Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
Một số ví dụ về quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư
VÍ DỤ 01:
Luật sư X bảo vệ quyền lợi cho khách hàng A và Luật sư Y bảo vệ quyền lợi cho khách hàng B trong một vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản”. Khi thấy yêu cầu khởi kiện của khách hàng A yếu thế hơn bên kia nên Luật sư X bàn với khách hàng của mình chi thêm tiền đưa cho Luật sư Y để Luật sư Y thuyết phục thân chủ của mình đồng ý hòa giải theo hướng có lợi cho khách hàng A.
Luật sư X nói với khách hàng A rằng Luật sư Y cũng đồng ý với gợi ý đó rồi. Khách hàng A chấp nhận chi thêm tiền để làm việc đó. Vì vậy, sau khi 2 luật sư thực hiện xong sự thỏa thuận, vụ án đã được hai bên hòa giải thành và Tòa án đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Sau đó, trong một buổi gặp nhau nói chuyện, khách hàng A cho khách hàng B biết mình đã chi thêm tiền cho Luật sư X đưa cho Luật sư Y nên vụ án mới hòa giải thành được. Khách hàng B thấy vậy, tức giận cho rằng Luật sư Y đã xâm phạm quyền lợi của mình nên đòi lại tiền thù lao và cả số tiền nhận thêm để đưa cho khách hàng A. Luật sư Y thừa nhận điều đó nhưng không trả lại tiền theo yêu cầu của khách hàng B, vì lý do Luật sư Y làm như vậy là để bảo vệ tình đoàn kết giữa anh em với nhau, có lợi cho cả hai bên.
Câu hỏi:
1. Việc hai luật sư thỏa thuận lấy tiền thêm của khách hàng để hòa giải như thế có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không? Nếu có thì vi phạm Quy tắc nào?
2. Luật sư Y có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam trong quan hệ với khách hàng không?
3. Nếu là Luật sư Y, anh/chị sẽ xử xự thế nào trong trường hợp này?
Gợi ý đáp án:
Câu 1:
Hai luật sư có vi phạm Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Hai luật sư đã vi phạm Quy tắc 21.2 của Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư 2019 “Luật sư không được thông đồng với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân bất chính”.
Câu 2:
Luật sư Y có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư Y đã vi phạm Quy tắc 9.3“Luật sư không được nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện vụ việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng”.
Câu 3:
Thương lượng và xin lỗi khách hàng.
Nếu thương lượng không được thì hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận của khách theo yêu cầu.
VÍ DỤ 02:
Văn phòng luật sư A và khách hàng B ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý với nội dung cung cấp dịch vụ luật sư bảo vệ quyền lợi cho khách hàng B trong một vụ án dân sự từ khi khởi kiện đến khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm. Số tiền thù lao hai bên thỏa thuận trọn gói là 100 triệu đồng, được thanh toán theo phương thức:
-
Thanh toán lần đầu số tiền 60 triệu ngay sau khi ký kết Hợp đồng.
-
Nếu bản án sơ thẩm bị kháng cáo, vụ án phải xét xử phúc thẩm thì ngay sau khi có Thông báo kháng cáo của Tòa án, khách hàng thanh toán số tiền 40 triệu đồng còn lại để luật sư tác nghiệp chuẩn bị cho phiên xử phúc thẩm.
Phiên xử sơ thẩm kết thúc, quyền lợi của khách hàng được Tòa án bảo vệ, nhưng bản án sơ thẩm lại bị bên khách hàng đối phương kháng cáo và Tòa án cấp sơ thẩm đã ra thông báo cho khách hàng B biết vụ án đã có kháng cáo. Theo Hợp đồng, khách hàng B phải thanh toán số tiền 40 triệu đồng cho Văn phòng luật sư A. Nhưng vì hoàn cảnh tài chính khó khăn, khách hàng B đề nghị Văn phòng luật sư A cho chậm nộp số tiền này trong thời hạn 45 ngày để chuẩn bị tiền. Văn phòng luật sư A đồng ý và hai bên lập một Phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời hạn thanh toán số tiền này là 45 ngày.
