Site icon Hocluat.VN

Bản chất pháp lý của hợp đồng đại lý độc quyền

Hợp đồng

Ngày nay, trong quá trình hoạt động, để đem lại hiệu quả kinh doanh cao hơn, thương nhân thường sử dụng các dịch vụ trung gian thương mại, trong đó có đại lý thương mại, đặc biệt khi mở rộng kinh doanh đến thị trường mới. Là hình thức của hoạt động đại lý thương mại, đại lý độc quyền hiện đang được nhiều thương nhân ưa chuộng. Quan hệ đại lý độc quyền giữa bên giao đại lý và bên đại lý độc quyền được thể hiện dưới hình thức pháp lý là hợp đồng đại lý độc quyền.

Giống nhiều loại hợp đồng thương mại khác, hợp đồng đại lý độc quyền vừa chịu sự điều chỉnh của các quy định trong Luật thương mại năm 2005, vừa chịu sự điều chỉnh bởi các quy định chung về hợp đồng trong Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005. Ngoài ra, hợp đồng đại lý độc quyền trong những lĩnh vực đặc thù còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật cạnh tranh năm 2004, Luật du lịch lữ hành năm 2005, Nghị định của Chính phủ số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu…

Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, bài viết này tập trung phân tích bản chất pháp lý của hợp đồng đại lý độc quyền.

Bài viết của tác giả:

– TS.Nguyễn Thị Vân Anh – Giảng viên chính Khoa pháp luật kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội;

– Ths.Trần Quỳnh Anh – Giảng viên Khoa pháp luật kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội;

TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 8/2010

1. Pháp luật hiện hành không đưa ra định nghĩa về hợp đồng đại lý độc quyền. Tuy nhiên, căn cứ vào khái niệm hợp đồng dân sự tại Điều 388 BLDS năm 2005, khái niệm đại lý thương mại tại Điều 166 và khái niệm đại lý độc quyền tại Điều 169 Luật thương mại 2005 có thể hiểu:

Hợp đồng đại lý độc quyền là sự thoả thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý, theo đó bên giao đại lý có nghĩa vụ chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định tại một khu vực địa lý nhất định, bên đại lý có nghĩa vụ nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

2. Là một loại hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng đại lý độc quyền vừa có các đặc điểm chung của hợp đồng đại lý thương mại đồng thời cũng có những điểm đặc thù riêng. Bởi vậy, hợp đồng đại lý độc quyền có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, về chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng đại lý độc quyền Quan hệ hợp đồng đại lý độc quyền là một loại quan hệ hợp đồng đại lý thương mại. Do đó, trong quan hệ hợp đồng đại lý độc quyền, bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân, có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài.(1) Bên đại lý độc quyền là thương nhân duy nhất trong phạm vi một khu vực địa lý nhất định được nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Bên đại lý nhân danh chính mình giao dịch với khách hàng để mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ thương mại cho bên giao đại lý và được hưởng thù lao khi thực hiện dịch vụ này.

Thông qua hình thức đại lý độc quyền, bên giao đại lý không chỉ có được mạng lưới phân phối hàng hoá, dịch vụ của mình đến với khách hàng mà còn tránh được sự cạnh tranh giữa các đại lý của mình. Nhờ đó việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý được bên đại lý độc quyền thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt ở những địa bàn mà bên giao đại lý mới thâm nhập. Đối với bên nhận làm đại lý độc quyền thì việc được là người duy nhất mua, bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ trong một phạm vi địa lý nhất định sẽ tạo cho họ không gian hoạt động mà không bị đại lý khác của cùng bên giao đại lý cạnh tranh, giúp họ dễ dàng hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ phân phối hàng hoá, dịch vụ cho bên giao đại lý để hưởng thù lao.

Luật Thương mại

Thứ hai, về đối tượng của hợp đồng đại lý độc quyền Đại lý độc quyền có bản chất là một loại hình dịch vụ trung gian thương mại, theo đó bên đại lý chính là bên cung ứng dịch vụ còn bên giao đại lý là bên sử dụng dịch vụ và phải trả phí dịch vụ cho bên đại lý dưới hình thức thù lao đại lý. Đối tượng của hợp đồng đại lý độc quyền chính là công việc mua, bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ mà bên đại lý độc quyền phải thực hiện cho bên giao đại lý để được hưởng thù lao. Hàng hoá được thoả thuận mua bán, dịch vụ được thoả thuận cung ứng trong hợp đồng đại lý độc quyền phải là những hàng hoá được phép lưu thông, dịch vụ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật mà bên giao đại lý được phép kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của mình.

