Đòi hỏi hình thành một ngành khoa học không những cần phải có đối tượng nghiên cứu mà còn cần thiết phải có những phương pháp nghiên cứu nhất định. Những phương pháp đó là:
Các nội dung liên quan được tìm kiếm:
- Đối tượng nghiên cứu của khoa học luật Hiến pháp
- Mối quan hệ giữa ngành luật hiến pháp và các ngành luật khác
- Cơ sở lý luận của khoa học luật hiến pháp
- Các mô hình bảo hiến phổ biến
Phương pháp biện chứng Mác- Lênin
Đây là phương pháp nghiên cứu chung cho tất cả các khoa học xã hội. Khoa học luật Hiến pháp cũng sử dụng phương pháp biện chứng Mác – Lênin khi nghiên cứu các quy phạm, chế định, quan hệ của mình, cũng như những đặc điểm, quy luật phát triển của luật Hiến pháp Việt Nam. Cụ thể khi nghiên cứu các quy phạm, chế định, quan hệ, chúng ta phải xem xét các quy phạm, chế định, quan hệ đó như những bộ phận cấu thành của luật. Vì vậy, giữa chúng phải có những mối quan hệ nhất định. Phải xem xét những mối quan hệ đó trong sự thống nhất của luật Hiến pháp, giữa các quy phạm chế định, quan hệ đó phải hỗ trợ lẫn nhau, không được mâu thuẫn đối lập nhau.
Phương pháp biện chứng Mác – Lênin cũng được sử dụng để nghiên cứu luật Nhà nước trong quá trình phát triển. Cũng như bất cứ một hiện tượng xã hội nào khác, pháp luật nói chung và luật Hiến pháp nói riêng luôn luôn biến đổi. Sự biến đổi đó nhằm đạt tới sự hoàn thiện. Vì vậy, phải nghiên cứu luật Hiến pháp Việt Nam ở những giai đoạn lịch sử khác nhau để từ đó rút ra những kết luận, những quy luật phát triển nhất định thấy được sự kế thừa và phát triển của các quy phạm, chế định luật Hiến pháp.
Phương pháp so sánh
Khi nghiên cứu, chúng ta phải so sánh các quy phạm chế định, quan hệ luật Nhà nước hiện hành với các quy phạm, chế định quan hệ tương ứng của luật Hiến pháp trước đây để thấy được mối quan hệ giữa chúng về sự giống nhau và khác nhau tính kế thừa và phát triển của các quy phạm, chế định, quan hệ đó. Qua so sánh, chúng ta có thể thấy xu hướng phát triển của các quy phạm, chế định, quan hệ luật Hiến pháp. Khi nghiên cứu, chúng ta không chỉ bó hẹp trong phạm vi các quy phạm chế định, quan hệ luật Nhà nước mà phải đối chiếu các ngành luật khác của nước ta để tìm ra mối quan hệ giữa luật Nhà nước với các ngành luật khác, vai trò của luật Hiến pháp trong hệ thống pháp luật. Chúng ta còn phải so sánh các quy phạm, chế định, quan hệ luật Hiến pháp Việt Nam với những vấn đề tương ứng của luật Hiến pháp các nước khác để thấy được đặc điểm của luật Hiến phápViệt Nam, học hỏi kinh nghiệm các nước khác đồng thời phê phán những quan điểm sai lầm về những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Hiến pháp.
Phương pháp phân tích hệ thống
Các hiện tượng xã hội và tự nhiên đều có mối liên quan mật thiết với nhau, thậm chí giữa chúng có mối tương quan chặt chẽ và ảnh hưởng lẫn nhau. Vì vậy, khi nghiên cứu bất kỳ một hiện tượng gì cho dù là hiện tượng của tự nhiên hay của xã hội đều phải đặt chúng trong mối tương quan với các hiện tượng khác. Phương pháp phân tích hệ thống là phương pháp, mà các hiện tượng được xem như một hệ thống nhất định. Hệ thống này lại là một bộ phận cấu thành của một bộ phận khác của một hệ thống lớn hơn. Hệ thống nhỏ thực hiện những chức năng nhất định trong hệ thống lớn và gắn bó với hệ thống lớn bởi nhiều quan hệ khác nhau. Phương pháp này thường được áp dụng trong khoa học xã hội nói chung và kể cả trong khoa học luật hiến pháp nói riêng. Với phương pháp này cho phép chúng ta làm sáng tỏ mối quan hệ nguyên nhân – hậu quả của đối tượng được nghiên cứu bằng cách xem xét một cách toàn diện cả về vị trí và vai trò cũng như những quan hệ nhất định trong hệ thống. Ví dụ, khi nghiên cứu các cơ quan toà án nhân dân, chúng ta phải xem như đó là một hệ thống có cơ cấu tổ chức nhất định, có cùng một chức năng và gắn bó với nhau bởi các nguyên tắc tổ chức và hoạt động. Hệ thống tổ chức các cơ quan toà án là một bộ phận hợp thành của bộ máy Nhà nước, vì vậy trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan toà án không thể vượt ra ngoài những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung. Trong hoạt động, các cơ quan toà án nhân dân có quan hệ mật thiết với các hệ thống cơ quan Nhà nước khác, chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quyền lực Nhà nước, phối hợp với các cơ quan quản lý và các cơ quan kiểm sát trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Phương pháp lịch sử
Phương pháp lịch sử đòi hỏi khi nghiên cứu chúng ta phải tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử
mà các quy phạm, chế định luật hiến pháp ra đời và tồn tại. Vì pháp luật nói chung không thể vượt ra ngoài điều kiện, kinh tế chính trị – xã hội, nên mỗi quy phạm, chế định, quan hệ luật hiến pháp in dấu ấn của một thời kỳ nhất định. Do đó chỉ có thể hiểu được nội dung, những mặt tích cực của hạn chế vấn đề được nghiên cứu trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định. Ví dụ, khi tìm hiểu Điều 1, Hiến pháp 1946: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Nếu không hiểu được hoàn cảnh lịch sử của nước ta sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta không thể hiểu được tại sao Quốc hội lại quy định như vậy. Phải chăng nhà nước ta trong giai đoạn này không mang tính giai cấp nên quyền lực Nhà nước thuộc về người nghèo và người giàu, thuộc về tất cả các giai cấp.
Phương pháp lịch sử còn giúp chúng ta thấy được sự phát triển của luật Hiến pháp gắn liền với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong những điều kiện lịch sử nhất định, giai cấp thống trị đặt ra những mục tiêu nhất định. Là công cụ đấu tranh giai cấp, pháp luật nói chung và luật Nhà nước nói riêng thể hiện một cách tập trung thống nhất trong bản chất nhà nước Việt Nam, một nhà nước của dan, do dân và vì dân.
Để lại một phản hồi Hủy