Nhằm phục vụ yêu cầu nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ công tác Hội thẩm nhân dân tại Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, chúng tôi mạnh dạn thông tin đến quý vị Hội thẩm nhân dân một số nội dung về vai trò, vị trí và những kỹ năng cơ bản trong công tác nghiệp vụ của Hội thẩm nhân dân.
I. Về địa vị pháp lý và vai trò của Hội Thẩm nhân dân trong công tác xét xử
Việc nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án được thể hiện tập trung nhất thông qua chế định về Hội thẩm nhân dân. Đây là một chế định được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013).
Bản thân chế định Hội thẩm là sự thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc”, bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án, thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 103) và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (Điều 8, 9) thì việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Như vậy, thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và địa vị pháp lý của Hội thẩm khi xét xử độc lập với Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc hiến định.
Các văn bản pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đều ghi nhận nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và Hội thẩm được xác định là một trong những người tiến hành tố tụng. Khi được phân công giải quyết vụ án thì Hội thẩm có các nhiệm vụ như: nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; tham gia xét xử các vụ án theo thủ tục sơ thẩm các loại vụ án (riêng đối với vụ án hình sự thì theo BLTTHS năm 2003 thì Hội thẩm có thể tham gia xét xử theo thủ tục phúc thẩm trong trường hợp cần thiết, BLTTHS năm 2015 thì HĐXXPT chỉ có ba Thẩm phán); tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Về số lượng Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử, pháp luật tố tụng quy định thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm: 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm; trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng thì Hội đồng xét xử có thể gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm. Về nguyên tắc xét xử, Điều 10 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số…”.
Với các quy định nêu trên thì Hội thẩm có địa vị pháp lý và vai trò rất quan trọng trong công tác xét xử, vì khi tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm, Hội thẩm chiếm đa số trong Hội đồng xét xử (2/3 hoặc 3/5) và khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán khi ra các phán quyết về vụ án. Như vậy, khi xét xử nếu ý kiến biểu quyết của các Hội thẩm là giống nhau và khác với ý kiến của Thẩm phán thì quyết định của Hội đồng xét xử phải theo ý kiến của các Hội Thẩm (đa số), mặc dù là người xét xử có tính chất chuyên nghiệp thì Thẩm phán cũng chỉ có quyền bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị Tòa án cấp trên xem xét.
Nhận thức rõ địa vị pháp lý và vai trò quan trọng của Hội thẩm trong công tác Tòa án, cũng như yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đội ngũ Hội thẩm bảo đảm về tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu giải quyết, xét xử các loại vụ án, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ (thay mặt cho Chính phủ) ban hành nhiều văn bản liên quan tới công tác Hội thẩm, như: Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-TANDTC-UBTWMTTQVN ngày 01/3/2004 của Tòa án nhân dân tối cao và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân; Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân (ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 05/2005/NQLT-TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN ngày 05/12/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và Nghị quyết số 1213/2016/UBTVQH13 ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân.
Với việc chủ động hoàn thiện về thể chế liên quan tới công tác Hội thẩm và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, tổ chức và hoạt động của Hội thẩm ngày càng ổn định và nề nếp. Các Hội thẩm đa số đều đảm bảo có trình độ hiểu biết pháp luật, nhiều người nguyên là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nghỉ hưu, một số người nhiều nhiệm kỳ tham gia công tác Hội thẩm, nên đã và đang có những đóng góp quan trọng cho công tác xét xử của Tòa án các cấp.
II. Một số vấn đề về kỹ năng tham gia xét xử của HTND
1. Những vấn đề chung của việc nghiên cứu hồ sơ vụ án
Việc cần phải làm trước khi nghiên cứu hồ sơ:
– Kiểm tra hồ sơ có đúng là hồ sơ vụ án (hoặc các hồ sơ vụ án) của phiên tòa mà mình được phân công tham gia xét xử không; đảm bảo đúng thủ tục và tính an toàn trong công tác giao nhận hồ sơ vụ án khi nghiên cứu hồ sơ;
– Xem qua hồ sơ vụ án để xác định Hội thẩm nhân dân có thuộc trường hợp bị thay đổi người tiến hành tố tụng không.
– Xác định mục đích nghiên cứu hồ sơ: Nghiên cứu hồ sơ để nắm vững nội dung vụ án, xác định các loại tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nắm bắt được diễn biến của vụ việc, nội dung các tình tiết và hệ thống các chứng cứ của vụ án, để từ đó có hướng giải quyết vụ án đúng pháp luật; xác định vụ án đã đủ điều kiện để quyết định đưa ra xét xử chưa.
