Site icon Hocluat.VN

Về việc lập biên bản hỏi cung bị can của Kiểm sát viên

Hỏi cung bị can

Điều 133; Điều 184 BLTTHS đã quy định khi lập biên bản nói chung, lập biên bản hỏi cung bị can nói riêng phải viết tay. Việc dùng máy vi tính lập biên bản hỏi cung sẽ tiềm ẩn hoặc phát sinh những rủi ro.

Hỏi cung bị can là một trong các hoạt động điều tra hình sự. Những người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS sử dụng các chiến thuật tác động đến bị can nhằm mục đích thu thập các tình tiết liên quan đến nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can và các tình tiết khác có ý nghĩa cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Hỏi cung bị can là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm sát viên được quy tại điểm g khoản 1 Điều 42; Điều 183 và Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), đây là hoạt động thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, nhằm đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 183 và khoản 3 Điều 236 BLTTHS, trong cả ba giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử), khi xét thấy cần thiết Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, cụ thể:

1. Trong giai đoạn điều tra: Bị can kêu oan, khiếu nại về hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật.

2. Trong giai đoạn truy tố: Nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu chứng cứ để quyết định việc truy tố.

3. Trong giai đoạn xét xử: Khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

Khi tiến hành hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 và Điều 184 BLTTHS. Việc lập biên bản thực hiện theo mẫu số 126/HS (ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

Mẫu biên bản hỏi cung bị can số 126/HS được xây dựng trên cơ sở quy định của BLTTHS, đầy đủ nội dung, thuận lợi cho hoạt động của Kiểm sát viên.

Qua thực tiễn công tác, tôi nhận thấy việc lập Biên bản hỏi cung bị can được lập bằng hình thức đánh máy vi tính có ưu điểm là hình thức rõ ràng, dễ nhìn và có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên ngoài những ưu điểm đó thì việc đánh máy biên bản hỏi cung bị can thì có thể tiềm ẩn những vấn đề như sau:

1. Chưa thực hiện đúng quy định của BLTTHS về việc lập biên bản nói chung, lập biên bản hỏi cung bị can nói riêng

Điều 133 BLTTHS quy định: Biên bản

1. Khi tiến hành hoạt động tố tụng phải lập biên bản theo mẫu thống nhất.

Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

2. Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ…

Điều 184 BLTTHS quy định: Biên bản hỏi cung bị can

1. Mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản.

Biên bản hỏi cung bị can được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này; phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm Điều tra viên, Cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.

2. Sau khi hỏi cung, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì Điều tra viên, cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Trường hợp bị can viết bản tự khai thì Điều tra viên, cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận vào bản tự khai đó…

Như vậy, các điều luật nêu trên đều quy định “ghi” biên bản hỏi cung bị can. Theo Đại từ điển tiếng Việt, “ghi” được hiểu là: Dùng chữ viết hoặc dấu hiệu để lưu giữ một nội dung nào đó, khi nhìn lại có thể biết hoặc nhớ lại nội dung ấy.

Quy định “ghi” này có mối quan hệ chặt chẽ với phần giả định: “Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản”, (tại khoản 1 Điều 133 BLTTHS) và “trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản ” (tại khoản 2 Điều 184 BLTTS) và phần quy định về “ký xác nhận” trong các điều luật, bởi lẽ: Chỉ có ghi trên giấy thì mới để lại rõ những điểm sửa chữa, thêm bớt, tẩy xóa do đó mới cần phải ký xác nhận, dùng máy vi tính soạn thảo các phần đã được sửa chữa, thêm bớt có thể không để lại trên văn bản do đó không cần phải ký xác nhận.

Từ sự phân tích đó, tôi cho rằng Điều 133; Điều 184 BLTTHS đã quy định khi lập biên bản nói chung, lập biên bản hỏi cung bị can nói riêng bắt buộc phải viết tay, việc dùng máy vi tính lập biên bản hỏi cung là chưa thực hiện đúng quy định này.

2. Vi phạm chế độ bảo mật của ngành Kiểm sát

Biên bản hỏi cung bị can là một trong những tài liệu quan trọng nằm trong hệ thống tài liệu có chế độ ưu tiên bảo mật. Đa số các bị can đều bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam và bị giam tại cơ sở giam giữ. Trường hợp Kiểm sát viên sử dụng máy vi tính để lập biên bản hỏi cung bị can thì phải có máy in để in biên bản thì mới thực hiện được việc thông qua và ký xác nhận vào biên bản ngay sau khi kết thúc việc hỏi cung. Trên thực tiễn máy in khá cồng khềnh nên Kiểm sát viên không mang theo mà sử dụng máy in của người khác, do đó có thể xảy ra các trường hợp sau:

– Máy vi tính không tương thích với máy in, do đó Kiểm sát viên phải sử dụng máy vi tính của người khác;

– Kiểm sát viên không mang theo USB hoặc USB không đảm bảo chất lượng nên phải sử dụng USB của người khác.

