THU THẬP CHỨNG CỨ CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
Tóm tắt: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn còn có những quy định chưa thực sự tạo điều kiện cho đương sự có được đầy đủ chứng cứ để chứng minh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước toà án cũng như hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Bài viết chỉ ra sự khác biệt về hoạt động thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự của một số nước,trên cơ sở đó, kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về thu thập chứng cứ của đương sự.
Từ khoá: Đương sự; thu thập chứng cứ; tố tụng dân sự
EVIDENCE COLLECTION OF PARTIES IN CIVIL PROCEDURE
Abstract: Under the 2015 Civil Procedure Code, parties have not been fully supported to have sufficent evidence for proof and protection of their legitimate rights and interests before court and evidence collection of parties faces many difficulties in practice. The paper points out differences in evidence collecion in civil procedure of some countries and on that basis it offers some recommendations for improving the civil procedure law of Vietnam on evidence collection of parties.
Keywords: Parties; evidence collection; civil procedure
Tác giải bài viết:
NGUYỄN THỊ THU HÀ
Phó giáo sư, tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội
E-mail: hant@hlu.edu.vn
TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 3/2020
1. Vài nét về thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự ở một số nước
Trên thế giới tồn tại nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, trong đó có hai hệ thống pháp luật chủ yếu là hệ thống pháp luật án lệ (common law) và hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (continental law hoặc civil law). Xuất phát từ đặc trưng của từng hệ thống pháp luật, hình thức tố tụng và mô hình tố tụng của mỗi quốc gia mà các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thu thập chứng cứ có những điểm khác nhau.
– Ở các nước theo truyền thống pháp luật án lệ mà đại diện điển hình là Anh, Hoa Kỳ… thì áp dụng loại hình tố tụng tranh tụng. Theo đó, pháp luật tố tụng dân sự luôn đề cao vai trò của các bên đương sự trong việc chứng minh sự việc. Đương sự hoặc luật sư của các bên sẽ tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ và trong suốt quá trình tố tụng, bên nguyên đơn và bên bị đơn liên tục công bố những chứng cứ, lí lẽ, căn cứ pháp lí để chứng minh, biện luận cho quyền lợi hợp pháp của mình trước toà án trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Toà án không có nghĩa vụ phải tiến hành thu thập chứng cứ mà chỉ là người trọng tài, giữ vai trò trung gian, căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra quyết định giải quyết vụ án. Theo pháp luật tố tụng dân sự Hoa Kỳ, các bên đương sự phải tự mình tìm kiếm, thu thập mọi chứng cứ cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình như thu thập các chứng cứ viết, đề xuất toà án triệu tập những người làm chứng cần thiết, các vật chứng… Các bên đương sự có quyền và nghĩa vụ trao đổi chứng cứ với nhau và quyền được biết toàn bộ các chứng cứ của bên kia. Nếu một bên từ chối không cung cấp chứng cứ hoặc không trả lời về một vấn đề nào đó thì thẩm phán sẽ ban hành lệnh buộc người từ chối phải cung cấp chứng cứ hoặc áp dụng các biện pháp chế tài cần thiết. Nếu người không cung cấp chứng cứ là bị đơn thì thẩm phán sẽ quyết định giải quyết vụ kiện hoàn toàn trên chứng cứ do nguyên đơn xuất trình trước toà án. Trong trường hợp thẩm phán thấy rằng chứng cứ mà các đương sự xuất trình chưa đầy đủ để giải quyết vụ việc thì thẩm phán yêu cầu các bên đương sự cung cấp thêm chứng cứ; thẩm phán không tự mình thu thập chứng cứ.(1)
Việc thu thập chứng cứ của các đương sự theo pháp luật tố tụng dân sự Hoa Kỳ được thực hiện chủ yếu bằng ba biện pháp sau:
+ Thẩm vấn, bao gồm các yêu cầu bằng văn bản gửi tới bên kia đề nghị trả lời các câu hỏi, có tuyên thệ trong vòng 30 ngày (Quy định 33)(2) nhằm thu thập thông tin khách quan từ phía bên kia hoặc thẩm vấn bằng hình thức yêu cầu chấp nhận (Quy định 36), theo đó một bên nêu ra quan điểm và bên kia được yêu cầu chấp nhận nó hoặc giải thích tại sao nó không đúng hoặc để xác nhận một tài liệu.(3)
+ Các bên đương sự yêu cầu bên đương sự phía bên kia cung cấp các tài liệu, chứng cứ của vụ án hoặc chứng cứ vật chất khác (bao gồm máy tính và các file điện tử khác) liên quan tới vụ kiện (Quy định 34) hoặc yêu cầu những người khác không phải là các bên đương sự đang lưu giữ chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án… cung cấp chứng cứ bằng cách sử dụng một trát đòi hầu toà (Quy định 45). (4)
+ Lấy lời khai của người làm chứng (có tuyên thệ thông qua việc ghi biên bản lấy lời khai hoặc quay băng) (Quy định 30).(5)
Có thể thấy, việc thu thập chứng cứ do chính các bên đương sự thực hiện nhưng thẩm phán toà án có quyền giám sát quá trình đó. Một số biện pháp thu thập chứng cứ như thẩm vấn chỉ được sử dụng khi có sự cho phép của thẩm phán và nếu một bên phản đối biện pháp thu thập chứng cứ của bên kia như bản chất các câu hỏi sẽ được hỏi trong cuộc thẩm vấn, số lượng các đơn yêu cầu phải cung cấp hoặc tính chất sở hữu thông tin được yêu cầu thì bên đó có thể kháng nghị thẩm phán để ra lệnh hạn chế việc tìm hiểu.(6)
Ở các nước theo truyền thống pháp luật dân sự mà đại diện điển hình là Cộng hoà Pháp, Liên bang Nga… thì áp dụng loại hình tố tụng xét hỏi. Theo đó, pháp luật tố tụng dân sự luôn đề cao vai trò chủ động của thẩm phán trong việc chứng minh sự việc. Bên cạnh việc quy định đương sự có nghĩa vụ chứng minh thì toà án có thể thu thập chứng cứ trong một số trường hợp nhất định nhằm đảm bảo việc xét xử công bằng.
