Không chỉ ban hành các quy tắc có tính chất tôn chỉ, mục đích, quy tắc định hướng để luật sư lựa chọn ứng xử phù hợp trong tình huống cụ thể, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam còn trực tiếp quy định những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp gồm 08 nhóm hành vi (Quy tắc 21). Quy tắc quy định cụ thể, rõ ràng những hành vi luật sư không được làm để luật sư nhận biết và không thực hiện trong quan hệ với đồng nghiệp.
..
Những nội dung liên quan:
..
Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp
Đây là những hành vi Bộ Quy tắc nghiêm cấm luật sư thực hiện, trường hợp luật sư vi phạm có thể bị xem xét kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư, là hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất đối với luật sư theo quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam hiện nay.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam nghiêm cấm luật sư thực hiện các nhóm hành vi cụ thể dưới đây:
Thứ nhất, nghiêm cấm luật sư có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp.
Bộ Quy tắc quy định 03 loại hành vi gồm: hành vi vu khống, hành vi xúc phạm và hành vi gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp, đây những loại hành vi xâm phạm trực tiếp, có chủ định để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của luật sư đồng nghiệp hoặc cản trở hoạt động bình thường của luật sư đồng nghiệp. Những hành vi vi phạm này cần phải tuyệt đối loại bỏ ra khỏi đời sống của Luật sư.
Hành vi vu khống theo Bộ Quy tắc được hiểu là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà luật sư biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư đồng nghiệp hoặc bịa đặt là luật sư đồng nghiệp vi phạm và tố cáo họ đến Đoàn luật sư hoặc cơ quan có thẩm quyền. Luật sư có nghĩa vụ bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp như của chính mình. Trường hợp này, luật sư không những không bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của đồng nghiệp mà còn trực tiếp có lời nói, hành vi xúc phạm và nghiêm trọng hơn là vu khống đồng nghiệp, do vậy, hành vi này cần được xử lý nghiêm minh.
Hành vi gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp trong Bộ Quy tắc có thể được hiểu là hành vi xâm phạm, gây ảnh hưởng hoặc có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đồng nghiệp khi hành nghề, trong giao tiếp xã hội bao gồm cả hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của đồng nghiệp.
Trên thực tế, hiện tượng luật sư vi phạm quy tắc này diễn ra phức tạp, và thể hiện ở nhiều cấp độ từ việc luật sư có lời nói, hành vi, cử chỉ, phát ngôn xúc phạm đồng nghiệp, đến việc luật sư khiếu nại, tố cáo đồng nghiệp không đúng pháp luật, không đúng quy định, không phù hợp quy tắc. Thậm chí còn cả hành vi vu khống nhằm triệt hạ đồng nghiệp. Nguyên nhân, biểu hiện của những vi phạm có nhiều và có thể kể đến các dạng sau:
– Luật sư thành viên mâu thuẫn với thành viên Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư, lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam khi luật sư thực hiện công tác quản lý hành chính, thực hiện chức năng tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư.
+ Trường hợp Ban chủ nhiệm nhắc nhở, phê bình luật sư khi luật sư không thực hiện nghĩa vụ bắt buộc như nghĩa vụ đóng phí thành viên, tham gia bồi dưỡng bắt buộc, thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, thực hiện vụ án chỉ định… Luật sư trưởng tổ chức không gửi báo cáo định kỳ, các nghĩa vụ tham gia hội, họp, tham gia phong trào của Đoàn Luật sư…
+ Trường hợp Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thụ lý giải quyết đơn thư liên quan đến Luật sư. Ví dụ, Đoàn luật sư ban hành Quyết định xử lý kỷ luật luật sư thành viên trong trường hợp luật sư đó là người bị kỷ luật hoặc luật sư đó là người có đơn đề nghị kỷ luật luật sư đồng nghiệp;
+ Trường hợp, luật sư thành viên không nhất trí cách thức tổ chức, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam do vậy đã có đơn khiếu nại, tố cáo tập thể hoặc cá nhân luật sư thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ luật sư khiếu nại, tố cáo Ban chủ nhiệm, chủ nhiệm Đoàn luật sư trong quản lý, sử dụng tài chính của Đoàn Luật sư, thực hiện chức năng giám sát, đại diện của Đoàn Luật sư…
+ Trường hợp luật sư khiếu nại, tố cáo liên quan công tác giới thiệu nhân sự, chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư.
