Site icon Hocluat.VN

Thẩm phán và ý nghĩa tên gọi trong mô hình tố tụng Việt Nam

Thẩm phán trong mô hình tố tụng Việt Nam

(Ảnh minh họa - Nguồn: Luật văn diễn dịch)

Theo quy định của pháp luật hiện nay, Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Thẩm phán là một từ hán việt với lối viết hán tự là 審判. Trong đó:

– Chữ THẨM 審 có nghĩa là xét hỏi kỹ, thường xuất hiện trong các cụm từ như thẩm tra, thẩm vấn, phúc thẩm;

– Chữ PHÁN 判 có rất nhiều nghĩa liên quan đến tố tụng như (1) xử, xét xử (động từ) hoặc (2) văn thư tố tụng, án

kiện (danh từ). Tuy nhiên từ phán với ý nghĩa (1) là xét xử được sử dụng rộng rãi và phổ biến hơn. Chúng ta thường gặp chữ Phán trong các cụm từ như phán quyết, phán quan (quan lại chuyên về xét xử).

Từ đây có thể hiểu “thẩm phán” chính là tra hỏi cho kỹ càng để đưa ra quyết định xét xử cuối cùng. Tên gọi này thể hiện rõ đặc trưng của người tiến hành xét xử trong mô hình tố tụng thẩm vấn. Đây là mô hình mà thẩm phán có vai trò rất lớn trong hoạt động điều tra, xét hỏi. Thuật ngữ “tố tụng thẩm vấn” hay “tố tụng xét hỏi” xuất phát từ tiếng Pháp là “procédure inquisitoire” và được sử dụng để chỉ việc thẩm tra, thẩm vấn của các Tòa án. Thuật ngữ này xuất xứ từ hoạt động điều tra, thẩm tra gọi là “Inquisition” vào thế kỷ 12 và đến thế kỷ 13 phát triển thành hệ thống quy trình, cơ quan xét xử của nhà thờ thiên chúa giáo. Lúc bấy giờ, các thẩm phán cũng đóng vai trò là thẩm tra viên. Sau này mô hình tố tụng thẩm vấn được áp dụng phổ biến ở các nước thuộc hệ thống luật châu Âu lục địa với đặc trưng là đề cao vai trò tích cực, chủ động của Thẩm phán trong quá trình tố tụng nói chung và giai đoạn xét xử nói riêng.

Cùng với sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân, mô hình tố tụng thẩm vấn du nhập vào các nước châu Á và Mỹ latin thuộc địa. Việt Nam, sau hơn 100 năm chịu sự đô hộ của Pháp đã kế thừa và chịu ảnh hưởng rất lớn của mô hình này. Có thể nói, lối diễn dịch “thẩm phán” của chúng ta ảnh hưởng nhiều từ cách hiểu về vai trò của thẩm phán trong mô hình tố tụng thẩm vấn nói trên.

Bên cạnh mô hình tố tụng thẩm vấn phổ biến tại các nước có truyền thống dân luật, là mô hình tố tụng tranh tụng (procédure accusatoire) thịnh hành ở các nước thuộc hệ thống Thông luật Anh-Mỹ. Khác với mô hình tố tụng thẩm vấn, mô hình tố tụng tranh tụng cho rằng, sự thật sẽ được mở ra thông qua sự tranh luận (cuộc tranh đấu) tự do và cởi mở giữa hai bên. Bên buộc tội và bên bào chữa tham gia phiên tòa với tư cách là hai đối thủ có trách nhiệm chứng minh về sự có tội hay vô tội của bị cáo, mỗi bên đều bình đẳng với nhau trong việc sử dụng pháp luật còn Thẩm phán chỉ là người lắng nghe cuộc tranh luận “so tài” giữa hai bên để đưa ra quyết định bên nào sẽ “thắng cuộc”. Mô hình này được sử dụng đầu tiên ở nhà nước Hy Lạp cổ đại, sau đó được áp dụng ở La Mã và phổ biến sang một số nước Châu Âu trong thời kỳ trung cổ với sự kế thừa của Đế quốc La Mã Thần Thánh (Thế kỷ 10 – 13). Đến khoảng thế kỷ 13, sự lấn át của các nhà thờ Thiên chúa giáo cùng hệ thống tố tụng thẩm vấn đã dần thay thế mô hình tố tụng tranh tụng ở châu Âu lục địa. Vương quốc Anh vốn có lợi thế cách biệt địa lý và độc lập tôn giáo (Anh giáo) đã bảo tồn mô hình này và phát triển nó cho đến tận ngày nay.

Hai mô hình tố tụng nêu trên về bản chất trái ngược với nhau, dẫn đến định nghĩa khác nhau về công lý và vai trò thẩm phán. Nếu mô hình tố tụng tranh tụng coi cái đúng là cái đã trải qua tranh luận, bàn cãi để giải quyết mâu thuẫn và đưa ra phán quyết; thì mô hình tố tụng thẩm vấn lại cho thấy một tầm nhìn rộng hơn về công lý. Đó là lý tưởng và giả định về sự can thiệp của một bên thứ ba giúp đề cao cái đúng ở đây.

Sự khác nhau của hai mô hình và vai trò của thẩm phán đã dẫn đến việc là dù về thuật ngữ, cùng sử dụng từ có gốc latin để diễn giải nhưng nghĩa của từ lại khác nhau tùy thuộc vào quốc gia và mô hình sử dụng.

Về mặt ngôn ngữ, thẩm phán được gọi là “Judge” trong tiếng anh. Đây là từ mượn của tiếng Pháp “juge”, vốn gốc latin “jūdĭcem” với “jus” nghĩa là luật pháp kết hợp với “dīcĕre” là “nói ra”. Từ “judge” này còn dùng để chỉ người trọng tài trong một trận đấu hoặc người sành sỏi, am hiểu vấn đề, bản thân từ “judge” không hề mang trong nó sự xét hỏi để làm rõ như từ “thẩm phán” mà đó chỉ là sự đưa ra phán quyết trên sự hiểu biết và lắng nghe, nhận xét khách quan giữa các bên tham gia tố tụng. Từ “judge” – thẩm phán trong tiếng anh có thể nói là thừa hưởng ý nghĩa gốc của La Mã cùng với hệ thống tố tụng tranh tụng dù con chữ được mượn từ tiếng pháp. Trong khi từ “juge” – thẩm phán trong tiếng pháp, dù thừa kế từ tiếng Latin nhưng về bản chất, đã thay đổi ít nhiều về ý nghĩa khi vai trò thẩm phán đã thay đổi theo mô hình tố tụng xét hỏi.


Tác giả: Linh-Anh
Minh họa: Anh


Tài liệu tham khảo:

 

Nguồn: Hoàng Thảo Anh, Lê Thị Khánh Linh, Thẩm phán và ý nghĩa tên gọi trong mô hình tố tụng Việt Nam, Luật văn diễn dịch.
URL: https://luatvandiendich.wordpress.com/2018/08/10/tham-phan-va-y-nghia-ten-goi-trong-mo-hinh-to-tung-viet-nam/

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version