– Xác định yêu cầu cụ thể khi nghiên cứu hồ sơ: Các tình tiết trong vụ án có mối liên hệ mật thiết với nhau, vì vậy cần phải nghiên cứu toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án một cách hệ thống. Trước hết cần nghiên cứu từng tài liệu riêng lẻ, sau đó so sánh các tài liệu chứng cứ để tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Trên cơ sở đó tổng hợp lại để phát hiện những điểm bất hợp lý hoặc mâu thuẫn giữa các chứng cứ, tài liệu và xác định độ tin cậy của từng tài liệu, chứng cứ. Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, phải phát hiện những vấn đề còn thiếu chứng cứ hoặc chưa rõ cần phải làm rõ. Làm rõ các quan hệ pháp luật cần giải quyết trong vụ án, những vấn đề nào thống nhất, những vẫn đề nào cần phải chứng minh làm rõ.
– Xác định thời gian nghiên cứu hồ sơ: Thông qua việc giao nhận hồ sơ vụ án, Hội thẩm nhân dân xác định thời gian cần thiết để nghiên cứu hồ sơ. Từ đó có thể trao đổi với Thẩm phán hoặc Thư ký Tòa án để bố trí thời gian, địa điểm thích hợp và cần thiết đảm bảo việc nghiên cứu hồ sơ đầy đủ hoặc các trao đổi khác khi cần thiết. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Hội thẩm nhân dân có trao đổi với Thẩm phán về các thông tin liên quan đến các văn bản pháp luật áp dụng cho việc giải quyết vụ án mà mình đang nghiên cứu và sẽ tham gia xét xử tại phiên tòa.
– Xác định phương pháp nghiên cứu hồ sơ: Tùy theo loại án (hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại hoặc hành chính…), tính chất của vụ án (phức tạp hoặc đơn giản)… lượng thời gian giành cho việc nghiên cứu hồ sơ mà Hội thẩm có phương pháp nghiên cứu hồ sơ cho phù hợp. Tuy nhiên, Hội thẩm chọn phương pháp nghiên cứu nào cũng phải đảm bảo là để nắm được nội dung của vụ án và các văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết vụ án đó.
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Hội thẩm phải ghi chép những vấn đề quan trọng có liên quan đến việc giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án hoặc những vấn đề cần làm rõ tại phiên tòa, những điều luật cần áp dụng…, để làm tài liệu khi tham gia xét hỏi tại phiên tòa.
2. Một số kỹ năng cơ bản khi nghiên cứu hồ sơ vụ án:
2.1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự.
2.1.1. Nội dung nghiên cứu:
Vụ án hình sự là tập hợp các văn bản (tài liệu) do các cơ quan tiến hành tố tụng lập theo quy định của pháp luật trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, được sắp xếp theo một trình tự nhất định nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án đúng đắn. Mỗi tài liệu chứa đựng một hoặc nhiều thông tin liên quan chặt chẽ với nhau phản ánh nội dung vụ án.
Tất cả mọi thông tin về vụ án đều phải được ghi lại dưới hình thức văn bản, sơ đồ, bản ảnh, băng đĩa hình, ghi âm theo quy định của BLTTHS và đưa vào hồ sơ vụ án, thường gồm các tài liệu sau:
– Các tài liệu về khởi tố vụ án, khởi tố bị can, như: tài liệu về nguồn tin tội phạm, biên bản người phạm tội tự thú, quyết định khởi tố vụ án …
– Các văn bản về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn: Biên bản bắt người phạm tội quả tang, lệnh tạm giữ, tạm giam; công văn xin phê chuẩn lệnh bắt, lệnh bắt, biên bản bắt; lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam; thông báo về tạm giam; quyết định truy nã; lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú…
– Các tài liệu phản ánh kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nhiệm tử thi , thực nghiệm điều tra, khám xét, thu giữ kê biên tài sản; lệnh khám xét, thu giữ vật chứng; bản ảnh hiện trường; Quyết định trưng cầu và kết luận giám định; yêu cầu định giá, kết luận của hội đồng định giá…
– Các tài liệu về lời khai của những người tham gia tố tụng: Biên bản ghi lời khai của những người bị tạm giữ, tạm giam, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền có nghĩa vụ liên quan, người làm chứng ….
– Các tài liệu về nhân thân bị can, bị cáo: Lý lịch bị can, các tài liệu về tiền án tiền sự, giấy khai sinh; giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù …
– Các tài liệu về nhân thân người bị hại: giấy khai sinh hoặc các giấy tờ chứng minh về độ tuổi của người bị hại …
– Các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án.
– Tài liệu kết thúc điều tra: Kết luận điều tra, biên bản giao nhận, thông báo kết quả điều tra cho đương sự…
– Các tài liệu truy tố: Các tài liệu Viện kiểm sát bổ sung; bản cáo trạng; biên bản giao nhận cáo trạng và giao nhận hồ sơ vụ án
– Tài liệu Tòa án bổ sung sau khi thụ lý vụ án (nếu có)
Việc nghiên cứu phải làm rõ những nội dung sau:
– Vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp Tòa án không?
– Các thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố đã đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật không?