– Luật sư xúc phạm, vu khống, đe dọa luật sư đồng nghiệp. Loại vi phạm này chủ yếu xuất phát từ hoạt động hành nghề của luật sư và thường có liên quan đến tranh chấp lợi ích vật chất, tranh chấp khách hàng hoặc khi luật sư để kết quả thắng thua trong giải quyết vụ việc của khách hàng trở thành thắng thua của cá nhân luật sư với đồng nghiệp. Một số trường hợp khác, trong cuộc sống hàng ngày, cá nhân luật sư bất đồng chính kiến, quan điểm với luật sư đồng nghiệp, tích tụ thời gian dài và dần trở thành mâu thuẫn giữa luật sư với đồng nghiệp.
Nhận diện đúng, đủ để tìm ra nguyên nhân dẫn đến các sai phạm sẽ giúp mỗi luật sư tiết chế, loại bỏ việc làm không đúng pháp luật, vi phạm Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp.
Thứ hai, Bộ Quy tắc nghiêm cấm luật sư thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân.
Nội dung quy tắc nhằm bảo vệ uy tín, đạo đức của nghề luật sư; bảo vệ quyền, lợi ích của khách hàng; bảo vệ tính độc lập của luật sư trong hành nghề, không bị chi phối bởi lợi ích vật chất hoặc bất kỳ lợi ích nào khác. Để làm rõ nội dung của quy tắc này, hãy phân tích một ví dụ cụ thể sau:
Ví dụ 3: Luật sư Nguyễn Văn A là luật sư của bị cáo B trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Nguyễn Văn C là luật sư bảo vệ người bị hại trong vụ án. Bị cáo B kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ mức hình phạt. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư. A nhận thấy vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án là không có căn cứ. Tuy nhiên do Luật sư. C đã đề nghị Luật sư. A bỏ qua vấn đề dân sự trong vụ án nên tại phiên tòa Luật sư. A chỉ bào chữa về trách nhiệm hình sự cho bị cáo B. Luật sư. A và C có vi phạm Quy tắc 21.2 hay không?
Theo quy định của Quy tắc 21.2, luật sư không được thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân. Có thể thấy Luật sư. A và C đã thông đồng với nhau bỏ qua vấn đề dân sự trong vụ án, tuy nhiên, lợi ích cá nhân mà Luật sư. A và C mưu cầu lại chưa được đề cập. Nếu có lợi ích cá nhân được mưu cầu trong vụ việc thì đó là lợi ích của người bị hại và gián tiếp là Luật sư. C.
Khi áp dụng Quy tắc 21.2, cần xác định “lợi ích cá nhân” bao gồm các lợi ích vật chất và phi vật chất; các cá nhân hưởng lợi có thể là luật sư hoặc các đối tượng khác trong vụ việc như khách hàng, người có liên quan… Đối với hành vi đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập, cần phân biệt với hoạt động thương lượng, hòa giải của Luật sư. Mục đích của thương lượng, hòa giải là giúp tìm được phương án giải quyết bảo đảm lợi ích của các bên, vì quyền lợi của các khách hàng. Còn hành vi bị cấm trong quy tắc do luật sư thực hiện, xuất phát từ lợi ích của luật sư hoặc của một bên trong vụ việc, xâm hại đến quyền và lợi ích của khách hàng mà luật sư bảo vệ.
Khi luật sư thông đồng hoặc có ý định thông đồng với luật sư bảo vệ cho khách hàng đối lập với khách hàng của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân, luật sư không chỉ phản bội khách hàng mà còn phản bội nghề luật sư.
Thứ ba, Bộ Quy tắc nghiêm cấm luật sư tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc khi biết khách hàng đó có luật sư mà không thông báo cho luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hoặc luật sư đại diện cho khách hàng đó biết.
Ý nghĩa đạo đức buộc luật sư phải thông báo cho luật sư đồng nghiệp biết việc mình có ý định tiếp xúc, làm việc với khách hàng đối lập về quyền lợi. Việc trao đổi không có mặt luật sư đồng nghiệp có thể dẫn tới việc khách hàng phía bên kia giảm niềm tin vào luật sư đồng nghiệp. Việc báo trước cho luật sư đồng nghiệp sẽ tránh việc gây nghi ngờ về nội dung trao đổi dẫn tới mất đoàn kết nội bộ.
