Site icon Hocluat.VN

Vướng mắc khi áp dụng Điều 249 – Tội tàng trữ trái phép chất ma túy

Tàng trữ trái phép chất ma túy

Khoản 1 Điều 249 – Tội tàng trữ trái phép chất ma túy không quy định rõ khi nào thì áp dụng điểm a của điều này, dễ dẫn đến những cách hiểu khác nhau khi áp dụng.

Bộ luật hình sự năm 2015 đã cơ bản khắc phục việc quy định “định tính” bằng quy định “định lượng” cụ thể, ví dụ các loại tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển hàng hóa, tài sản, ma túy… đều quy định mức khởi điểm phải chịu trách nhiệm hình sự, các trường hợp phạm tội dưới mức khởi điểm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về tội đó.

Tuy nhiên, tại điểm a khoản 1 Điều 249 – Tội tàng trữ trái phép chất ma túy quy định:

1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Trong thực tiễn áp dụng đã nảy sinh những cách hiểu khác nhau:

Cách hiểu thứ nhất cho rằng, đây là một trong những tình tiết định khung, do đó khi một người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy với khối lượng, thể tích được quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều này mà có các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, thì ngoài việc áp dụng một trong các điểm từ b đến điểm i, còn phải áp dụng thêm điểm a khoản 1 mới đầy đủ.

Cách hiểu thứ hai cho rằng, điểm a khoản 1 Điều 249 quy định như vậy là chỉ áp dụng cho những trường hợp tàng trữ trái pháp chất ma túy khi khối lượng hoặc thể tích chất ma túy không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 điều này. Dó đó, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy khi khối lượng hoặc thể tích chất ma túy không đạt mức tối thiểu được quy định từ điểm b đến điểm i khi người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Trường hợp người phạm tội đã bị kết án về các tội theo quy định chưa được xóa án tích thì áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm; còn trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này thì chỉ xem xét vấn đề nhân thân khi lượng hình mà thôi.

Do có hai cách hiểu khác nhau như vậy, bởi vì điểm a khoản 1 quy định không rõ ràng khi nào thì áp dụng tình tiết định khung hình phạt này. Trong khi đó một số tội phạm cụ thể quy định rất rõ, ví dụ: Tội trộm cắp tài sản – Điều 173 quy định:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì….:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc các tội…

Tội trộm cắp tài sản quy định cụ thể như vậy sẽ rất dễ hiểu và dễ áp dụng

Nhưng điểm a khoản 1 Điều 249 – Tội tàng trữ trái phép chất ma túy lại không quy định rõ khi nào thì áp dụng điểm a. Thiết nghĩ, để thống nhất nhận thức, áp dụng điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS, liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương cần có văn bản hướng dẫn theo hướng chỉ khi nào người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy chưa đủ khối lượng, thể tích chất ma túy tối thiểu quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 mà có một trong các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mới phải chịu trách nhiệm hình sự./.

Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version