Site icon Hocluat.VN

Chia sẻ kinh nghiệm học luật: Tôi học ngược như nào?

Hội những người thích Học Luật

Tại sao lại nói là học ngược. Thường thì mọi người sẽ làm từ căn cứ pháp lý rồi đi đến một sản phẩm pháp lý (hợp đồng, thư tư vấn, đơn khiếu nại, đơn khởi kiện,…). Nhưng khi học thì tôi sẽ làm ngược lại, tức là tôi kiếm một sản phẩm pháp lý rồi tôi đọc nó, xem người ta làm như nào, căn cứ ở đâu để làm được việc đó. Chính vì thế nên tôi gọi đó là học ngược.

>>> Xem thêm: 08 thói quen hàng ngày cực kỳ bổ ích cho dân luật

Bài viết được chia sẻ bởi Tài khoản facebook có tên Ket Nguyen Pháp Chế (fb.com/phapche.ketnguyen) trên Group DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT vào ngày 25/4/2021 với tựa đề: “TÔI HỌC NGƯỢC NHƯ NÀO“.

I. Giới thiệu và các nguồn tự học

Tôi thuộc kiểu người rất lười học, lười đọc sách, chỉ thích học việc trực tiếp qua sự việc. Tôi quan niệm rằng điều lý tưởng đối với một người học việc là được va vào việc, được cầm tay chỉ việc, có người hướng dẫn cách làm việc. Nhưng nếu không được hướng dẫn, không có điều kiện được cầm tay chỉ việc thì tôi chịu bó tay? Tôi cũng nhiều lần bó tay, may sao có vài lần thực sự thích cái mình muốn học nên đành HỌC NGƯỢC vì chưa có ai cầm tay chỉ việc cho mình lúc đó.

Hôm nay, tôi viết ra chia sẻ cho bạn về việc tôi học ngược kỹ năng nghiệp vụ của người tư vấn luật như nào.

Tại sao lại nói là học ngược. Thường thì mọi người sẽ làm từ căn cứ pháp lý rồi đi đến một sản phẩm pháp lý (hợp đồng, thư tư vấn, đơn khiếu nại, đơn khởi kiện,…). Nhưng khi học thì tôi sẽ làm ngược lại, tức là tôi kiếm một sản phẩm pháp lý rồi tôi đọc nó, xem người ta làm như nào, căn cứ ở đâu để làm được việc đó. Chính vì thế nên tôi gọi đó là học ngược.

>>> Xem thêm: Những kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên luật

Chia sẻ một chút về việc đi ngược lại với người khác, tôi học được tư duy này cách đây 7 năm, lúc đó đi ôn thi đại học ở một trung tâm luyện thi đại học ở Hà Nội. Ngày ấy, tôi được học một thầy dạy toán rất hay, thầy tên là Hồ Sĩ Thái. Tôi thật sự ngưỡng mộ thầy từ kiến thức, sự thành đạt, đặc biệt là cách tư duy. Thầy không dạy chúng tôi cách giải bài tập, không dạy dạng này làm như nào, dạng kia làm ra sao. Thầy dạy chúng tôi CÁCH RA ĐỀ. Khi biết được cách ra đề thì việc giải bài tập trở lên đơn giản hơn nhiều.

Cách học ngược này đã có rất nhiều người áp dụng một cách phổ biến, nhưng có thể họ không để ý về cách học ngược của họ thôi. Cách học này tôi nhận thấy rất phù hợp với bản thân mình. Tôi đã áp dụng nó từ năm 2014 – sinh viên năm 3 Đại học Luật Hà Nội.

Từ khi là sinh viên năm 3 đại học, khi nhận ra bản thân mình phải tự bơi với sự nghiệp của mình, một cách nghiêm túc, tôi bắt đầu đi học việc và tìm cách học nghiệp vụ. Sau một quãng thời gian dài bế tắc vì không biết học như nào, tôi tình cờ tìm được cách học cho mình. Tôi học online và học offline.

Nói đến học online, có thể một số bạn nghĩ rằng tôi kìm đến những lớp học trực tuyến, có người dạy, có giáo trình,… Không. Tôi tự học online, nơi học của tôi là các diễn đàn. Tôi có tham gia một nhóm trên Facebook, ngày ấy nhóm rất chất lượng, tên là “Diễn đàn những người hành nghề luật”, một số nhóm khác như “Luật sư trẻ”, “hay “Tư vấn pháp luật”. Ngoài Facebook, tôi có tham gia trên forum danluat.thuvienphapluat.vn, không chỉ tham gia online mà tôi còn tham gia hội Dân luật tổ chức thường niên.

