Site icon Hocluat.VN

Mua bán bào thai xử lý thế nào?

Mua bán người

Thời gian gần đây, tình trạng các đối tượng tổ chức cho phụ nữ mang thai ra nước ngoài để bán bào thai hoặc con mới đẻ đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc xử lý, phần nhiều là do còn “khoảng trống” trong quy định của pháp luật.

 

Các nội dung liên quan:

 

Nhiều trường hợp, các đối tượng không chỉ bán bào thai, bán con mới đẻ mà sau đó còn xâm hại chính người mẹ, để lại nhiều hậu quả thương tâm, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Đối với hành vi tổ chức cho phụ nữ mang thai ra nước ngoài để bán bào thai hoặc con mới đẻ, theo pháp luật hình sự hiện hành, có một số điều luật liên quan trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) để xử lý như sau:

Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người 

1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Tuy nhiên, với tội danh nào, hiện nay vẫn đang có vướng mắc, khó khăn trong đường lối xử lý.

Có quan điểm cho rằng, Điều 23 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 quy định: “Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử. Nếu cha, mẹ không đi khai sinh và khai tử, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch tự xác định nội dung để ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử phải ghi rõ “trẻ chết sơ sinh”. Theo quy định này, có thể hiểu các cá nhân sinh ra và sống được từ 24 giờ trở lên được xác định là “trẻ em”. Vậy, thai nhi và trẻ sinh ra dưới 24 giờ, chưa được coi là “trẻ em” – chưa phải là người dưới 16 tuổi, nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 151 BLHS. Thai nhi cũng không phải là một bộ phận cơ thể của người mẹ nên cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 154 BLHS.

Theo quan điểm khác, để khắc phục hạn chế về cách hiểu thế nào là “trẻ em” của luật cũ, Điều 151 BLHS đã thay đổi khái niệm nội hàm từ Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (BLHS năm 1999) thành Tội mua bán người dưới 16 tuổi. Do đó, chỉ cần đứa trẻ được sinh ra, còn sống đã được coi là “người dưới 16 tuổi”. Bên cạnh đó, mặc dù hành vi dụ dỗ, thỏa thuận của đối tượng tổ chức được bắt đầu và diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng thời điểm đối tượng này nhận con và giao hết số tiền (thường là sau khi sinh), thì tội phạm mới hoàn thành. Nếu vụ việc bị phát hiện, xử lý tại thời điểm này (sau khi đứa trẻ được sinh ra) thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có đủ cơ sở để xử lý về Tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tiễn, làm được việc này là điều vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, các đối tượng thường đưa người mẹ đang mang thai ra nước ngoài, giấu ở những nơi bí mật, thậm chí đã sắp xếp người cảnh giới, canh gác, ngay sau khi sinh xong, đứa trẻ được nhanh chóng, lén lút đưa đến địa điểm khác. Do đó, cho dù các lực lượng chức năng đã thực hiện hợp tác quốc tế tốt vẫn rất khó có thể theo dõi, phát hiện, bắt quả tang vào thời điểm người mẹ sinh xong đứa trẻ để có cơ sở xử lý. Nhưng nếu vụ việc bị bắt quả tang trước thời điểm đứa trẻ được sinh ra thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ do khoảng trống mà pháp luật chưa quy định. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng bất hợp lý vì cùng một hành vi nguy hiểm, chỉ do thời điểm phát hiện, bắt quả tang khác nhau (trước và sau khi sinh ra đứa trẻ) sẽ dẫn đến kết quả hoàn toàn trái ngược: là tội phạm hoặc không vi phạm quy định nào.

Ngoài ra, đối với Tội mua bán người dưới 16 tuổi, khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 02 ngày 11/01/2019 hướng dẫn: “Người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã môi giới cho người này xin con nuôi của người vì hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện nuôi con, muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi”. Đây là chính sách hình sự hết sức nhân đạo, tuy nhiên, cũng rất dễ bị các đối tượng tổ chức bán bào thai, bán con mới đẻ lợi dụng, cố ý tạo ra “mục đích nhân đạo” nhằm trá hình cho hành vi vi phạm của mình, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Với các đối tượng có thủ đoạn tinh vi, theo dàn dựng từ trước, trong trường hợp, khi bị phát hiện xử lý, bên mua khẳng định cho hành động của mình là “vì lòng yêu trẻ”, người mẹ cho rằng do hoàn cảnh khó khănđiều kiện nuôi con không tốt bằng người muốn nhận nuôi nên cho con đi thì không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng liên quan (nếu không thể chứng minh được các điều kiện khác như “để lấy bộ phận cơ thể”, “mục đích vô nhân đạo khác”…). Theo đó, hiện tượng tổ chức mua bán bào thai, con mới đẻ càng trở nên khó kiểm soát.

Từ khó khăn, vướng mắc như nêu trên, thiết nghĩ, cần nhanh chóng bổ sung các quy định xử lý tội phạm mua bán bào thai để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi nguy hiểm này. Để nâng cao hiệu quả xử lý loại tội phạm này, hóa giải được các thủ đoạn tinh vi do đối tượng sử dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần chú trọng việc thu thập, củng cố thêm nhiều chứng cứ khác ngoài lời khai, chuyển hóa thành chứng cứ hợp pháp đối với các thông tin, tài liệu trinh sát về quá trình vi phạm, mối liên hệ của các thành viên trong đường dây (nếu có).

Về công tác phòng ngừa, các cơ quan chức năng cũng cần có sự phối hợp, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, để cảnh báo hiện tượng này đến quần chúng nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi có trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tăng cường hơn công tác theo dõi dân số, hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình, bổ túc văn hóa, định hướng, hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp với mỗi vùng, miền để nâng cao nhận thức, cải thiện, ổn định lâu dài đời sống người dân, sẽ là biện pháp hiệu quả, bền vững để đẩy lùi tình trạng bị dụ dỗ bán con.

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version