Suy đoán vô tội là nguyên tắc có tính nền tảng của tố tụng văn minh, vì thiếu nó chúng ta không thể đạt được nền tư pháp công bằng và nhân đạo.
Những tài liệu liên quan:
- Quy định của pháp luật Việt Nam về nguyên tắc suy đoán vô tội và một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung
- Phân tích nội dung và thực tiễn áp dụng nguyên tắc Suy đoán vô tội
- Yêu cầu thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn xét xử
Phân tích nguyên tắc suy đoán vô tội
Mục lục:
VIẾT TẮT | ||
STT | Tên viết tắt | Tên đầy đủ |
1 | BLTTHS | Bộ luật tố tụng hình sự |
2 | TTHS | Tố tụng hình sự |
3 | VD | Ví dụ |
A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Suy đoán vô tội (Điều 13) là một trong 27 nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015. Suy đoán vô tội được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Ở Việt Nam, việc ghi nhận và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội giúp cho quá trình tố tụng ngày càng tiến bộ, dân chủ, phù hợp với cải cách tư pháp. Vì vậy việc tìm hiểu và nắm vững nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội là rất cần thiết.
2. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết, phương pháp phân loại và hệ thống hoá lý thuyết, phương pháp nghiên cứu lịch sử.
3. Mục đích nghiên cứu: Làm rõ nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Nguyên tắc suy đoán vô tội và Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu: Chỉ ra ý nghĩa, thực tiễn, tính cấp bách của việc áp dụng nguyên tắc.
B. NỘI DUNG
1. Lịch sử hình thành của nguyên tắc suy đoán vô tội
Thực chất suy đoán vô tội xuất từ thế kỷ thứ 6, thời Lã Mã cổ đại hoàng đế La Mã Justinian đã ban hành một bản tóm lược luật La Mã được gọi là “Digest of Justinian”, trong đó một quy định về nguyên tắc chung liên quan đến chứng minh mà nội dung của nó là: Trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo, bên khẳng định chứ không phải bên phủ định . Sau đó, trong các triều đại La Mã, nguyên tắc này được áp dụng trong quá trình xét xử hình sự và bắt đầu khẳng định nghiã vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội và một hệ quả tất yếu là bị cáo luôn được coi là vô tội.
Tuy nhiên, suy đoán vô tội chỉ chính thức được xem như một nguyên tắc mang tính công cụ của pháp luật bởi luật gia người Pháp Jean Lemoine nhằm ủng hộ cho một cách suy luận mang tính pháp lý rằng hầu hết mọi người không phải là tội phạm và được quy định tại Điều 9 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cộng hòa Pháp ngày 26/8/1789 trong thời gian cách mạng tư sản Pháp như sau: “Mọi người đều được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội; nếu xét thấy cần thiết phải bắt giữ thì mọi sự cưỡng bức vượt mức cần thiết cho việc bắt giữ đều bị luật pháp xử phạt nghiêm khắc”. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cộng hòa Pháp được coi là mốc son trong lịch sử hình thành và phát triển nguyên tắc suy đoán vô tội. Nguyên tắc này đã được công nhận và quy định trong Điều 11 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc là: “Một người bị buộc tội có hành vi phạm tội được coi là vô tội cho đến khi sự phạm tội của người đó được xác định một cách hợp pháp trong một vụ xét xử công khai, trong đó có những sự bảo đảm cần thiết cho việc bào chữa của người đó” và trong khoản 2 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966: “Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật…”. Sau này, tư tưởng về suy đoán vô tội ngày càng có tính quốc tế khi được thừa nhận trong nhiều điều ước quốc tế mà nhiều quốc gia ký kết hoặc gia nhập.
Cũng giống như nhiều nguyên tắc khác của pháp luật, suy đoán vô tội chỉ trở thành nguyên tắc của luật tố tụng hình sự trong giai đoạn lịch sử nhất định.