– Hành vi của bị cáo có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm không; tội danh và điều khoản BLHS mà Viện kiểm sát truy tố có phù hợp không?
– Có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình vụ án hay không?
2.1.2. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án: Có nhiều phương pháp nghiên cứu hồ sơ. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu nào phụ thuộc vào từng vụ án cụ thể cũng như kinh nghiệm thực tiễn của Hội thẩm. Thông thường sử dụng một trong hai phương pháp sau đây:
– Phương pháp nghiên cứu theo trình tự tố tụng: Bắt đầu từ quyết định khởi tố vụ án đến kết luận điều tra, cáo trạng. Phương pháp này có ưu điểm là bảo đảm khách quan không bị chi phối bởi quan điểm của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là mất nhiều thời gian mới nắm được đầy đủ nội dung vụ án vì không tận dụng tối đa được kết quả điều tra đã được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tổng hợp khi đưa ra kết luận.
– Phương pháp nghiên cứu hồ sơ không theo trình tự tố tụng: Bắt đầu từ cáo trạng sau đó đến các tài liệu khác có trong hồ sơ theo trình tự ngược lại về mặt thời gian để kiểm tra tính xác thực và đúng đắn của quyết định truy tố. Phương pháp này có ưu điểm là tiết kiệm được thời gian vì tận dụng được kết quả nghiên cứu tổng hợp của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhưng có nhược điểm là dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát dẫn đến sự định kiến, không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án.
2.1.3. Kỹ năng cơ bản khi nghiên cứu hồ sơ hình sự:
– Kiểm tra xem hồ sơ đã đảm bảo về thủ tục tố tụng chưa, số lượng bút lục có đủ không.
– Nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ: Đối với bất cứ tài liệu, chứng cứ nào cũng phải kiểm tra để đánh giá về tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan của chúng. Việc đánh giá tổng hợp các chứng cứ về vụ án chỉ tiến hành sau khi đã nghiên cứu toàn bộ tài liệu trong vụ án. Việc nghiên cứu có thể tiến hành theo trình tự sau:
– Nghiên cứu cáo trạng: Nghiên cứu kỹ cáo trạng để nắm vững nội dung vụ án, xác định việc truy tố có căn cứ hay không? Làm rõ giới hạn của việc xét xử, cụ thể như sau:
+ Các hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo mà Viện kiểm sát đã xác định trong cáo trạng (kể cả hành vi không truy tố);
+ Các chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội.
+ Tội danh và điều khoản của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố đối với các bị cáo.
+ Những tình tiết định khung hình phạt tăng nặng, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
+ Mức độ thiệt hại và yêu cầu cụ thể về bồi thường thiệt hại (nếu có).
+ Các vấn đề liên quan đến vật chứng và xử lý vật chứng của vụ án.
– Nghiên cứu kết luận điều tra: Nghiên cứu để nắm được diễn biến tội phạm, các chứng cứ để cơ quan điều tra chứng minh tội phạm, người phạm tội; kết luận và đề nghị của cơ quan điều tra. So sánh những nội dung, quan điểm khác nhau giữa kết luận điều tra và cáo trạng.
– Nghiên cứu các lời khai của bị cáo: Đây là những chứng cứ trực tiếp để xác định sự thật của vụ án. Việc nghiên cứu lời khai của bị cáo, cần tiến hành theo trình tự lấy lời khai và cần xác định rõ những hành vi phạm tội nào bị cáo thừa nhận và hành vi nào không thừa nhận; lý do của việc thừa nhận hay không thừa nhận hoặc thay đổi lời khai; động cơ mục đích của hành vi phạm tội; mức độ ăn năn hối cải và thái độ khai báo của bị cáo trong quá trình điều tra; các điểm mâu thuẫn trong lời khai.
Lưu ý: Khi nghiên cứu các tài liệu này cần kiểm tra việc tuân thủ thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra khi lấy lời khai để đảm tính hợp pháp của chứng cứ.
– Nghiên cứu lời khai của người bị hại: Nghiên cứu lời khai của người bị hại để nắm vững diễn biến của vụ án, các hành vi mà bị cáo đã thực hiện, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại. Việc nghiên cứu này cần chú ý đến đặc điểm, thái độ tâm lý của người bị hại đối với bị cáo, đối chiếu lời khai giữa các lần để xác định sự phù hợp hay mâu thuẫn trong lời khai của họ và tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn đó.
– Nghiên cứu lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng tương tự như nghiên cứu lời khai của người bị hại.
– Nghiên cứu biên bản đối chất để có thêm cơ sở đánh giá độ tin cậy trong các lời khai còn mâu thuẫn, xác định chứng cứ nào khách quan, chứng cứ nào không khách quan.
– Nghiên cứu biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, niêm phong…: cần kiểm tra việc tuân thủ các quy định của BLTTHS về trình tự thực hiện đối với các hoạt động tố tụng này.
