Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 trong đó diện người được trợ giúp pháp lý được mở rộng từ 06 diện người lên 14 diện người. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc triển khai hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng được đầy đủ, có chất lượng nhu cầu Trợ giúp pháp lý (TGPL) của các diện người được quy định trong Luật.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý trước hết phải là người có khó khăn về tài chính[1]. Tuy nhiên, nạn nhân bạo lực gia đình nếu thuộc một trong các diện khác (thuộc hộ nghèo, Người có công với cách mạng, là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn,…) cũng sẽ được các tổ chức thực hiện TGPL cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong các vụ việc liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Cũng theo, điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý theo đó tất cả trẻ em được hưởng trợ giúp pháp lý mà không kèm theo các điều kiện nào khác. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm thực hiện các quy định về quyền con người tại Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật Trợ giúp pháp lý còn quy định: Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính cũng được trợ giúp pháp lý miễn phí.
1. Thực tiễn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới
1.1. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới, công tác truyền thông về pháp luật trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật có liên quan đã được Bộ Tư pháp và các địa phương hết sức quan tâm, đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn về Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng nhiều phóng sự, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng (trong đó có nhiều phóng sự về các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em, nạn nhân bị bạo lực gia đình, người khuyết tật…), góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, của các Bộ, ngành, các địa phương và người dân về trợ giúp pháp lý; giúp người dân, trong đó có nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em hiểu về quyền được trợ giúp pháp lý của họ, kịp thời tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý (miễn phí) của Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
1.2. Về nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về việc cần cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới, trong thời gian qua, Bộ và toàn Ngành tư pháp đã rất quan tâm tới việc nâng cao năng lực cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý. Bên cạnh việc kiện toàn, phát triển tổ chức thực hiện, đổi mới phương thức quản lý, đánh giá chất lượng; bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan…, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương đã trú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhiều tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; nhiều lớp tập huấn cập nhật kiến thức, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tham gia tố tụng dân sự, hình sự, hành chính và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trẻ em, phụ nữ, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực giới…
1.3. Về kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Thời gian qua, các tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý trong cả nước đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, các cơ quan tổ chức hữu quan ở Trung ương và địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em… trong việc thông tin, chuyển gửi vụ việc và phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý.
Theo số liệu thống kê của các địa phương, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em từ năm 2016 đến nay, như sau:
Stt | Năm | Tổng số | Trong đó | |
Trẻ em | Nạn nhân bạo lực gia đình khó khăn TC | |||
1 | 2016 | 87.421 | 3478* | 315 |
2 | 2017 | 85.987 | 4736** | 114 |
3 | 2018 | 50.547 | 2684 | 197 |
4 | 05/2019 | 16.345 | 1584 | 110 |
Tổng số | 513.184 | 12482 | 736 |
* Năm 2016: chỉ trẻ em không nơi nương tựa được TGPL
** Năm 2017: gồm cả trẻ em không nơi nương tựa và trẻ em theo quy định của Luật trẻ em 2016
Phần lớn các vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện đều đạt chất lượng và chất lượng tốt theo quy định của pháp luật, đặc biệt, các vụ việc tham gia tố tụng đều được các Trung tâm trợ giúp pháp lý tạo điều kiện phân công các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý phụ nữ, trẻ em để thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng này. Nhiều luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích của người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được ghi nhận tại các bản án của Tòa án các cấp; có nhiều vụ việc thành công, mức phạt tòa tuyên thấp hơn so với mức phạt khi khởi tố hoặc chuyển khung hình phạt.
2. Những thách thức đặt ra trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới
Thứ nhất, Vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, nhất là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục… thường muốn giấu kín vụ việc hoặc cam chịu, không chia sẻ thông tin khi có vụ việc xảy ra; hay một số người dân tộc thiểu số không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông; hay một số người khuyết tật không dễ dàng vượt qua mặc cảm để thể hiện ý muốn của mình… Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc phát hiện và có những biện pháp hỗ trợ phù hợp của các cơ quan, tổ chức hữu quan và cũng là thách thức cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp cận và thực hiện vụ việc.
Thứ hai, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý tại một số vùng miền núi, hải đảo còn chưa được thường xuyên. Nội dung truyền thông có chỗ còn chưa thật sự phong phú và hấp dẫn, chưa phù hợp với các đối tượng đặc thù, chưa chú ý yếu tố giới, tuổi tác, tâm lý, hoàn cảnh và địa bàn sinh sống của người dân; chưa phản ánh sinh động thực tế công tác trợ giúp pháp lý nên chưa thu hút sự quan tâm của xã hội, người dân về công tác này.
Thứ ba, sự thông tin, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện một số hoạt động hay nhiệm vụ của mình có lúc, có nơi chưa được kịp thời, chưa hiệu quả. Việc chuyển, gửi vụ việc từ các cơ quan, tổ chức có liên quan đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và ngược lại đôi khi chưa được thường xuyên, đầy đủ và kịp thời. Một số tổ chức xã hội ở địa phương chưa thực sự tích cực, chủ động, phát huy các nguồn lực trong việc hỗ trợ, thông tin và phối hợp với tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Thứ tư, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý của một số tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với nạn nhân bạo lực gia đình (đặc biệt là những đối tượng đặc thù như người già, phụ nữ bị mua bán, bị nhiễm HIV, bị khuyết tật…) và trẻ em (đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, trẻ bị nhiễm HIV/AID, trẻ bị xâm hại tình dục…).
3. Một số giải pháp chủ yếu góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới trong thời gian tới
3.1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về trợ giúp pháp lý
Tăng cường công tác thông tin[2] và truyền thông[3] về trợ giúp pháp lý giúp người dân biết được những nội dung cơ bản về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý để có thể chủ động yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết, đặc biệt khi nạn nhân là phụ nữ, trẻ em là một giải pháp cần thiết. Đồng thời, truyền thông về trợ giúp pháp lý còn giúp nâng cao nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, từ đó họ có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá, kiểm chứng chất lượng trợ giúp pháp lý.
