Site icon Hocluat.VN

Những trường hợp luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng

Mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng

Phân tích những trường hợp luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng được quy định trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

..

Những nội dung liên quan:

..

* Quy tắc 11.1: Khách hàng thông qua người khác yêu cầu luật sư mà luật sư biết rõ người này có biểu hiện lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng để mưu cầu lợi ích không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Trong thực tiễn hành nghề, luật sư gặp nhiều trường hợp người đến nhờ luật sư không phải là khách hàng có nhu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý, mà nhân danh đại diện cho gia đình hoặc bạn bè, thậm chí giấu danh tính và quan hệ thật sự với khách hàng. Việc người không phải là người thân thích hay có tư cách đại diện cho khách hàng đến liên hệ, luật sư qua trao đổi, nắm bắt thông tin có thể nhận diện, đánh giá mối quan hệ với khách hàng để quyết định nhận vụ việc hay không. Chẳng hạn, có một nhà báo gọi điện thoại cho luật sư, mong muốn nhờ cho gia đình của một người quen biết. Luật sư trân trọng sự giới thiệu nói trên, trao đổi và đề nghị nhà báo nói chuyện với gia đình trực tiếp liên hệ để thảo luận việc cung cấp dịch vụ pháp lý và trực tiếp ký hợp đồng.

Tuy nhiên, nội dung quy tắc này đề cập đến trường hợp khách hàng thông qua người khác yêu cầu luật sư mà luật sư biết rõ người này có biểu hiện lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng để mưu cầu lợi ích không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Trong cuộc sống và trong hành nghề, luật sư không dễ để nhận diện chính xác những “biểu hiện” lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng và thế nào là “mưu cầu lợi ích không chính đáng”.

Ví dụ 14: Sự nhầm lẫn tai hại? Trong quá trình hành nghề, có luật sư đã gặp phải trường hợp “dở khóc, dở cười”. Khi tiếp một người phụ nữ trẻ tự xưng là vợ của một Giám đốc doanh nghiệp bị bắt tạm giam, luật sư tin tưởng và nhận lời bào chữa. Cả một thời gian dài, luật sư tận tâm giúp đỡ cho khách hàng, hướng dẫn cho người phụ nữ này các thủ tục thăm nuôi, gặp mặt trong Trại tạm giam. Tuy nhiên, khi phiên tòa chuẩn bị khai mạc, bỗng một người phụ nữ lớn tuổi đến gặp luật sư, tự giới thiệu là vợ chính thức của bị cáo, trình bày với luật sư là suốt thời gian qua, người phụ nữ trẻ đến liên hệ với luật sư không phải là vợ mà là “bồ bịch”, lại còn dành suất thăm nuôi của người vợ chính thức. Luật sư vô cùng kinh ngạc vì sự kiện bất ngờ này, mặc dù người vợ không phiền trách gì, nhưng cũng làm cho luật sư suy nghĩ rất nhiều. Trong trường hợp này, khi khách hàng đến, liệu có nên đặt vấn đề kiểm tra và yêu cầu cung cấp giấy đăng ký kết hôn hay giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân? Nếu ngay từ đầu mà đặt vấn đề như vậy thì có gì không phù hợp không? Qua đây, luật sư nhận thấy, người đàn ông khách hàng đó có lẽ còn may mắn là có được một người vợ hết lòng với chồng con và ứng xử hiểu biết, còn luật sư tự rút ra được cho mình một bài học kinh nghiệm quý giá…

Thực tế thì cũng hiếm sự mạo danh khách hàng để mưu cầu lợi ích không chính đáng, nhưng không phải không có. Có trường hợp một người quen của luật sư đến liên hệ nhờ bảo vệ quyền lợi cho đương sự, sẵn sàng bỏ tiền thanh toán thù lao luật sư. Qua tìm hiểu, luật sư phát hiện là người đến liên hệ có quyền lợi trong vụ tranh chấp, muốn thông qua luật sư để đòi quyền lợi cho mình. Luật sư đã đề nghị khách hàng trực tiếp đến liên hệ và ký kết hợp đồng, từ chối nhận thù lao của người giới thiệu. Đó có thể là một cách ứng xử để tránh rơi vào tình trạng khó xử sau này.