Mặt khác, quy định này nhằm bảo vệ chính luật sư có ý định gặp gỡ, tiếp xúc với khách hàng phía bên kia vì không loại trừ sau cuộc tiếp xúc khách hàng đó với tâm thế của bên đối lập sẽ tạo lập các nội dung, thông tin không chính xác để tố cáo chính Luật sư.
Ví dụ 4: Trong một vụ án dân sự về tranh chấp thừa kế, Luật sư. A bảo vệ quyền lợi cho khách hàng H là bị đơn. Luật sư. B bảo vệ quyền lợi cho khách hàng Y là nguyên đơn. Để làm rõ một số vấn đề của vụ việc, Luật sư. A đã gọi điện và hẹn gặp khách hàng Y tại quán cà phê để hỏi, làm rõ một số tình tiết. Khi đến gặp khách hàng Y, Luật sư. A đã bị Luật sư. B yêu cầu chấm dứt việc gặp gỡ riêng khách hàng cũng như chấm dứt hành vi vi phạm quy tắc đạo đức.
Trong tình huống trên, mặc dù Luật sư. A chỉ muốn gặp để làm rõ tình tiết của vụ án nhưng việc gặp khách hàng có quyền lợi đối lập mà không thông báo cho luật sư của Y là vi phạm Quy tắc 21.3. Chính vì vậy, yêu cầu của Luật sư. B là hoàn toàn có căn cứ.
Thứ tư, Bộ Quy tắc nghiêm cấm luật sư thực hiện hành vi thuê, trả tiền môi giới khách hàng hoặc môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng.
Quy tắc bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của Luật sư, luật sư chi trả hoa hồng cho luật sư đồng nghiệp ảnh hưởng tính độc lập trong quá trình giải quyết vụ việc và trong hành nghề.
Quy định này để bảo đảm quyền, lợi ích cho khách hàng vì khách hàng không có nghĩa vụ phải chi trả cả phần phí dịch vụ cho người không thực hiện dịch vụ cho mình.
Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư không môi giới dịch vụ cho đồng nghiệp để lấy tiền vì việc làm đó không được coi là hoạt động nghiệp vụ của Luật sư. Khi luật sư thực hiện hành vi môi giới vụ việc cho đồng nghiệp hoặc trả tiền môi giới cho đồng nghiệp để nhận vụ việc là cách ứng xử đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của nghề luật sư, ảnh hưởng đến bản chất mối quan hệ luật sư với đồng nghiệp.
Chúng ta cũng cần phân biệt việc luật sư giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ công việc và nguồn thu nhập hợp pháp với đồng nghiệp một cách hoàn toàn vô tư, khách quan xuất phát từ tình đồng nghiệp của luật sư và không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của khách hàng với hành vi môi giới, trả tiền môi giới mà Bộ Quy tắc nghiêm cấm thực hiện.
Thứ năm, Bộ Quy tắc quy định cấm luật sư thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng.
Các hành vi lợi dụng, sử dụng khách hàng vào các công việc có thể gây tổn hại đến đồng nghiệp, đến vị trí nghề nghiệp luật sư và gây tổn hại cho chính khách hàng như:
– Nghiêm cấm việc so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc Tổ chức hành nghề luật sư này với Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư khác. So sánh năng lực nghề nghiệp của Luật sư, phân biệt vùng, miền hoạt động của luật sư bản chất là hành vi phân biệt đối xử và cạnh tranh không lành mạnh. Luật sư tự nhận mình giỏi, tự nhận mình tài hơn đồng nghiệp là biểu hiện của sự tự kiêu, xúc phạm đồng nghiệp. Việc so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền là nguyên nhân trực tiếp gây mất đoàn kết nội bộ trong giới Luật sư ; là nguyên nhân triệt tiêu nguồn thu nhập hợp pháp của Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư khác. Mặt khác, hành vi này nếu có còn xâm phạm nguyên tắc cơ bản trong quan hệ luật sư với luật sư là nguyên tắc bình đẳng.