Cần đa dạng các phương thức truyền thông như trang tin, tờ gấp, báo, đài phát thanh, truyền hình, loa phóng thanh xã, thôn, bản; giải thích của các cơ quan tiếp dân, văn phòng luật sư, các tổ chức chính trị – xã hội (hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên…), tổ hòa giải cơ sở, tổ dân phố; đặt các Bảng thông tin, hộp tin giới thiệu về Trung tâm và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đặt tại trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, trụ sở Uỷ ban nhân dân các cấp, trường học, bệnh viện, Trạm y tế, Bưu điện Văn hoá xã… Đổi mới cách thức truyền thông như: xây dựng phóng sự, phim truyền hình, phim tài liệu; các thông điệp quảng bá, khẩu hiệu; hình ảnh, tranh minh họa; các câu hỏi, đáp về trợ giúp pháp lý, các tình huống pháp luật v.v…
3.2. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan; “Phản ứng nhanh” về các vụ việc xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình
Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức trợ giúp pháp lý với các cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức có chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em như Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, …) để phát hiện và trợ giúp pháp lý kịp thời cho nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới, phân biệt đối xử; Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã chủ động tiếp cận, xử lý các thông tin liên quan đến người được TGPL là phụ nữ, trẻ em gái trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ;
Xây dựng các kênh thông tin kết nối giữa tổ chức trợ giúp pháp lý, người thiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan hữu quan có liên quan; cần có giải pháp để khai thác, tận dụng các lợi thế của internet như facebook, Fanbook, Twitter, youtube, titok, zalo, viber… để không chỉ nạn nhân, người quen, hàng xóm, bạn bè, báo chí…có thể chuyển tải thông tin phù hợp về các vụ việc hoặc các biện pháp, cách thức phòng, chống, xử lý khi có dấu hiệu của bạo lực gia đình, bạo lực giới hoặc phân biệt đối xử. Tuy nhiên, do tính nhạy cảm của vụ việc, yếu tố đặc thù, dễ bị tổn thương của nạn nhân nên cũng cần tính đến việc tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Có thể thành lập các đội, nhóm, tổ phản ứng nhanh tại cơ sở với sự tham gia của cán bộ tư pháp xã, công an xã, phụ nữ, thanh niên, những nhà hoạt động xã hội…kết nối với người thực hiện trợ giúp pháp lý để có thể sớm phát hiện vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, bạo lực trên cơ sở giới, những vụ việc liên quan đến trẻ em…và kịp thời cung cấp những dịch vụ thiết yếu bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; kịp thời cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho đối tượng yếu thế này;
Thiết lập cơ chế phản ứng nhanh giữa các cơ quan, đặc biệt là những cơ quan bảo vệ trẻ em, các cơ quan tố tụng và tổ chức trợ giúp pháp lý nhằm có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người được TGPL là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới, phân biệt đối xử trong mỗi giai đoạn nhất định; Thiết lập đường dây nóng với những con số dễ nhớ, dễ sử dụng trực 24/24 được lắp đặt ở cả trung ương và địa phương.
3.3. Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý
– Tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích cơ bản của những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương;
– Tăng cường quản lý chất lượng; kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc; huy động đội ngũ chuyên gia pháp luật, luật sư và người thực hiện trợ giúp pháp lý… có nhiều kinh nghiệm tham gia đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Đồng thời đề cao cơ chế lấy ý kiến của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân của họ; ý kiến của các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm từng bước nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý và trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
3.4. Nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
Thực hiện các biện pháp phù hợp để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia công tác trợ giúp pháp lý thông qua việc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật; Nâng cao trách nhiệm của luật sư với tư cách là người bảo vệ công lý khi tham gia trợ giúp pháp lý cần nhiệt tình, có trách nhiệm, bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng dễ bị tổn thương.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý của địa phương. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng trợ giúp pháp lý đặc biệt là kỹ năng trợ giúp cho các đối tượng đặc thù là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già… trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính.
3.5. Tăng cường quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý
Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của Trung tâm và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Cần quan tâm hơn nữa tới công tác khen thưởng, nêu gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những điển hình, có đóng góp tích cực cho công tác trợ giúp pháp lý.
Xây dựng cơ chế thực hiện, kiểm tra, giám sát, phản hồi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến chất lượng vụ việc và tổ chức, hoạt động của Trung tâm và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
3.6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý
Mở rộng hơn nữa các mối quan hệ hợp tác quốc tế song phương, đa phương và khu vực; các diễn đàn hợp tác chuyên sâu về trợ giúp pháp lý. Tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và trẻ em bị bạo lực giới. Cần có thêm các hoạt động hợp tác cụ thể nhằm hỗ trợ cho việc tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; xây dựng các biện pháp huy động nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
Trần Nguyên Tú – Cục Trợ giúp pháp lý
[1] Người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật
[2] Các thông tin về trợ giúp pháp lý như: đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; các quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; các quyền và nghĩa vụ của tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý; các hình thức, phạm vi, lĩnh vực trợ giúp pháp lý; thủ tục để yêu cầu trợ giúp pháp lý; các trường hợp từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý; địa chỉ, điện thoại liên hệ của các tổ chức trợ giúp pháp lý; danh sách Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, cộng tác viên thực hiện vụ việc…
[3] Đặc biệt là các vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp điển hình, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội đã thành công trong thời gian qua, như những vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, phân biệt đối xử và bạo lực trẻ em tại nhà trường, công cộng, gia đình…
Để lại một phản hồi Hủy