– Nghiên cứu kết luận giám định: Cần kiểm tra các tài liệu, đồ vật mà cơ quan giám định đã xem xét để đưa ra kết luận giám định; thẩm quyền của cơ quan giám định và tính hợp pháp của kết luận giám định.
– Nghiên cứu các tài liệu về nhân thân của bị cáo: Nhân thân của bị cáo phản ánh qua lý lịch, tiền án, tiền sự (theo tàng thư căn cước của Công an cung cấp); thành tích chiến đấu, công tác, học tập của họ trước khi phạm tội; giấy khai sinh và các tài liệu xác định về độ tuổi.
– Nghiên cứu các tài liệu khác trong hồ sơ: Như nghiên cứu biên bản giao nhận cáo trạng, giao nhận kết luận điều tra để xem thái độ của bị cáo khi nhận các tài liệu này. Nghiên cứu các biên bản xác minh, nhận xét của cơ quan, tổ chức và yêu cầu của những người tham gia tố tụng ….cũng cần thiết để làm rõ các tình tiết của vụ án.
Trên cơ sở nghiên cứu kỹ các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án rồi tổng hợp để xác định độ tin cậy của từng chứng cứ, tài liệu; các tình tiết của vụ án đã làm rõ và những điểm còn mâu thuẫn cần được làm rõ.
2.2. Nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự, lao động, kinh doanh thương mại
2.2..1. Nội dung nghiên cứu:
Hồ sơ vụ án là tài liệu tổng hợp, liên quan với nhau về vụ án. Nghiên cứu vụ án phải làm rõ được những nội dung cơ bản sau:
– Yêu cầu của đương sự: Việc giải quyết vụ án theo yêu cầu của đương sự, nên khi nghiên cứu phải xác định được các yêu cầu của đương sự; phạm vi các vấn đề đương sự yêu cầu giải quyết. Từ đó xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết, xác định thành phần đương sự trong vụ án, các chứng cứ tài liệu cần làm sáng tỏ quan hệ đó và pháp luật áp dụng để giải quyết. Yêu cầu của đơn sự thể hiện trong các văn bản tố tụng sau:
+ Đơn khởi kiện, đơn bổ sung, thay đổi, rút một phần nội dung khởi kiện, đơn phản tố;
+ Bản tự khai, Biên bản hòa giải, Biên bản công khai chứng cứ;
Lưu ý: Trong trường hợp việc bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện của đương sự không thể hiện ở các văn bản trên nhưng qua quá trình nghiên cứu, Hội thẩm nhân dân xác định được có thể hiện ở tài liệu chứng cứ khác thì cần trao đổi với Thẩm phán đươc phân công giải quyết vụ án về vấn đề này trước khi xét xử;
– Thành phần và vị trí tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án.
– Các chứng cứ, tài liệu để giải quyết vụ án: Xác định những vấn đề nào các bên đương sự thống nhất được và vấn đề nào còn mâu thuẫn để định hướng mục tiêu và phương pháp chứng minh của Hội đồng xét xử. Những vấn đề còn mâu thuẫn, chưa thống nhất được chính là những vấn đề trọng tâm cần được chứng minh trong vụ án. Mục tiêu lớn nhất của quá trình nghiên cứu hồ sơ là phải tìm ra điểm mâu thuẫn, chưa rõ ràng trong lời trình bày, trong yêu cầu của các bên để xác định trọng tâm giải quyết của vụ án.
Trong quá trình nghiên cứu chú ý các tình tiết không phải chứng minh theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, chủ yếu là những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận.
2.2.2. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án
Việc nghiên cứu phải toàn diện, nghiên cứu tất cả các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Khi nghiên cứu phải xem xét tất cả các mặt, các mối liên hệ giữa các chứng cứ, tài liệu; phải xem xét cả về hình thức và nội dung của các chứng cứ, tài liệu; việc nghiên cứu các tài liệu chứng cứ phải đặt trong mối liên hệ với các tài liệu, chứng cứ khác của hồ sơ vụ án.
Quá trình nghiên cứu, không phân biệt, không định kiến các chứng cứ do nguyên đơn hay bị đơn cung cấp, không được có định kiến trước về hướng giải quyết vụ án trước khi nghiên cứu hồ sơ.
Việc nghiên cứu hồ sơ phải được tiến hành theo một trình tự lôgic. Thông thường phải nghiên cứu từng vấn đề của vụ án và trong mỗi vấn đề thì nghiên cứu theo trình tự thời gian.