Trên thực tế, rất khó phân biệt việc so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền với hoạt động quảng bá thương hiệu Luật sư, tạo lập niềm tin của khách hàng với cá nhân Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư phù hợp quy định. Bộ Quy tắc không đưa ra các tiêu chí để phân biệt nhưng có thể xem xét một số hành vi sau đây là hành vi quảng bá thương hiệu Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư hợp pháp. Ví dụ:
+ Cung cấp cho khách hàng thông tin về các danh hiệu mà Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư được CQNN ghi nhận, tôn vinh, trao thưởng, xếp hạng như được vinh danh hãng luật của năm hoặc được tặng Bằng khen, Giấy khen.
+ Cung cấp cho khách hàng các thông tin trung thực về kinh nghiệm, kết quả vụ việc đã thực hiện, năng lực thực tế của Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư.
+ Giới thiệu thành tựu và kết quả hoạt động của Đoàn luật sư nơi luật sư là thành viên; giới thiệu các đặc điểm nổi trội về vùng, miền nơi luật sư hoạt động với khách hàng.
– Bộ Quy tắc nghiêm cấm hành vi xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo luật sư đồng nghiệp.
Bản chất mối quan hệ giữa khách hàng và luật sư được tạo lập trên cơ sở niềm tin của khách hàng đối với luật sư khi đặt bút ký vào hợp đồng dịch vụ pháp lý. Khách hàng đồng ý sử dụng dịch vụ của luật sư mà trong nhiều trường hợp không được luật sư cam kết, bảo đảm về kết quả công việc cho dù chỉ bằng lời nói. Thậm chí trong một số vụ việc, khách hàng còn không được luật sư thông tin, thông báo về nội dung, kết quả công việc luật sư đã và đang thực hiện do trách nhiệm bảo mật thông tin hoạt động điều tra hoặc là bí mật quốc gia… Với niềm tin vào nghề luật sư, vào cá nhân người Luật sư, khách hàng thuê và được bảo đảm bởi chính niềm tin của khách hàng với Luật sư. Chính vì khách hàng và luật sư tạo lập mối quan hệ trên niềm tin và hy vọng nên niềm tin của khách hàng vào luật sư rất dễ bị tác động, phá vỡ dẫn đến khách hàng từ chối Luật sư.
Hành vi xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi này trực tiếp can thiệp, tác động đến việc thực hiện quyền tự lựa chọn luật sư của khách hàng. Hành vi này trực tiếp tước đoạt, triệt tiêu hoạt động nghiệp vụ cùng thu nhập hợp pháp của luật sư đồng nghiệp.
Hành vi xúi giục, lợi dụng khách hàng để khiếu nại, tố cáo luật sư ngoài hậu quả, cản trở hoạt động hành nghề bình thường của luật sư đồng nghiệp, vi phạm các chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghiệp vụ của Luật sư, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng uy tín nghề luật sư còn trực tiếp xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng vì đã đẩy khách hàng vào tranh chấp pháp lý với luật sư đồng nghiệp mà không xuất phát từ chính nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Do sự lệ thuộc, yếu thế hoặc tin tưởng tuyệt đối của khách hàng với Luật sư, khách hàng đã bị luật sư tác động dẫn tới khiếu nại, tố cáo luật sư đồng nghiệp, còn chính bản thân khách hàng chưa có ý định khiếu nại, tố cáo.
Khi xem xét Quy tắc 21.5.2 trên thực tế, có thể thấy luật sư có hành vi, lời nói xúi giục một cách rõ ràng như yêu cầu hoặc khuyên khách hàng từ chối luật sư đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình là không nhiều. Tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn tác động đến tâm lý, niềm tin của khách hàng vào luật sư đồng nghiệp rất đa dạng, phong phú nhưng cũng rất tinh vi, khéo léo nên rất khó để xử lý luật sư theo Quy tắc 21.5.2. Ví dụ, luật sư có thể đưa ý kiến đánh giá, bình luận không tốt của một Luật sư, cá nhân khác đối với luật sư đồng nghiệp; hoặc đưa ra kết quả những vụ việc tương tự của khách hàng mà Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện; hoặc có những ý kiến hoài nghi, đánh giá, bình luận không hay về những việc mà luật sư đồng nghiệp đã thực hiện cho khách hàng…
Thực tế cho thấy các tranh chấp, mâu thuẫn giữa luật sư với đồng nghiệp phần lớn xuất phát từ tranh chấp có liên quan đến khách hàng, đến lợi ích vật chất.