Chẳng hạn, BLTTDS năm 1998 của Cộng hoà Pháp quy định thủ tục hoàn tất hồ sơ vụ kiện, trong đó đề cao vai trò của thẩm phán và quy định thủ tục hoàn tất hồ sơ là nguyên tắc ở cấp xét xử phúc thẩm.(7) Theo đó, thẩm phán có quyền tự mình quyết định tất cả các biện pháp thẩm cứu mà pháp luật cho phép (Điều 10). Các biện pháp thu thập chứng cứ của thẩm phán được quy định từ Điều 143 đến Điều 316 BLTTDS Cộng hoà Pháp trên cơ sở yêu cầu của một trong các bên đương sự hoặc toà án chủ động tiến hành khi xét thấy cần thiết (Điều 143, Điều 144).(8) Biện pháp thu thập chứng cứ của thẩm phán được thực hiện dưới các hình thức:
+ Biện pháp điều tra do thẩm phán hoàn tất hồ sơ hoặc thẩm phán báo cáo viên tại toà sơ thẩm thẩm quyền rộng hoặc toà phúc thẩm thực hiện được quy định từ Điều 204 đến Điều 231 BLTTDS Cộng hoà Pháp, đó là biện pháp lấy lời khai của người làm chứng. Theo đó, bất cứ người nào cũng có thể làm chứng, trừ những người bị toà án tuyên bố là không có khả năng làm chứng tại toà. Người làm chứng chỉ có thể được trình bày sau khi đã thề là nói sự thật. Những người không có khả năng làm chứng tại toà cũng có thể được khai báo nhưng không phải thề, do đó, lời khai của họ có giá trị rất hạn chế. Nghĩa vụ làm chứng là nghĩa vụ bắt buộc theo luật định. Người nào có thể làm chứng thì phải có nghĩa vụ làm chứng. Nếu từ chối làm chứng thì có thể phải nộp một khoản tiền phạt. Thẩm phán lần lượt nghe những người làm chứng trình bày theo thứ tự do thẩm phán quyết định, trước sự có mặt của các bên đương sự và luật sư của các bên. Sau khi người làm chứng giới thiệu căn cước, quan hệ giữa mình với các bên đương sự, thẩm phán nhắc người làm chứng phải thề và cho người làm chứng biết hậu quả của việc khai báo gian dối. Người làm chứng được trực tiếp trình bày và phải trả lời các câu hỏi của thẩm phán, của các bên đương sự hoặc luật sư của các bên đương sự. Lời khai của người làm chứng được lập thành văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.(9)
+ Các biện pháp điều tra do kĩ thuật viên tiến hành được quy định từ Điều 232 đến Điều 248 BLTTDS Cộng hoà Pháp, bao gồm: biện pháp xác nhận (Điều 249 đến Điều 255), biện pháp tham vấn (Điều 256 đến Điều 262), biện pháp giám định (Điều 266 đến Điều 284). Toà án hoặc thẩm phán hoàn tất hồ sơ có thể yêu cầu bất cứ người nào do mình lựa chọn tiến hành biện pháp xác nhận, tham vấn hoặc giám định để làm sáng tỏ một vấn đề nếu sự việc đòi hỏi phải có ý kiến của kĩ thuật viên vì bản thân thẩm phán không phải là kĩ thuật viên. Khi giải quyết những vấn đề kĩ thuật liên quan đến một lĩnh vực cụ thể như xây dựng, y khoa thì thẩm phán trưng cầu kĩ thuật viên trong các lĩnh vực đó. Đối với cả ba biện pháp, nhân viên kĩ thuật phải tự mình thực hiện nhiệm vụ được giao. Các bên đương sự có thể yêu cầu thay đổi kĩ thuật viên ngay từ đầu vì lí do nào đó. Kĩ thuật viên phải tuân thủ thời hạn đã ấn định và trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, phải triệt để tuân thủ nguyên tắc tranh tụng. Tương tự như thẩm phán, kĩ thuật viên có thể thu thập thông tin từ các bên đương sự nhưng phải chuyển thông tin từ bên này sang cho bên kia biết để đưa ra các kết luận, nhận xét của mình.(10)
Ngoài ra, nếu chứng cứ, tài liệu do các bên đương sự lưu giữ hoặc do người thứ ba giữ thì các bên đương sự có thể yêu cầu thẩm phán ra lệnh buộc đương sự hoặc người thứ ba phải chuyển giao chứng cứ trong thời hạn nhất định. Nếu không thực hiện thì có thể bị phạt tiền để cưỡng chế thực hiện hoặc không xem xét chứng cứ, tài liệu không được trao đổi trong thời hạn nhất định (Điều 132 đến Điều 142 BLTTDS Cộng hoà Pháp).