Thứ ba, tính độc quyền trong quan hệ đại lý độc quyền. Tính độc quyền chính là đặc trưng để phân biệt quan hệ đại lý độc quyền với các quan hệ đại lý khác. Đây là tiêu chí quan trọng để xác định một quan hệ đại lý có phải là quan hệ đại lý độc quyền hay không? Tính độc quyền của hình thức đại lý độc quyền thể hiện ở việc trong một khu vực địa lý nhất định, bên giao đại lý cam kết chỉ giao cho một đại lý duy nhất (đại lý độc quyền) thực hiện việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của mình. Khu vực địa lý nhất định này sẽ do các bên tự xác định, có thể là trong phạm vi của một huyện, một tỉnh, một thành phố hoặc một nước.

Thương nhân (doanh nghiệp) làm đại lý độc quyền của bên giao đại lý trong quan hệ đại lý độc quyền khác với khái niệm doanh nghiệp có vị trí độc quyền quy định trong Luật cạnh tranh năm 2004. Theo Luật cạnh tranh năm 2004, doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan. Do đó, bên làm đại lý độc quyền có thể giữ hoặc không giữ vị trí độc quyền phân phối hàng hoá, dịch vụ trên thị trường liên quan, bởi trên thị trường địa lý liên quan có thể còn có rất nhiều doanh nghiệp khác tham gia phân phối loại hàng hoá, dịch vụ đó. Mặt khác, thoả thuận tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định trong hợp đồng đại lý độc quyền không thuộc loại các thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo Luật cạnh tranh năm 2004.(2)

Thứ tư, về hình thức của hợp đồng đại lý độc quyền

Là một hình thức của đại lý thương mại, do đó, hợp đồng đại lý độc quyền cũng phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (như telex, fax, thông điệp dữ liệu…).(3) Sự ràng buộc các bên khi giao kết hợp đồng đại lý độc quyền phải thực hiện dưới hình thức văn bản hoặc hình thức khác có giá trị tương đương nhằm hạn chế tranh chấp giữa các bên mà việc giao kết hợp đồng bằng lời nói, hành vi thường xảy ra cũng như giúp các bên có được bằng chứng về sự thoả thuận khi giải quyết tranh chấp nếu có.

Thứ năm, về nội dung của hợp đồng đại lý độc quyền

Nội dung của hợp đồng đại lý độc quyền bao gồm các điều khoản thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên. Theo quy định của Luật thương mại năm 1997, hợp đồng đại lý thương mại phải có đầy đủ các điều khoản chủ yếu như: tên, địa chỉ của các bên; hàng hoá đại lý; hình thức đại lý; thù lao đại lý; thời hạn hiệu lực của hợp đồng đại lý. Để bảo đảm quyền tự do cho các bên khi giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý, Luật thương mại năm 2005 đã bỏ quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng đại lý thương mại. Theo đó, các bên giao kết hợp đồng được tự do thoả thuận các điều khoản của hợp đồng theo ý chí của mình và những thoả thuận này được coi là “luật” đối với các bên trừ trường hợp những thoả thuận đó trái quy định của pháp luật hiện hành.

3. Một số vấn đề cần xem xét liên quan đến nội dung của hợp đồng đại lý độc quyền

Nội dung của hợp đồng đại lý độc quyền bao gồm các điều khoản do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên. Theo pháp luật hiện hành, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng đại lý độc quyền do các bên tự do thoả thuận nhưng không vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận hoặc thoả thuận chưa rõ ràng, cụ thể về các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng đại lý độc quyền thì bên giao đại lý và bên đại lý độc quyền có các quyền và nghĩa vụ quy định tại các điều 172, 173, 174 và 175 Luật thương mại năm 2005 và các quyền, nghĩa vụ riêng được quy định trong các luật khác như Luật du lịch lữ hành, Luật kinh doanh bảo hiểm… Theo những quy định này, một số quyền và nghĩa vụ của bên đại lý và bên giao đại lý cần xem xét hoàn thiện.

