Xác định thời điểm người phạm tội phải chấp hành hình phạt án treo, cải tạo không giam giữ là một vấn đề rất quan trọng trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bởi vì đó là cái mốc để xác định thời điểm họ chấp hành xong hình phạt và xác định người bị kết án được xóa án tích, tính từ lúc nào để qua đó xác định họ tái phạm cũng như đảm bảo chế tài cho việc quản lý giáo dục người chấp hành án theo quy định của Luật thi hành án hình sự… Tuy nhiên, việc xác định thời điểm này đang còn có những bất cập, cần sửa đổi.
1. Quy định của pháp luật
Án treo và cải tạo không giam giữ là một chế định pháp lý mà không phải pháp luật hình sự quốc gia nào cũng có. Nó là một dạng chế tài đặc biệt nhằm thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Mục đích của án treo, cải tạo không giam giữ nhằm trừng trị, cải tạo người phạm tội mà không buộc họ phải cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định như hình phạt tù, nhưng vẫn buộc họ phải chấp hành hình phạt này theo một cách thức nhất định và vẫn đảm bảo tính giáo dục, cải tạo người phạm tội… Tuy nhiên, trong BLHS 2015 cũng như các BLHS trước đây không qui định thời gian chấp hành các hình phạt này tính từ khi nào mà hiện nay khi áp dụng hai hình phạt này thì chỉ căn cứ vào hai Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC, đó là nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 về bổ sung bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 về hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS 2015 về án treo. Cụ thể tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐTP có qui định “Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ phải được tuyên trong phần quyết định của bản án”.
Điều 5 Nghị quyết 02/2018 qui định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách như sau:
1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.
Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
2. Bất cập trong thực tiễn
Việc căn cứ vào các quy định trên đây để tính thời gian chấp hành hình phạt của người phải thi hành án cho thấy chưa phù hợp, ở một khía cạnh nào đó còn gây bất lợi cho người chấp hành án, trái với qui định của Luật Thi hành án hình sự và không đảm bảo trong việc giám sát người chấp hành án.
2.1. Về án treo
Nếu như theo Điều 5 Nghị quyết 02/2018 trên đây thì về cơ bản thời gian chấp hành án treo tính từ khi tuyên án mà bản án đã cho hưởng án treo (bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm..). Việc qui định như vậy là trái với qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án hình sự sửa đổi bổ sung năm 2010 vì khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án hình sự qui định bản án, quyết định được thi hành là bản án, quyết định có hiệu lực và đã có quyết định thi hành án… Hơn nữa việc qui định như vậy nó còn làm cho công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án trên thực tế không thực hiện được vì khoảng thời gian từ khi tuyên án đến khi giao người bị kết án cho người được phân công giám sát giáo dục không phải là thời gian ngắn, nếu nhanh cũng phải mất 45 ngày, còn nếu không nhanh thì có thể kẻo dài hơn, chưa kể đến việc sau khi xử, bản án bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bản án bị giám đốc thì có thể kéo dài đến hàng năm. Vậy trong thời gian này ai sẽ là người quản lý, giáo dục đối với người chấp hành án.
Ví dụ: Tháng 12/01/2016 Nguyễn Văn A bị Tòa án tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng. Sau khi A bị tuyên án, A không nhất trí và đã chống án. Ngày 20/3/2016 Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm. Sau khi cấp phúc thẩm tuyên án, A tiếp tục khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, do bản án có vi phạm về trình tự thủ tục tố tụng nên hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại. Sau khi điều tra và xét xử lại thì 20/7/2017 Tòa án cấp sơ thẩm đã xử và tuyên phạt A 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách 18 tháng. Như vậy nếu theo cách tính tại khoản 5 Điều 5 Nghị quyết 02/2018 nêu trên thì thời gian chấp hành án của A đã xong và đương nhiên Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nơi A cư trú phải cấp giấy đã chấp hành xong thời gian thử thách cho A. Trong khi đó cơ quan này chưa kịp triệu tập A đến ấn định thời gian A phải có mặt tại UBND nơi A cư trú, để cam kết chấp hành án và lập hồ sơ thi hành án do đã hết thời gian (quá 18 tháng kể từ khi xét xử án sơ thẩm lần đầu). Như vậy thì cũng không giao được A cho UBND phân công người giám sát giáo dục đối với A, UBND xã cũng không thể làm hồ sơ để đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách đối với A, vì không có hồ sơ theo qui định trong giám sát, giáo dục… Trong khi đó việc cấp giấy chấp hành xong thời gian thử thách phải căn cứ vào hồ sơ do UBND được giao giám sát giáo dục lập hồ sơ trình Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trước khi hết thơi gian chấp hành án 03 ngày.
