn phòng luật sư/công ty luật có những quyền như sau:
– Thực hiện dịch vụ pháp lý nghề luật sư là nghề cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, vì vậy, thực hiện dịch vụ pháp lý là quyền cơ bản, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của tổ chức hành nghề luật sư. Theo quy định của Luật Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư được cung cấp các dịch vụ pháp lý như tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác.
– Nhận thù lao và các chi phí liên quan đến cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng Thù lao là khoản tiền bù đắp lại công sức mà luật sư bỏ ra để thực hiện dịch vụ pháp lý. Ngoài thù lao, chi phí luật sư là những khoản tiền mà luật sư cần có để sử dụng trong khi thực hiện dịch vụ pháp lý như: tiền tàu xe, lưu trú, các chi phí hợp lý khác. Khách hàng của luật sư phải thanh toán cho luật sư thù lao và chi phí thực tế khi sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư.
Tổ chức hành nghề luật sư được quyền nhận thù lao từ khách hàng và phải bảo đảm tuân thủ các quy định về thù lao và chi phí được quy định trong Luật Luật sư và trong Quy tắc đạo đức và ứng xử của nghề luật sư. Ngoài ra, tổ chức hành nghề luật sư phải bảo đảm sự công khai, minh bạch trong việc tính thù lao cho khách hàng.
– Thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư Đây là quyền cơ bản của một tổ chức, cá nhân kinh doanh được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Doanh nghiệp. Khi thuê luật sư Việt Nam hay luật sư nước ngoài cũng như nhân viên, tổ chức hành nghề luật sư phải bảo đảm các quy định của Bộ luật Lao động. Đối với luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư còn phải bảo đảm các quy định của Luật Luật sư về việc hành nghề của luật sư nước ngoài ở Việt Nam.
– Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tư vấn, giải quyết các vụ việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi được yêu cầu Đây là quyền rất đặc thù chỉ có các tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam được thực hiện. Là quyền phát sinh từ bản chất, chức năng xã hội của nghề luật sư, cũng như là quyền để tổ chức hành nghề thực hiện được vai trò, chức năng của mình trong xã hội. Trong quá trình nhà nước xây dựng các chính sách, pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư tham gia phản biện, đưa ra các ý kiến đóng góp ở khía cạnh là người áp dụng, thực hiện pháp luật bảo vệ quyền lợi của công dân, khách hàng.
– Các quyền khác bảo đảm quyền tự do kinh doanh như hợp tác với tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch trong nước; đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài, cử luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài…
Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư
Tổ chức hành nghề luật sư cũng là một tổ chức hoạt động kinh doanh vì vậy phải tuân thủ các quy định, nghĩa vụ của một tổ chức kinh doanh như kinh doanh theo đúng giấy phép, thực hiện đúng các giao kết với khách hàng, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước về thuế, phí, tài chính… Tuy nhiên, là một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý, tổ chức hành nghề luật sư có những nghĩa vụ đặc thù mà tổ chức kinh tế khác không có như:
– Cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư. Tạo điều kiện cho luật sư của tổ chức mình thực hiện trợ giúp pháp lý và tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cho luật sư. Đây là các nghĩa vụ do chức năng xã hội của luật sư quy định. Hàng năm, các luật sư phải thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý bắt buộc; tham gia bào chữa, bảo vệ trong trường hợp chỉ định. Vì vậy, tổ chức hành nghề luật sư không được từ chối hay gây khó khăn, cản trở luật sư thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
– Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
– Nhận người tập sự hành nghề luật sư và cử luật sư có đủ điều kiện hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người tập sự được tập sự, giám sát quá trình tập sự của người tập sự hành nghề luật sư. Muốn trở thành luật sư, các cá nhân phải tập sự hành nghề. Việc tập sự hành nghề luật sư chỉ hiệu quả khi tập sự trong chính tổ chức hành nghề luật sư. Ngoài ra, tránh tình trạng gây khó khăn, hạn chế sự độc quyền, triệt tiêu sự cạnh tranh, tổ chức hành nghề phải nhận, cử người hướng dẫn, giám sát việc tập sự.
– Thực hiện việc quản lý và bảo đảm cho luật sư của tổ chức mình tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Để lại một phản hồi Hủy