Trong cả hai trường hợp nêu trên nếu sau khi in ấn Kiểm sát viên không thực hiện thao tác xóa biên bản trên máy vi tính hoặc trên USB, thì biên bản hỏi cung vẫn tồn tại trên máy tính và USB của người khác như vậy biên bản hỏi cung không còn ở trong chế độ được bảo mật.

3. Biên bản soạn thảo trên máy vi tính có thể không phản ánh đúng và đầy đủ diễn biến hoạt động hỏi cung bị can

– Dùng bút viết (viết tay) lên giấy: phản ánh đầy đủ, chân thực cả quá trình hỏi cung bị can, các câu hỏi và câu trả lời đều được ghi nhận cụ thể và chi tiết, một chữ hay một đoạn bị gạch xóa hoặc bổ sung đều để lại dấu vết trên giấy. Thông thường nếu muốn thêm thì phải viết lên trên hoặc chèn vào phần đã viết trước đó; nếu bớt thì gạch lên phần đã viết; nếu sửa thì cũng sửa trên chính phần đã viết. Do đó những phần thêm, bớt, sửa đều tồn tại trên giấy, mắt thường nhìn có thể nhận thấy, cho nên đây chính là nội dung “gốc”.

– Dùng máy vi tính đánh máy: Máy vi tính có các chức năng xóa, sao chép và việc bổ sung rất đơn giản. Khi cần xóa bỏ: đưa con trỏ chuột vào vị trí đã xác định rồi sử dụng phím “delete” (gạch đi, xóa đi); khi cần bổ sung: đưa con chỏ chuột vào vị trí đã xác định rồi gõ thêm nội dung. Nhìn vào biên bản chúng ta không thấy nội dung “gốc” vì: phần bị xóa không còn và phần mới bổ sung không khác biệt so với các phần còn lại. Như vậy, sự thay đổi về “lượng” (ít hơn hoặc nhiều hơn) có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi về “chất”, biên bản không được giữ nguyên tình trạng ban đầu, có thể nói biên bản này không có tính khách quan, toàn diện, lịch sử và cụ thể.

Từ sự phân tích đó, tôi thấy rằng hình thức viết tay biên bản hỏi cung bị can có tính ưu việt hơn so với biên bản soạn thảo trên máy vi tính. Khi nhìn biên bản với nội dung “gốc” chúng ta sẽ nhìn nhận và đánh giá toàn diện về cả quá trình hỏi cung bị can, một câu trả lời bị xóa, bị thay đổi hoặc được bổ sung của bị can có thể sẽ gợi cho chúng ta một hướng nghiên cứu mới tránh sự xuôi chiều, mặt khác có thể phản ánh rõ về trạng thái tâm lý, thái độ của bị can để chúng ta có biện pháp phù hợp cho hoạt động tiếp theo.

4. Không thuận tiện, khó quản lý bị can

Trước và sau khi hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải tiến hành hoạt động giao – nhận bị can với cơ sở giam giữ. Kể từ thời điểm nhận, bị can thuộc trách nhiệm quản lý của Kiểm sát viên. Kết thúc việc hỏi cung nếu là biên bản viết tay thì việc thông qua biên bản và ký xác nhận được thực hiện ngay nhưng với biên bản soạn thảo trên máy vi tính thì Kiểm sát viên phải in ấn rồi mới thông qua và ký xác nhận được. Phòng hỏi cung không có máy in và Kiểm sát viên không mang máy in theo do đó Kiểm sát viên phải rời khỏi phòng; việc in ấn có thể gặp những trở ngại dẫn đến kéo dài thời gian in ấn. Việc quản lý bị can trong thời gian này có thể bị buông lỏng dẫn đến những hậu quả khó lường.

Đối với ngành Kiểm sát, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp, chúng ta phải đảm bảo chất lượng hoạt động công tố, do đó khi thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho công tố trong cả ba giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử Kiểm sát viên đều phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Từ sự nhận thức không đúng, không đầy đủ có thể là nguyên nhân phát sinh vi phạm và thiếu sót trong việc lập biên bản hỏi cung bị can từ đó dẫn đến hậu quả: biên bản hỏi cung bị can không có giá trị pháp lý; vi phạm chế độ bảo mật và không giám sát được bị can.

Thiết nghĩ, cần kiến nghị đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét và hướng dẫn cụ thể việc lập biên bản hỏi cung bị can của Kiểm sát viên. Trong khi chờ hướng dẫn, chúng ta nên thực hiện lập biên bản hỏi cung bị can với hình thức viết tay để chủ động phòng ngừa vi phạm và rủi ro.          

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version