Site icon Hocluat.VN

Buôn bán, vận chuyển ma túy giả

Tàng trữ trái phép chất ma túy

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường thì tình hình tội phạm cũng diễn biến ngày một tinh vi, phức tạp hơn, đặc biệt là các tội phạm về ma túy. Để đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đòi hỏi các nhà lập pháp cũng phải kịp thời có những chế định, chính sách phù hợp để điều chỉnh một cách hiệu quả.

Các tội phạm về ma túy trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 (BLHS 2015) được quy định tại Chương XX gồm 13 điều, từ Điều 247 đến Điều 259.

Khắc phục những nhược điểm, hạn chế trong các quy định về các tội phạm ma túy của BLHS 1999, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm hình phạt tử hình, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho việc áp dụng điều luật trong xử lý tội phạm, Chương các tội phạm về ma túy có nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:

– Tách tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS 1999) thành 04 tội danh độc lập: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội mua bán trái phép chất ma túy,  tội chiếm đoạt chất ma túy (các điều 249, 250, 251 và 252 BLHS 2015); Tách tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200 BLHS 1999) thành 02 tội danh độc lập: Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy, tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (các Điều 257, 258 BLHS 2015).

– Bổ sung các chất Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11  (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá khát (lá cây Catha edulis) vào cấu thành các tội phạm về ma túy (các điều 248, 249, 250, 251 và 252); đồng thời, bổ sung vào từng điều, khoản, điểm  có liên quan quy định mang tính khái quát là “bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định” để bao quát các trường hợp phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy;

– Để bảo đảm tính chính xác về đơn vị đo lường làm cơ sở cho việc xử lý hình sự, đối với ma túy ở thể rắn đã có sự thay thế thuật ngữ “trọng lượng” bằng thuật ngữ “khối lượng”; đối với ma túy ở thể lỏng bổ sung thuật ngữ “thể tích”; đối với trường hợp có 02 chất ma túy trở lên thay thế thuật ngữ “tổng số lượng” bằng thuật ngữ “tổng khối lượng hoặc thể tích”;

– Bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ và tội chiếm đoạt chất ma túy;

– Cụ thể hóa một số tình tiết định tội, định khung tăng nặng TNHS đối các tội phạm về ma túy.

Như vậy, có thể thấy Chương các tội phạm về ma túy trong BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, toàn diện, giúp việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất hơn.

Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác vẫn còn có một số quan điểm chưa thống nhất trong áp dụng pháp luật khi giải quyết các tội phạm về ma túy. Tác giả xin nêu vấn đề cụ thể như sau:

Trước đây, theo quy định tại tiểu mục 1.4 mục 1 Phần I của Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2015 về việc hợp nhất Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999, đó là Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999, có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 01 năm 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14 tháng 11 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ngày 24 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999, có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2015 có quy định như sau:

1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng đẻ xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau: a) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; b) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; c) Xái thuốc phiện; d) Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật. 

Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.

 Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.

 Trường hợp không thu giữ được vật chứng là chất ma túy, tiền chất nhưng có căn cứ xác định được trọng lượng chất ma túy, tiền chất mà người phạm tội đã mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh và điều khoản tương ứng.

Như vậy, căn cứ nội dung hướng dẫn ở trên thì trong giai đoạn khi áp dụng quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xử lý các tội phạm ma túy thì trong trường hợp nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.

Ví dụ: Ngày 10/01/2010, A bị bắt khi đang tham gia vận chuyển trái phép chất ma túy. Quá trình điều tra, A khai nhận A được B thuê vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Như vậy, trong ý thức A xác định hàng hóa mà A nhận vận chuyển thuê là chất ma túy. Vì vậy, dù sau đó nếu đưa đi giám định, xác định được đó không phải là chất ma túy thì hành vi phạm tội của A vẫn bị truy cứu theo quy định tại khoản 1 Điều 194 BLHS 1999.

Tuy nhiên, từ khi BLHS 2015 ra đời đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào của cơ quan có thẩm quyền thay thế nội dung hướng dẫn trong hai Thông tư liên tịch nói trên. Vì vậy, đối với việc áp dụng pháp luật vào giải quyết trường hợp cụ thể như ví dụ trên hiện còn  có các quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương.

Có quan điểm cho rằng, để giải quyết trường hợp nêu trong ví dụ trên cần áp dụng tinh thần hướng dẫn trong văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BCA, theo đó, chỉ cần xác định được người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng đó là chất ma túy thì dù khi giám định xác định được không phải là chất ma túy thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần áp dụng các quy định pháp luật hiện hành đối với trường hợp cụ thể nêu trên, nếu chất được giám định không phải là chất ma túy thì hành vi mà A thực hiện không cấu thành tội phạm. A không phạm tội trong trường hợp này kể cả trong ý thức A xác định đó là chất ma túy.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, trong nội dung Chương XX BLHS 2015 quy định các tội phạm về ma túy đều có quy định cụ thể dấu hiệu định lượng chất ma túy. Vì vậy, để xác định một người có phạm một trong các tội thuộc Chương XX BLHS 2015 hay không thì ngoài việc phải chứng minh các điều kiện cấu thành tội phạm thì phải chứng minh được chất đó phải là chất ma túy. Tức là, phải có căn cứ chính xác xác định được chất đó là chất ma túy. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc suy đoán vô tội thì: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Cụ thể hóa quy định nêu trên của Hiến pháp 2013, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung và quy định đầy đủ nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13, cụ thể như sau:

 Điều 13. Suy đoán vô tội

 Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Với quy định nêu trên, chừng nào chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội vẫn chưa bị coi là người phạm tội, nghiêm cấm các cơ quan tố tụng đối xử với họ như người phạm tội; trường hợp đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết mà vẫn không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm thì phải kết luận họ không có tội” [1].

Như vậy, đối với các tội phạm về ma túy là các tội có cấu thành vật chất, do đó, khi chưa xác định được chất được giám định là chất ma túy thì cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để xử lý, tức là không thể buộc tội người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán… theo điều khoản tương ứng được.

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)


[1] PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bảo đảm quyền con người, quyền công dân – tư tưởng xuyên suốt trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Tạp chí Tòa án nhân dân số 2 năm 2018.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version