Như vậy, có thể thấy, ở các nước theo truyền thống tố tụng tranh tụng, mọi chứng cứ trong vụ án đều do các bên đương sự tự thu thập, toà án không tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ mà chỉ đóng vai trò là người trọng tài đảm bảo cho các bên tuân thủ các quy tắc tố tụng bởi họ quan niệm nếu để thẩm phán tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ sẽ không khách quan, công bằng đối với các bên đương sự khi thẩm phán không vô tư và thiên vị cho một bên đương sự, còn để các bên có đủ chứng cứ thực hiện việc tranh tụng tại toà án thì các bên được Nhà nước trao đầy đủ phương tiện pháp lí để thu thập chứng cứ. Bất kì ai có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của đương sự đều phải chịu chế tài; các bên đương sự nhận được sự hỗ trợ về mặt pháp lí từ luật sư và những người khác; các bên có nghĩa vụ chuyển giao chứng cứ cho nhau… Trong khi đó, ở các nước theo truyền thống tố tụng xét hỏi thì vai trò của toà án được đề cao, thẩm phán có quyền tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo xác định sự thật khách quan của vụ án dân sự. Các quy định về thu thập chứng cứ ở hai hệ thống pháp luật này đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, tập quán, truyền thống pháp luật, hình thức tố tụng và mô hình tố tụng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật tố tụng dân sự về thu thập chứng cứ của các quốc gia đang loại bỏ dần những quy định không phù hợp và tiếp thu có chọn lọc những quy định hợp lí của các quốc gia khác để phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này nên cần phải tăng cường trách nhiệm chứng minh của đương sự, đảm bảo các đương sự có đầy đủ các phương tiện pháp lí để thu thập chứng cứ và giảm dần hoạt động thu thập chứng cứ của toà án.
2. Thực tiễn thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thu thập chứng cứ của đương sự
BLTTDS năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) (sau đây gọi là BLTTDS năm 2004) quy định đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu, phản đối yêu cầu là có căn cứ, hợp pháp nhưng lại không quy định cho đương sự các biện pháp pháp lí để thu thập chứng cứ dẫn đến đương sự sẽ khó có được đầy đủ các chứng cứ để cung cấp cho toà án đặc biệt khi các chứng cứ đó do đương sự phía bên kia hoặc do cá nhân, cơ quan, tổ chức khác lưu giữ. Để khắc phục hạn chế này, BLTTDS năm 2015 quy định các biện pháp thu thập chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhằm đảm bảo đương sự có đầy đủ chứng cứ để cung cấp cho tòa án cũng như đảm bảo các chứng cứ đó có tính hợp pháp. Theo đó, đương sự có quyền tự mình thu thập chứng cứ bằng những biện pháp được quy định tại khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 201 5, cụ thể:
– Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử (điểm a khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015).
Đối với biện pháp này, để chứng cứ đương sự thu thập có giá trị chứng minh và đảm bảo tính hợp pháp của chứng cứ thì khi thu thập cần đảm bảo chứng cứ đó được xác định theo quy định tại Điều 95 BLTTDS năm 2015:
+ Đối với tài liệu đọc được thì các đương sự cần thu thập bản chính như hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng cho thuê tài sản, di chúc… Trong trường hợp không có bản gốc thì thu thập bản sao có công chứng, chứng thực hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Đối với các tài liệu bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thì phải dịch sang tiếng Việt và được công chứng, chứng thực hợp pháp.
+ Đối với tài liệu nghe được, nhìn được thì đương sự có thể thu thập băng ghi âm, ghi hình. Để nội dung thoả thuận của các đương sự trong băng ghi âm, ghi hình được sử dụng làm chứng cứ thì đương sự phải có văn bản trình bày về xuất xứ của băng ghi âm, ghi hình nếu đương sự tự thu âm, ghi hình hoặc văn bản xác nhận của người đã cung cấp về xuất xứ của băng ghi âm, ghi hình hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình.
+ Đối với thông điệp dữ liệu điện tử: theo quy định tại khoản 3 Điều 95 BLTTDS năm 2015 thì thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005,“dữ liệu là thông tin dưới dạng kí hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự” và “thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử” (khoản 5 và khoản 12 Điều 4). Trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTPngày 30/12/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, theo đó,thông điệp dữ liệu điện tử trong tố tụng dân sự là dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử từ đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ khi đáp ứng điều kiện sau: “1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. 2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác” (Điều 14).
Do đó, khi thu thập thông điệp dữ liệu điện tử, các đương sự cần bảo quản, giữ gìn để bảo đảm tình tiết, sự kiện được lưu trữ trong dữ liệu điện tử có đầy đủ 3 thuộc tính của chứng cứ.
