Site icon Hocluat.VN

Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Thẩm phán

Ở nước ta, tính độc lập khi xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm từ lâu đã là một nguyên tắc Hiến định (được ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013), được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

 

Các nội dung liên quan:

 

Trong Nhà nước pháp quyền, tính độc lập của tư pháp là một trong những đặc trưng cơ bản. Tầm quan trọng của tư pháp độc lập từ lâu đã được ghi nhận tại Điều 10 Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế năm 1948 (UDHR) ghi nhận, mọi người đều có “quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án độc lập và khách quan”. Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) thì mọi người có “quyền được xét xử công bằng, công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, công minh được thiết lập theo pháp luật”.

 

1. Nội dung cơ bản về nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm là tổng hợp các phương tiện, biện pháp về xã hội, pháp luật, kinh tế, tổ chức nhằm hạn chế và ngăn chặn những tác động vào hoạt động xét xử. Sự độc lập đó được xem là sự độc lập trên thực tế đối với các yếu tố bên ngoài và những yếu tố chủ quan của Hội thẩm và Thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ xét xử. Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử độc lập có nội dung mới là Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho tới khi kết thúc phiên tòa chứ không chỉ giới hạn bởi “khi xét xử” như quy định của Hiến pháp năm 1992. Việc quy định nghiên cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm trong công tác xét xử là đảm bảo cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.

Khi nghiên cứu hồ sơ cũng như khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm không bị phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra, không bị lệ thuộc vào cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, không phụ thuộc vào ý kiến của các cơ quan khác hay của Tòa án cấp trên. Trong quá trình xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập từ việc nhận định vụ án, diễn giải pháp luật, quyết định áp dụng pháp luật và ra bản án. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức không được can thiệp, tác động tới các thành viên của Hội đồng xét xử để buộc họ phải xét xử theo ý chí của mình. Mọi hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án đều bị coi là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng tới tính khách quan của hoạt động xét xử.

Tuy nhiên trong quá trình xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt dư luận xã hội nhưng khi ra quyết định về vụ án, Thẩm phán và Hội thẩm phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp của mình, xem xét các vấn đề của vụ án một cách độc lập, khách quan, không bị ảnh hưởng, bị ràng buộc bởi các quan điểm, ý kiến bên ngoài của vụ án. Hội đồng xét xử phải xem xét, thẩm tra, đánh giá chứng cứ và các tình tiết khác của vụ án một cách thận trọng, khoa học, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa. Quyết định của Tòa án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa.

Khi xét xử, Thẩm phán độc lập với Hội thẩm trong việc xem xét và đánh giá chứng cứ để đưa ra các kết luận của mình mà không lệ thuộc vào quan điểm, chính kiến của các thành viên khác trong Hội đồng xét xử. Đối với Hội thẩm, không một yêu cầu hay đề nghị nào của những người khác có thể làm ảnh hưởng tới việc Hội thẩm áp dụng đúng pháp luật, theo đúng nội dung và tinh thần của điều luật đối với các tình tiết của vụ án cụ thể. Về nguyên tắc, Thẩm phán không được áp đặt ý kiến đối với Hội thẩm khi xét xử. Chỉ có thành viên Hội đồng xét xử mới được tham gia nghị án, khi nghị án, Hội thẩm biểu quyết trước, Thẩm phán là người biểu quyết sau cùng. Các vấn đề của vụ án đều phải được giải quyết bằng biểu quyết và quyết định theo đa số. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ vụ án.

Xét xử độc lập không có nghĩa là xét xử tùy tiện mà việc xét xử phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong khuôn khổ của pháp luật.

Khi nghiên cứu hồ sơ, quá trình xét xử tại phiên tòa và khi nghị án, Thẩm phán và Hội thẩm phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án, không được tùy tiện, áp đặt ý chí chủ quan trong việc áp dụng pháp luật. Khi thực hiện hoạt động xét xử, hoạt động gắn liền với việc củng cố pháp chế và trật tự pháp luật thì Thẩm phán và Hội thẩm càng phải nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật. Khi xét xử các vụ án hình sự, pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự là những chuẩn mực, căn cứ để Thẩm phán và Hội thẩm xem xét, đối chiếu với sự việc xảy ra, với hành vi được đưa ra xét xử và trên cơ sở các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết về hành vi phạm tội của bị cáo, về tội danh và hình phạt được áp dụng đối với bị cáo một cách khách quan, chính xác phù hợp với diễn biến thực tế của vụ án. Khi tiến hành giải quyết các vụ án dân sự và hành chính, Thẩm phán và Hội thẩm phải căn cứ vào các quy định của pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính, từ đó đối chiếu với các tình tiết của vụ án để xác định thực tế có hành vi vi phạm pháp luật hay không, trách nhiệm pháp lý của các bên, vấn đề bồi thường…

Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là hai mặt thống nhất của một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng. Độc lập tức là tuân theo pháp luật và tuân theo pháp luật để được độc lập. Nếu chỉ tuân theo pháp luật mà không có sự độc lập thì chỉ là sự tuân theo một cách hình thức, không có hiệu quả. Điều đó thể hiện là các phán quyết trong bản án, quyết định của hội đồng xét xử phải phù hợp với mọi tình tiết khách quan của vụ án, việc xét xử phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân…; không được kết luận dựa trên ý chí chủ quan, cảm tính của cá nhân mỗi thành viên của Hội đồng xét xử.

