Luật Đặc xá năm 2018 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về quyền con người được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới. Xin giới thiệu một số nội dung mới được sửa đổi, bổ sung của Luật Đặc xá năm 2018.
Các nội dung liên quan:
- Những hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện luật Đặc xá 2007
- Một số nội dung lớn trong dự thảo Luật đặc xá (sửa đổi)
- Một số vấn đề về thời điểm đặc xá
- Đặc xá không chỉ là việc thực hiện chính sách nhân đạo
Luật Đặc xá năm 2018 đã thể chế hoá những quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội, bị kết án phạt tù nhằm khuyến khích họ cải tạo tốt, sớm được trở lại với cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội; Cụ thể hoá quy định về thẩm quyền đặc xá của Chủ tịch nước trong Hiến pháp; Bảo đảm tính tính thống nhất giữa nội dung Luật Đặc xá với các đạo luật khác có liên quan, nhất là pháp luật trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự. Luật Đặc xá năm 2018 do đó có một số điểm mới.
1.Về trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá (Điều 8)
Luật Đặc xá năm 2018, quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành quyết định về đặc xá; đồng thời, bổ sung quy định Tờ trình và dự thảo Quyết định về đặc xá phải được trình lên Chủ tịch nước để xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá chậm nhất là 60 ngày trước thời điểm đặc xá, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 về đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
2.Về điều kiện được đề nghị đặc xá (Điều 11)
Đặc xá được hiểu là đặc ân của người đứng đầu Nhà nước, khác với quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 của BLHS năm 2015 do Chánh án TAND quyết định. Vì vậy, Điều 11 của Luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng hơn diện đối tượng người có thể được đề nghị đặc xá so với quy định của Luật Đặc xá năm 2007 và diện người được tha tù trước thời hạn có điều kiện theo Điều 66 của BLHS; cụ thể như sau:
– Theo quy định tại Điều 66 của BLHS thì một trong những điều kiện để tha tù trước thời hạn là “phạm tội lần đầu” nhưng Luật Đặc xá năm 2018 lại không quy định điều kiện này.
– Điều 66 BLHS quy định: “Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251, 252 của Bộ luật Hình sự” thì không được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nhưng Luật Đặc xá năm 2018, đối tượng này vẫn có thể được đề nghị đặc xá như: Người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội; tội phá hoại chính sách đoàn kết; tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người của BLHS do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên về tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy của BLHS. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn về thời hạn đã chấp hành án phạt tù (phải đã chấp hành ít nhất 1/2 thời gian hình phạt tù phải thi hành đối với trường hợp tù có thời hạn; 17 năm đối với trường hợp phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. Nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù (khoản 1 Điều 11).
– Bổ sung đối tượng được đặc xá là người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để bảo đảm tính công bằng, phù hợp thực tiễn hiện nay (khoản 2 Điều 11).
– Bổ sung quy định đặc xá đối với một số trường hợp tuy chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại; chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác nhưng có thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá (điểm đ khoản 1 Điều 11; khoản 3 Điều 14).
3.Các trường hợp không đề nghị đặc xá (Điều 12)
Luật Đặc xá năm 2018 quy định đối với người đang chấp hành án nếu thuộc trường hợp: “Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự” thì không được đề nghị đặc xá. Như vậy, theo quy định này thì đối với trường hợp người đang chấp hành án có phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với họ mà đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì vẫn thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá. Quy định này phù hợp tình hình thực tiễn, bảo đảm thể hiện được đầy đủ ý nghĩa là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù.
4.Về nhiệm vụ, quyền hạn mới được bổ sung của Tòa án trong hoạt động đặc xá (khoản 3 Điều 15)
Do đối tượng đặc xá được mở rộng đối với cả trường hợp người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, nên việc lập danh sách, hồ sơ của những người này phải do Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổng hợp và chuyển cho Tổ thẩm định liên ngành. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người có đủ điều kiện đề nghị đặc xá trong trường hợp này sẽ do TANDTC hướng dẫn cụ thể sau khi Luật được Quốc hội thông qua (khoản 7 Điều 15).
5.Về đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài (Điều 19)
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Đặc xá năm 2007 về quản lý đối tượng người nước ngoài được đặc xá, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19, cụ thể: “Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân biết và đề nghị phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Quy định này là phù hợp với khoản 4 Điều 40 của Luật Thi hành án hình sự; đồng thời, cụ thể hóa chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người nước ngoài phạm tội.
6.Một số nội dung sửa đổi, bổ sung khác
6.1. Về hồ sơ đề nghị đặc xá
Luật Đặc xá năm 2018 bổ sung quy định về các tài liệu: có đơn xin miễn, giảm; văn bản thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá; văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đề nghị đặc xá là công dân để chặt chẽ và phù hợp với quy định tại Điều 10, Điều 19 của Luật.
Luật Đặc xá năm 2018 sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá; thẩm định xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá và trình Chủ tịch nước danh sách đề nghị đặc xá theo hướng cụ thể, chặt chẽ hơn so với quy định của Luật Đặc xá năm 2007 (Điều 15, Điều 16).
6.2. Quy định về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, một số bộ và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện
Qua tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007, để cụ thể hóa tư cách pháp lý của Tổ thẩm định liên ngành (giúp việc Hội đồng tư vấn đặc xá) Luật Đặc xá năm 2018 đã bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ thẩm định liên ngành tại khoản 5 Điều 3, Điều 10, Điều 15, Điều 16.
Để phù hợp với quy định của Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá năm 2018 đã bổ sung trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong công tác đặc xá tại khoản 2 Điều 9 (niêm yết Quyết định về đặc xá tại nhà tạm giữ thuộc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện); khoản 5 Điều 14, Điều 15, Điều 18.
Luật Đặc xá năm 2018 đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp (Điều 31), Bộ Ngoại giao (Điều 32) trong công tác đặc xá để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ trong việc thực hiện đặc xá; cụ thể như:
+ Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện tuyên truyền đối ngoại về công tác đặc xá; phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá đối với người được đặc xá là người nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến công tác đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá.
+ Bộ Tư pháp có trách nhiệm: tham gia Hội đồng tư vấn đặc xá; chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ, tiền, tài sản có liên quan đến phạm nhân là người phải thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, các nghĩa vụ dân sự khác hoặc được thi hành án dân sự; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức khác thực hiện các hoạt động khác liên quan đến công tác đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá.
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)
Để lại một phản hồi Hủy