– Thu thập vật chứng (điểm b khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015)
Khi thu thập vật chứng cũng cần đảm bảo theo quy định tại khoản 4 Điều 95 BLTTDS năm 2015, theo đó vật chứng phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ án. Do đó, khi thu thập vật chứng, đương sự phải bảo quản, giữ gìn để đảm bảo tính đặc định của vật chứng trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
– Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng hoặc yêu cầu uỷ ban nhân dân xác nhận chữ kí của người làm chứng (điểm c, điểm đ khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 201 5). Đây là trường hợp sự việc xảy ra có sự chứng kiến của người làm chứng, đương sự thu thập chứng cứ từ người làm chứng thông qua:
+ Văn bản trình bày của người làm chứng về nội dung vụ án. Trong trường hợp này đương sự có thể yêu cầu UBND cấp xã xác nhận chữ kí của người làm chứng trong văn bản trình bày của người làm chứng về những nội dung của vụ án.
+ Lời trình bày của người làm chứng được ghi trong băng ghi âm, ghi hình, đĩa ghi âm, ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh. Trong trường hợp này, để lời trình bày của người làm chứng có giá trị chứng minh, đương sự cần có văn bản xác nhận của người làm chứng về xuất xứ của băng ghi âm, ghi hình, đĩa ghi âm, ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 5 Điều 95 BLTTDS năm 2015.
Ngoài ra, để chứng cứ thu thập được từ người làm chứng hợp pháp, đương sự cần xác định người làm chứng theo quy định tại Điều 77 BLTTDS năm 2015. Theo đó, người làm chứng là người biết các tình tiết liên quan đến vụ án và không bị mất năng lực hành vi dân sự. Đối với người làm chứng là người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì khi lấy xác nhận của người làm chứng cần có người đại diện theo pháp luật của người làm chứng hoặc là người quản lí, trông nom người đó.
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lí (điểm d khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015)
Đương sự sử dụng biện pháp thu thập chứng cứ này trong trường hợp chứng cứ trong vụ án lại được lưu giữ tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như tranh chấp về hợp đồng đã được công chứng nhưng hợp đồng bị thất lạc, mất… thì đương sự có thể yêu cầu văn phòng công chứng cho sao chụp bản hợp đồng đã công chứng được lưu tại văn phòng hoặc tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất thì đương sự yêu cầu UBND, sở tài nguyên môi trường cho sao chụp hồ sơ nhà, đất liên quan đến tranh chấp của mình. Trong một số trường hợp khác, đương sự cần biết số tiền, số tài khoản của bị đơn tại ngân hàng, tổ chức tín dụng để yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện hoặc sau khi toà án thụ lí vụ án… đương sự yêu cầu ngân hàng, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin mà người khởi kiện yêu cầu. Khi yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan vụ án đang được giải quyết tại toà án, đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lí chứng cứ thực hiện theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016(11 ) và Điều 106 BLTTDS năm 2015 về hình thức yêu cầu cung cấp, trình tự, thủ tục cung cấp, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đảm bảo quyền tiếp cận thông tin… Theo đó, khi yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ, đương sự phải làm văn bản yêu cầu ghi rõ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp; lí do cung cấp; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lí, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lí do cho người có yêu cầu.
– Yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ (điểm e khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015).
Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị tòa án thu thập chứng cứ. Đương sự yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lí do mình không tự thu thập được và nêu rõ biện pháp đề nghị toà án thu thập. Các biện pháp thu thập chứng cứ cụ thể mà đương sự có quyền yêu cầu toà án thu thập bao gồm: lấy lời khai của đương sự (khoản 1 Điều 98); lấy lời khai của người làm chứng (khoản 1 Điều 99); đối chất (khoản 1 Điều 100); xem xét thẩm định tại chỗ (khoản 1 Điều 101); trưng cầu giám định (khoản 1 Điều 102); định giá tài sản (điểm a khoản 3 Điều 104); yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ (khoản 1 Điều 106).
– Yêu cầu tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản (điểm g khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015).
Để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, trong một số vụ án cần thiết phải tiến hành trưng cầu giám định hoặc định giá tài sản. Tuy nhiên, để kết luận giám định và kết quả định giá tài sản được coi là chứng cứ và toà án sử dụng làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án, đương sự cần yêu cầu toà án ra quyết định trưng cầu giám định hoặc định giá tài sản. Đương sự có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị tòa án trưng cầu giám định nhưng tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự (khoản 1 Điều 102 BLTTDS năm 2015).
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật (điểm h khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015).
Để chứng minh cho yêu cầu của mình, đương sự có thể thu thập chứng cứ bằng việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện công việc nhất định, ví dụ: yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng. Theo quy định tại khoản 8 Điều 94 BLTTDS năm 2015, văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lí do người có chức năng lập là nguồn chứng cứ. Do đó, để tình tiết, sự kiện do thừa phát lại ghi nhận trong văn bản là chứng cứ, đương sự cần thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 95 BLTTDS năm 2015. Theo đó, việc lập vi bằng của thừa phát lại phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại.
Như vậy, các biện pháp thu thập chứng cứ của đương sự có thể chia thành năm nhóm:
– Thu thập chứng cứ từ chính các đương sự hay nói cách khác chứng cứ, tài liệu này do chính đương sự lưu giữ.
– Thu thập chứng cứ từ đương sự phía bên kia thông qua nghĩa vụ chuyển giao chứng cứ cho nhau giữa các đương sự hoặc đề nghị toà án buộc đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ.
– Thu thập chứng cứ từ người tham gia tố tụng khác (ví dụ từ người làm chứng).
– Thu thập chứng cứ từ cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ hoặc quản lí chứng cứ.