Hết thời hạn theo Phụ lục hợp đồng, Văn phòng luật sư A yêu cầu thanh toán tiền nhưng khách hàng B lại xin khất cho đến khi có thông báo ngày xét xử phúc thẩm của Tòa phúc thẩm. Văn phòng Luật sư A cũng đồng ý và chỉ yêu cầu khách hàng B viết bản cam kết trả tiền theo sự thỏa thuận đó.
Đến khi nhận được Thông báo về phiên xử phúc thẩm trước ngày xử 10 ngày, khách hàng B vẫn không thanh toán tiền, Văn phòng luật sư A ra Thông báo đơn phương chấm dứt Hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng B. Khách hàng B đến Văn phòng luật sư A cố gắng năn nỉ, nhưng không được chấp nhận, vì lý do không có gì đảm bảo khách hàng thực hiện cam kết trả tiền khi kết thúc hợp đồng.
Câu hỏi:
1. Việc ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý và điều chỉnh thời hạn trả tiền bằng Phụ lục cùng với Bản cam kết của khách hàng có phù hợp với pháp luật không? Tại sao?
2. Việc Văn phòng luật sư A quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng B có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không? Tại sao?
3. Nếu anh/chị là Trưởng văn phòng luật sư A, anh/chị sẽ giải quyết như thế nào?
Gợi ý đáp án:
Câu 1:
Việc ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý và điều chỉnh thời hạn trả tiền bằng Phụ lục và Bản cam kết của khách hàng là có phù hợp với pháp luật. Vì:
- Hình thức Hợp đồng bằng văn bản. (Quy tắc 5. Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, mức thù lao và những nội dung chính khác mà hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật).
- Hợp đồng, Phụ lục và Bản cam kết được ký với sự tự nguyện của các bên.
- Nội dung Hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Câu 2:
Việc văn phòng luật sư A đơn phương chấm dứt Hợp đồng là phù hợp với Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Vì:
Khách hàng B đã vi phạm cam kết nghĩa vụ trả tiền theo Hợp đồng, Phụ lục hợp đồng và Bản cam kết. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam cho phép trong trường hợp này, Văn phòng luật sư được đơn phương chấm dứt Hợp đồng, cụ thể được quy định tại Quy tắc 13.1.3 “Khách hàng vi phạm cam kết theo hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên không thể thỏa thuận được hoặc quan hệ giữa luật sư với khách hàng bị tổn hại không phải do lỗi của luật sư”
Căn cứ theo Quy tắc 14. Giải quyết khi luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý “Khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý theo Quy tắc 13, luật sư cần có thái độ tôn trọng khách hàng, thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện tìm luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết”.
Câu 3: (tùy theo quan điểm của các luật sư lựa chọn hướng giải quyết phù hợp)
Trước sự năn nỉ và hoàn cảnh của khách hàng, khách hàng cũng xin gia hạn việc trả tiền, thì Trưởng văn phòng cần thông cảm với khó khăn thực tế của khách hàng, không nên đơn phương chấm dứt mà tiếp tục thực hiện Hợp đồng.
Hoặc lựa chọn trên căn cứ:
Do khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, căn cứ theo Quy tắc 1.3 Văn phòng luật sư sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng. Căn cứ theo Quy tắc 14 giải quyết khi luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý “Khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý theo Quy tắc 13, luật sư cần có thái độ tôn trọng khách hàng, thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện tìm luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết”.
VÍ DỤ 03:
Nguyễn Văn C phạm tội “Buôn bán hàng cấm” bị Công an huyện X khởi tố vụ án, Viện kiểm sát nhân dân huyện X truy tố. Ông Nguyễn A Tín đến Văn phòng luật sư L và Cộng sự liên hệ đăng ký Luật sư Nguyễn Minh L bào chữa cho em mình và đã ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý với Luật sư Nguyễn Minh L, với kết quả là em trai ông Nguyễn A Tín được hưởng án treo. Luật sư L thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý với ông Tín kết quả C sẽ được hưởng án treo. Thù lao luật sư là 200.000.000 đồng.
Ngày 08/4/2014 đến ngày 13/9/2014, Luật sư Nguyễn Minh L đã ký nhận trước số tiền tổng cộng là 100.000.000 đồng từ ông Tín. Hai bên thống nhất khi có bản án sơ thẩm theo như thỏa thuận của hợp đồng thì ông Tín sẽ thanh toán cho luật sư L số tiền 100.000.000 đồng còn lại.