Hàng tối, tôi vẫn lướt Facebook dạo, tôi dạo ở các nhóm đó các buổi tối, vừa chat với bạn bè, vừa tán gái vừa học. Ở trên các nhóm đó, tôi bắt gặp các câu hỏi nhờ tư vấn của những người không học luật, những câu trao đổi kiến thức, nghiệp vụ của người học, làm về luật,… Thời gian đầu, tôi đọc các bình luận, hóng câu trả lời của những người khác, âm thầm bằng cách like, ấn bật thông báo cho bài viết, tôi coi việc “chấm” của các bạn là không tôn trọng chủ bài viết. Khi đọc những bình luận đó, cách mọi người trích dẫn căn cứ pháp lý, đưa ra câu hỏi, câu trả lời cho nhau, tôi dần dần hình thành cho mình TƯ DUY PHÁP LÝ SƠ KHAI. Dần dần, khi bắt gặp những câu hỏi đó, tôi bắt đầu tìm các văn bản luật, lọc căn cứ pháp lý, đọc để đối chiếu các bình luận. Lâu lâu thì cũng bắt đầu tham gia bình luận: hỏi, trả lời các câu hỏi, bình luận, tranh luận, tư vấn dạo,…

Ở danluat.thuvienphapluat.vn cũng thế, mới đầu là vào đọc câu trả lời, rồi cũng tập tư vấn, tập trao đổi và chia sẻ, lâu thành quen và thành chuyên đi tư vấn dạo…

Đến năm 2016, sau khi tốt nghiệp, tôi ít qua lại các diễn đàn hơn, tập trung nhiều vào công việc. Chia sẻ với các bạn đường link của 2 diễn đàn tôi hay vào nhất:

– https://www.facebook.com/groups/saymengheluat

– https://danluat.thuvienphapluat.vn/

II. Phương pháp học ngược và ví dụ

Ngoài học online thì tôi tự học offline. Đối với những việc tôi chưa từng được trải qua hay tiếp xúc, nhưng nó nằm trong mối quan tâm của mình thì tôi sẽ “kiếm sản phẩm pháp lý của người khác rồi tôi đọc nó, xem người ta làm như nào, căn cứ ở đâu để làm được việc đó”. Đợi đến khi được tiếp xúc vào thì không biết đến bao giờ, nên đành học trước vậy. Học ngược qua sản phẩm pháp lý, hồ sơ, tài liệu tìm được bằng cách nào? Đọc và đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi là cách duy nhất đối với tôi. Mỗi nội dung, từng chữ, từng cách trình bày của một sản phẩm pháp lý đều có ý nghĩa của nó. Đặt câu hỏi vì sao người ta lại làm như thế? Có căn cứ pháp lý nào không? Rồi tôi lại tìm căn cứ pháp lý, tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Ngoài ra, bạn có thể tự tìm lỗi sai chủ chủ nhân sản phẩm và rút kinh nghiệm cho mình.

Ví dụ: Tôi xin được một mẫu Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông của một công ty.

(i). Việc đầu tiên tôi làm là nhìn tổng thể nó, xem người ta trình bày như nào. Rồi đặt câu hỏi vì sao người ta lại làm như thế? Có căn cứ pháp lý nào không, rồi tôi lại tìm căn cứ pháp lý trả lời cho câu hỏi trên.

(ii). Sau đó tôi sẽ xem bố cục của văn bản, tìm hiểu và bắt trước cách bố cục của người ta. Rồi đặt câu hỏi vì sao người ta lại làm như thế? Có căn cứ pháp lý nào không, rồi tôi lại tìm căn cứ pháp lý trả lời cho câu hỏi trên.

(iii). Đến chi tiết nội dung, đi từng dòng, từng chữ. Rồi đặt câu hỏi vì sao người ta lại làm như thế? Có căn cứ pháp lý nào không, rồi tôi lại tìm căn cứ pháp lý trả lời cho câu hỏi trên.

(iv). Học cách người ta thể hiện câu chữ, văn phong, dùng thuật ngữ pháp lý, ngôn ngữ trong từng ngữ cảnh. Rồi đặt câu hỏi vì sao người ta lại làm như thế? Có căn cứ pháp lý nào không, rồi tôi lại tìm căn cứ pháp lý trả lời cho câu hỏi trên….

