Site icon Hocluat.VN

Chia sẻ 12 bí quyết để học tốt ở trường luật

Sinh viên luật rèn luyện kỹ năng mềm

(Ảnh minh họa - Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn - sinh viên Khoa luật - trường Đại học Vinh)

Nhiều bạn trẻ chọn luật làm sự nghiệp của mình nhưng thậm chí chưa có ý niệm gì về việc học luật. Điều có có thể làm bạn mất nhiều năm quý giá tuổi trẻ loay hoay không biết mình đang làm gì và phải làm gì. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại một số kinh nghiệm học luật môi trường đại học nhé.

 

Bài viết được nhiều người quan tâm:

 

1. ĐỌC TÀI LIỆU

Hãy đọc tất cả các tài liệu mà giảng viên yêu cầu cho môn học của mình và cả những tài liệu liên quan mà bạn có thể tìm thấy trên mạng hoặc các nguồn khác. Tất nhiên là nên đọc các tài liệu trước khi đến lớp vì một khi bị bỏ lại phía sau sẽ rất khó để có thể bắt kịp với tiến độ giảng dạy. Nếu như các bạn là sinh viên dĩ nhiên các bạn hiểu mệt mỏi và lãng phí như thế nào khi ngồi trong lớp mà không biết giảng viên đang nói gì và các bạn trong lớp đang làm gì.

2. ĐỌC VÀ PHÂN TÍCH CÁC BẢN ÁN

Hiện tại các bản án đã được công bố rộng rãi trên website: congbobanan.toaan.gov.vn. Đây là đề án của nhà nước nhằm phổ biến các chính sách pháp luật đến với người dân. Đối với dân luật đây thực sự là một nguồn dữ liệu quý giá cho việc học hành và nghiên cứu. Các bản án thường phức tạp với nhiều chi tiết. Việc sinh viên nên làm là cố tóm tắt lại nội dung vụ án với những vấn đề pháp lý cơ bản nhất. Kỹ năng nhận diện các vấn đề pháp lý trong vô vàn những dữ liệu của một vụ việc là kỹ năng vô cùng quan trọng của người hành nghề luật trong tương lai.

3. CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI ĐẾN LỚP

Xem lại những ghi chú của bạn hay các vụ án, bài tập về những vấn đề liên quan đến bài học. Việc này sẽ giúp bạn theo được bài giảng, hiểu được diễn biến, tranh luận ở lớp và không phải lo lắng hay xấu hổ khi bị giáo viên gọi trả bài.

Ảnh minh họa – Nguồn: Fb Bong Bóng Xà Phòng

4. CHỊU KHÓ ĐI HỌC

Mặc dù không ai đồng ý với việc lười biếng hay trốn học, cũng phải thừa nhận việc dậy sớm đến trường và giữ được sự tập trung trong suốt buổi học là khó khăn đối với nhiều người. Nếu bạn không đến trường chắc chắn bạn sẽ mất nhiều thời gian để ôn thi hơn người khác. Thầy cô giáo thường nhấn mạnh ở những nội dung quan trọng và liên quan đến đề thi. Bằng việc đi học và nghe giảng tập trung bạn sẽ có thể tự giới hạn nội dung học thay vì tự mày mò và ôn tập dàn trải mỗi khi mùa thi đến.

5. THAM GIA TÍCH CỰC VÀO BÀI HỌC

Đi kèm với những buổi thuyết giảng chắc chắn sẽ có những buổi thuyết trình, tranh luận và nhiều cơ hội tương tác với giảng viên và những người học khác. Chỉ khi tham gia tích cực và bày tỏ quan điểm của bạn thì những người khác và giảng viên mới có thể biết mình suy nghĩ đúng hay sai và điều chỉnh. Ngoài ra việc phát biểu thường xuyên cũng giúp bạn cải thiện nhiều kĩ năng quan trọng như nói chuyện trước đám đông , kỹ năng trình bày hay tư duy phản biện.

Ảnh minh họa – Nguồn: Facebook – CLB Luật Gia Trẻ

6. GHI CHÉP TẠI LỚP

Đừng cố gắng ghi lại tất cả những gì giáo viên nói mà hãy tham gia tích cực hơn vào bài học. Tuy nhiên khi nhận thấy được một điều tâm đắc nào thì hãy note nhanh lại những nôi dung đó bằng ngôn ngữ và với cách nghĩ của bạn.  Việc tự mình ghi chép lại sẽ giúp tạo ấn tượng giúp người học ghi nhớ tốt hơn nhưng nội dung học tập.