– Đề nghị toà án thu thập chứng cứ. Với các biện pháp thu thập chứng cứ của đương sự được liệt kê tại khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015, có thể thấy quy định về biện pháp thu thập chứng cứ chưa thực sự tạo điều kiện cho đương sự có được đầy đủ chứng cứ, cụ thể:
Thứ nhất, khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015 mới chỉ quy định các biện pháp thu thập chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức, chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp đó đặc biệt là trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ điện tử, trong khi các biện pháp thu thập chứng cứ của toà án được quy định tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS năm 2015 lại được quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập.
Thứ hai, khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015 quy định biện pháp thu thập chứng cứ từ cá nhân, cơ quan, tổ chức khác nhưng lại chưa quy định chế tài đối với trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức cố tình không cung cấp chứng cứ cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong khi đó, BLTTDS năm 2015 lại có quy định đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành quyết định của toà án, viện kiểm sát về việc cung cấp chứng cứ, tài liệu mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang quản lí, lưu giữ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử líkỉ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lí do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho toà án, viện kiểm sát (Điều 106, Điều 489 BLTTDS). Do đó, cần thiết phải quy định chế tài đối với trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức cố tình không cung cấp chứng cứ cho đương sự, người đại điện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ ba, theo quy định tại khoản 5 Điều 189, Điều 133 BLTTDS năm 2015, đương sự nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc tranh chấp kèm theo đơn khởi kiện hoặc nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu đương sự muốn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc khởi kiện. Như vậy, để có tài liệu, chứng cứ nộp cùng với đơn khởi kiện, đương sự cần tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ trước khi khởi kiện ra toà án. Tuy nhiên, trong một số tranh chấp, chứng cứ, tài liệu được lưu giữ tại cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhưng đương sự không thể có được các chứng cứ này mặc dù đã yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức này cung cấp. Việc không cung cấp chứng cứ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhiều nguyên nhân: có thể thuộc trường hợp không được cung cấp hoặc hạn chế cung cấp theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 hoặc thuộc trường hợp bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của các điều 38, 387, 517, 565 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 38 Luật Ngân hàng nhà nước; các điều 10, 13,14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; các điều 22, 72, 77 Luật Công nghệ thông tin năm 2006; các điều 6, 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các điều 16, 17, 20 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. Trong trường hợp này, đương sự vẫn còn biện pháp thu thập chứng cứ nữa là yêu cầu toà án thu thập chứng cứ khi đương sự không tự mình thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, biện pháp này có thực hiện được khi đương sự vừa nộp đơn khởi kiện không? Hay nói cách khác toà án tiến hành thu thập chứng cứ từ thời điểm nào của quá trình tố tụng? Đây là vấn đề pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định rõ ràng.
Có quan điểm cho rằng, việc thu thập chứng cứ được thực hiện từ thời điểm sau khi thụ lí vụ án bởi sau khi thụ lí mới bắt đầu phát sinh trách nhiệm giải quyết vụ án của toà án. Quan điểm khác cho rằng, các hoạt động thu thập chứng cứ của toà án bắt đầu từ khi nguyên đơn nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho đến khi kết thúc phiên toà sơ thẩm trong trường hợp phải mở phiên toà hay kết thúc phiên toà phúc thẩm trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị hợp pháp.(12)
Sau khi thụ lí vụ án, trách nhiệm của toà án là giải quyết vụ án dân sự nên nếu chứng cứ, đương sự cung cấp chưa đủ cơ sở để giải quyết vụ án thì toà án yêu cầu đương sự bổ sung chứng cứ hoặc toà án thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, như đã phân tích đương sự phải nộp tài liệu, chứng cứ cùng với đơn khởi kiện nên để đương sự có chứng cứ thì biện pháp yêu cầu toà án thu thập chứng cứ của đương sự nên được thực hiện từ thời điểm khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện ra toà án. Hay nói cách khác,toà án thu thập chứng cứ bắt đầu từ thời điểm nguyên đơn nộp đơn khởi kiện ra toà án.
Thứ tư, như phân tích ở trên, đương sự có thể thu thập chứng cứ từ các đương sự khác thông qua nghĩa vụ chuyển giao chứng cứ cho nhau được quy định tại khoản 5 Điều 96 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, quy định về nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ giữa các đương sự sẽ chỉ là hình thức khi BLTTDS năm 2015 không quy định về thời hạn các đương sự có nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho nhau và hậu quả pháp lí khi các bên đương sự không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao. Trên thực tế, tại các toà án, do không có quy định về hậu quả pháp lí nên gần như các đương sự không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho nhau. Do đó, để phát huy vai trò của đương sự trong hoạt động tố tụng, đảm bảo quyền được biết thông tin của đương sự để có thể tổ chức việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam cần có quy định các biện pháp cần thiết để buộc đương sự thực hiện nghĩa vụ này.
Thứ năm, sự chưa thống nhất giữa pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự về nguồn chứng cứ. Theo quy định của BLDS năm 2015, di chúc của người để lại di sản thừa kế có thể dưới hai hình thức: 1) di chúc miệng; 2) di chúc viết. Vấn đề đặt ra là nếu một người để lại di sản thừa kế dưới hình thức ghi âm hoặc ghi hình thì những tình tiết, sự kiện được rút ra từ băng ghi âm, ghi hình của người để lại di sản thừa kế có đảm bảo tính hợp pháp của chứng cứ không?
