Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm tại Bộ luật hình sự 2015

Chuyên mụcLuật hình sự, Thảo luận pháp luật Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Trong quá trình giải quyết các vụ án đồng phạm theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự 2015) thì việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự là một nội dung quan trọng. Thông thường, vụ án đồng phạm là vụ án có nhiều người tham gia, mỗi người tham gia gây án ở mức độ khác nhau, có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ khác nhau, vì vậy mức độ trách nhiệm hình sự của họ khác nhau. Bởi thế, khi xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm phải dựa vào nguyên tắc do Bộ luật Hình sự quy định.

Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm là gì?

Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong vụ án đồng phạm là một thuật ngữ pháp lý tồn tại từ lâu, tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản pháp quy nào đưa ra khái niệm cá thể hóa trách nhiệm hình sự là gì.

Theo từ điển Tiếng Việt thì Cá thể hóa là việc tách biệt cá nhân này với cá nhân khác trong nhóm để phân biệt vị trí, vai trò của từng người”. Từ khái niệm này, vận dụng vào quy định về cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm có thể nhận thấy, đây là việc tách biệt từng người một trong vụ án đồng phạm để xem xét vị trí, vai trò của từng người trong vụ án, từ đó quyết định hình phạt cho phù hợp.

Khi giải quyết vụ án đồng phạm, nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự là tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm đã xảy ra. Nguyên tắc này xuất phát từ đặc điểm đồng phạm về tính chất liên kết hành vi cùng thực hiện một tội phạm, hành vi của mỗi người đồng phạm đều là nguyên nhân gây ra hậu quả tác hại chung. Vì vậy, luật hình sự quy định những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về một tội phạm mà họ đã thực hiện, đều bị áp dụng hình phạt của tội phạm mà tất cả những người đồng phạm đã cùng thực hiện. Mọi người đồng phạm trong vụ án đều phải chịu trách nhiệm về tình tiết tăng nặng nếu có, đều bị áp dụng nguyên tắc chung về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nguyên tắc xác định hình phạt.

Sau khi xem xét toàn bộ tội phạm đồng phạm thì mới xác định theo tính độc lập của trách nhiệm hình sự trong vụ án đồng phạm. Pháp luật hình sự quy định mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm. Nguyên tắc này xuất phát từ tính chất, mức độ tham gia gây án của người đồng phạm khác nhau, đặc điểm nhân thân khác nhau, tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi người khác nhau. Trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm ở chỗ: mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến đâu thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm đến đó. Người đồng phạm này không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của người đồng phạm khác.

Bộ luật Hình sự quy định việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự nhằm tạo ra sự công bằng, đánh giá đúng, chính xác để quyết định hình phạt phù hợp cho tất cả đồng phạm trong vụ án.

Từ những phân tích nêu trên có thể định nghĩa như sau: Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm là việc tách biệt từng người một trong vụ án đồng phạm để xem xét tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia của từng người trong vụ án để từ đó quyết định hình phạt cho phù hợp.

Cơ sở pháp lý của cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm

Cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Điều 58. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Như vậy, mục đích của việc quy định cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm nhằm phân hóa vai trò tội phạm giữa những người đồng phạm để quyết định hình phạt cho phù hợp với tính chất, mức độ tham gia của những người đồng phạm.

Tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về cùng một tội danh theo cùng một điều luật và trong phạm vi những chế tài mà điều luật ấy quy định. Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong vụ án đồng phạm thì được áp dụng đối với cá nhân người phạm tội mà không áp dụng riêng.

Nội dung cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm

Thứ nhất: Khi cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm cần căn cứ vào tính chất của đồng phạm. Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội.

Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật Hình sự có hai loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn (tất cả những người đồng phạm đều là người thực hành) và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức). Phạm tội có tổ chức là trường hợp đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Như vậy, phạm tội có tổ chức là một loại đồng phạm, do phạm tội có tổ chức biểu hiện đầy đủ những dấu hiệu về mặt khách quan và mặtt chủ quan giống như đồng phạm thông thường.

Ngoài ra, căn cứ vào tính chất đồng phạm còn phân chia thành đồng phạm có sự bàn bạc, thống nhất ý chí và đồng phạm không bàn bạc, thống nhất ý chí (dạng tiếp nhận ý chí).