2.2.Về cải tạo không giam giữ
Theo qui định thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Như vậy khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trong thời hạn 7 ngày thì Tòa án phải ra quyết định thi hành án, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định thì Tòa án phải gửi bản án cho Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện… Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định thi hành án, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải triệu tập người chấp hành án đến và ấn định thời gian người chấp hành án có mặt tại UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục và cam kết việc chấp hành án. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày triệu tập người chấp hành án Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải giao hồ sơ cho UBND cấp xã được giao giám sát giáo dục. Như vậy theo qui định của pháp luật thì tổng thời gian kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật thì trong vòng 20 ngày là thời điểm bắt đầu tính thời gian chấp hành án đối với người phải chấp hành án cải tạo không giam giữ.
Tuy nhiên đối với các trường hợp Tòa án tuyên phạt cải tạo không giam giữ nhưng do người phải chấp hành án ở tỉnh khác và Tòa án phải ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp huyện ở tỉnh đó ra quyết định thi hành án nhưng do hồ sơ ủy thác gửi theo đường công văn bị thất lạc dẫn đến hậu quả vài tháng sau Tòa án mới nhận được và mới ra được quyết định thi hành án thì sẽ rất thiệt thòi cho người phải chấp hành án mà rõ ràng không phải do lỗi của người phải chấp hành án, nhất là đối với những người sau khi chấp hành xong cải tạo không giam giữ lại phạm tội mới và thời gian liên quan đến việc xóa án tích.
Ví dụ: Theo bản án số 45/HSST ngày 22/3/2016 Tòa án huyện A tỉnh B tuyên phạt Nguyễn Văn E 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội trộm cắp tài sản. Sau khi án có hiệu lực pháp luật Tòa án A ra quyết định thi hành án vào ngày 28/4/2016, do E cư trú ở xã X huyện Y tỉnh M nên Tòa án huyện A đã ủy thác cho Tòa án nhân dân huyện Y ra quyết định thi hành án đối với E. Do việc gửi quyết định ủy thác bị thất lạc nên ngày 30/8/2016 Tòa án nhân dân huyện Y tỉnh M mới nhận được và ra quyết định thi hành án đồng thời Cơ quan thi hành án đã tiến hành ấn định thời gian ngày 12/9/2016 A phải có mặt tại UBND xã X để chấp hành án. Sau khi A chấp hành án xong thì đến 30/7/2018 A lại tiếp tục trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000đ nhưng do A chưa được xóa án nên A bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản vì tiền án được xác định là yếu tố định tội. Như vậy, đối với vụ việc trên nếu không phải vì lý do gửi quyết định ủy thác thi hành án bị thất lạc mà rõ ràng không phải lỗi của A thì đến thời điểm phạm tội ngày 30/7/2018 A đương nhiên được xóa án tích.
3. Kiến nghị
Qua hai trường hợp cụ thể như trên, rõ ràng bộc lộ những bất cập và không phù hợp, do đó chúng tôi kiến nghị liên ngành cấp trên cần xem xét sửa đổi thời gian chấp hành án đối với người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ cho phù hợp và đảm bảo việc giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án.
Chúng tôi kiến nghị nên sửa đổi theo hướng: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày, người bị kết án phải đến Tòa án nơi kết án nhận quyết định thi hành án và bản án. Sau khi nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án thì người bị kết án có trách nhiệm nộp cho UBND cấp xã nơi người bị kết án cư trú hoặc đơn vị quân đội nơi người đó đóng quân, làm việc, để giám sát giáo dục đối với người bị kết án. Thời gian chấp hành án tính từ khi UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án của Tòa án do người chấp hành án nộp. Đồng thời UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội nơi người phải thi hành án đóng quân, cư trú có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu và Tòa án để phối hợp trong việc theo dõi, quản lý người chấp hành án.
Để lại một phản hồi Hủy