2.2.3. Kỹ năng nghiên cứu
Trước khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Hội thẩm nhân dân phải xác định quan hệ tranh chấp thuộc vụ án là gì? Theo quy định nào của pháp luật tố tụng và được pháp luật nội dung nào điều chỉnh, cụ thể ở điều luật nào? Ở điều luật đó quy định khi xác lập mối quan hệ dân sự giữa các bên thì nghĩa vụ và quyền lợi của các bên thế nào? Hình thức giao dịch phải theo tiêu chuẩn nào? Điều kiện có hiệu lực của giao dịch ra sao…
Khi tra cứu pháp luật, Hội thẩm nhân dân cần lưu ý là: Đối với hoạt động tố tụng (Luật hình thức), hành vi tố tụng thực hiện ở thời điểm nào thì theo pháp luật ở thời điểm đó và có thể phải hoặc không phải bổ sung, thay đổi theo yêu cầu của pháp luật tố tụng tại thời điểm giải quyết, xét xử vụ án; đối với các quan hệ pháp luật tranh chấp được điểu chỉnh bởi pháp luật nội dung (Bộ luật dân sự, Luật Thương mại….) thì quan hệ pháp luật xảy ra tại thời điểm nào thì áp dụng quy định pháp luật tại thời điểm đó; trường hợp có thay đổi quy định pháp luật liên quan thì phải nghiên cứu kỹ Nghị quyết thi hành văn bản pháp luật tại thời điểm xét xử, giải quyết vụ án để kiểm tra tính hồi tố của văn bản pháp luật đó.
Ví dụ 1: Đối với vụ án Tranh chấp hợp đồng vay tài sản thì quan hệ tranh chấp này được quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; được Bộ luật dân sự quy định tại các điều 463 đến 470….
Ví dụ 2: Cũng tranh chấp hợp đồng vay tài sản, nhưng việc giao dịch vay diễn ra và kết thúc trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì phải áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết….
Thông thường khi gặp phải những vấn đề này, Hội thẩm nhân dân nên trực tiếp trao đổi với Thẩm phán để làm rõ pháp luật áp dụng giải quyết vụ án;
Hồ sơ vụ án gồm nhiều chứng cứ, tài liệu. Khi nghiên cứu phải đọc và xem xét kỹ các chứng cứ, tài liệu. Quá trình nghiên cứu phải ghi chép những nội dung chính của từng chứng cứ; những vấn đề nào đã được làm rõ bởi các tài liệu, chứng cứ nào; những vấn đề nào chưa được làm rõ cần phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để làm rõ.
2.2.3.1. Nghiên cứu đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố: Nghiên cứu các yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố và các lý lẽ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu đó, làm rõ những nội dung:
– Người khởi kiện có quyền khởi kiện không, người phản tố có quyền phản tố hay không?
– Người khởi kiện, phản tố yêu cầu vấn đề gì?
– Thẩm quyền của Tòa án.
– Đương sự có yêu cầu về thời hiệu không, nếu có thì thời hiệu đối với việc giải quyết vụ án đang nghiên cứu như thế nào?
2.2.3.2. Nghiên cứu lời khai của đương sự: nghiên cứu lời khai của đương sự để xác định đối tượng chứng minh trong vụ án. Thông thường nghiên cứu lời khai của nguyên đơn trước, rồi đến lời khai của bị đơn, đến lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và các chứng cứ, tài liệu khác.
2.2.3.3. Nghiên cứu lời khai của người làm chứng: Nghiên cứu lời khai của người làm chứng để làm rõ thêm các tình tiết của vụ án, cần nghiên cứu lời khai của từng người làm chứng. Nghiên cứu lời khai của người làm chứng cần hướng đến mục đích làm rõ các vấn đề mà các đương sự đã đề xuất, yêu cầu. Cần xác định các điểm mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự để tìm kiếm trong lời khai của người làm chứng để có thể làm rõ những điểm mâu thuẫn đó.
2.2.3.4. Nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ khác liên quan đến vụ án:
Việc nghiên cứu các tài liệu này nhằm xác định tính xác thực lời khai của đương sự, người làm chứng và các tình tiết của vụ án.
Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án thì hệ thống, tóm tắt những vấn đề cơ bản của vụ án cần giải quyết.
2.3. Nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính.
2.3.1. Nội dung nghiên cứu: Hồ sơ vụ án hành chính thể hiện tình tiết, sự kiện, chứng cứ và các hoạt động tố tụng của các chủ thể tham gia vào quá trình khiếu kiện và giải quyết vụ án hành chính. Hồ sơ vụ án hành chính thường gồm các tài liệu sau:
2.3.1.1. Tập tài liệu khởi kiện và việc thu thập tài liệu, xác minh, thu thập chứng cứ đối với người khởi kiện, gồm:
– Tài liệu khởi kiện ban đầu: Đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ phía bên người khởi kiện xuất trình.
– Tài liệu chứng minh do đương sự phía người khởi kiện xuất trình.
– Các biên bản thể hiện ý kiến của các đương sự phía người khởi kiện.
2.3.1.2. Tập tài liệu thu thập từ phía người bị kiện và ý kiến trình bày của phía người bị kiện, gồm hai nhóm:
– Tài liệu, chứng cứ do phía người bị kiện xuất trình.
