Site icon Hocluat.VN

So sánh ưu, nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và Tòa án

trong-tai-thuong-mai

So sánh ưu điểm và nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài và Tòa án.

 

Các nội dung liên quan:

 

Bảng so sánh ưu, nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và Tòa án

Mục lục:

  1. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài
    1. Khái niệm việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài
    2. Ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài
    3. Nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài
  2. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Tòa án
    1. Bản chất của việc giải quyết quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Tòa án
    2. Ưu điểm việc giải quyết quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Tòa án
    3. Nhược điểm việc giải quyết quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Tòa án

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài Giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Tòa án
Ưu điểm – Trọng tài tôn trọng ý chí thỏa thuận của 02 bên tranh chấp

– Thủ tục nhanh chóng, linh hoạt

– Bảo mật thông tin

– Cơ quan trọng tài trung lập, chuyên môn trọng tài viên cao

– Phán quyết của trọng tài được công nhận, thi hành phán quyết trọng tài

– Trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ, và hiệu lực phán quyết có tính khả thi cao hơn so với trọng tài. Do là cơ quan xét xử của Nhà nước nên phán quyết của tòa án có tính cưỡng chế cao. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế, do đó khi đã đưa ra tòa án thì quyền lợi của người thắng kiện sẽ được đảm bảo nếu như bên thua kiện có tài sản để thi hành án.

– Nguyên tắc xét xử công khai có tính răn đe đối với những thương nhân kinh doanh vi phạm pháp luật.

– Các tòa án, đại diện cho chủ quyền quốc gia, có điều kiện tốt hơn các trọng tài viên trong việc tiến hành điều tra, có quyền cưỡng chế, triệu tập bên thứ ba đến tòa.

– Các bên không phải trả thù lao cho thẩm phán, ngoài ra chi phí hành chính rất hợp lý.

Nhược điểm – Chi phí trọng tài cao

– Việc điều tra, xác minh chứng cứ, áp dụng các biện pháp khẩn cấp mất nhiều thời gian hơn so với Tòa án

– Phán quyết của trọng tài có thể bị yêu cầu tòa án xem xét lại

– Việc thực hiện các phán quyết của trọng tài phụ thuộc phần lớn vào ý thức tự nguyện của các bên

– Việc lựa chọn phương thức tòa án có những nhược điểm nhất định vì các nguyên nhân:

+ Thủ tục tố tụng tại tòa án thiếu linh hoạt do đã được pháp luật quy định trước đó;

+ Phán quyết của tòa án thường bị kháng cáo. Quá trình tố tụng có thể bị trì hoãn và kéo dài, có thể phải qua nhiều cấp xét xử, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh.

+ Nguyên tắc xét xử công khai của tòa án tuy là nguyên tắc được xem là tiến bộ, mang tính răn đe nhưng đôi khi lại là cản trở đối với doanh nhân khi những bí mật kinh doanh bị tiết lộ và uy tín trên thương trường bị giảm sút.

– Đối với các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài thì:

+ Phán quyết của tòa án thường khó đạt được sự công nhận quốc tế. Phán quyết của tòa án được công nhận tại một nước khác thường thông qua hiệp định song phương hoặc theo nguyên tắc rất nghiêm ngặt.

+ Mặc dù thẩm phán quốc gia có thể khách quan, họ vẫn phải buộc sử dụng ngôn ngữ và áp dụng quy tắc tố tụng của quốc gia họ và thường cùng quốc tịch với một bên.

Cụ thể:

I. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài

1. Khái niệm việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài

Trong khoa học pháp lý, trọng tài được nghiên cứu với nhiều phương diện khác nhau vì vậy có rất nhiều quan điểm khác nhau khi nói về trọng tài. Chúng ta có thể bắt gặp khái niệm về Trọng tài Thương mại có thể nằm rải rác ở rất nhiều văn bản có liên quan đến hoạt động mà nó điều chỉnh.

Ở Việt Nam, tại Pháp lệnh về Trọng tài Thương mại năm 2003 có qui định: “Trọng tài Thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận và được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Pháp lệnh này qui định”.

Tại khoản 1 điều 3 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 qui định “Trọng tài Thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo qui định của Luật Trọng tài Thương mại”.