7. HỌC NHÓM

Việc học nhóm đặc biệt có giá trị đối với các ngành khoa học xã hội như ngành luật. Thường xuyên trao đổi với bạn bè về các vấn đề/câu hỏi chuyên môn sẽ cho chúng ta những góc nhìn đa dạng để từ đó có thể nhìn nhận sự việc hiện tượng một cách chân thực nhất. Ngoài ra, việc dành thời gian với những người bạn thân chắc chắn sẽ bớt đi sự nhàm chán và khô khan của các môn luật đối với một số người. Tất nhiên việc học nhóm phải hướng đến mang lại những lợi ích cho người học, nếu bạn cảm thấy nhóm bạn chỉ ăn, chơi và không hướng đến một giá trị nào cụ thể hãy cân nhắc nhóm đó có phù hợp với mình hay không.

Ảnh minh họa – Nguồn: CLB Luật Gia Trẻ – Trường đại học luật Hà Nội

8. THAM GIA CÁC BUỔI /CHƯƠNG TRÌNH NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ

Các trường đào tạo luật dù lớn hay nhỏ đều có tổ chức những chương trình nói chuyện chuyên đề của các chuyên gia, luật sư gắn với chương trình giảng dạy. Đừng do dự, hãy đăng ký tham gia ngay, đó là cơ hội để bạn kết nối những kiến thức đã học với những kinh nghiệm thực tế. Thậm chí nếu bạn chưa học môn đó thì cũng nên tham gia vì chí ít bạn sẽ biết được một chút về nghề luật hay cách suy nghĩ của những người học luật. Đồng thời hãy dành một chút thời gian nghiên cứu về chủ đề của bài nói chuyện để có thể tham gia tích cực bằng việc đặt các câu hỏi trong các buổi nói chuyện. Các hoạt động như vậy chắc chắn sẽ giúp mở rộng kiến thức xã hội – thứ cần thiết nhưng có lẽ cũng là thứ sinh viên luật thiếu nhiều nhất.

9. ĐỪNG ĐỢI ĐẾN PHÚT CUỐI MỚI CHUẨN BỊ CHO KỲ THI

Việc học đại học không giống như khi bạn còn học trung học phổ thông. Việc tiếp thu kiến thức là cả một quá trình lâu dài, bạn không thể chuẩn bị cho bài thi trong vòng một buổi tối và đạt kết quả tốt được. Kỹ năng viết và trình bày cần thời gian và nhiều nỗ lực. Hãy bắt đầu từ những bài tập về nhà, bài tập nhận định hay tình huống về từng nội dung trong mỗi môn học. Đồng thời thường xuyên xem lại những bài/kiến thức đã học đừng để nước đến chân mới nhảy.

10. GIẢI QUYẾT STRESS

Viêc học tại các trường luật chắc chắn là rất áp lực nhưng có 1 số cách để bạn có thể giải quyết được bài toán stress này. Tự xây dựng một chế độ dinh dưỡng và lịch sinh hoạt lành mạnh là một giải pháp đơn giản và cực kì hiệu quả. Hãy dành ra ít nhất 15 phút mỗi ngày cho việc luyện tập thể thao, việc tập luyên có thể giúp cơ thể bạn tìm thấy sự cân bằng sau cả ngày dài làm việc trong lớp, văn phòng. Hãy nhớ, học luật không bắt buộc bạn phải từ bỏ những gì bạn thích mà có thể chỉ là dành ít thời gian hơn cho chúng mà thôi. Nếu như mức độ stress vượt quá tầm kiểm soát của bạn, hãy nói chuyện với những người thân bạn bè hay giáo viên của bạn để có được những lời khuyên hữu ích.

Ảnh minh họa – Nguồn: The EPIC Club

11. TỰ TẠO MÔI TRƯỜNG CẠNH TRANH

Đừng nghĩ mình vào trường chỉ để tốt nghiệp với một tấm bằng, chỉ cần không quá thua kém chị em là chấp nhận được. Nếu chỉ muốn hoà nhập vào đám đông làng nhàng đó, có thể đội ngũ thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm sẽ rất vui lòng chào đón bạn sau khi ra trường. Thay vì vậy hãy đặt cho mình những mục tiêu cao và nỗ lực vì những mục tiêu đó để tạo ra lợi thế cạnh tranh của mình trong những cuộc đua phía trước nhé.

12. TÌM KIẾM SỰ HỖ TRỢ

Sẽ không có gì quá đáng nếu một sinh viên hỏi giáo viên của mình về những kinh nghiệm học tập, quản lý thời gian, chuẩn bị bài học, làm bài thi tốt từ giáo viên của mình. Những giáo viên cố vấn của lớp thường có những khoảng thời gian dành riêng để tư vấn, hỗ trợ sinh viên của mình. Hãy tận dụng tốt nhất những khoảng thời gian quý giá này nhé.

 

Bài viết được chia sẻ bởi Nguyễn Văn Thắng (sinh viên năm 3 – khoa Luật – Đại học Vinh) đăng tải trên page Tôi Yêu Luật sinh viên ngày 03/7/2017.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version