Ở nước ta, trước Hiến pháp năm 2013 được ban hành, thuật ngữ “suy đoán vô tội” chưa được các bản Hiến pháp trước đó và pháp luật tố tụng hình sự sử dụng và ghi nhận chính thức. Tuy nhiên, trên cơ sở những tư tưởng tiến bộ về các quyền dân sự và chính trị của con người nội dung của nguyên tắc này đã được đề cập tại Điều 72 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001); Điều 10, Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 tiếp tục ghi nhận tư tưởng về suy đoán vô tội thông qua quy định tại Điều 9: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Hiến pháp 2013 cũng kế thừa tư tưởng này tại khoản 1 Điều 31 “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”. Cụ thể hóa quan điểm tiến bộ này, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 có 27 nguyên tắc cơ bản, trong đó Điều 13 quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
2. Một số khái niệm
– Nguyên tắc
Nguyên tắc của luật tố tụng hình sự được hiểu là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật tố tụng hình sự.
– Suy đoán
Thuật ngữ “suy đoán” bắt nguồn từ tiếng La tinh “praesumptino”, được hiểu là coi vấn đề, hiện tượng nào đó là đúng đắn cho đến khi chưa có lý do bác bỏ vấn đề, hiện tượng đó.
– Người bị buộc tội
Bộ luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể về khái niệm ‘’Người bị buộc tội’’. Tuy nhiên tại khoản điều 4 BLTTHS 2015 có quy định về các dạng người bị buộc tội bao gồm:
+ Người bị bắt: (Điều 58)
+ Người bị tạm giữ: (Điều 59)
+ Bị can: (Điều 60)
+ Bị cáo: (Điều 61)
– Chứng minh trong tố tụng hình sự
Chứng minh trong tố tụng hình sự là việc sử dụng các chứng cứ, các tình tiết phản ánh về vụ án hình sự cần phải được làm rõ để giải quyết các vụ án hình sự đúng pháp luật.
– Bản án kết tội của Tòa án
Bản án kết tội của tòa là một loại văn bản tố tụng đặc biệt do Toà án nhân danh Nhà nước ban hành bởi tập thể HĐXX sau khi kết thúc hoạt động xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm một vụ án cụ thể.
3. Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội
Điều 13. Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội đã được chính thức ghi nhận trong Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015. Nguyên tắc suy đoán vô tội có nội dung:
Thứ nhất, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Nguyên tắc này khẳng định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền phán quyết, xác định một người có tội bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Chừng nào chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì người bị buộc tội vẫn là người vô tội. Nói cách khác, thời gian suy đoán vô tội của người bị buộc tội là từ thời điểm Viện kiểm sát buộc tội đến thời điểm bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể là bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm. Các cơ quan tố tụng một mặt phải đối xử với họ như người không có tội, mặt khác, phải tạo mọi điều kiện để người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa và các quyền tố tụng khác.
Trong pháp luật hình sự, thuật ngữ “người bị buộc tội” trong BLTTHS 2015 dùng để chỉ người đã thực hiện hành vi được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm, hành vi của người đó đã cấu thành tội phạm. Thuật ngữ “người bị buộc tội” chỉ một thực tế khách quan là một người đã thực hiện tội phạm chứ không phải tùy thuộc vào nhận định chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, thuật ngữ “người bị buộc tội” khác với thuật ngữ người “bị coi là có tội” trong BLTTHS 2003. Theo quy định nói trên thì một người dù có bị tạm giữ, bị khởi tố bị can, bị tạm giam, đã bị xét xử sơ thẩm và bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật thì vẫn chưa phải là người có tội. Họ mới chỉ là người bị tình nghi, người đã có hành vi phạm tội. Khái niệm có hành vi phạm tội và có tội là hai khái niệm khác nhau. Thực tiễn cho thấy, nhận thức xã hội về điều này còn chưa đúng. Thật đáng buồn hơn, ngay cả người tiến hành tố tụng vẫn cho rằng, đã bị khởi tố bị can, đã bị tạm giam… là có tội, vì có tội nên mới bị cơ quan điều tra tạm giam và đối xử với họ như những người có tội!