Kết quả phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 17/10/2014 của Tòa án nhân dân huyện X xét xử, Nguyễn Văn C bị xử phạt 02 năm tù giam. Ông Tín đã liên lạc xin gặp luật sư L để nói chuyện về việc xin nhận lại số tiền 100.000.000 đồng thì Luật sư L không đồng ý. Do quá bức xúc nên ông Tín nhiều lần trực tiếp đến văn phòng tìm luật sư L để yêu cầu được nhận lại số tiền mà Luật sư L đã nhận, nhưng Luật sư L cố tình tránh né không gặp. Ông Tín quyết định khiếu nại vụ việc đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh X, nơi Luật sư L là thành viên.
Câu hỏi:
1. Thỏa thuận sẽ bào chữa cho Nguyễn Văn C được hưởng án treo ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Luật sư Nguyễn Minh L và ông Nguyễn A Tín có vi phạm quy định của Luật luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không? Nếu có thì vi phạm quy tắc nào? Giải thích?
2. Trong buổi làm việc ngày 19/01/2015 giữa Luật sư Nguyễn Minh L và ông Nguyễn A Tín do hội đồng khen thưởng và kỷ luật của Đoàn luật sư tỉnh X chủ trì, Luật sư Nguyễn Minh L trình bày: ông đã dùng 50.000.000 đồng để lo cho C được giảm mức án so với tội danh mà C đã phạm, nếu không, C phải chịu mức án từ 3-10 năm tù giam, vì vậy ông đề nghị chỉ trả lại cho gia đình ông Tín 50.000.000 đồng.
Anh/chị có nhận định như thế nào về lời trình bày nói trên của Luật sư Nguyễn Minh L? Theo anh chị, mức độ xử lý đối với hành vi vi phạm như trên của Luật sư L như thế nào là phù hợp.
3. Theo ý kiến của anh/chị, ông Nguyễn A Tín khiếu nại vụ việc của ông Nguyễn Minh L đến Đoàn Luật sư tỉnh X là đúng hay phải khởi kiện vụ việc đến cơ quan Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Gợi ý đáp án:
Câu 1:
Luật sư Nguyễn Minh L có vi phạm quy định của Luật luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Minh L vi phạm Quy tắc 9.8 “Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư”.
Giải thích:
- Cam kết cho bị can được hưởng “án treo” nhằm mục đích nhận được khách hàng hoặc đưa tiêu chí kết quả tốt để người nhà của bị can tin tưởng, ký kết hợp đồng.
- Vi phạm nguyên tắc hành nghề luật sư: Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Câu 2:
- Không chấp nhận lời trình bày của LS. Nguyễn Minh L v/v chỉ trả lại 50 triệu đồng vì đã chi 50 triệu đồng cho chi phí chạy án cho C. Nếu có chứng cứ chứng minh LS. Nguyễn Minh chạy án thì LS. Nguyễn Minh L có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS 2015.
- Nguyễn Minh L phải hoàn trả đầy đủ số tiền 100 triệu cho ông Tín.
- Tùy theo mức độ khắc phục của LS. Nguyễn Minh L sẽ có mức độ xử lý tương ứng: Trả đủ 100 triệu đồng cho ông Tín thì có thể xử nhẹ hơn; ngược lại, nếu không tự nguyện trả lại đầy đủ số tiền cho ông Tín thì xóa tên khỏi danh sách luật sư.
Câu 3:
Ông Nguyễn A Tín khiếu nại vụ việc của LS. Nguyễn Minh L đến Đoàn luật sư tỉnh X về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp là đúng.
Đồng thời có thể khởi kiện ra TAND có thẩm quyền yêu cầu LS. Nguyễn Minh L hoàn trả lại tiền do không hoàn thành nghĩa vụ giao kết trong hợp đồng.
VÍ DỤ 04:
Luật sư S làm đại diện cho bị đơn Y trong vụ kiện tranh chấp đất đai với nguyên đơn là K với khoản thù lao đại diện là 30 triệu đồng. Ông K cho rằng ông Y đã lấn chiếm 300 m² đất của ông, thể hiện qua việc trong GCN của ông ghi 3.000 m² nhưng thực địa chỉ có 2.700 m².