Theo quy định của BLDS năm 2015, di chúc người để lại di sản thừa kế dưới dạng băng ghi âm hoặc ghi hình không được coi là di chúc miệng: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ…” (khoản 5 Điều 630). Do đó, di chúc dưới dạng băng ghi âm, ghi hình không thoả mãn các điều kiện là di chúc miệng và sẽ không được chấp nhận là di chúc để toà án căn cứ vào đó chia thừa kế cho những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc.
Theo quy định của BLTTDS năm 2015, chứng cứ phải thoả mãn đồng thời ba thuộc tính là : tính khách quan, tính liên quan, tính hợp phápmới có giá trị chứng minh và được sử dụng trong quá trình giải quyết vụ án. Trong đó, thuộc tính hợp pháp của chứng cứ được hiểu là chứng cứ phải được rút ra từ các nguồn chứng cứ theo quy định của pháp luật. Nếumột tình tiết, sự kiện đảm bảo thuộc tính khách quan và liên quan đến vụ án nhưng không đảm bảo tính hợp pháp là được rút ra từ nguồn chứng cứ mà pháp luật quy định thì không được coi là chứng cứ để toà án sử dụng làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Do đó, theo quy định tại Điều 94 BLTTDS năm 2015 thì băng ghi âm về chia di sản thừa kế của người để lại di sản thừa kế là một trong các loại nguồn chứng cứ (tài liệu nghe được) với điều kiện xuất trình kèm theo văn bản trình bày về xuất xứ của bản ghi âm đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm đó. Vậy tình tiết, sự kiện được lưu giữ trong bản ghi âm, ghi hình phải thoả mãn cả ba thuộc tính của chứng cứ là:
1) thuộc tính khách quan là sự bày tỏ ý chí của người để lại di sản thừa kế về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế, nó phản ánh trung thực và chính xác ý nguyện của họ mà không bị tác động bởi ý chí chủ quan của người khác; 2) thuộc tính liên quan là việc để lại di sản thừa kế của người chết liên quan trực tiếp đến việc phân chia di sản thừa kế của họ cho những người thừa kế; 3) thuộc tính hợp pháp là nội dung chia di sản thừa kế của người để lại di sản thừa kế được lưu giữ trong băng ghi âm, ghi hình – một trong các nguồn chứng cứ hợp pháp được quy định tại Điều 94 BLTTDS năm 2015. Do đó, toà án hoàn toàn có thể căn cứ nội dung của di chúc này để phân chia di sản thừa kế của người để lại di sản thừa kế. Như vậy, cùng một vấn đề nhưng BLDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 lại có những cách quy định khác nhau.
Ngoài ra, trong thực tế, hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự gặp nhiều khó khăn, cụ thể:
– Trong điều kiện hiện nay, hiểu biết pháp luật của các đương sự còn hạn chế, khi có tranh chấp dân sự xảy ra, họ không biết cần có các chứng cứ, tài liệu gì để bảo vệ quyền lợi của mình, tìm kiếm, thu thập các chứng cứ đó ở đâu để cung cấp cho toà án.(13) Ngoài ra, đương sự còn thiếu chủ động trong việc thu thập chứng cứ, có những trường hợp đương sự hiểu rõ họ có quyền yêu cầu toà án hỗ trợ, thu thập chứng cứ và toà án cũng có quyền tự mình thu thập chứng cứ mà không cần phải có yêu cầu của đương sự nên đôi khi đương sự có tâm lí ỷ lại, phụ thuộc vào toà án dẫn đến việc thu thập chứng cứ của đương sự không hiệu quả.
– Khi giải quyết các vụ án mà có các tài liệu, chứng cứ đang do cơ quan, tổ chức lưu giữ, quản lí thì việc thu thập chứng cứ không hề đơn giản. Trong nhiều vụ án, mặc dù đương sự đã đi lại nhiều lần yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp các chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án để họ giao nộp cho toà án nhưng đều bị từ chối với đủ nhiều lí do. Việc từ chối thường chỉ bằng lời nói, thái độ, cử chỉ. Với cách từ chối này, đương sự khó có thể chứng minh việc họ đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không thu thập được chứng cứ để làm cơ sở yêu cầu toà án thu thập.(14)
– Không chỉ nhận được sự thiếu hợp tác từ phía các cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ mà đương sự còn gặp khó khăn khi thu thập chứng cứ từ chính các đương sự khác. Nhiều trường hợp “đương sự ngộ nhận việc cung cấp chứng cứ gây bất lợi cho quyền lợi của mình nên không giao nộp chứng cứ”.(15) Hơn nữa, các đương sự còn không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao chứng cứ cho nhau theo quy định tại khoản 5 Điều 96 BLTTDS năm 2015 dẫn đến đương sự không thể thu thập chứng cứ cung cấp cho toà án. Hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự vì thế tốn rất nhiều thời gian, phần lớn đều quá thời hạn cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp này, đương sự phải chứng minh việc cung cấp quá thời hạn là có lí do chính đáng, gây phiền phức cho đương sự. Hơn nữa, như phân tích ở trên, thủ tục thu thập chứng cứ chưa rõ ràng dẫn đến đương sự càng khó khăn hơn trong việc thu thập chứng cứ.