– Các biên bản ghi ý kiến của phía người bị kiện.
2.3.1.3. Tập tài liệu thu thập từ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (nếu có).
2.3.1.4. Tập tài liệu do Tòa án trực tiếp thu thập, xác minh.
2.3.1.5. Tập tài liệu về các thủ tục tố tụng.
2.3.2. Các vấn đề chính cần nghiên cứu
2.3.2.1. Các vấn đề tố tụng:
– Nghiên cứu tính hợp pháp của việc khởi kiện và thụ lý vụ án: Kiểm tra các điều kiện khởi kiện và thủ tục thụ lý xem người khởi kiện có quyền khởi kiện không; đối tượng khởi kiện có đúng không? Thời hiệu khởi kiện còn không? Thủ tục khởi kiện có đúng không? Có đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án không?
– Tư cách tham gia tố tụng của các đương sự.
– Các tình huống tố tụng trước khi xét xử.
2.3.2.2. Các vấn đề về nội dung:
– Quan hệ pháp luật nội dung trong khiếu kiện: Đó là các quan hệ pháp luật về quản lý hành chính nhà nước (kiện quyết định hành chính hay hành vi hành chính của ai? Về việc gì? Thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước nào).
– Yêu cầu, quan điểm của các đương sự và người tham gia tố tụng khác.
– Xác định yêu cầu khởi kiện và phạm vi giải quyết yêu cầu của người khởi kiện.
– Quan điểm của người bị kiện về yêu cầu của người khởi kiện.
– Quan điểm, yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nếu có.
– Các văn bản quy phạm pháp luật cần áp dụng để giải quyết vụ án.
– Các vấn đề cần chứng minh trong nội dung vụ án, nghĩa vụ chứng minh của đương sự và các chứng cứ.
2.3.3. Phương pháp và kỹ năng nghiên cứu
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cần phải tiến hành khách quan, toàn diện, thận trọng, kỹ lưỡng theo một trình tự lôgic nhất định; không được kết luận trước về giá trị của các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, không được định kiến trước về hướng giải quyết vụ án trước khi nghiên cứu. Nghiên cứu hồ sơ vụ án phải nghiên cứu tất cả các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và xem xét mối liên hệ giữa các tài liệu, chứng cứ đó. Thông thường nghiên cứu theo các vấn đề cần giải quyết của vụ án kết hợp với nghiên cứu các tập tài liệu do các đương sự cung cấp hoặc Tòa án thu thập theo trình tự thời gian.
Khi nghiên cứu hồ sơ phải có sự nhận định bước đầu về giá trị chứng minh của các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ thông thường gồm các thao tác sau:
– Tóm tắt nội dung vụ việc khiếu kiện và xác định yêu cầu, quan điểm của các bên đương sự.
– Nghiên cứu các yêu cầu, quan điểm của các đương sự và hệ thống các tình tiết, sự kiện, chứng cứ, căn cứ chứng minh cho yêu cầu, quan điểm của họ.
– Xác định các vấn đề cần giải quyết.
– Xác định các tình tiết cần chứng minh.
– Đánh giá chứng cứ tương ứng với tình tiết, sự kiện.
– Xác định những điểm thống nhất và mâu thuẫn giữa các tình tiết và chứng cứ.
– Nghiên cứu hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cần áp dụng để giải quyết vụ án.
– Dự kiến phương án cho việc giải quyết vụ án.
III. Giai đoạn tham gia xét xử tại phiên tòa
Sau khi được phân công tham gia Hội đồng xét xử và đã giành thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, tùy từng loại vụ án khác nhau mà Hội thẩm nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do pháp luật tố tụng quy định. Tuy có những quy định đặc thù của pháp luật tố tụng cho từng loại án cụ thể nhưng các phiên tòa đều được tiến hành như sau:
– Thủ tục bắt đầu phiên tòa;
– Hỏi (hoặc xét hỏi) tại phiên tòa;
– Tranh tụng;
– Nghị án và tuyên án.
Trước khi khai mạc phiên tòa Hội thẩm cần gặp gỡ trao đổi với Thẩm phán để thống nhất một số việc cần thiết cho phiên tòa.
1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa
– Hội thẩm nhân dân phải đảm bảo về trang phục tham gia xét xử;
– Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa là người điều khiển phiên tòa. Hội thẩm thực hiện và chấp hành theo sự điều khiển của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
– Trong khi Chủ tọa điều hành, Hội thẩm phải chú ý theo dõi để có thể bổ sung những vấn đề mà Chủ tọa phiên tòa chưa nêu hoặc nêu chưa đầy đủ. Muốn vậy, Hội thẩm nhân dân phải nắm vững các thủ tục tố tụng, các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng đối với từng loại án.
– Hội thẩm chỉ bổ sung sau khi Chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến.