Thứ nhất, theo quy định của Luật thương mại năm 2005, bên đại lý độc quyền có một quyền đặc thù, đó là quyền được là chủ thể duy nhất thực hiện việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý trong khu vực địa lý xác định. Như vậy, trong quan hệ hợp đồng đại lý độc quyền, bên giao đại lý có nghĩa vụ chỉ được giao kết hợp đồng với một bên đại lý trong phạm vi địa lý nhất định. Trong khi đó, bên đại lý độc quyền được giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định. Điều này dẫn đến trong nhiều trường hợp bên đại lý kí kết hợp đồng với các đối thủ cạnh tranh của bên giao đại lý do đó ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm của bên giao đại lý và không loại trừ trường hợp bên đại lý sử dụng các kĩ năng kinh doanh, bí mật kinh doanh được bên giao đại lý trao cho để cạnh tranh trực tiếp hoặc chuyển giao các kĩ năng, bí mật này cho đối thủ cạnh tranh của bên giao đại lý. Do đó, để bảo vệ quyền của bên giao đại lý, pháp luật của nhiều nước trên thế giới đã có quy định loại trừ trường hợp bên đại lý làm đại lý cho các bên giao đại lý là các đối thủ cạnh tranh của nhau. Theo quy định tại Điều L134-3 Luật thương mại của Pháp thì: “bên đại lý có thể nhận làm đại lý cho các bên giao đại lý khác mà không cần có sự cho phép. Tuy nhiên, bên đại lý không thể nhận làm đại lý cho một doanh nghiệp cạnh tranh của một trong các bên giao đại lý mà không có sự đồng ý của bên giao đại lý”.(4) Hoặc để nhằm ngăn chặn bên đại lý cạnh tranh với bên giao đại lý sau khi hợp đồng đại lý chấm dứt, pháp luật Ai-len quy định trong thời hạn 2 năm sau khi hợp đồng đại lý chấm dứt, bên đại lý không được giao kết hợp đồng đại lý với chủ thể khác liên quan đến khu vực địa lý hoặc một nhóm khách hàng, một số mặt hàng cụ thể đã được giao cho bên đại lý trong hợp đồng đại lý.(5) Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần có quy định cụ thể, chi tiết hơn về các trường hợp bên đại lý độc quyền được giao kết hợp đồng đại lý độc quyền với các bên giao đại lý khác nhau.

Giao kết hợp đồng

Thứ hai, bên đại lý được quyền hưởng thù lao đại lý. Thù lao đại lý do các bên thoả thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì theo quy định tại Điều 171 Luật thương mại năm 2005, thù lao đại lý được trả dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá. Luật thương mại năm 2005 cũng như Luật thương mại năm 1997 đều quy định cho các bên tham gia quan hệ đại lý độc quyền được quyền tự do thoả thuận về thù lao đại lý. Tuy nhiên, Luật thương mại năm 2005 bổ sung thêm quy định về cách xác định thù lao đại lý trong trường hợp các bên không thoả thuận được về mức thù lao tại Khoản 4 Điều 171: “Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được tính như sau: Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó; Trường hợp không áp dụng được quy định trên thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác; nếu không áp dụng được 2 cách tính trên thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc thanh toán cho bên đại lý chỉ được thực hiện trong thời gian hợp đồng đại lý có hiệu lực. Hợp đồng đại lý độc quyền thường có thời hạn xác định và sau khi chấm dứt thời hạn hợp đồng, bên đại lý độc quyền không còn được hưởng thù lao đại lý. Ở một số nước, xuất phát từ quan điểm bảo vệ quyền lợi của bên đại lý nên đã quy định bên đại lý có thể được quyền hưởng thù lao đại lý trong một số trường hợp sau khi quan hệ đại lý đã chấm dứt. Theo pháp luật của Cộng hoà Pháp, nếu sau khi các bên thanh lý hợp đồng đại lý thương mại, bên giao đại lý vẫn tiếp tục kí được các hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ mà những hợp đồng này có thể thiết lập được là có sự đóng góp công sức của bên đại lý thương mại thì bên đại lý thương mại vẫn được hưởng thù lao.(6) Do đó, Luật thương mại cần bổ sung quyền được hưởng thù lao của bên đại lý trong trường hợp nói trên.