– Sự hỗ trợ của luật sư trong việc thu thập chứng cứ cũng chưa thực sự tốt, “các luật sư vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến quá trình bào chữa, tranh luận, đưa ra yêu cầu, kiến nghị tại phiên toà”.(16)
– Do chưa có quy định cụ thể về việc thu thập chứng cứ điện tử nên đa phần các tình tiết, sự kiện được lưu giữ trong thông điệp dữ liệu điện tử mà đương sự cung cấp không đáp ứng được đầy đủ ba thuộc tính của chứng cứ nên không được chấp nhận là chứng cứ để toà án giải quyết vụ án.
Ví dụ: vụ kiện tranh chấp giữa nguyên đơn là Công ti Liên doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc (còn có tên là Công ti Liên doanh HN) và bị đơn là Công ti TNHH AQ về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá được thực hiện qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử. Bên nguyên đơn đã sao lục và cung cấp cho tòa án những chứng cứ điện tử như email, tin nhắn, danh sách các cuộc gọi điện thoại, bản sao kê thanh toán qua ngân hàng. Bên bị đơn thì cho rằng họ không nhận được các thông tin trao đổi qua hộp thư điện tử, các số máy điện thoại không phải của người đại diện theo pháp luật hay các văn bản ủy quyền hợp lệ, không chấp nhận các tập quán thương mại mà hai bên đã thực hiện vì không có thỏa thuận. Để giải quyết vụ việc một cách toàn diện, đầy đủ, Toà án nhân dân thành phố TH đã tiến hành thu thập và kiểm tra tính xác thực của các chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp, tuy nhiên, do thời gian thực hiện hợp đồng tương đối dài, các máy chủ không đặt tại Việt Nam cũng như một bên không cung cấp nên các chứng cứ do nguyên đơn cung cấp đều không được chấp nhận. Ngày 20/5/2014, TAND thành phố TH đã tiến hành xét xử và ra bản án bác yêu cầu khởi kiện của Công ti Liên doanh HN. (17)
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về thu thập chứng cứ của đương sự
Qua nghiên cứu, phân tích các quy định của BLTTDS năm 2015 về thu thập chứng cứ của đương sự, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định như sau:
Thứ nhất, bổ sung các quy định về trình tự, thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ tại khoản 1 Điều 97 BLTTDS năm 2015, đặc biệt quy định riêng về trình tự, thu thập chứng cứ điện tử.
Chứng cứ phải được cung cấp, thu thập, đánh giá, bảo quản, bảo vệ theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, BLTTDS năm 2015 chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức đặc biệt đối với các chứng cứ điện tử. Do đó, để thông điệp dữ liệu điện tử do cá nhân, cơ quan, tổ chức thu thập có giá trị chứng minh và được tòa án sử dụng làm chứng cứ cho việc giải quyết vụ án dân sự, các nhà làm luật cần bổ sung trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức đặc biệt là trình tự, thủ tục thu thập dữ liệu điện tử.
Thứ hai, bổ sung quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ chuyển giao chứng cứ cho nhau giữa các đương sự và hậu quả pháp lí khi đương sự không thực hiện nghĩa vụ này.
BLTTDS năm 2015 quy định về nghĩa vụ trao đổi trực tiếp chứng cứ, tài liệu của các bên đương sự cho nhau trước khi mở phiên toà nhưng lại chưa quy định thời hạn cũng như các biện pháp để buộc đương sự thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Nga…) lại rất chú trọng đến việc quy định thời hạn và các biện pháp để buộc đương sự phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ. Vì vậy, để đảm bảo quyền được biết đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của đương sự phía bên kia để chuẩn bị cho việc tranh tụng tại toà án cũng như tương thích với pháp luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới, cần thiết bổ sung vào BLTTDS năm 2015 quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ trao đổi chứng cứ, tài liệu của các bên đương sự cho nhau trước khi mở phiên toà và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó. Theo đó, khoản 5 Điều 96 BLTTDS năm 2015 nên được bổ sung theo hướng: “Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho toà án thì họ phải thực hiện ngay việc sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.
Trong trường hợp đương sự cố tình không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho bên kia thì theo yêu cầu của đương sự, toà án buộc bên đương sự đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ phải cung cấp tài liệu, chứng cứ đó trong thời hạn do thẩm phán ấn định nhưng không vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự. Nếu hết thời hạn này, đương sự vẫn cố tình không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ thì bị phạt tiền và thẩm phán sẽ không chấp nhận những tài liệu, chứng cứ không được các bên đương sự trao đổi trong thời hạn đã được thẩm phán ấn định”.
Thứ ba, cần quy định rõ biện pháp yêu cầu toà án thu thập chứng cứ được bắt đầu thực hiện từ thời điểm cá nhân, cơ quan, tổ chức nộp đơn khởi kiện ra toà án. Để đảm bảo đương sự có đầy đủ chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc tranh chấp tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, biện pháp yêu cầu toà án thu thập chứng cứ của đương sự nên được thực hiện từ thời điểm khi cá nhân, cơ quan, tổ chức nộp đơn khởi kiện ra toà án. Hay nói cách khác, toà án thu thập chứng cứ bắt đầu từ thời điểm cá nhân, cơ quan, tổ chức nộp đơn khởi kiện ra toà án.
