Miễn hình phạt là việc Tòa án không buộc người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu hình phạt về tội phạm mà người hoặc pháp nhân thương mại đó đã thực hiện, khi có đủ các điều kiện do luật định.
Các nội dung liên quan:
- So sánh miễn hình phạt và miễn chấp hành hình phạt
- So sánh miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt
- So sánh biện pháp ngăn chặn và hình phạt
Quy định của BLHS năm 2015 về miễn hình phạt
Hiện nay, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về các trường hợp miễn hình phạt tại các điều luật: Điều 59, Điều 88 và Điều 390.
Theo Điều 59, người bị kết án có thể được miễn hình phạt nếu thỏa mãn các điều kiện sau: Phải thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của BLHS năm 2015 (tức là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và phải là người giúp sức, phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm mà có vai trò không đáng kể); người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt và người phạm tội chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, so với quy định miễn hình phạt tại Điều 54 BLHS năm 1999, thì quy định của BLHS năm 2015 được hiểu là người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 54 BLHS năm 2015, thì mới được miễn hình phạt.
Theo Điều 88 BLHS năm 2015 thì: “Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”.
Điều 390 BLHS năm 2015 quy định: Khoản 2 Điều 390 chỉ rõ: “Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.
Một số vấn đề vướng mắc và kiến nghị
Qua những phân tích nêu trên, quy định của BLHS năm 2015 về miễn hình phạt đã có sự thay đổi so với BLHS năm 1999, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập như sau:
Thứ nhất, cách thức quy định về miễn hình phạt theo Điều 59 của BLHS chưa hợp lý dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Đó là, nội dung Điều 59 nêu các điều kiện để được miễn hình phạt nhưng lại dẫn chiếu điều kiện này gián tiếp qua điều luật khác là Điều 54 quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; từ đó, tiếp tục dẫn chiếu sang khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, rồi lại dẫn chiếu ngược trở lại để xem có đáp ứng đủ điều kiện hay không. Như vậy, cách xây dựng này của nhà làm luật đã gây nên sự khó hiểu và gặp vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Thứ hai, xét về điều kiện thứ nhất để được miễn hình phạt trong Điều 59, “người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54”, thì việc sử dụng từ “và”như quy định hiện nay sẽ được hiểu là Điều 59 chỉ xác định 01 trường hợp miễn hình phạt, đó là người bị kết án có đủ các điều kiện quy định ở khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015. Cách hiểu như vậy đã thu hẹp phạm vi miễn hình phạt đối với người bị kết án, theo đó, ngoài các điều kiện người bị kết án phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ TNHS, đáng được khoan hồng đặc biệt thì họ còn phải là người phạm tội lần đầu và là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể. Như vậy, việc miễn hình phạt sẽ chỉ được áp dụng trong các vụ án có đồng phạm, trong khi có những vụ án chỉ có một bị cáo nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các tình tiết khác của vụ án thể hiện việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội là không cần thiết thì họ lại không được miễn hình phạt.
Thứ ba, quy định miễn hình phạt tại Điều 390 của BLHS năm 2015 vẫn còn chung chung, chưa rõ về việc xác định thế nào là hành động can ngăn, hạn chế tác hại của tội phạm. Hơn nữa, trong điều luật này còn quy định chung điều kiện để người không tố giác tội phạm được miễn hình phạt hoặc miễn TNHS. Tuy nhiên, chưa có sự phân biệt rõ trường hợp nào thì miễn hình phạt, trường hợp nào được miễn TNHS, bởi lẽ, mức độ đáng được hưởng sự khoan hồng của người phạm tội được miễn TNHS so với người được miễn hình phạt là khác nhau.
Thiết nghĩ, để nhận thức pháp luật được thống nhất, cần có văn bản hướng dẫn đối với từng trường hợp miễn hình phạt: Giải thích rõ như thế nào là đáng được khoan hồng đặc biệt, thế nào là hành động can ngăn, mức độ hạn chế tác hại của tội phạm được xác định như thế nào…; thống nhất quy định về điều kiện miễn hình phạt trong BLHS năm 2015 để việc áp dụng được chính xác.
Đỗ Ngọc Mai – TAQS Khu vực 1 Quân khu 3
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)
Để lại một phản hồi Hủy