Thứ ba, Luật thương mại năm 2005 của Việt Nam không quy định bảo vệ quyền sở hữu danh sách khách hàng trong hệ thống phân phối của bên đại lý độc quyền. Đây là điểm bất hợp lý vì khi bên đại lý nhận mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý thì họ phải thiết lập mạng lưới khách hàng và họ cần được pháp luật bảo vệ đối với quyền sở hữu danh sách khách hàng của mình cũng như những chi phí bỏ ra để thiết lập mạng lưới khách hàng đó không chỉ trong thời gian đang làm đại lý cho bên giao đại lý mà cả trong một khoảng thời gian nhất định sau khi hợp đồng đại lý hết hiệu lực.

Trong hoạt động kinh doanh, việc tìm kiếm khách hàng có thể được xem là một trong những công việc khó khăn nhất để thương nhân tìm được chỗ đứng trên thị trường. Để tạo được mạng lưới phân phối, thương nhân thường mất rất nhiều thời gian và chi phí. Bởi vậy, lợi thế quan trọng của hoạt động đại lý là thông qua đại lý thương mại, các thương nhân giao đại lý đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí gia nhập thị trường. Do vậy, quyền sở hữu đối với danh sách khách hàng là quyền mà các đại lý thương mại cần được bảo vệ. Bởi, trong thời hạn hợp đồng đại lý có hiệu lực, bên giao đại lý khi biết được danh sách khách hàng của bên đại lý có thể trực tiếp bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho khách hàng của bên đại lý để thu lợi nhuận mà không phải trả thù lao đại lý.

Năm 2005, khi Công ti trách nhiệm hữu hạn nước giải khát Coca-cola Việt Nam khởi kiện đòi nợ các đại lý độc quyền của mình, các đại lý nêu lý do chính của việc nợ tiền là do Coca-cola khi đã nắm danh sách địa chỉ khách hàng trong hệ thống phân phối của các đại lý độc quyền đã trực tiếp bán hàng cho các khách hàng trong hệ thống đó mà không được sự chấp thuận của các đại lý độc quyền. Do trong hợp đồng giữa Coca-cola và các đại lý độc quyền không có điều khoản nào xác định hệ thống khách hàng mà các đại lý độc quyền xây dựng được là “tài sản” riêng của họ nên Coca-cola được quyền làm điều đó và các đại lý không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Sau đó, các đại lý độc quyền của Coca-cola ở một số khu vực gần như hết đầu ra, một số gần như phá sản.(7) Từ vụ việc thực tế này, đòi hỏi cần có cơ chế pháp lý hiệu quả để đảm bảo quyền sở hữu đối với tài sản vô hình là hệ thống khách hàng của các đại lý cũng như bảo đảm quyền được hưởng thù lao từ kết quả hoạt động đại lý của bên đại lý độc quyền.

Thứ tư, bên giao đại lý có quyền sở hữu hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý. Do đó, mặc dù bên đại lý là chủ thể trực tiếp thực hiện hợp đồng với khách hàng nhưng bên giao đại lý vẫn phải là người chịu trách nhiệm trước khách hàng và trước pháp luật về chất lượng hàng hoá trừ trường hợp có lỗi của bên đại lý. Nhưng mối quan hệ ba bên giữa bên giao đại lý, bên đại lý và khách hàng vẫn chưa được Luật thương mại năm 2005 quy định rõ, đặc biệt trong vấn đề xác định giới hạn trách nhiệm của bên giao đại lý và bên đại lý với khách hàng cũng như không quy định cụ thể vấn đề chuyển rủi ro trong quan hệ giữa bên giao đại lý, bên đại lý và khách hàng nên thực tế áp dụng quy định vẫn còn nhiều lúng túng, đòi hỏi cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Thứ năm, xuất phát từ bản chất của quan hệ đại lý độc quyền (đó là bên đại lý chỉ là trung gian giúp bên giao đại lý mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng) nên Luật thương mại năm 2005 quy định bên giao đại lý có quyền ấn định giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ và bên đại lý có nghĩa vụ phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo đúng giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ mà bên giao đại lý đã ấn định. Bên đại lý độc quyền không được tự ý nâng giá hoặc giảm giá mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ mà bên giao đại lý đã quy định.(8)

Tuy nhiên, theo quy định của Luật cạnh tranh năm 2004, hành vi ấn định giá bán lại của bên giao đại lý cho bên đại lý có thể là hành vi vi phạm Luật cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh

Hành vi ấn định giá bán lại của bên giao đại lý cho bên đại lý phản ánh mối quan hệ giữa bên giao đại lý (doanh nghiệp sản xuất hoặc doanh nghiệp bán buôn – doanh nghiệp thuộc ngành trên) với bên đại lý (doanh nghiệp phân phối hoặc doanh nghiệp bán lẻ – doanh nghiệp thuộc ngành dưới). Hành vi này được gọi là hành vi duy trì giá hoặc hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, nó khác với hành vi ấn định giá trong thoả thuận về giá (hành vi hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang) giữa các doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật cạnh tranh.(9)

Hành vi ấn định giá bán lại của bên giao đại lý cho bên đại lý không đương nhiên vi phạm pháp luật cạnh tranh. Luật cạnh tranh năm 2004 chỉ ngăn cấm thực hiện hành vi này trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 1 Điều 14. Theo đó, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường liên quan của sản phẩm đó không được ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng.

Như vậy, hành vi ấn định giá bán hàng hoá, dịch vụ của bên giao đại lý đối với bên đại lý chỉ bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh khi thoả mãn đầy đủ các điều kiện sau:

1) Bên giao đại lý (chủ thể thực hiện hành vi ấn định giá bán lại) là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường liên quan của sản phẩm đó. Theo Luật cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể (khoản 1 Điều 11 Luật cạnh tranh) và doanh nghiệp có vị trí độc quyền là khi không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan (Điều 12 Luật cạnh tranh).

2) Giá bán lại được ấn định ở mức tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng. Điều kiện này được giải thích tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP, đó là việc khống chế không cho phép các nhà phân phối, các nhà bán lẻ (các đại lý) bán lại hàng hoá thấp hơn mức giá đã quy định trước.

Theo quy định này, việc bên giao đại lý ấn định một mức giá bán cụ thể mà bên đại lý bán cho khách hàng không thuộc trường hợp ấn định giá bán lại thấp hơn mức giá đã quy định. Trong trường hợp bên giao đại lý ấn định giá giao đại lý cho đại lý bán hàng hoặc đại lý cung ứng dịch vụ, tức là bên đại lý không thể bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ cho khách hàng dưới mức giá giao đại lý và như vậy thoả thuận này trong hợp đồng đại lý sẽ bị coi là giá bán lại được ấn định ở mức tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng và bị cấm nếu bên giao đại lý ở vào vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền của sản phẩm giao cho bên đại lý bán hoặc cung ứng.

Bởi vậy, khi giao kết hợp đồng đại lý độc quyền, các bên phải chú ý quy định của Luật cạnh tranh để thoả thuận điều khoản về giá mà bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý bán hàng hoá cho mình bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật cạnh tranh: Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật cạnh tranh với quy định của luật khác về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng Luật cạnh tranh.

Tóm lại, đại lý độc quyền với những ưu điểm của mình đang trở thành hoạt động thương mại được ưa chuộng trong nền kinh tế thị trường. Luật thương mại năm 2005 đã có nhiều quy định linh hoạt để điều chỉnh quan hệ hợp đồng đại lý độc quyền giữa các bên. Tuy nhiên, để tạo khung pháp lý hoàn chỉnh hơn, giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia quan hệ đại lý độc quyền, đòi hỏi pháp luật phải không ngừng hoàn thiện theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế./.


(1). Xem: Điều 167 và khoản 2 Điều 169 Luật thương mại năm 2005.

(2). Xem: Điều 8 Luật cạnh tranh.

(3). Xem: Điều 168 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.

(4). Tuyển tập các văn bản pháp luật cơ bản về thương mại của Cộng hoà Pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 58.

(5). Business law, General editors: Sylvia McNeece & Dr Anne-Marie Mooney Cotter, Oxford university press, 2003, Page 163.

(6). Xem: Điều L134-7 Bộ luật thương mại Pháp.

(7). Xem: http://dantri.com.vn/c76/s83-50804/cocacola- viet-nam-kien-cac-dai-ly.htm

(8). Xem: Điều 173 Luật thương mại năm 2005.

(9). Xem: Nguyễn Ngọc Sơn, “Bàn về khái niệm ấn định giá bán lại”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 3 năm 2005.

4.5/5 - (47 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version