2. Thực tiễn thực hiện nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”

Nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và tuân theo pháp luật” là nguyên tắc quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Thời gian qua việc thực hiện nguyên tắc này đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều hạn chế trong cơ chế đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm trong các quy định về tổ chức và hoạt động của Tòa án, sự hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán và Hội thẩm; vấn đề đạo đức nghề nghiệp chưa được coi trọng; chế độ đãi ngộ đối với Thẩm phán và Hội thẩm chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể:

Thứ nhất, Hội thẩm có vị trí, vai trò quan trọng đảm bảo tính dân chủ, khách quan của hoạt động xét xử, góp phần giúp việc xét xử của Tòa án diễn ra công bằng, chính xác, khách quan. Cùng với Thẩm phán, Hội thẩm là những thành viên không thể thiếu được trong hoạt động xét xử của mỗi vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế các quy định của pháp luật về địa vị pháp lý của Hội thẩm, cơ chế bầu, cử Hội thẩm và thực trạng hoạt động của Hội thẩm còn nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập  khiến việc Hội thẩm tham gia hoạt động xét xử của Tòa án còn mang tính hình thức, vẫn chưa phát huy được hết vị trí, vai trò quan trọng mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định. Qua công tác xét xử cho thấy, Hội thẩm chưa phát huy được hết quyền năng của mình, có những Hội thẩm chỉ đến nghiên cứu kết luận điều tra, bản cáo trạng hoặc có trường hợp không nghiên cứu hồ sơ nhưng vẫn tiến hành hoạt động xét xử tại Tòa án, vì vậy, Hội thẩm sẽ rơi vào tình trạng lệ thuộc, thiếu chủ động trong quá trình chứng minh tội phạm cũng như quyết định việc giải quyết vụ án, khiến cho công chúng nhìn nhận về sự tham gia của Hội thẩm chỉ là hình thức, tham gia cho đủ thành phần.

Hiện nay, pháp luật cũng chưa chính thức giao cho cơ quan nào quản lý thống nhất đội ngũ Hội thẩm của các Tòa án nhân dân. Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, hiệp thương lập danh sách Hội thẩm để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra Hội thẩm (trừ Hội thẩm quân nhân của Tòa án quân sự các cấp do cơ quan có thẩm quyền cử theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân). Trong khi đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hầu như rất ít thực hiện giám sát hoạt động của Hội thẩm do mình giới thiệu hoặc bầu ra. Tòa án chỉ quản lý Hội thẩm trong thời gian họ nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử. Hiện nay, mặc dù các địa phương có thành lập Đoàn Hội thẩm, nhưng là tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự quản.  Ngoài thời gian tham gia hoạt động xét xử, Hội thẩm sinh hoạt tại cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc địa phương nơi họ sinh sống, nên đối với một số vụ án có tính chất nhạy cảm dễ bị tác động, sức ép và dễ phát sinh tiêu cực.

Thứ hai, Thẩm phán, Hội thẩm cũng có thể bị áp lực khác tác động, khiến họ lúng túng khi tham gia xét xử như hiện tượng can thiệp của chính quyền địa phương, của Chánh án Tòa án, của tổ chức Đảng vào hoạt động xét xử. Hiến pháp hiện hành không quy định mối quan hệ hành chính giữa Tòa án các cấp, mối quan hệ giữa Tòa án các cấp là mối quan hệ tố tụng, điều này có nghĩa là không có Tòa án cấp trên và không có Tòa án cấp dưới mà chỉ có Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm, các Tòa án thực hiện chức năng giám đốc thẩm và tái thẩm và các Tòa án thực hiện chức năng xét xử độc lập với nhau.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng Tòa án cấp trên quản lý Tòa án cấp dưới cả về tổ chức, tài chính và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ. Tình trạng can thiệp từ phía lãnh đạo Tòa án vào hoạt động xét xử, trong một số trường hợp đã can thiệp sâu vào công việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm hoặc cũng có trường hợp vì lợi ích cá nhân mà Chánh án chỉ thị, định hướng cho Hội đồng xét xử. Trên thực tế, tình trạng Thẩm phán tham khảo ý kiến của lãnh đạo Toà án còn cao. Việc trao đổi ý kiến lãnh đạo về “đường lối giải quyết vụ án” vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong các thẩm phán tỉnh và huyện.

