Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được quy định tại điều 71 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.
Bình luận về xóa án tích theo quyết định của Tòa án được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
Đây là trường hợp xóa án tích mà việc xóa án tích bắt buộc phải do Tòa án thực hiện theo quy trình. Điều đó cho thấy sự thận trọng trong việc xóa án tích đối với các loại tội phạm có mức độ nguy hiểm cao. Cụ thể đó là các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia thuộc chương XIII và các tội phạm phá hại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh tại chương XXVI. Như vậy, đối với các tội phạm thuộc 2 chương này, thì sau thời hạn được quy định người phạm tội sẽ không được đương nhiên xóa án tích như các tội phạm khác mà người đã chấp hành xong hình phạt phải có yêu cầu để Tòa án xem xét và quyết định.
Xét về thời điểm bắt đầu tính thời hạn xóa án tích cũng như dự liệu trường hợp thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung dài hơn thời hạn xóa án tích, quy định trong trường hợp Tòa án quyết định xóa án tích và đương nhiên xóa án tích không hề khác nhau. Tuy nhiên, nếu xét đến thời hạn xóa án tích cụ thể thì những trường hợp xóa án tích do Tòa án quyết định đa số sẽ dài hơn. Cụ thể:
– 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm (trường hợp đương nhiên xóa án tích thì thời hạn là 02 năm);
– 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm (trường hợp đương nhiên xóa án tích thì thời hạn là 03 năm);
– 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án (trường hợp đương nhiên xóa án tích thì thời hạn là 05 năm);
Chỉ riêng đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo thì thời hạn xóa án tích như nhau và đều là 01 năm.
Như vậy, có thể thấy một cách tổng quan, các tội phạm quy định tại chương XIII và chương XXVI sẽ bị điều chỉnh bởi những quy định khắt khe hơn nhiều so với những tội phạm khác.
Thứ nhất, chỉ có Tòa án mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định xóa án tích
Thứ hai, người muốn được xóa án tích phải nộp đơn yêu cầu xóa án tích sau khi đã đảm bảo thời hạn xóa án tích theo quy định.
Thứ ba, Tòa án có quyền bác đơn yêu cầu xóa án tích. Nếu trường hợp này xả ra, lần đầu bị bác đơn thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích. Quy định này cho thấy hai điều: Điều đầu tiên, thời hạn xóa án tích chỉ là điều kiện cần mà chưa phải là điều kiện đủ để quyết định việc có được xóa án tích hay không; điều tiếp theo, việc gửi đơn xin được xóa án tích không phải là việc cứ hết thời hạn thì làm mà trước khi thực hiện việc nộp đơn người chấp hành xong hình phạt phải rất thận trọng, xem xét tất cả các yếu tố có liên quan trước khi quyết định nộp đơn cho Tòa. Việc làm này là rất cần thiết vì cái giá phải trả cho việc cẩu thả, không tìm hiểu trước thủ tục sẽ là 01 năm chứ không phải là con số nhỏ, nếu lần 02 trở đi thì con số đó lên 02 năm.
Để lại một phản hồi Hủy