Site icon Hocluat.VN

Một số kỹ năng trong việc phân tích tình hình tội phạm

phat-hien-toi-pham

Một số kỹ năng trong việc phân tích tình hình tội phạm dưới góc độ tội phạm học của đại biểu dân cử.

 

Mục lục:

 


 

I. Khái niệm tình hình tội phạm:

Theo quy định tại Điều 8 của Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2015), tội phạm chính là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội loài người, tồn tại trong mọi quốc gia. Tội phạm có thể được thực hiện một cách vô ý hoặc cố ý, gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của các công dân, các tổ chức; xâm phạm đến quyền riêng tư, sự tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân và sự an toàn của xã hội; xâm phạm đến chế độ kinh tế – chính trị, thậm chí xâm phạm đến tính mạng.

Như vậy, chính các hành vi vi phạm quy tắc xử sự của đời sống cộng đồng và gây nguy hiểm cho trật tự xã hội là tiền đề cho việc hình thành và phát triển các ngành luật khác nhau, các biện pháp quản lý pháp lý khác nhau của Nhà nước nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm, ổn định trật tự xã hội. Hiện nay, đã có rất nhiều các bộ môn khoa học được hình thành trong quá trình đấu tranh chống tội phạm như: Khoa học điều tra tội phạm, khoa học Luật hình sự, tố tụng hình sự và Tội phạm học. Mặc dù có sự khác nhau giữa đối tượng nghiên cứu, nhưng tất cả các bộ môn khoa học này đều có sự liên quan chặt chẽ, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau.

Tất cả những hành vi bị coi là tội phạm đều có cùng bản chất xă hội và những đặc điểm nhất định. Trước hết, tội phạm là hiện tượng xă hội tồn tại trong mọi quốc gia, được phản ánh trong luật hình sự vì trái với chuẩn mực xă hội ở mức cao nhất so với các hiện tượng “sai chuẩn” khác. Nó là hiện tượng xă hội – pháp lý. Tội phạm không chỉ là hiện tượng xă hội được phản ánh trong luật hình sự mà đồng thời cũng là hiện tượng xă hội được nhiều ngành khoa học khác nhau nghiên cứu, trong đó có khoa học luật hình sự và tội phạm học. Khoa học luật hình sự và tội phạm học đều là khoa học về tội phạm. Tuy nhiên, khoa học luật hình sự và khoa học luật tố tụng hình sự là khoa học về tội phạm có tính pháp lí, còn tội phạm học và khoa học điều tra tội phạm là khoa học về tội phạm không có tính pháp lí hay nói cách khác là khoa học về tội phạm hiện thực.

Theo báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Bộ luật Hình sự, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Đáng chú ý là các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất bạo lực gia tăng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật của người phạm tội. Họ sẵn sàng sử dụng công cụ, phương tiện có tính nguy hiểm cao như: các loại vũ khí quân dụng hoặc các loại súng tự chế như: súng bắn đạn hoa cải, súng dạng bút và các loại vật liệu nổ, axit, bom xăng để thực hiện tội phạm. Từ cuối năm 2012 và nhất là trong năm 2013, tình trạng vỡ “bong bóng bất động sản” và những hệ lụy của nó đã làm gia tăng tội phạm hoạt động dưới dạng băng nhóm bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật; tính chất đan xen, liên kết giữa tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy ngày càng chặt chẽ. Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý dự án, đất đai, bất động sản, đầu tư xây dựng cơ bản; tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn thuế diễn biến phức tạp, có sự tham gia, tiếp tay của một số cán bộ nhà nước thoái hóa. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ, thông tin, viễn thông tiếp tục tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia. Tội phạm về ma túy diễn ra trên tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam nghiêm trọng hơn với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, số lượng rất lớn, có trang bị vũ khí.

Tình hình tội phạm là trạng thái, xu thế vận động của tội phạm. Khi nói Tình hình tội phạm có thể hiểu là tình hình của tội phạm nói chung hoặc của nhóm tội như nhóm tội xâm phạm sở hữu hoặc của tội cụ thể như tội giết người. Đồng thời khi nói Tình hình tội phạm bao giờ cũng phải gắn với không gian và khoảng thời gian nhất định, vì tội phạm luôn xảy ra trong không gian và thời gian xác định.

Tóm lại, Tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực mang tính lịch sử cụ thể và pháp lý hình sự, có tính giai cấp và được biểu hiện thông qua tổng thể các tội phạm cùng các chủ thể thực hiện các tội phạm đó trong một đơn vị hành chính lãnh thổ nhất định và trong một thời gian cụ thể nhất định.

II. Đặc điểm của Tình hình tội phạm:

1. Kỹ năng phân tích mức độ của Tình hình tội phạm:

Mức độ của tình hình tội phạm cho biết về toàn bộ số người phạm tội cùng số tội phạm do họ thực hiện trong một đơn vị thời gian và không gian nhất định bằng các định lượng tiêu biểu:

Khi xem xét số liệu cơ bản về tình hình tội phạm cần thiết phải xác định rõ số tổng làm căn cứ tính cơ số tội phạm, trong đó thể hiện toàn bộ số người phạm tội cùng toàn bộ số tội phạm do họ thực hiện trong một đơn vị thời gian và không gian nhất định.
Việc xác định số nhóm trên cơ sở số tổng được phân định theo các nhóm tội phạm đã được quy định thành các chương của Phần các tội phạm trong Bộ Luật Hình sự hoặc được phân định theo các cơ sở khác nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống.
Bên cạnh đó việc xác định số hành vi trên cơ sở toàn bộ số tội danh đã được Tòa án các cấp áp dụng để tuyên phạt các bị cáo trong một đơn vị thời gian và không gian nhất định.
Một định lương tiêu biểu không kém phần quan trọng đó là số liệu chuyên biệt: Là loại số liệu cũng cho biết về người và hành vi phạm tội, song được xét theo các tiêu chí đặc tả riêng và tùy theo khả năng sáng tạo của chủ thể nghiên cứu.