Hiện nay hầu hết khi giải quyết các vụ án đồng phạm đều áp dụng Điều 58 Bộ luật Hình sự để cá thể hóa trách nhiệm hình sự là không hợp lý. Ví dụ: Trong vụ án đánh bạc, Nguyễn Văn A, Trần Văn C, Hồ Anh P, Phạm Thế K bị bắt quả tang về hành vi đánh bạc với số tiền thu được là 8 triệu đồng. Bốn bị can bị truy tố về tội “đánh bạc”, trong vụ án này Nguyễn Văn A là người trải chiếu, Trần Văn C là người đi cắt xúc xắc, Hồ Anh P đi lấy bát, đĩa, Phạm Thế K quét dọn. Xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, xác định các bị cáo đồng phạm giản đơn (đều là người thực hành) có vai trò như nhau thì không cần phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự, chỉ cần cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi mà mức hình phạt giữa các bị cáo có sự khác nhau như A là tù có thời hạn, C phạt tiền, P cải tạo không giam giữ…, còn nếu như các bị cáo đều bị áp dụng mức hình phạt giống nhau cùng là phạt tiền mà mức phạt tiền không có sự chênh nhau quá lớn thì không cần thiết phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự.

Thứ hai: Đánh giá tính chất của hành vi phạm tội để cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm. Khi đánh giá tính chất của tội phạm, cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Xem xét, cân nhắc lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội; phương tiện phạm tội; thủ đoạn phạm tội; thời gian và địa điểm phạm tội; khách thể xâm hại…

Ví dụ: Cùng dùng vũ khí cướp tài sản, nếu trong hai vụ án có cùng các tình tiết khác như nhau, nhưng trong vụ án thứ nhất A thực hiện hành vi cướp tài sản có chuẩn bị từ trước và thực hiện cướp tài sản giữa ban ngày, nơi có dân cư đông đúc, còn trong vụ án thứ hai B thực hiện cướp tài sản lợi dụng nơi vắng vẻ, khi thấy có người đi qua mới nẩy sinh ý định thực hiện cướp tài sản, thì tuy cùng áp dụng điều khoản như nhau, nhưng phải quyết định mức hình phạt đối với A nặng hơn đối với B.

– Xem xét, cân nhắc hậu quả do hành vi phạm tội gây ra bao gồm hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội).

Ví dụ: Cùng phạm tội trộm cắp tài sản, nếu trong hai vụ án có cùng các tình tiết khác như nhau, nhưng trong vụ án thứ nhất M trộm cắp tài sản có giá trị 55 triệu đồng, còn trong vụ án thứ hai N trộm cắp tài sản có giá trị 195 triệu đồng, thì tuy cùng áp dụng điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự để xử phạt các bị cáo, song cần phải quyết định hình phạt đối với N nặng hơn M.

– Nếu là có đồng phạm cần xem xét tính chất của đồng phạm có ít người hay có nhiều người tham gia; xem xét, cân nhắc vị trí, vai trò của từng người trong đồng phạm để cá thể hoá trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.

– Nếu phạm tội có tổ chức cần xem xét, cân nhắc tính chất của tổ chức có ít người hay có nhiều người tham gia; mức độ cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm; xem xét, cân nhắc vị trí, vai trò của từng người khi thực hiện tội phạm để cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.

Thứ ba: Khi cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm căn cứ vào mức độ tham gia của người phạm tội. Mức độ tham gia chính là khả năng tham gia của một người trong việc thực hiện hành vi phạm tội so với những chủ thể đồng phạm khác. Khi xem xét mức độ của một người, cần đánh giá xem tham gia có tích cực hay không? Nếu tham gia tích cực nhưng vì những điều kiện khách quan mà việc tham gia của họ không gây ra hậu quả của tội phạm và khi xem xét để quyết định hình phạt thì có cần thiết phải cá thể hóa so với hành vi của những người khác hay không, cũng cần phải đánh giá một cách đúng đắn, đầy đủ và toàn diện.

Việc đánh giá mức độ tham gia để cá thể hóa trách nhiệm hình sự là quy định hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên cần xem xét trong mối quan hệ với hậu quả của tội phạm để xác định cho chính xác, hoặc so sánh với hành vi phạm tội của những đồng phạm khác.

Thứ tư: Khi cá thể hóa trách nhiệm hình sự có thể căn cứ vào các loại tội phạm mà đồng phạm thực hiện tập trung vào các nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; nhóm tội xâm phạm chế độ sở hữu, đây là những nhóm tội có thể dễ dàng xác định được tính chất, mức độ tham gia của người phạm tội căn cứ vào hành vi phạm tội.

Việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm là quy định phù hợp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đồng phạm. Tuy nhiên, việc vận dụng nguyên tắc do Bộ luật Hình sự quy định đòi hỏi sự đánh giá khách quan, toàn diện và đầy đủ, có như vậy mới giải quyết vụ án bảo đảm công bằng, đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Ths Nguyễn Hà Giang / lsvn.vn

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền