Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (gọi chung là tố giác, tin báo về tội phạm) là nhiệm vụ quan trọng, đó là hoạt động mở đầu cho quá trình điều tra, giải quyết một vụ án hình sự.
Các nội dung liên quan:
- Kỹ năng của kiểm sát viên trong phần xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự
- Kỹ năng của Kiểm sát viên trong công tác khám nghiệm hiện trường
- Nhận dạng và kiểm sát việc nhận dạng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự
Một trong những kỹ năng quan trọng trong hoạt động kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đó là lập hồ sơ kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Việc lập hồ sơ phải được thực hiện song song trong quá trình giải quyết nhằm tiếp nhận đầy đủ nguồn tin, đảm bảo các hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra là đúng quy định tố tụng. Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Điều 10 Quyết định 169/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 về ban hành quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát hồ sơ tin báo tội phạm.
Hồ sơ kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cần có những tài liệu như sau:
– Văn bản thể hiện nguồn tố giác, tin báo về tội phạm (đơn tố giác của công dân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện,..) cùng các tài liệu, chứng cứ ban đầu được cung cấp.
– Đối với các tố giác, tin báo tội phạm do nơi khác chuyển đến để giải quyết theo thẩm quyền phải có Quyết định chuyển tố giác, tin báo tội phạm
– Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
– Quyết định phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
– Bản yêu cầu xác minh.
– Các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh (vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử, kết luận giám định, định giá tài sản, các tài liệu đồ vật khác,..).
– Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi hoặc biên bản xác định hiện trường, sơ đồ hiện trường. Văn bản đề nghị kéo dài thời hạn giải quyết tin báo của cơ quan điều tra đối với những tin báo có nhiều tình tiết phức tạp, phải xác minh tại nhiều nơi. Quyết định trưng cầu giám định; Kết luận giám định.
– Bản kết thúc điều tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra.
– Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra.
– Thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
– Văn bản đề xuất quan điểm của Kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
– Văn bản thể hiện quan điểm của Lãnh đạo Viện kiểm sát đối với kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Cơ quan điều tra.
Ngoài ra, cần trích cứu các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên nghiên cứu kỹ các quy định của tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn để lập hồ sơ kiểm sát chặt chẽ, đầy đủ, đúng quy định, đáp ứng tốt yêu cầu của nội dung Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 của Liên ngành trung ương về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Góp phần có hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Ngọc Hiệp
VKSND huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát
Để lại một phản hồi Hủy