Công an và Cảnh sát là hai khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn đối với nhiều người. Điều 4 Luật Công an nhân dân quy định như sau: “Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công an nhân dân gồm lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân và Công an xã”.
Như vậy có thể hiểu, trong cơ cấu ngành Công an ở Việt Nam, Cảnh sát là một bộ phận cấu thành nên Công an. Tuy nhiên, dưới góc độ con chữ, hai thuật ngữ này khác nhau như thế nào, và vì sao lại có sự quy định như vậy?
1. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÔNG AN – CẢNH SÁT TRONG BỐI CẢNH NGÔN NGỮ MỘT SỐ NƯỚC ĐỒNG VĂN
Từ “công an” là một từ gốc Hán (公安) và được sử dụng tại các quốc gia Trung Quốc, Việt Nam (公安-công an), Nhật Bản(公安-こうあん- phiên âm Kō an ) và Hàn Quốc 公安-공안 – phiên âm gong-an). Cần phải làm rõ là mặc dù từ « công an » tồn tại trong ngôn ngữ các nước đồng văn nhưng không phải tất cả đều có nghĩa giống như từ công an ở Việt Nam. Ở Hàn Quốc, lực lượng trị an được gọi là 경찰 (Kyeong chal – Cảnh sát), từ công an (공안) được dùng để chỉ lực lượng trị an ở Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên. Ở Nhật Bản, từ Keisatsu (Cảnh sát) cũng được sử dụng phổ biến hơn, tuy nhiên vẫn có có cơ quan “Cảnh thị công an bộ” trực thuộc Cục cảnh sát Tokyo và “Công an điều tra sảnh” (Public Security Intelligence Agency) là cơ quan tình báo chịu sự quản lý của Bộ Tư pháp.
Trong từ CÔNG AN thì “công” (公) có nghĩa là chung (như công cộng), còn an (安) có nghĩa là sự yên ổn, bình yên. Như vậy, công an có nghĩa là sự yên ổn chung trong xã hội, lực lực công an cũng chính là lực lượng có nhiệm vụ giữ gìn sự yên bình chung của xã hội, đảm bảo trật tự công cộng. Vì thế khi dịch sang tiếng anh, thuật ngữ « public security” đã được sử dụng để chỉ chung cho ngành công an. Ví dụ Bộ Công an là Ministry of Public Security (MPS).
Từ CẢNH SÁT có cách viết hán tự là 警 察. Trong đó chữ cảnh (警) có nghĩa là răn bảo, nhắc nhở (như cảnh cáo); phòng bị trước (như cảnh bị – tức đề phòng), ngày xưa vua đi ra đều cấm không cho ai đi lại để phòng sự gọi là cảnh tất. Chữ sát (察) lại có nghĩa là xem xét, kiểm tra kỹ càng (như giám sát). Như vậy khi ghép hai chữ này lại chúng ta có thể hiểu nghĩa của từ cảnh sát đó là sự xem xét, kiểm tra, phòng ngừa những bất trắc xảy ra nhằm mục đích giữ gìn an ninh chung trong xã hội. Có thể thấy từ “cảnh sát” mang hàm nghĩa cụ thể hơn so với từ “công an”, chính vì thế mà có quy định về lực lượng cảnh sát và công an như hiện nay. Từ cảnh sát được dịch sang tiếng Anh là « Police ».
2. POLIS, POLITEIA, POLITIA, POLLICE, POLICE và những «trị an viên» thời cổ đại
Danh từ POLICE hiện nay là kết quả của một sự “tiến hóa” thuật ngữ theo dòng thời gian. Trước đây, từ này là POLLICE trong tiếng pháp cổ, có nghĩa là “sự quản trị”, xuất xứ latin POLITIA của người La Mã và gốc rễ từ POLITEIA trong tiếng Hy Lạp cổ. POLITEIA nghĩa là “nghệ thuật cai trị thành bang”, đi từ gốc POLIS chỉ thành bang/ thành phố.
Theo dòng thời gian, ý nghĩa của thuật ngữ này dần thu hẹp lại chỉ việc điều hành một thành phố trong tương quan những thiết chế, quy tắc và chức năng nhiệm vụ đảm bảo và duy trì trật tự xã hội. Nôm na là công việc “trị an” và những người làm nhiệm vụ này có thể gọi là “trị an viên”, cũng có thể gọi là “công an”.