Thứ hai, nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục luật định.
Tại Điều 15 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về ngyên tắc xác định sự thật vụ án như sau: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình có tội.”.
Có thể thấy, quy định trên không chỉ thuộc nội dung nguyên tắc xác định sự thật của vụ án mà thuộc về nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Bởi vì, cùng với việc khẳng định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cũng có nghĩa thừa nhận người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình. Để xác định một người là người phạm tội, trên cơ sở đó tiến hành truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh được người đó là người thực hiện hành vi bị luật hình sự coi là tội phạm. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó. Trên thực tế, có thể một người đã thực hiện tội phạm. Về khách quan, họ là người phạm tội, nhưng nếu không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi được luật hình sự coi là tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó. Chứng minh tội phạm là một quá trình. Quá trình đó diễn ra ở cả giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử.
Như vậy, đồng nghĩa với việc tại phiên toà bị cáo có quyền im lặng tức là không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. BLTTHS 2015 tuy không quy định quyền im lặng của người bị buộc tội thành một nguyên tắc riêng nhưng việc quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” tại điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015 đã mặc nhiên thừa nhận quyền im lặng của những người này.
Ở các nước có hệ thống tố tụng theo kiểu tranh tụng thì nguyên tắc này được xác định rõ ràng và được đảm bảo thực thi trong thực tế một cách nghiêm chỉnh. Khi cảnh sát bắt giữ một người, thì câu đầu tiên cảnh sát nói là: “Anh có quyền im lặng, bất cứ điều gì anh nói có thể là bằng chứng chống lại anh trước tòa …”. Pháp luật tố tụng hình sự của Nhật Bản còn quy định rõ: Người bị bắt giữ có quyền không khai báo gì khi họ chưa được tiếp xúc với luật sư. Việc được quyền im lặng ngay từ khi bị bắt giữ ban đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo đảm cho nguyên tắc suy đoán vô tội được thi hành trong thực tế. Thời gian ban đầu khi bị bắt giữ, người bị tình nghi thường rất hoang mang, lo sợ cho thân phận của mình … Họ rất dễ bị chi phối và có khi bị lệ thuộc bởi hoàn cảnh khách quan. Nhất là khi họ bị dụ cung, ép cung … và thực tế cho thấy nhiều người đã buộc phải theo sự gợi ý của Điều tra viên để khai nhận những việc không xảy ra trong thực tế (Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang; ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận; ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình là điển hình). Việc tiếp xúc với luật sư ngay từ ban đầu sẽ làm cho người bị bắt giữ yên tâm, luật sư sẽ tư vấn cho họ về việc khai báo cũng như việc có mặt của luật sư sẽ hạn chế việc làm sai trái của điều tra viên (nếu có). Đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người không phạm tội.
Để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, trên cơ sở đó truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được người bị buộc tội là người thực hiện hành vi phạm tội nào đó được quy định trong BLHS. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu hoạt động tố tụng không chứng minh được người đó đã thực hiện tội phạm thì không thể truy cứu, kết tội họ. Chứng minh tội phạm là một quá trình diễn ra ở cả ba giai đoạn điều tra – truy tố – xét xử. Ba giai đoạn này độc lập nhưng lại có cơ chế giám sát, chế ước, bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm việc kết tội được chính xác, không làm oan người không phạm tội. Từng chủ thể của giai đoạn tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh tội phạm ở giai đoạn của mình phụ trách và chịu trách nhiệm về việc chứng minh đó.
Thứ 3, việc truy tố, xét xử phải tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Nội dung này nhấn mạnh yêu cầu về mặt thủ tục pháp lý, là dấu hiệu quan trọng nhất của chế độ pháp quyền, theo đó, thủ tục công khai, minh bạch là đòi hỏi số một cho việc bảo vệ quyền con người chống lại sự truy bức tùy tiện.
Công ước của Liên hợp quốc đã nêu trên khẳng định: “Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền tự do đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà pháp luật đã quy định” (Điều 9.1).
Theo tinh thần đó, tại nhiều điều luật cụ thể, BLTTHS năm 2015 đã nhấn mạnh các yêu cầu nghiêm ngặt về trình tự, thủ tục, coi đó cũng là một nguyên tắc của tố tụng hình sự. Điều 7 của BLTTHS xác định: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”. Chứng cứ sẽ vô hiệu (Điều 87), hồ sơ phải được trả lại để điều tra bổ sung (Điều 236 và 280), bản án bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại khi xét xử phúc thẩm (Điều 358) và trong thủ tục giám đốc thẩm (khoản 3 Điều 371, Điều 388) nếu phát hiện có vi phạm thủ tục tố tụng.
Trong giai đoạn điều tra, truy tố nếu không chứng minh được bị can đã thực hiện hành tội phạm mà thời hạn điều tra đã hết thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại điều 230 và điều 248 của BLTTHS 2015.
Trong giai đoan xét xử nếu không đủ căn cứ để xác định bị cáo có tội thì Hội đồng xét xử ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội.
Thứ tư, phải đảm bảo xem xét các tình tiết vụ án 1 cách khách quan, đầy đủ.
Khách quan là dựa vào sự thật trước mắt, tồn tại bên ngoài không phụ thuộc vào ý thức, ý muốn con người.
– Đảm bảo xem xét vụ án tình tiết vụ án một cách khách quan thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện không bị chi phối bới ý chí của người khác và không xem xét vụ án một cách phiến diện.
– Đảm bảo xem xét tình tiết vụ án vụ án một cách đầy đủ là bất cứ vụ án nào cũng phải được chứng minh theo thủ tục đầy đủ theo quy định của luật tố tụng hình sự tránh tình trạng rút gọn nhằm đẩy nhanh quá trình điều tra làm bỏ sót tình tiết quan trọng vụ án làm vụ án sai lệch so với sự thật gây ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng.
=> Đảm bảo xem xét tình tiết vụ án một cách khách quan đầy đủ nhằm xác định sự thật vụ án một cách đúng đắn chính xác nhất, từ đó xem xét bị cáo có tội hay không có tội để đưa ra một bản án xét xử đúng người đúng tội.
Trong thực tế hiện nay có nhiều trường hợp nhằm đẩy nhanh quá trình điều tra vụ án đã xảy ra nhiều vụ bức cung nhục hình đã vi phạm nghiêm trọng đến thủ tục điều tra, gây ra nhiều vụ oan sai.vậy để đảm bảo tình tiết vụ án ược xem xét một cách khách quan đầy đủ thì cơ quan diều tra cũng có vai trò rất quan trọng.
4. Thực tiễn việc thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội
Trong thực tế hoạt động tố tụng hình sự có nhiều người bị buộc tội, bị truy tố trước Tòa án nhưng Tòa án không kết tội, bản án của Tòa án đã tuyên bố người bị buộc tội không phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Có người bị buộc tội đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án đó vẫn được quyền suy đoán là mình vô tội, đó là khi họ bị kết án oan. Ví dụ như: Án oan Nguyễn Thanh Chấn, án oan Huỳnh Văn Nén,…
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn
Đây là một vụ án oan, theo đó ông Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961 tại Bắc Giang) đã bị kết án chung thân về tội giết người. Ông chỉ được trả từ do vào tháng 11.2013 sau khi hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú. Tính đến thời điểm đó ông đã phải ngồi tù hơn 10 năm. Đây là một trong những vụ án oan gây nhiều dư luận trong xã hội bởi nhiều người cho rằng cơ quan điều tra đã dùng nhục hình, bức cung để buộc nghi phạm nhận tội. Từ vụ án oan của ông Chấn, Ủy ban tư pháp Quốc hội đã yêu cầu phải rà soát kỹ những đơn thư kêu oan, nhất là các trường hợp có mức phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình…
Theo Báo cáo tổng kết công tác Tòa án hàng năm của Tòa án nhân dân tối cao thì năm 2013, Tòa án trong cả nước tuyên án 21 người không phạm tội và năm 2015 đã tuyên án 22 người không phạm tội. Kết quả này cho thấy, không phải người buộc tội nào cũng là người bị kết tội và việc đưa nguyên tắc suy đoán vô tội chính thức trở thành một quy định trong BLTTHS 2015 đã đang góp phần làm cho quá trình tố tụng ngày càng tiến bộ, dân chủ, phù hợp với cải cách tư pháp.
5. Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội
Một là, nguyên tắc suy đoán vô tội không chỉ đáp ứng yêu cầu chứng minh: Chứng minh trong tố tụng hình sự là hoạt động cực kỳ phức tạp, không chỉ là những hành vi khách quan, những hậu quả thực tế mà còn cả những yếu tố tâm lý của người bị buộc tội. Mọi sai lầm trong chứng minh nhiều khi có thể phải trả giá bằng sinh mệnh của con người. Do đó, nếu chỉ chứng minh theo hướng suy đoán có tội thì rất dễ dẫn đến việc coi tố tụng hình sự chỉ đơn thuần là việc bắt người và ra bản án kết tội kèm theo những hình phạt cụ thể. Việc định kiến người bị buộc tội là người có tội là hết sức nguy hiểm. Nó đồng nhất người bị buộc tội là người có tội kéo theo đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng tràn lan, thiếu căn cứ, chà đạp lên quyền con người mà nhiều trường hợp khi vụ án được xem xét lại thì họ hoàn toàn vô tội. Lúc đó, có bồi thường oan sai đi chăng nữa thì hậu quả đối với họ không thể nói là đã bù đắp được toàn bộ.
Hai là, nguyên tắc suy đoán vô tội còn bảo vệ được quyền của người bị buộc tội. Hoạt động tố tụng hình sự bao gồm hai nhiệm vụ: Bảo vệ xã hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm và bảo vệ cá nhân người bị buộc tội chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền. Suy đoán vô tội còn đem đến sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được hậu thuẫn bằng quyền lực nhà nước với một bên yếu thế hơn là người bị buộc tội. Như vậy, không chỉ là quyền của người bị buộc tội, nghĩa vụ của bên buộc tội, thể hiện giá trị của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người, suy đoán vô tội còn phù hợp với quy luật của nhận thức trong tố tụng hình sự: Một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội.
Có thể nhận định rằng, suy đoán vô tội là một nguyên tắc tiến bộ. Nguyên tắc này bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là khi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại. Ngoài ra, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: Họ không thể làm sai mà vẫn áp đặt ý chí chủ quan của mình để kết tội nghi can. Hơn nữa, nguyên tắc này đảm bảo tính pháp chế trong BLTTHS, là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực tố tụng hình sự.
Ba là, nguyên tắc suy đoán vô tội có quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa. Bởi vì nếu đã bị coi là có tội ngay từ khi chưa xét xử thì việc thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội chỉ còn là hình thức. Người bào chữa là người được đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của bị cáo. Họ được nghiên cứu hồ sơ vụ án trên cơ sở am hiểu các quy định của pháp luật và được bị cáo hoặc gia đình bị cáo ủy quyền để bảo vệ cho các quyền và lợi ích chính đáng của bị cáo. Sự có mặt của người bào chữa nhằm đưa ra các luận cứ chứng minh sự vô tội của bị cáo hoặc đưa ra các lập luận đồng ý hay không đồng ý với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát về tội danh cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà Viện kiểm sát buộc tội. Đảm bảo quyền bào chữa là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền con người. Vì vậy, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định rõ quyền tự bào chữa hoặc nhờ Luật sư, người khác bào chữa của những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
C. KẾT LUẬN
Suy đoán vô tội là một nguyên tắc tiến bộ. Nguyên tắc này bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là khi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại. Ngoài ra, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm.