Như vậy, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về Trọng tài Thương mại, nhìn chung giữa chúng có những điểm giống nhau nhưng ta có thể hiểu: Trọng tài Thương mại là hình thức giải quyết những tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, được thực hiện bởi một bên thứ ba độc lập có thể là Hội đồng trọng tài hoặc một số trọng tài viên theo yêu cầu của các bên tranh chấp. Bên thứ ba giải quyết tranh chấp bằng việc đưa ra một phán quyết. Phán quyết này có hiệu lực ràng buộc các bên tranh chấp và nếu các bên không tự nguyện thi hành sẽ bị cưỡng chế bằng quyền lực nhà nước.

2. Ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài

Trọng tài tôn trọng ý chí thỏa thuận của 02 bên tranh chấp

Theo qui định tại điều 38 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 thì trọng tài phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về địa điểm giải quyết tranh chấp, địa điểm tiến hành phiên họp. Đồng thời Trọng tài cũng phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về thời hạn tố tụng trừ trường hợp quy tắc của trung tâm trọng tài có qui định.

Trung tâm Trọng Tài và Trọng tài viên do các bên tranh chấp lựa chọn và trọng tài viên được lựa chọn sẽ bầu Chủ tịch HĐTT. Do vậy các bên có cơ hội lựa chọn những trọng tài viên là chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm dày dạn trong các lĩnh vực đặc thù như Xây dựng, Hàng hải, Thanh toán quốc tế, Sở hữu trí tuệ, Bảo hiểm, Đầu tư v.v. Trong khi tại tòa án, Thẩm phán do Tòa chỉ định và thường không phải là chuyên gia trong các lĩnh vực có tính chuyên môn cao và đặc thù.

Ngoài ra, nếu tranh chấp có yếu tố quốc tế, thì các bên có quyền thoả thuận chọn tổ chức trọng tài, địa điểm, tiếng dùng trong xét xử và luật áp dụng . Trong khi toà án Việt Nam chỉ có thể xét xử theo tiếng Việt và luật Việt Nam.

Thủ tục nhanh chóng, linh hoạt

Phán quyết của trọng tài là quyết định chung thẩm, trọng tài chỉ xét xử một lần và đưa ra quyết định có hiệu lực ngay. Đây là đặc điểm dùng để phân biệt giữa phương thức Trọng tài Thương mại và Tòa án.

Trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, quyết định cuối cùng của Hội đồng xét xử còn có thể bị kháng cáo, kháng nghị lên Tòa án cấp trên. Tòa án có nhiều cấp xét xử, từ sơ thẩm đến phúc thẩm, trong một số trường hợp còn có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc xét xử qua nhiều cấp như vậy trong phương thức Tòa án cũng tạo nên một hạn chế nhất định cho các nhà kinh doanh đó là đôi khi có thể dẫn đến kéo dài thời gian xét xử, thời gian thi hành án, đây có thể là điều mà các nhà kinh doanh không mong muốn.

Quy trình của tố tụng Trọng Tài cũng linh hoạt cho thời gian và lịch làm việc của các bên và năng động hơn so với toà án do trọng tài chỉ chịu sự điều chỉnh của Quy Định của từng Trung Tâm Trọng Tài và Luật Trọng Tại Thương Mại 2010.

Trong thủ tục trọng tài, tính mềm dẻo, linh hoạt thể hiện rất rõ ở mỗi giai đoạn, thể hiện tính thuận tiện, dễ dàng tiến hành theo ý chí của các bên tranh chấp.

Bảo mật thông tin

Theo qui định tại khoản 4 Điều 4 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 thì giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Khác với nguyên tắc tố tụng của Tòa án là xét xử công khai được qui định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Như vậy, tất cả bí mật thông tin của các bên được giữ kín trong cả quá trình giải quyết, ngay cả khi có phán quyết cuối cùng cũng không được công khai nếu như không có yêu cầu của các bên. Đây được xem là một ưu điểm lớn của phương thức Trọng tài Thương mại, góp phần đáp ứng như mong muốn của các nhà kinh doanh khi muốn giữ bí mật thông tin hoặc uy tín của doanh nghiệp mình.

Cơ quan trọng tài trung lập, chuyên môn trọng tài viên cao

Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, là cơ quan tư pháp trong hệ thống bộ máy nhà nước ta, Tòa án nhân danh quyền lực Nhà nước để xét xử, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tòa án hoạt động vì mục đích duy trì, ổn định trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo Hiến pháp. Bên cạnh đó, Trọng tài Thương mại lại là cơ quan mang tính chất phi chính phủ, không nằm trong bộ máy nhà nước và hoạt động phi lợi nhuận. Các trung tâm trọng tài không phải là một cơ quan xét xử của Nhà nước mà là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Luật trọng tài thương mại vẫn giữ lại hầu hết các qui định về Trọng tài viên. Theo đó, chúng ta có thể hiểu rằng “Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo Luật Trọng tài Thương mại năm 2010”. Để trở thành Trọng tài viên thì mỗi cá nhân phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ mà Luật Trọng tài Thương mại qui định.

Phán quyết của trọng tài được công nhận, thi hành phán quyết trọng tài

Phán quyết của trọng tài Thương mại là chung thẩm và có hiệu lực thi hành ngay được qui định tại khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 vì vậy, vụ việc đã được trọng tài giải quyết thì không bị xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án. Thủ tục thi hành phán quyết Trọng tài được thực hiện theo qui định pháp luật về thi hành án Dân sự. Trong đó, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên được thi hành án, cơ quan thi hành án Dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định đó. Sau khi nhận được thông báo về quyết định thi hành án, người phải thi hành án có 15 ngày để tự nguyện thi hành án, nếu không sẽ bị cưỡng chế theo qui định của pháp luật về thi hành án dân sự.

3. Nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài

Chi phí trọng tài cao

Trong thực tiễn tình hình nước ta hiện nay, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng trọng tài tương đối lớn hơn so với giải quyết bằng con đường tòa án.

Việc điều tra, xác minh chứng cứ, áp dụng các biện pháp khẩn cấp mất nhiều thời gian hơn so với Tòa án

Trọng tài không phải cơ quan được giao quyền lực cưỡng chế của nhà nước, nên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu xuất hiện trường hợp cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trọng tài không thể ra quyết định mang tính chất bắt buộc thực hiện mà phải yêu cầu tòa án thực hiện thay theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự  (Điều 50, 51, Luật trọng tài thương mại 2010). Điều này khiến việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp mất thêm thời gian, không kịp thời và có thể tạo cơ hội cho một bên thực hiện một số hành vi gây ảnh hưởng bất lợi cho quá trình tố tụng và thi hành phán quyết sau này.

Trọng tài viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ và triệu tập nhân chứng . Tuy pháp luật có quy định trong các điều 45, 46, 47 Luật TTTM 2010 nhưng quyền của họ chỉ dừng lại ở “yêu cầu” còn việc cung cấp hay không thì phụ thuộc vào sự tự nguyện và thiện chí của các bên tranh chấp và người làm chứng.

Phán quyết của trọng tài có thể bị yêu cầu tòa án xem xét lại

Theo  Điều 68 Luật trọng tài thương mại 2010, phán quyết trọng tài có thể bị hủy khi có đơn yêu cầu của một bên. Mặc dù trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn có nhiều ưu điểm song không ít có ý kiến cho rằng họ e ngại việc phán quyết của trọng tài bị Tòa án hủy. Bên cạnh đó những căn cứ để hủy phán quyết của trọng tài được quy định tại Điều 68 Luật trọng tài thương mại 2010 cũng chưa được cụ thể, rõ ràng (ví dụ như điểm đ khoản 2 Điều 68), khiến cho việc áp dụng các căn cứ này có thể bị lạm dụng để hủy phán quyết của trọng tài; làm trì hoãn việc khắc phục thiệt hại, bù đắp tổn thất của các bên do tranh chấp gây ra. Đây chính là lý do lớn nhất cho việc giải quyết bằng trọng tài ít được lựa chọn để giải quyết các tranh chấp.