Tòa án nhân dân tối cao đã có yêu cầu nghiêm cấm sự can thiệp vào hoạt động xét xử, nhưng trên thực tế không ít Tòa án địa phương vẫn còn tồn tại cơ chế này. Tình trạng “báo cáo án”, “thỉnh thị án” đã phá vỡ nhiều nguyên tắc quản lý và nguyên tắc tư pháp trong hoạt động tòa án, như “nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập”, “nguyên tắc xét xử tập thể”, làm cho những nguyên tắc này trở nên hình thức và không được tôn trọng, làm giảm vai trò của Hội thẩm, phá vỡ nguyên tắc tính đại diện của nhân dân trong xét xử. Thẩm phán, Hội thẩm đôi khi còn chịu áp lực của công luận khi đăng tải nhiều bài viết về một vụ án chưa xét xử; chịu ảnh hưởng và tác động của bản kết luận điều tra hoặc cáo trạng khi nghiên cứu hồ sơ nên có thể không độc lập trong quá trình xem xét và đánh giá chứng cứ.

Thứ ba, không ít Thẩm phán và Hội thẩm còn lệ thuộc vào kết quả điều tra, những thông tin, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Trong nhiều trường hợp, Hội đồng xét xử tin vào kết quả điều tra có trong hồ sơ vụ án mà không coi trọng tới những ý kiến trình bày tại phiên tòa, chưa thực sự coi trọng nguyên tắc tranh tụng mà vẫn nặng về thẩm vấn, xét hỏi, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng. Do đó, phán quyết của Hội đồng xét xử còn mang tính áp đặt, còn tình trạng xét xử oan sai, trái pháp luật; bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới bị Tòa án cấp trên hủy, sửa nhiều.

Thứ tư, quy trình tuyển chọn Thẩm phán còn nhiều bất cập, việc tuyển chọn Thẩm phán không được pháp luật quy định phải công bố công khai, rộng rãi nên không tạo được tính cạnh tranh. Thực tế việc tuyển chọn Thẩm phán cơ bản là quy trình khép kín trong nội bộ ngành Tòa án, chưa có cơ chế khuyến khích những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc tuyển chọn làm Thẩm phán, vì thế không thu hút được người tài, giỏi. Hiện tại, bên cạnh những Thẩm phán được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có bề dày kinh nghiệm và kỹ năng xét xử, vẫn còn không ít Thẩm phán hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không có bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu tự tin, sợ trách nhiệm, không tự quyết định được các tình huống khi xét xử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới nguyên tắc xét xử độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm.

Thứ năm, chế độ tiền lương của Thẩm phán và chế độ, chính sách đối với Hội thẩm chưa hợp lý. Mức lương của Thẩm phán ở nước ta hiện nay là rất khiêm tốn, không đảm bảo được mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình họ. Điều này sẽ làm cho Thẩm phán không yên tâm công tác, dễ bị những tác động, cám dỗ hoặc tham nhũng khi tham gia hoạt động tố tụng. Đối với Hội thẩm, ngoài chế độ về trang phục, Hội thẩm chỉ có chế độ bồi dưỡng phiên tòa với mức 90.000 đồng/ngày nghiên cứu hồ sơ hoặc xét xử. Trong khi đó, pháp luật quy định khi tham gia xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, nhưng một số chế độ của Thẩm phán như phụ cấp công vụ, phụ cấp trách nhiệm nghề, thì Hội thẩm lại không được hưởng cũng là không hợp lý.

Pháp luật cũng chưa quy định các biện pháp bảo vệ Thẩm phán, Hội thẩm và gia đình họ trong những trường hợp cần thiết. Thực tế đã có nhiều trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm bị các đối tượng đe dọa, trả thù, thậm chí những người thân của họ cũng bị đe dọa, trả thù, vì vậy, cần phải có những quy định về bảo vệ đối với tính mạng, tài sản của Thẩm phán, Hội thẩm và gia đình họ ngoài thời gian tham gia xét xử để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ xét xử của mình, đặc biệt là xét xử những vụ án lớn, vụ án có bị cáo là đối tượng nguy hiểm.