Vì vậy, việc bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cần được coi là một trong những nguyên tắc trụ cột và là một nhu cầu cấp thiết nhằm thực hiện đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật tố tụng hình sự 2003;
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
- Hiến pháp 1992;
- Hiến pháp 2013;
- Bài viết: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật tố tụng hình sự, sự thể chế hóa cho phù hợp với Hiến pháp của tác giả Đoàn Thị Ngọc Hải đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư Pháp (http://moj.gov.vn/);
- Bài viết: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam của TS. Phạm Mạnh Hùng – Trường ĐT, BDNV kiểm sát đăng tải trên website của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (http://tks.edu.vn);
- Bài viết: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật tố tụng hình sự – ThS. LÊ TIẾN đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Học Viện An Ninh Nhân Dân (http://hvannd.edu.vn/).
Mình cũng xin đóng góp 1 bài
Hầu như tất cả những sinh viên Luật đã học Luật Hình sự đều ghi nhớ “Nguyên tắc suy doán vô tội”. Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Tuy nhiên, đa số sinh viên chỉ nắm được một nội dung cơ bản của nguyên tắc này, chính là không ai có tội trước khi được tuyên là có tội trong khi nguyên tắc vẫn chứa đựng rất nhiều nội dung khác. Dưới đây là những nội dung của nguyên tắc này.
Thứ nhất, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật
Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi bất cứ tội phạm nào cũng phải được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) quy định. Quá trình chứng minh tội phạm được thực hiện từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm và thông qua các thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành các hoạt động điều tra, kết thúc điều tra đề nghị truy tố, truy tố bằng bản cáo trạng và tiến hành xét xử, điều tra công khai tại phiên tòa. Nếu có căn cứ để kết tội thì Tòa án sẽ ra bản án kết tội. Một người chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Cần lưu ý thuật ngữ “bị coi là có tội” khác với thuật ngữ “người phạm tội”. Thuật ngữ “người phạm tội” dùng để chỉ người đã thực hiện hành vi được Luật hình sự quy định là tội phạm, còn người bị coi là có tội là người bị Tòa án kết tội bằng một bản án và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, người phạm tội có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự, không bị coi là có tội cho đến khi bị chứng minh, còn người bị coi là có tội tức là người phạm tội đã phải chịu một hậu quả pháp lý trước Nhà nước về việc thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Thứ hai, người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tại Điều 15 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 tới đây quy định về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án như sau: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Đây là một nội dung về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng cũng là một nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Cùng với việc khẳng định không thể bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì cũng có nghĩa thừa nhận người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình. Để xác định một người là người phạm tội, trên cơ sở đó truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) phải chứng minh được người đó là người thực hiện hành vi bị Luật hình sự coi là tội phạm. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó.
Người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Điều này có nghĩa, người bị buộc tội có quyền đưa ra các chứng cứ để chứng minh mình không phạm tội. Như vậy, tức là, ngay từ khi bắt đầu, người phạm tội được mặc nhiên xem như là vô tội, chỉ có tội khi được chứng minh và nghĩa vụ chứng minh này thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ ba, mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm của người bị tình nghi, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được sự nghi ngờ thì sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ.
Ta thường nghe câu “Thà giết nhằm còn hơn bỏ sót”. Tuy nhiên, mục đích của Luật tố tụng hình sự là tội phạm là tội phạm phải được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi phải thực hiện theo hướng “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”.
Nguyên tắc suy đoán vô tội còn bảo vệ được quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Suy đoán vô tội đem đến sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là Nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố, xét xử hùng mạnh được hậu thuẫn bằng quyền lực Nhà nước với một bên yếu thế hơn là người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Nguyên tắc này đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là khi cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại. Ngoài ra, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: Họ không thể làm sai mà vẫn áp đặt ý chí chủ quan để kết tội nghi can và tạo ra oan sai đáng tiếc.
Nguồn: Lawnet