– Trong trường hợp cần nhắc chủ tọa phiên tòa (khi chủ tọa đang tiến hành công việc) thì dùng bút viết chữ to lên trang giấy để trước mặt chủ tọa để chủ tọa đọc, không nên quay sang nhắc bằng lời nói hoặc cắt ngang khi thành viên khác khác trong Hội đồng xét xử đang nói.
– Tại phần này, Hội thẩm nhân dân lưu ý kỹ các yêu cầu của đương sự, người tham gia tố tụng khác, người tiến hành tố tụng khác có liên quan đến việc hoãn hay không hoãn phiên tòa để xem xét và quyết định.
2. Thủ tục hỏi (hoặc xét hỏi)
Hội thẩm nhân dân cần lưu ý là: Chủ tọa phiên tòa là người điểu khiển việc hỏi/xét hỏi và người tham gia tố tụng có nghĩa vụ trả lời cho Hội đồng xét xử. Về mặt phương pháp đối thoại (trong tất cả các phiên tòa): Hội thẩm nhân dân không dùng từ mời hay xưng hô theo các đại từ nhân xưng tình cảm (cô, dì, chú..) nên dùng câu hỏi thẳng vào vấn đề (Yêu cầu ông/ bà hoặc anh/chị trả lời cho Hội đồng xét xử những nội dung sau..). Việc cho người tham gia tố tụng phát biểu và điều hành việc đứng/ngồi của người tham gia tố tụng do Chủ tọa phiên tòa quyết định. Pháp luật tố tụng các loại chỉ quy định ai hỏi trước chứ không quy định hỏi ai trước!
2.1. Tại phiên tòa hình sự
Theo quy định của Điều 207 BLTTHS năm 2004 (tương ứng với Điều 307 của BLHS năm 2015 khi có hiệu lực) thì thứ tự hỏi như sau: Chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm. Còn việc hỏi ai trước và hỏi ai sau thì BLTTHS không quy định, mà tùy từng vụ việc cụ thể để HĐXX xác định thứ tự hỏi thế nào cho hợp lý, phụ thuộc vào tính chất vụ việc, khả năng, thái độ khai báo của các bị cáo trong vụ án.
Sau khi Chủ tọa phiên tòa hỏi, các Hội thẩm sẽ hỏi bổ sung cho phần hỏi của chủ tọa phiên tòa, nhằm làm rõ nội dung của vụ án. Cách hỏi mang tính chất nêu vấn đề và hỏi thêm những điểm mà bị cáo, các đương sự khai chưa đầy đủ hoặc còn mâu thuẫn.
Việc đặt câu hỏi có vai trò xác định sự thật của vụ án, trong đó việc tham gia hỏi/xét hỏi của Hội thẩm nhân dân là rất quan trọng, nhưng chúng tôi cho rằng không nhất thiết Hội thẩm nhân dân có tham gia hỏi mới đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mình, điều quan trọng là Hội thẩm nhân dân tập trung theo dõi, xác định những nội dung chính, quan trọng liên quan đến vụ án đã được hỏi rõ chưa, còn vấn đề nào thấy chưa rõ thì tham gia hỏi/xét hỏi để làm rõ. Câu hỏi đưa ra cần đáp ứng các yêu cầu sau:
– Câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng về nội dung và xác định về đối tượng được làm rõ. Không hỏi theo kiểu mớm cung, gợi ý câu trả lời.
– Nhìn chung không đặt các câu hỏi yêu cầu người được xét hỏi trả lời “có” hoặc “không”. Bởi vì với tâm lý sợ hãi, mất bình tĩnh của người được xét hỏi thì cách hỏi như vậy rất dễ thiếu khách quan.
2.2. Tại phiên tòa dân sự (tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại), hành chính:
Trước đây theo quy định của Điều 222 BLTTDS năm 2004 và hiện nay là Điều 249 BLTTDS năm 2015 thì việc hỏi tại phiên tòa dân sự (theo nghĩa rộng) có thay đổi. Sau khi người đại diện hợp pháp của nguyên đơn/nguyên đơn trình bày yêu cầu khởi kiện, người đại diện hợp pháp của bị đơn/ bị đơn trình bày quan điểm về việc khởi kiện của nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nhãi vụ liên quan/ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày yêu cầu độc lập…thì lần lượt nguyên đơn, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn hỏi trước, sau đó đến bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này và những người tham gia tố tụng khác hỏi trước (theo điểm a, b khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và điểm a, b khoản 1 Điều 177 Luật tố tụng hành chính 2015).
Sau khi người tham gia tố tụng hỏi xong thì Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên hỏi.
Việc xem xét vật chứng, nghe băng ghi âm, xem băng ghi hình được thực hiện ở phần này.
Hội thẩm nhân dân cần lưu ý các điều kiện tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 187 Luật tố tụng hành chính.