Những người được giao nhiệm vụ trị an thời Hy Lạp cổ đại là các pháp quan (magistrates). Thành bang Hy Lạp chia các pháp quan “trị an viên” thành 10 astynomoi lo việc đảm bảo vệ sinh đô thị của Athens và cảng Piraeus; 10 agoranomoi giữ gìn trật tự thị trường; 10 metronomoi đảm bảo sự tuân thủ các tiêu chuẩn trung thực và “Mười một” người chịu trách nhiệm về các phiên tòa, bắt giam, và tư pháp hình sự nói chung.
Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của mình, những pháp quan này cần sự giúp sức phần nào của quân đội, lực lượng vốn có trách nhiệm ưu tiên đối với an ninh “ngoài” thành bang. Vì thế, pháp quan “trị an viên” đã dựa vào lực lượng mở rộng của quân đội gồm 300 nô lệ Scythian mà thành bang đã mua lại sau cuộc chiến Hy Lạp-Ba tư. Những người này được vũ trang nhẹ, làm nhiệm vụ duy trì hòa bình và trật tự ở các địa điểm và tụ điểm công cộng khác nhau. Chỉ thi thoảng họ mới hỗ trợ nhóm 11 pháp quan bên mảng tư pháp hình sự.
Sau này ở La Mã, cơ chế tuyển dụng trị an viên dần được áp dụng mở rộng đối tượng với các tầng lớp thấp hơn như nô lệ, dân tự do, công dân xuất thân thấp và những người từng có tiền án. Người La Mã không mặn mà với việc ngăn ngừa, phát hiện và truy tố tội phạm. Theo họ đó là những vấn đề về thiệt hại dân sự và cần được giải quyết riêng tư giữa các công dân với nhau.
Sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, những thiết chế trị an này biến mất ở châu Âu và thay vào đó các lãnh chúa phong kiến với quyền lực tuyệt đối ở lãnh địa của mình đã đảm nhận luôn vai trò này, kể cả quyền tư pháp. Chỉ có Đế quốc Đông La Mã Byzantine là còn lưu giữ những di sản của Đại Đế quốc cũ, trong đó có lực lượng koiaistor làm nhiệm vụ chủ yếu về trị an, đặc biệt họ có trách nhiệm giám sát lượng lớn cư dân nước ngoài sinh sống ở thủ đô.
3. LỰC LƯỢNG TRỊ AN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
Vào thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, từng có nhiều lực lượng được giao chức năng và nhiệm vụ tương tự với Công an, Cảnh sát ngày nay. Vào năm 1417 thời Lê Sơ đã có quy định về lực lượng Cẩm Y Vệ như sau: “Người có tội oan uổng cũng nên xét lại cho được rõ oan. Vệ Cẩm Y xét kiện và Điện tiền xét án. Có oan khuất xâm hại phải tâu lên, ngày ngày phải thân đến xét hỏi”. Vào cuối thế kỷ XV, Vệ Cẩm Y thời Lê Sơ có cơ cấu khá lớn và sự lớn, nhỏ hoặc gia tăng, thu hẹp quyền hạn tùy thuộc vào mỗi triều vua, mỗi triều đại.
Đến thời Nguyễn, cơ cấu của Vệ Cẩm Y bị thu hẹp. Vệ Cẩm Y thời Nguyễn gồm 10 đội túc trực; là thiên binh túc vệ vua (bảo vệ vua). Vệ Cẩm Y phải làm nhà ở gần quanh kinh thành, cắt phiên ứng trực tuần cảnh; vua đi săn phải chiếu đường thủy lực đi trước hướng dẫn, quân theo sau hầu trực.
Ngoài ra, thời Lê cũng có chức Khán thủ và thời Nguyễn có chức Trương tuần với trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự trong làng xã (có thể xem những chức danh này tương đương với lực lượng Công an xã trong Công an theo quy định của pháp luật hiện nay).
Tác giả : Linh-Anh
Minh họa: Anh
Nguồn: Luật văn diễn dịch
Tài liệu tham khảo :
Xem chi tiết tại link wordpress của bài viết tại https://luatvandiendich.wordpress.com/2018/07/06/phan-biet-cong-an-canh-sat-va-luoc-su-ve-thuat-ngu
Để lại một phản hồi Hủy