* Quy tắc 11.2: Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của luật sư mà luật sư biết rõ khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu của người khác.

Nội dung quy tắc này đòi hỏi luật sư bằng sự nhạy cảm và hiểu biết, kinh nghiệm của mình để nhận diện yêu cầu của khách hàng có phù hợp pháp luật và liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng hay không. Trong thực tế, việc khách hàng che giấu mục đích của mình khi đến nhờ luật sư cũng thường xảy ra, họ nhân danh bảo vệ quyền lợi cho mình nhưng thực chất có thể xâm hại quyền lợi của người khác. Quy tắc này có mối liên hệ với Quy tắc 11.1, đòi hỏi luật sư cần tỉnh táo để nhận diện bản chất vụ việc, mối quan hệ của khách hàng với người có yêu cầu thật sự bị che giấu, đồng thời phân tích để khách hàng nhận biết yêu cầu của mình không phù hợp với quy định của pháp luật, có thể ảnh hưởng đến chính quyền lợi hợp pháp của họ.

* Quy tắc 11.3: Có căn cứ rõ ràng xác định khách hàng đã cung cấp chứng cứ giả hoặc yêu cầu của khách hàng trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật.

Khi tiếp nhận hồ sơ, tài liệu do khách hàng cung cấp, luật sư không phải là chuyên gia về kỹ thuật hình sự, không thể nhận biết chứng cứ, tài liệu đó có phải là thật hay bị làm giả (nhất là những giấy tờ liên quan đến chứng nhận cổ phần hay giấy tờ sở hữu tài sản). Trong thực tế, có luật sư gặp phải trường hợp, khách hàng có tranh chấp và yêu cầu đòi giá trị cổ phần là di sản thừa kế mà người chồng là cổ đông đã mất. Tài liệu, chứng cứ mà luật sư được cung cấp có đầy đủ Sổ cổ đông bản chính, giấy chứng nhận cổ phần có đóng dấu, ký tên của Giám đốc doanh nghiệp (bản sao y do Ủy ban nhân dân phường xác nhận). Khi khởi kiện ra Tòa, bên bị đơn tố cáo ra Cơ quan công an là các giấy tờ khách hàng cung cấp là giấy tờ giả, Tòa án có khả năng phải tạm đình chỉ để chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra làm rõ. Luật sư yêu cầu khách hàng cung cấp Giấy chứng nhận cổ phần bản chính nhưng khách hàng nói là khi chồng mất, lục tìm trong giấy tờ để lại, chỉ có bản sao y bản chính. Trước tình hình nói trên, luật sư cũng chưa đủ điều kiện khẳng định giấy tờ nói trên bị coi là giả mạo, nhưng liên quan đến phương án giải quyết tranh chấp, luật sư trao đổi và đề xuất với khách hàng phương án đàm phán với bị đơn.

Với thiện chí và thực tế khách hàng là người có quyền lợi thừa kế di sản của người chồng để lại, luật sư cùng khách hàng chủ động cùng bị đơn đánh giá tình hình, đi đến hòa giải thành. Tuy quyền lợi được hưởng ít hơn so với yêu cầu khởi kiện, nhưng khách hàng tránh được rủi ro khi hồ sơ chuyển sang Cơ quan điều tra. Nếu có căn cứ xác định khách hàng cung cấp chứng cứ giả, hoặc yêu cầu trái với đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật, luật sư nên khuyên khách hàng từ chối quyền lợi không chính đáng hoặc quyết định từ chối nhận vụ việc của khách hàng.

* Quy tắc 11.4: Vụ việc của khách hàng có xung đột về lợi ích theo quy định tại Quy tắc 15.

Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc của khách hàng khi có xung đột về lợi ích với khách hàng cũ của mình hoặc trong cùng một vụ việc (xem giải thích trong nội dung Quy tắc 15 về xung đột lợi ích).

5/5 - (6034 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version