Ông Y thì cho rằng bức tường rào ngăn cách giữa 2 nhà đã tồn tại trước khi K đến cư ngụ, đất bên này thuộc quyền sử dụng của ông dù ông chưa được cấp GCN do ông chưa có tiền để đo vẽ. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư S biết diện tích đất chênh lệch giữa thực địa và GCN của ông K chỉ là sai sót của số liệu đo vẽ, còn thực tế diện tích đất này do ông Y đã sử dụng từ trước khi ông K đến cư ngụ, nên yêu cầu của ông Y là có căn cứ.
Để tìm cách nhận thêm tiền từ khách hàng, luật sư S đã dọa ông Y rằng, hồ sơ của ông rất bất lợi, khó bảo vệ và phải bồi dưỡng thêm số tiền 50 triệu đồng, ngoài khoản thù lao đại diện đã thỏa thuận. Ông Y tin tưởng và chấp nhận thêm số tiền đó cho luật sư S. Kết quả là Hội đồng xét xử đã tuyên bác đơn khởi kiện của ông K vì việc khác biệt về số liệu là do cơ quan cấp giấy sai; mặt khác tại sao từ lúc cấp giấy đến nay đã gần 8 năm mà ông không khiếu nại, kiện cáo gì. Hỏi:
Câu hỏi:
1. Luật sư S có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không? Nếu có thì vi phạm quy tắc nào?
2. Trong trường hợp này, anh/chị sẽ xử lý thế nào với ông Y?
Gợi ý đáp án:
Câu 1:
Luật sư S có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư S vi phạm Quy tắc 4 “Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng”.
Câu 2: Sẽ thông báo trung thực tình hình hồ sơ cho ông Y được biết.
VÍ DỤ 05:
Khi tiếp một khách hàng nữ, luật sư A giới thiệu về mình là tiến sĩ luật, có mối quan hệ rất thân tình với cơ quan tiến hành tố tụng, thường xuyên gặp nhau trao đổi nghiệp vụ, ăn nhậu,…(9.6) Vì thế, trong khi tham gia các vụ án, luật sư có nhiều thuận lợi, có thể thuyết phục những người tiến hành tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Luật sư lấy một số ví dụ đã làm có hiệu quả để chứng mình điều mình nói. Khách hàng nghe xong, rất phấn khởi và nhờ luật sư cố gắng giúp mình. Luật sư A động viên khách hàng cứ yên tâm. Luật sư còn nói thêm: “Bà đã biết tôi có quan hệ như thế thì từ nay hãy quảng bá và giới thiệu thêm khách hàng khác cho tôi, tôi sẽ trả tiền môi giới 5% cho bà”.
Câu hỏi: Anh/chị cho biết hành vi đó của luật sư A có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư Việt Nam không? Nếu có thì vi phạm những quy tắc nào?
Gợi ý đáp án:
Luật sư A có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư A vi phạm Quy tắc 6 “Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc hoặc nhằm mục đích bất hợp pháp khác”.
VÍ DỤ 06:
Bà Trần Thị A đến Văn phòng luật sư B yêu cầu Văn phòng cử đích danh Luật sư H là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà trong vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế” mà bà là nguyên đơn. Sau khi trao đổi thỏa thuận, hai bên đồng ý mức thù lao trọn gói là 50 triệu đồng chưa bao gồm thuế VAT.
Luật sư H đã làm thủ tục tham gia tố tụng tại Tòa án. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư H liên hệ đề nghị gặp bà A để trao đổi những vấn đề trong nội dung hồ sơ. Khi gặp bà A, Luật sư H đã cố ý tạo ra thông tin rằng hồ sơ có những tình tiết rất phức tạp, có một số nhân vật cao cấp đã can thiệp vào quá trình giải quyết vụ án theo hướng bất lợi cho bà A.
Nếu không tìm cách thì phần thua sẽ thuộc về bà A. Vì vậy, Luật sư H yêu cầu bà A chi thêm khoản tiền thù lao 20 triệu đồng ngoài hợp đồng cho riêng Luật sư H để luật sư thực hiện những công việc cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà A. Lo sợ vì những thông tin do luật sư H đưa ra, bà A đồng ý trả thêm số tiền đó theo yêu cầu của Luật sư H.
Câu hỏi: anh/chị cho biết hành vi của Luật sư H có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không? Nếu có thì vi phạm quy tắc nào?