3. Tranh luận tại phiên tòa
3.1. Tại phiên tòa hình sự
Trình tự và nội dung phát biểu tranh luận tại phiên tòa phải thực hiện đúng theo quy định của các Điều 217, 218 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (tương ứng các Điều 320, 322 BLTTHS năm 2015 khi có hiệu lực). Đây là giai đoạn Viện kiểm sát, bị cáo, người tham gia tố tụng khác, người bào chữa cho bị cáo, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, người đại diện cho những người này đưa ra lý lẽ, chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình trong việc bị cáo có tội hay không có tội, nếu có tội thì bị cáo phạm tội gì, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ra sao. Nếu Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì quan điểm của những người tham gia phiên tòa như thế nào? Vì vậy, Thẩm phán, Hội thẩm phải để thời gian cho họ trình bày, không được cắt lời trình bày của họ (trừ trường hợp họ nói về những vấn đề không liên quan đến vụ án), nhằm bảo đảm việc tranh luận tại phiên tòa được dân chủ, bình đẳng, công khai. Tuy nhiên, mỗi vấn đề mà các bên không đồng ý chỉ nói một lần mà họ cho là quan trọng nhất.
3.2. Tại phiên tòa dân sự, hành chính:
Tranh luận tại phiên tòa là việc các đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích của họ trình bày cách đánh giá chứng cứ, quan điểm của họ về việc giải quyết vụ án và đối đáp với các bên đương sự khác để bảo vệ quan điểm của mình trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra cũng như kết quả việc hỏi tại phiên tòa.
– Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện theo quy định tại Điều 260 BLTTDS năm 2015 và Điều 188 Luật tố tụng hành chính.
– Chủ tọa phiên tòa và Hội thẩm nhân dân không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến của mình.
– Chủ tọa phiên tòa có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án hoặc những ý kiến trùng lặp đã nói rồi làm cho phiên tòa kéo dài không cần thiết.
– Qua tranh luận, nếu thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét hoặc xem xét chưa đầy đủ, cần xem xét thêm chứng cứ, sau khi các bên đã tranh luận xong, Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận tiếp đối với những vấn đề cần hỏi thêm đó (Điều 263 BLTTDS năm 2015 và Điều 192 Luật tố tụng hành chính năm 2015).
4. Nghị án và tuyên án
4.1. Tại phiên tòa hình sự
Theo quy định tại Điều 222 BLTTHS năm 2003 (Điều 326 BLTTHS năm 2015), nghị án là giai đoạn rất quan trọng. Thẩm phán, Hội thẩm phải thảo luận xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, lời khai khi xét hỏi, tranh luận, luận tội của Kiểm sát viên; lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, lời bào chữa của người bào chữa tại phiên tòa. Thẩm phán chủ động nêu từng vấn đề về tội danh; điều luật áp dụng (bao gồm điều luật về tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bồi thường dân sự, xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo…); mức hình phạt, mức bồi thường thiệt hại (thiệt hại trực tiếp, tổn thất về tinh thần…); xử lý vật chứng; án phí; quyền kháng cáo; việc bắt hoặc trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa…, để Hội đồng xét xử xem xét đánh giá và biểu quyết từng vấn đề một.
Tất cả nội dung mà Hội đồng xét xử đã thảo luận về hình phạt, điều luật áp dụng, khung hình phạt và tội danh, mức bồi thường thiệt hại…, phải được ghi cụ thể trong biên bản nghị án. Khi biểu quyết, các Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước. Nếu không có ý kiến nào chiếm đa số thì phải thảo luận và biểu quyết lại từng ý kiến của các thành viên Hội đồng xét xử đã đưa ra để xác định ý kiến chiếm đa số. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào
hồ sơ vụ án. Khi nghị án, Hội đồng xét xử phân công một thành viên ghi biên bản, sau đó các thành viên đều phải ký vào biên bản nghị án.
4.2. Tại phiên tòa dân sự, hành chính:
– Hội đồng xét xử phải thảo luận từng nội dung và giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án.
– Khi biểu quyết, Hội đồng xét xử phải biểu quyết từng vấn đề một, không được biểu quyết một lần cho toàn bộ vụ án.
– Khi nghị án Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa; kết quả việc hỏi tại phiên tòa và ý kiến của những người tham gia tố tụng, của Kiểm sát viên để quyết định.
– Biên bản nghị án phải ghi đầy đủ ý kiến đã thảo luận, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải được các thành viên Hội đồng xét xử ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án.
Trên đây là những vấn đề cơ bản về vị trí, vai trò, kỹ năng tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân. Chúng tôi tổng hợp từ các tài liệu liên quan đến hoạt động của Tòa án và kính giới thiệu để Hội thẩm nhân dân tham khảo.
Nguyễn Văn Dũng
Phó Chánh án TAND thành phố Tam Kỳ.
Để lại một phản hồi Hủy