– Bộ Quy tắc nghiêm cấm luật sư trực tiếp hoặc sử dụng các nhân viên của mình hoặc người khác làm người lôi kéo, dụ dỗ khách hàng trước trụ sở các CQTHTT, trại tạm giam, CQNN và các tổ chức khác. Hành vi này gây ảnh hưởng đến trật tự, kỷ luật, tính nghiêm minh của CQNN cũng như gây mất đoàn kết nội bộ trong giới Luật sư, mặt khác, cũng tước đi cơ hội làm việc, thu nhập chính đáng của đồng nghiệp.
Thứ sáu, Bộ Quy tắc nghiêm cấm luật sư áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với luật sư như quan hệ thầy – trò, cấp trên – cấp dưới, huyết thống, thân thuộc.
Quy tắc một mặt bảo vệ quyền, lợi ích của khách hàng, mặt khác bảo đảm luật sư hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích nghề nghiệp, bảo đảm bình đẳng, độc lập khách quan giữa các Luật sư. Đây cũng là căn cứ, cơ sở để luật sư có thể viện dẫn, sử dụng vượt qua các rào cản tâm lý, mối quan hệ khác chi phối hoạt động nghề nghiệp đúng đắn của Luật sư.
Ví dụ 5: Một luật sư trẻ có thể viện dẫn quy tắc để từ chối đề nghị của luật sư trước đây hướng dẫn tập sự cho mình khi cho rằng đề nghị đó không phù hợp đối với hoạt động hành nghề, đối với việc giải quyết vụ việc mà không e ngại bị luật sư hướng dẫn, luật sư đồng nghiệp cho rằng mình vô ơn.
Thứ bảy, Bộ Quy tắc nghiêm cấm luật sư có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề.
Đạo đức của luật sư với đồng nghiệp trước hết được thể hiện ở tình đồng nghiệp của Luật sư. Luật sư có thể giành cho nhau tình cảm quý mến, thân thiết với đồng nghiệp hay không đó là quyền của cá nhân luật sư nhưng luật sư phải tôn trọng đồng nghiệp, giữ gìn uy tín nghề nghiệp – đó là quy định bắt buộc. Luật sư không những không có tình đồng nghiệp, thiếu tôn trọng đồng nghiệp, không hợp tác với đồng nghiệp, xúc phạm, hạ uy tín của đồng nghiệp, tước đoạt cơ hội có việc làm, có thu nhập hợp pháp của luật sư đồng nghiệp sẽ bị phê phán và có thể bị kỷ luật. Nghiêm trọng hơn, không dừng ở hành vi mang tính chất cá nhân, đơn lẻ, luật sư còn tạo thành phe, nhóm để cô lập, hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; đẩy mâu thuẫn cá nhân thành mâu thuẫn tập thể, Bộ Quy tắc quy định đây là hành vi bị nghiêm cấm của Luật sư.
Thứ tám, Bộ Quy tắc nghiêm cấm luật sư thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư.
Ngoài ra còn một số việc luật sư không được làm như:
Luật sư không muốn thừa nhận hoặc cố tình không thừa nhận tính hợp pháp, đại diện duy nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư. Tuy là thành viên của tổ chức nhưng luật sư không chấp hành, không tuân thủ quy định của tổ chức, quy định của pháp luật về tổ chức mình là thành viên.
Luật sư có tư tưởng tuyệt đối hóa, tiêu cực hóa tính độc lập trong hoạt động nghề nghiệp; luật sư cho rằng tính chất: tự chủ, độc lập, bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư mâu thuẫn với tính thống nhất, tập trung và có tổ chức trong công tác quản lý đối với người hành nghề Luật sư, nghề luật sư tại Việt Nam. Do nhận thức chưa đúng đắn, đầy đủ về bản chất nghề nghiệp, luật sư để cái tôi và lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Cá biệt có những luật sư không giữ được phẩm chất đạo đức, tác phong của người Luật sư, đã bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia hoặc đứng ra thành lập các tổ chức trái pháp luật.
Để lại một phản hồi Hủy