Gợi ý đáp án:
Luật sư H có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư A vi phạm Quy tắc 4 “Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng”.
VÍ DỤ 07:
Bà A đến Văn phòng luật sư X yêu cầu Văn phòng cử luật sư bào chữa cho con trai bà là bị cáo B trong vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau khi nghe bà A trình bày, Trưởng văn phòng đồng ý tiếp nhận vụ việc và đề xuất mức thù lao luật sư trọn gói là 30 triệu đồng. Trong Điều 1 của Hợp đồng dịch vụ pháp lý, Văn phòng cử Luật sư Y đảm nhận vụ việc và được bà A đồng ý.
Luật sư Y làm thủ tục, đọc hồ sơ, vào trại tạm giam gặp bị cáo. Sau khi nghiên cứu, hệ thống hồ sơ, thấy hành vi phạm tội của bị cáo chỉ là đồng phạm giúp sức với mức độ hạn chế, có nhiều tình tiết để khai thác, sử dụng, có thể đề nghị mức án dưới 3 năm.
Tình cờ, trong một lần gặp người bạn làm ở Tòa án, được biết thông tin nghiệp vụ rằng bị cáo B sẽ được hưởng án treo, Luật sư Y hẹn gặp bà A với mục đích đặt điều kiện nếu bào chữa cho con bà được hưởng án treo thì bà sẽ thưởng cho luật sư bao nhiêu? Bà A mừng và hứa sẽ thưởng cho luật sư 50 triệu đồng. Luật sư Y yêu cầu bà A làm một Giấy cam kết hứa thưởng và bà A đã làm ngay theo yêu cầu của Luật sư Y.
Luật sư Y về báo với luật sư Trưởng văn phòng nội dung giao dịch nói trên với bà A. Luật sư Trưởng văn phòng xem Giấy cam kết, thấy đúng như lời trình bày của Luật sư Y nên đồng ý và khuyên Luật sư Y cẩn thận, vì trong nội dung thỏa thuận miệng có yếu tố “cam kết bảo đảm kết quả”. Kết quả phiên tòa sơ thẩm, bị cáo B được tuyên mức án 2 năm tù và cho hưởng án treo. Bà A vui mừng và trao số tiền thưởng 50 triệu đồng theo cam kết cho Luật sư Y. Luật sư Y đưa cho luật sư Trưởng văn phòng 15 triệu đồng. Luật sư Trưởng Văn phòng không nhận số tiền đó.
Bà A vì vui mừng với kết quả án treo của con nên bà A khoe với mọi người về việc thưởng cho luật sư số tiền 50 triệu. Khoảng hơn một tháng sau, Văn phòng luật sư X nhận được một thư nặc danh tố cáo sự việc trên của Luật sư Y đến Đoàn Luật sư tỉnh N.
Câu hỏi:
1. Việc Luật sư Y đưa điều kiện bào chữa cho bị cáo B được hưởng án treo để đặt vấn đề tiền thưởng với bà A có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không? Nếu có thì vi phạm Quy tắc nào? (9.8)
2. Luật sư Trưởng văn phòng cho rằng sự thỏa thuận giữa Luật sư Y và bà A về điều kiện thưởng có yếu tố “cam kết bảo đảm kết quả” có đúng không?
Gợi ý đáp án:
Câu 1:
Luật sư Y có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư Y vi phạm các quy tắc sau đây:
- Vi phạm Quy tắc 2 Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan “Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp”.
- Vi phạm Quy tắc 5 “Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng”.
- Vi phạm Quy tắc 8 “Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư”.
Câu 2:
Luật sư Trưởng văn phòng cho rằng sự thỏa thuận giữa Luật sư Y và bà A về điều kiện thưởng có yếu tố “cam kết bảo đảm kết quả” là đúng. Căn cứ Quy tắc 9.8 “Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư” về nội dung này.
VÍ DỤ 08:
Văn phòng luật sư A (“VPLS A”) và khách hàng B ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý với nội dung cung cấp dịch vụ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng B trong một vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng kinh tế, tổng giá trị hợp đồng dịch vụ pháp lý là 200 triệu. Việc thanh toán như sau:
– Thanh toán lần đầu 100 triệu khi các bên ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý.