>>> Xem thêm: Chia sẻ phương pháp học luật hiệu quả dành cho sinh viên

Về cơ bản là sẽ học ngược, đặt câu hỏi và trả lời như thế. Nhưng đối với mỗi loại sản phẩm pháp lý sẽ có những câu hỏi khác được đặt ra.

Ví dụ: Với hợp đồng sẽ đặt thêm câu hỏi về:

(i) người soạn thảo lên bố cục cho hợp đồng, các điều khoản cần thiết là gì?,

(ii) quá trình tham gia hợp đồng được thể hiện qua khung các nội dung thỏa thuận?

(iii), các quyền lợi các bên mong muốn đạt được và trong hợp đồng quy định như nào để đạt được lợi ích đó?,

(iv) các rủi ro có thể gặp phải và người soạn thảo phòng tránh rủi ro đó ra sao?,….

III. Cách tìm tài liệu để tự phân tích

Có cách học rồi, nhưng tìm sản phẩm pháp lý, hồ sơ, tài liệu không phải dễ. Không dễ nhưng cũng không quá khó. Nếu tôi có người quen, anh chị đi trước hành nghề, tôi sẽ xin sản phẩm của họ để học, hoặc xin họ những bộ hồ sơ mẫu. Một số sẽ vui vẻ cho tôi, một số sẽ xóa tên khách hàng rồi đưa tôi, một số sẽ không cho. Ai cho gì cứ nhận và cảm ơn, không cho cũng cảm ơn.

Đi xin không phải là cách duy nhất, hiện nay mạng internet quá phát triển, khai thác nó cả đời không hết. Bạn search Google cụ từ “quy chế quản lý công ty cổ phần”, số lượng kết quả và sản phẩm pháp lý bạn được tiếp cận nhiều vô kể. Quan trọng bạn có khai thác được nó hay không. Bản án thì cũng có trang web của Tòa án nhân dân tối cao rồi. Các loại văn bản khác cũng dễ dàng tìm mẫu trên mạng, nếu thật sự muốn học sâu thì bạn hoàn toàn có thể phát triển các mẫu văn bản đó dựa trên nền tảng bản thảo internet cho bạn.

>>> Xem thêm: Tổng hợp những cuốn sách hay mà dân luật nên đọc

Muốn học về hợp đồng, vào website của Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng để tìm các hợp đồng mẫu trong đó, nó là sản phẩm của những công ty có ban pháp chế nhiều người, sự tinh túy của những cái đầu rất giỏi. Dưới bài viết là hình ảnh giao diện website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Muốn học về pháp luật quản trị nội bộ doanh nghiệp, bạn có thể tìm hiểu các quy chế, quy trình làm việc của một số công ty công khai, hoặc theo dõi website của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Dưới bài viết là hình ảnh giao diện phần quan hệ cổ đông (quản trị) của Tập đoàn Vinamilk bạn có thể tham khảo về áp dụng pháp lý quản trị.

IV. Lời cảm ơn

Trên đây là những chia sẻ của tôi về học nghề, đến nay tôi vẫn áp dụng nó.

Mọi chuyện đều có cách giải quyết, quan trọng là cách nào. Học luật không khó, quan trọng là học như nào, tâm thế ra sao.

Có thể đọc xong bài viết này của tôi, sẽ nhiều bạn bắt tay vào làm ngay cách như tôi làm, sẽ có nhiều bạn thành công, sẽ không ít bạn thấy không phù hợp và rất rất nhiều bạn không làm theo, cũng sẽ có những người mỉa mai bài viết này.

Mong rằng bài viết sẽ có ích cho ai cần. Chúc những ai đọc được bài viết này sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt trong sự nghiệp.

Trân trọng!


Các tìm kiếm liên quan đến làm sao để học luật giỏi, sinh viên luật cần làm gì, phương pháp để học hiệu quả các môn học pháp luật, cách làm bài thi luật, để học tốt luật tố tụng hình sự, kỹ năng học luật, học luật cần giỏi môn gì, mẹo học luật, học luật ra làm gì

3.7/5 - (4 bình chọn)

Phản hồi

  1. Tôi có cùng suy nghĩ về cách học luật của bạn. Ta không đi quá sâu vào Lý thuyết để rồi “miên man” không biết đi về đâu khi áp dụng vào thực tiễn công việc. Học “thực tiễn cuộc sống” là nhanh và hiệu quả nhất!

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version