Site icon Hocluat.VN

“Nhân thân” và “thân nhân” có phải là một?

Nhân thân và thân nhân

Hiện nay, ngôn ngữ pháp lý Việt Nam tồn tại hai khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn về cách sử dụng, đó là « nhân thân » và « thân nhân ».

 

1. Nhân thân là gì?

Nhân thân là những thuộc tính gắn liền với bản thân của một người nào đó, không thể tách rời và cũng không thể chuyển đổi cho người khác. Theo đó, mỗi cá nhân sẽ có quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định của pháp luật. « Nhân thân tốt » cũng là một yếu tố được xem xét để giảm nhẹ các tội hình sự.

Nhân thân này có cách viết hán tự là 人 身 (phát âm là renshen – rẩn sân), trong đó chữ 人 âm hán việt là nhân nghĩa là người và chữ 身 âm hán việt là thân (trong thân thể, thân phận) nghĩa là mình, ta.

2. Thân nhân là gì?

Thân nhân là người có quan hệ đặc biệt đối với cá nhân nào đó. Thân nhân được xác định bởi mối quan hệ thân thuộc, thích thuộc và các quan hệ xã hội khác, có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em… của một người. Tóm gọn lại, thân nhân là từ dùng để chỉ mối quan hệ huyết thống, họ hàng, và quan hệ thân thuộc trên cơ sở hôn nhân.

Có thể nói, mặc dù là từ hán việt nhưng THÂN NHÂN không phải là thuật ngữ được vay mượn hoàn toàn từ hán ngữ. Cụ thể, thuật ngữ « Thân nhân » trong hán ngữ là 姻 亲 (phát âm yinqin – in chin) nghĩa là bà con, họ hàng. Trong đó chữ 姻 âm hán việt là nhân (nhân trong « hôn nhân » chứ không phải « nhân » chỉ người), nghĩa là quan hệ thân thuộc hôn nhân; còn chữ 亲 âm hán việt là « thân », chính là thân trong thân thích, là quan hệ gần gũi.

Từ điển hán nôm đồng thời cũng giải nghĩa 姻 (nhân) là nhà bên chồng và 亲 (thân) là cô dâu, cũng là một cách để lý giải tầng nghĩa « quan hệ thân thuộc trên cơ sở hôn nhân » của từ này. Nếu phiên âm đúng thứ tự, 姻 亲 sẽ đọc thành…nhân thân, đảo ngược thứ tự hoàn toàn so với thuật ngữ tiếng Việt !

Lý giải cho hiện tượng đảo từ nêu trên, chúng tôi cho rằng do trong tiếng Trung, 2 từ này có cách phát âm và cách viết đều khác nhau nên dễ dàng phân biệt, nhưng khi phiên sang âm hán việt thì cả 2 lại đều biến thành “nhân thân”. Tiếng Việt từ khi chuyển sang sử dụng bảng chữ cái latin thì chỉ còn khả năng biểu âm, sẽ rất khó phân biệt nếu dùng một thuật ngữ « nhân thân » cho cả hai khái niệm. Bởi vậy cách duy nhất để giải quyết vấn đề, có lẽ là đảo ngược thành “nhân thân” và “thân nhân” như chúng ta có hiện nay.

Nguồn: Luật văn diễn dịch


Tham khảo:

Từ điển hán nôm, nhân thân: https://hvdic.thivien.net/hv/nh%C3%A2n%20th%C3%A2n

4/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version