– Thanh toán lần 2 sau khi có kết quả vụ án, có thể hòa giải thành, bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư C (thành viên của VPLS A) đã làm việc trực tiếp với luật sư D, theo đó luật sư D sẽ tư vấn thân chủ của mình đồng ý hòa giải và thanh toán 75% tổng số tiền được yêu cầu thanh toán, đổi lại luật sư C sẽ chia % số tiền thưởng cho luật sư D.
Sau đó luật sư C đề nghị bằng lời nói nếu khách hàng B có thể nhận được ít nhất 70% tổng số tiền yêu cầu đối tác thanh toán thì sẽ thưởng 200 triệu và khách hàng đã đồng ý.
Sau khi kết thúc vụ án, Khách hàng B đã thanh toán đầy đủ 200 triệu tiền dịch vụ và 200 triệu tiền thưởng.
Câu hỏi:
1. Luật sư C có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam trong quan hệ với đồng nghiệp không? Nếu có thì vi phạm Quy tắc nào?
2. Luật sư D có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam trong quan hệ với khách hàng không? Nếu có thì vi phạm Quy tắc nào?
Gợi ý đáp án:
Câu 1:
Luật sư C có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư C vi phạm Quy tắc 21.2 “Thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân”.
Câu 2:
Luật sư D có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư D vi phạm Quy tắc 9.3 “Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng”.
VÍ DỤ 09:
Anh Hà và chị Loan và vợ chồng nhưng muốn ly hôn, cả hai tìm đến luật sư A (là bạn học cũ của cả hai) hiện là Trưởng văn phòng luật sư X để tư vấn và nhờ luật sư tham gia phiên Tòa bảo vệ quyền lợi cho cả hai. Vì anh Hà và chị Loan cho rằng mình đã có thỏa thuận được các vấn đề chung cần giải quyết.
Nhưng qua trao đổi tiếp xúc luật sư A thấy giữa vợ chồng vẫn có những bất đồng về vấn đề tài sản và có nhu cầu tìm luật sư A để tư vấn và bảo vệ cho họ. Luật sư A đề xuất, luật sư A sẽ bảo vệ cho một người, với tư cách là trưởng văn phòng Luật sư A sẽ cử một luật sư khác của Văn phòng luật sư X bảo vệ cho bên kia. Anh Hà đồng ý để luật sư A tham gia phiên tòa bảo vệ cho chị Loan, còn anh Hà sẽ được luật sư A phân công cho luật sư B của văn phòng bảo vệ.
1. Việc Luật sư A đề xuất, luật sư A sẽ bảo vệ cho một người, với tư cách là trưởng văn phòng Luật sư A sẽ cử một luật sư khác của Văn phòng luật sư X bảo vệ cho bên kia. Anh Hà đồng ý để luật sư A tham gia phiên tòa bảo vệ cho chị Loan, còn anh Hà sẽ được luật sư A phân công cho luật sư B của văn phòng bảo vệ. Theo anh chị thì việc làm này của luật sư A có đúng không? Tại sao?
Tình huống bổ sung: Trong quá trình tư vấn cho chị Loan, luật sư A đã tư vấn cho chị Loan nếu muốn được hưởng phần nhiều hơn trong khối tài sản thì cần bỏ đi giấy tờ mua nhà trước và tìm những người đã bán nhà trước đây nhờ họ xác nhận lại việc bán nhà lúc đầu cho cha mẹ chị, sau đó cha mẹ chị nhờ hai vợ chồng chứng tên hộ mà thôi.
2. Theo anh chị, việc luật sư A tư vấn cho chị Loan như vậy là đúng hay sai?
Tình huống bổ sung: sau đó giữa chị Loan và luật sư A có những bất đồng nên chị Loan có làm đơn đến Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố H là nơi có trụ sở Văn phòng của luật sư A khiếu nại về việc luật sư A đã mượn chị 300.000.000 đồng nhưng không trả, đề nghị Đoàn luật sư Thành phố H xử lý buộc luật sư A trả lại cho chị số tiền trên.
3. Theo anh/chị đề nghị của chị Loan có được Đoàn luật sư thành phố H giải quyết không? hướng giải quyết thế nào?
Gợi ý đáp án:
Câu 1:
Việc làm của luật sư A là vi phạm Luật luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Vì:
Luật sư A vi phạm điểm a khoản 1 Điều 9 Luật luật sư 2006 “Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án dân sự”.