3. Một số kiến nghị nhằm bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập

Để đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, hạn chế oan sai, tiêu cực, xét xử đúng người, đúng tội và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử, chúng ta cần làm tốt những nội dung sau:

Một là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về địa pháp lý của Hội thẩm nhằm bảo đảm sự tham gia của Hội thẩm trong hoạt động xét xử. Theo chúng tôi, cần sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng quy định thời hạn dài hơn cho một nhiệm kỳ của Hội thẩm là 07 năm. Về thành phần Hội đồng xét xử, có thể giảm số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử các vụ án dân sự, hình sự, hành chính, cụ thể là trong phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử có một Hội thẩm và hai Thẩm phán (hoặc trong trường hợp đặc biệt có hai Hội thẩm và ba Thẩm phán). Như vậy, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp của Thẩm phán, vừa bảo đảm tính nhân dân của Hội đồng xét xử. Bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp của Hội thẩm. Quy chế đạo đức nghề nghiệp của Hội thẩm sẽ quy định những yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất cần có của Hội thẩm, những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của Hội thẩm trong hoạt động tố tụng, trong quan hệ công tác, trong quan hệ với những người tiến hành tố tụng, với những người tham gia tố tụng và trong mối quan hệ hành chính…; quy định về cơ chế khen thưởng và xử lý vi phạm đối với Hội thẩm.

Hai là, xử lý nghiêm tình trạng “thỉnh thị án”, “báo cáo án” của Thẩm phán trong hoạt động xét xử. Thực trạng “trao đổi đường lối giải quyết vụ án”, “trao đổi nghiệp vụ” hay “tham khảo ý kiến” giữa Thẩm phán của Tòa án cấp dưới với Thẩm phán của Tòa án cấp trên là một thực tế đang tồn tại. Tính tiêu cực của cơ chế “thỉnh án”,“báo cáo án”, “trao đổi đường lối giải quyết vụ án với lãnh đạo Tòa án” hay “tham khảo ý kiến của Tòa án cấp trên” đã làm cho cơ cấu tổ chức của hệ thống xét xử trở nên không có ý nghĩa, làm cho chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, quyền bào chữa của công dân không được bảo đảm; phá vỡ các nguyên tắc của hoạt động tư pháp đã được hiến định, như “nguyên tắc độc lập xét xử”, “nguyên tắc xét xử tập thể” hay “nguyên tắc bảo đảm tính đại diện của nhân dân trong xét xử”, làm cho những nguyên tắc này đã trở nên hình thức và không được tôn trọng, làm giảm vai trò của Hội thẩm, phá vỡ nguyên tắc tính đại diện của nhân dân trong xét xử.

Để bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử, cần phải tách bạch được thẩm quyền quản lý hành chính và thẩm quyền tư pháp giữa Tòa án cấp trên với Tòa án cấp dưới và giữa Chánh án với Thẩm phán; phải có các cơ chế làm cho các Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Cần tăng cường tính chịu trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch của Thẩm phán và Hội thẩm trong hoạt động xét xử. Sự độc lập của tư pháp cần phải đi cùng với cơ chế trách nhiệm trong hoạt động tư pháp. Việc tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán cần công khai, minh bạch, chuẩn hóa các tiêu chuẩn đối với Thẩm phán, đồng thời có cơ chế kết hợp thi tuyển với tuyển chọn người để bổ nhiệm Thẩm phán, mở rộng nguồn bổ nhiệm để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán.

Ba là, Tòa án nhân dân tối cao cần quan tâm nhiều hơn về công tác tổng kết thực tiễn xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật cho Tòa án nhân dân các cấp. Tăng cường công tác tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, các văn bản pháp luật mới được ban hành cho Thẩm phán các cấp. Xây dựng quy chế quản lý, giám sát đối với Thẩm phán, Hội thẩm trong việc thực thi nhiệm vụ của mình; có biện pháp chế tài hành chính cụ thể đối với những trường hợp áp dụng pháp luật một cách tùy tiện theo ý chí chủ quan của Thẩm phán và Hội thẩm. Kiện toàn nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm. Nghiên cứu, xây dựng cải cách chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán, Hội thẩm phù hợp với vị trí, vai trò và đặc thù của công tác xét xử. Xây dựng chế độ tiền lương cho Thẩm phán theo thang, bậc lương riêng. Cần có những biện pháp bảo đảm an ninh nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Thẩm phán, Hội thẩm và gia đình họ khi thi hành công vụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác xét xử của Tòa án như xây dựng trụ sở, mở rộng phòng xử án, trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ và hỗ trợ cho công tác xét xử đảm bảo thực hiện các nguyên tắc tố tụng như độc lập xét xử, xét xử công khai, nguyên tắc tranh tụng… để ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét xử trong tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn)


Các tìm kiếm liên quan đến Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, trình bày nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, khái niệm nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thẩm phán và hội thẩm nhân dân chỉ độc lập khi xét xử vụ án hành chính tại phiên tòa sơ thẩm, ý nghĩa của nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập, nguyên tắc xét xử độc lập của tòa ánnội dung nguyên tắc thẩm phán hội thẩm xét xử độc lập, nguyên tắc hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự và việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này, nguyên tắc thẩm phán hội thẩm xét xử độc lập khoản 2 điều 103
5/5 - (15740 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version