Việc thực hiện các phán quyết của trọng tài phụ thuộc phần lớn vào ý thức tự nguyện của các bên

Điều này thể hiện  trước nhất ở Điều 65 Luật trọng tài thương mại 2010, khi Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Chỉ khi một bên không tự nguyện thi hành phán quyết của trọng tài trong thời hạn và cũng không yêu cầu hủy phán quyết thì bên còn lại mới có quyền yêu cầu cơ quan thi hành dân sự thi hành phán quyết trọng tài. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, uy tín của doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu do đó việc họ tự giác thực hiện các quyết định của trọng tài khá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn chưa coi trọng việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nên vẫn chưa có ý thức tự giác, dẫn đến số phán quyết trọng tài bị yêu cầu hủy và không được thi hành chiếm tỷ lệ lớn.

II. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Tòa án

1. Bản chất của việc giải quyết quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Tòa án

Về bản chất, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án là một phương thức mang ý chí quyền lực nhà nước, tòa án nhân danh quyền lực nhà nước để giải quyết tranh chấp trên cơ sở các quy định của pháp luật. Quyết định của tòa án có hiệu lực khiến các bên bắt buộc phải thực thi và có thể kèm theo các biện pháp cưỡng chế thi hành. Bản chất đó được thể hiện thông qua các đặc điểm sau:

– Thứ nhất là cơ quan tài phán nhân danh nhà nước để giải quyết tranh chấp, do đó, phán quyết của tòa án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế.

– Thứ hai là việc giải quyết tranh chấp của tòa án phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mang tính hình thức cũng như các quy định về thẩm quyền, thủ tục, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại của pháp luật tố tụng nhất là các quy định của bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

– Thứ ba là tòa án giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc xét xử công khai.

– Thứ tư là việc giải quyết tranh chấp tại tòa án có thể thực hiện qua hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm, bản án có hiệu lực pháp luật còn có thể được xét lại theo thủ tục: giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

– Thứ năm là tòa án giải quyết theo nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

2. Ưu điểm việc giải quyết quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Tòa án

Việc đưa tranh chấp ra xét xử tại tòa án có nhiều ưu điểm như:

– Trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ, và hiệu lực phán quyết có tính khả thi cao hơn so với trọng tài. Do là cơ quan xét xử của Nhà nước nên phán quyết của tòa án có tính cưỡng chế cao. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế, do đó khi đã đưa ra tòa án thì quyền lợi của người thắng kiện sẽ được đảm bảo nếu như bên thua kiện có tài sản để thi hành án.

– Nguyên tắc xét xử công khai có tính răn đe đối với những thương nhân kinh doanh vi phạm pháp luật.

– Các tòa án, đại diện cho chủ quyền quốc gia, có điều kiện tốt hơn các trọng tài viên trong việc tiến hành điều tra, có quyền cưỡng chế, triệu tập bên thứ ba đến tòa.

– Các bên không phải trả thù lao cho thẩm phán, ngoài ra chi phí hành chính rất hợp lý.

3. Nhược điểm việc giải quyết quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Tòa án

– Việc lựa chọn phương thức tòa án có những nhược điểm nhất định vì các nguyên nhân:

+ Thủ tục tố tụng tại tòa án thiếu linh hoạt do đã được pháp luật quy định trước đó;

+ Phán quyết của tòa án thường bị kháng cáo. Quá trình tố tụng có thể bị trì hoãn và kéo dài, có thể phải qua nhiều cấp xét xử, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh.

+ Nguyên tắc xét xử công khai của tòa án tuy là nguyên tắc được xem là tiến bộ, mang tính răn đe nhưng đôi khi lại là cản trở đối với doanh nhân khi những bí mật kinh doanh bị tiết lộ và uy tín trên thương trường bị giảm sút.

– Đối với các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài thì:

+ Phán quyết của tòa án thường khó đạt được sự công nhận quốc tế. Phán quyết của tòa án được công nhận tại một nước khác thường thông qua hiệp định song phương hoặc theo nguyên tắc rất nghiêm ngặt.

+ Mặc dù thẩm phán quốc gia có thể khách quan, họ vẫn phải buộc sử dụng ngôn ngữ và áp dụng quy tắc tố tụng của quốc gia họ và thường cùng quốc tịch với một bên.

 


Các tìm kiếm liên quan đến ưu nhược điểm giải quyết tranh chấp bằng tòa án, ưu nhược điểm của các hình thức giải quyết tranh chấp, so sánh giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và tòa án, nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án, luận văn giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng tòa án, ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng tòa án, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài

5/5 - (3 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version