Luật sư A vi phạm Quy tắc 11.4 Những trường hợp luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng “Vụ việc của khách hàng có xung đột về lợi ích theo quy định tại Quy tắc 15”.
“Quy tắc 15.3. Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc trong các trường hợp sau đây: 15.3.1 “Vụ việc trong đó các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau”;
Luật sư A vi phạm Quy tắc 15.3.7 “Trường hợp luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc cho khách hàng quy định tại Quy tắc 15.3 này, luật sư khác đang làm việc trong cùng tổ chức hành nghề luật sư cũng không được nhận hoặc thực hiện vụ việc, trừ trường hợp tại Quy tắc 15.3.4 và 15.3.6”.
Câu 2:
Việc luật sư A tư vấn cho chị Loan nếu muốn được hưởng phần nhiều hơn trong khối tài sản thì cần bỏ đi tờ giấy mua nhà trước và tìm những người đã bán nhà trước đây nhờ họ xác nhận lại việc bán nhà lúc đầu cho cha mẹ chị, sau đó cha mẹ chị chỉ nhờ hai vợ chồng đứng tên hộ mà thôi.
Việc luật sư A tư vấn cho chị Loan như vậy là vi phạm Luật luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư A vi phạm điểm b khoản 1 Điều 9 Luật luật sư 2006 “cố ý cung cấp tài liệu, vật chứng giả sai sự thật, xúi giục đương sự khai sai sự thật”.
Câu 3:
Việc luật sư A mượn Loan 300 triệu đồng thì đó là quan hệ dân sự. Vì vậy, đề nghị của chị Loan sẽ không được Đoàn luật sư thành phố H giải quyết.
Hướng giải quyết: chị Loan có thể khởi kiện luật sư A bằng một vụ kiện dân sự tại Tòa án nơi có văn phòng của luật sư A hoạt động hoặc nơi cư trú của luật sư A
VÍ DỤ 10:
Chị B mời luật sư X bào chữa cho chồng là A vừa bị Công an Quận N khởi tố và tạm giam về tội cướp tài sản. Hơn 1 tháng sau kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong giai đoạn điều tra thì luật sư X mới vào trại tạm giam tham gia hỏi cung. Khi vụ án chuyển qua Toà án nhân dân Quận N chờ xét xử thì chị B có mời thêm luật sư Y tham gia bào chữa cho A.
Sau khi được Tòa án cấp giấy chứng nhận bào chữa thì hôm sau luật sư Y vào trại giam gặp A, luật sư Y nói với chị B: “Luật sư X là người không có tâm, không đủ tầm để làm vụ án này, luật sư gì mà nhận rồi cả tháng không vào gặp chồng chị hay là bị Công an ghét cho nên không cho gặp. Tôi là người có danh tiếng, uy tín nhất ở đây nên chỉ cần mời hôm trước, hôm sau tôi vào gặp chồng chị ngay, chị nên làm thủ tục từ chối luật sư X, chỉ cần mình tôi bào chữa cho chồng chị là đủ rồi và đỡ rắc rối”.
Câu hỏi: Luật sư Y có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam? Nếu có thì vi phạm quy tắc nào?
Gợi ý đáp án:
Luật sư Y có vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Luật sư Y vi phạm Quy tắc 1 “Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với luật sư và nghề luật sư”.
Luật sư Y vi phạm Quy tắc 1 “Luật sư có ý thức tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư”.
Luật sư Y vi phạm Quy tắc 19 “Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp”.
Luật sư Y vi phạm Quy tắc 5.1 “So sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư này với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác”.
Luật sư Y vi phạm Quy tắc 5.2 “Xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo luật sư đồng nghiệp”.
Kính chúc Quý anh, chị thi thật tốt và đạt kết quả thi cao!
Phan Thị Kim Quyên
Một số tài liệu tham khảo về về quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư
- Đề thi môn Pháp luật về luật sư, hành nghề luật sư và Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư
- Câu hỏi bán trắc nghiệm môn Pháp luật về luật sư, hành nghề luật sư và Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư
- Tổng hợp đề thi Luật sư và hành nghề luật sư (có đáp án)
Để lại một phản hồi Hủy