Thứ tư, cần quy định các chế tài đối với việc cản trở hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự, người đại diện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Pháp luật tố tụng dân sự cần quy định cụ thể hơn biện pháp chế tài đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ hoặc quản lí chứng cứ cố tình không cung cấp chứng cứ cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ hoặc các cơ quan có thẩm quyền cần phải hướng dẫn cụ thể biện pháp xử lí các hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự giống như đối với các hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của toà án, viện kiểm sát. Theo đó, trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ hoặc quản lí chứng cứ từ chối cung cấp chứng cứ mà không có lí do chính đáng; cung cấp không đầy đủ, kịp thời; cung cấp tài liệu, chứng cứ không chính xác theo yêu cầu của đương sự thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lí theo quy định của pháp luật như phạt cảnh cáo, phạt tiền, cưỡng chế thi hành, xử lí kỉ luật hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này sẽ nhằm bảo đảm cho đương sự, người đại diện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ.
Thứ năm, cần có sự thống nhất giữa pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự về nguồn chứng cứ. Theo đó, BLDS năm 2015 cần bổ sung quy định về việc người để lại di sản thừa kế có thể thể hiện ý chí cuối cùng của mình về việc phân chia di sản thừa kế dưới hình thức ghi âm hoặc ghi hình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thái Chí Bình, Một vài ý kiến về hoạt động thu thập chứng cứ của toà án khi giải quyết vụ án dân sự, https://tks. edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/576
2. Micheal Browde, “Pháp luật tố tụng dân sự Hoa Kỳ và một số nước theo hệ thống pháp luật án lệ”, Về pháp luật tố tụng dân sự, Kỉ yếu Dự án VIE/95/017 tăng cường năng lực xét xử tại Việt Nam, Hà Nội, 2000. 3. Khoa Luật, Trường Đại học New York (Alan B. Morrison chủ biên), Những vấn đề cơ bản của luật pháp Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, 2007.
4. Jay M. Feinman, Luật 101: Mọi điều bạn cần biết về pháp luật Hoa Kỳ, Nxb. Hồng Đức, 2014.
5. Nhà pháp luật Việt – Pháp, Kỉ yếuHội thảo pháp luật tố tụng dân sự, Hà Nội, ngày 07, 08/9/1998.
6. Nhà pháp luật Việt – Pháp, Kỉ yếu Hội thảo pháp luật tố tụng dân sự, Hà Nội, ngày 02, 03/8/1999.
(1 ). Micheal Browde, “Pháp luật tố tụng dân sự Hoa Kỳ và một số nước theo hệ thống pháp luật án lệ”, Về pháp luật tố tụng dân sự, Kỉ yếu Dự án VIE/95/017 tăng cường năng lực xét xử tại Việt Nam, Hà Nội, 2000, tr. 22, 23.
(2). Các quy định liên bang về thủ tục dân sự do Toà án tối cao Hoa Kỳ ban hành (gọi tắt là Quy định). Xem: Khoa Luật, Trường Đại học New York (Alan B. Morrison chủ biên), Những vấn đề cơ bản của luật pháp Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, 2007.
(3). Khoa Luật, Trường Đại học New York, sđd, tr. 99, 100.
(4). Khoa Luật, Trường Đại học New York, sđd, tr. 100.
(5). Khoa Luật, Trường Đại học New York, sđd, tr. 101.
(6). Jay M. Feinman, Luật 101: Mọi điều bạn cần biết về pháp luật Hoa Kỳ, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr. 203.
(7). Nhà pháp luật Việt – Pháp, Kỉ yếu Hội thảo pháp luật tố tụng dân sự, Hà Nội, ngày 07,08/9/1998, tr. 20, 21.
(8). Nhà pháp luật Việt – Pháp, Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hoà Pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.
(9). Nhà pháp luật Việt – Pháp, Kỉ yếu Hội thảo pháp luật tố tụng dân sự, Hà Nội, ngày 02,03/8/1999, tr. 37.
(10). Nhà pháp luật Việt – Pháp, Kỉ yếu Hội thảo pháp luật tố tụng dân sự, Hà Nội, ngày 02, 03/8/1999, tr. 37, 38.
(11 ). Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
(12). Thái Chí Bình, Một vài ý kiến về hoạt động thu thập chứng cứ của toà án khi giải quyết vụ án dân sự, https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/576, truy cập 02/02/2020.
(13). Hoàng Duy, Án dân sự kéo dài, vướng mắc từ thu thập chứng cứ, Báo Đầu tư chứng khoán (bản điện tử), ngày 09/3/2015, https://tinnhanhchung khoan.vn/phap-luat/an-dan-su-keo-dai-vuong-mac-tu thu-thap-chung-cu-113525.html, truy cập 02/02/2020.
(14). Phạm Thái Quý, Thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự còn gian nan, https://thongtinphapluat dansu.edu.vn/2010/05/03/4812/, truy cập ngày 02/02/2020.
(15). Hoàng Duy, tlđd.
(16). Bộ Tư pháp, Báo cáo số 205/BC-BTP về kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Hà Nội, 2016, tr. 8.
(17). Lê Văn Thiệp, Chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, Báo điện tử Kiểm sát, https://kiemsat.vn/chung-cu-dien-tu-trong giai-quyet-tranh-chap-kinh-doanh-thuong-mai 46731.html, truy cập 02/02/2020.
Để lại một phản hồi Hủy