2. Kỹ năng phân tích cơ cấu của tình hình tội phạm:

Cơ cấu của tình hình tội phạm cho biết về kết cấu bên trong của các con số tạo nên tình hình tội phạm, chính vì thế, việc hiểu được bản chất của các con số tạo nên tình hình tội phạm là một yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động giám sát tư pháp của cơ quan dân cử cũng như của đại biểu dân cử:
– Cơ cấu cơ bản: bao gồm cơ cấu xét theo nhóm tội phạm và cơ cấu xét theo các hành vi phạm tội, những vấn đề đã được ghi nhận trong các chương và các tội danh thuộc Phần các tội phạm trong Bộ Luật Hình sự.
– Cơ cấu chuyên biệt: Là loại cơ cấu xét theo các tiêu chí đặc tả tình hình tội phạm bằng một hệ thống hoàn chỉnh riêng.

3. Kỹ năng nhận biết tính chất của tình hình tội phạm:

Tính chất của Tình hình tội phạm phản ánh đặc trưng, nổi bật nhất trong cơ cấu của Tình hình tội phạm. Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ có định hướng tập trung trong việc tìm ra nguyên nhân của tội phạm cũng như có giải pháp phòng ngừa tội phạm sát hợp với thực tế, khắc phục tình trạng biện pháp phòng ngừa quá phân tán, tràn lan nên không thể giả quyết hiệu quả, dứt điểm vấn đề tội phạm; việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa thường tập trung vào nhóm tội với những đặc trưng phổ biến nhất, nguy hiểm nhất thể hiện trong tính chất của Tình hình tội phạm.

4. Kỹ năng phân tích động thái của Tình hình tội phạm:

Động thái của Tình hình tội phạm là sự phản ánh xu hướng tăng, giảm hoặc ổn định tương đối của tội phạm nói chung hoặc môt tội hoặc nhóm tội phạm xảy ra trong khoảng thời gian nhất định và không gian nhất định.

Động thái của Tình hình tội phạm có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ giúp cho nhận diện “bức tranh” về tội phạm – Tình hình tội phạm được rõ nét mà còn giúp cho việc dự toán xu hướng vận động của tội phạm trong thời gian tiếp theo một cách tương đối, từ đó giúp cho việc xây dựng biện pháp phòng ngừa tội phạm của cơ quan chức năng sát với tình hình thực tiễn. Động thái của Tình hình tội phạm có thể bị thay đổi do tác động của hai loại yếu tố:

– Các yếu tố xã hội: sự tăng trưởng – suy thoái của kinh tế, vấn đề di dân, gia tăng dân số ở các thành phố lớn, sự chênh lệch về mức sống của người dân…

– Sự thay đổi về mặt pháp lý trong đó, sự thay đổi của pháp luật hình sự trong việc mở rộng hoặc thu hẹp tội phạm cũng như biện pháp xử lý hình sự cũng ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng vận động của tội phạm…

Chính những hiện tượng và quá trình trong xã hội đã tác động rất lớn đối với tình hình tội phạm trong việc hạn chế hay gia tăng nó về mọi mặt, tình hình tội phạm sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn khi mà trong xã hội không còn những yếu tố cho nó tồn tại và phát triển.

Tình hình tội phạm là một tổng thể thống nhất các tội phạm trong xã hội chính là những đặc điểm về chất của hiện tượng này, điều đó có ý nghĩa là giữa các dấu hiệu đặc điểm của tình hình tội phạm có sự thống nhất biện chứng của nó, sự thống nhất lượng chất của hiện tượng đó là mối quan hệ lẫn nhau giữa các dấu hiệu: Quy mô rộng lớn của tình hình tội phạm, tính thay đổi về mặt lịch sử tính giai cấp, tính tiêu cực nội dung xã hội và bản chất của nó.

III. Phân tích bản chất của Tình hình tội phạm:

1. Phân tích tình hình tội phạm là một hiện tượng tâm lý – xã hội tiêu cực:

Vì tình hình tội phạm tồn tại trong xã hội, có nguồn gốc trong xã hội có nội dung xã hội, có nguyên nhân trong xã hội và số phận của nó cũng mang tính xã hội. Mọi hành vi phạm tội đều do những con người cụ thể thực hiện. Những con người này đều sống trong xã hội… dù người đó sống bất kỳ nơi đâu thì cũng phải gắn kết trong mối quan hệ tổng hòa của xã hội. Tội phạm không phải tồn tại bất kỳ nơi nào khác ngoài xã hội, tội phạm có nguồn gốc trong xã hội. Nguyên nhân phát sinh tội phạm là các hiện tượng, quá trình xã hội mang tính chất kinh tế, xã hội tư tưởng xã hội, tâm lý xã hội và tổ chức xã hội và chính các tác nhân này làm nảy sinh và phát triển của tình hình tội phạm.

– Động cơ hóa hành vi:

+ Là quá trình tâm – sinh lý – xã hội mà trong đó chủ thể có được động lực thực hiện một hành vi phạm tội. Quá trình tâm – sinh lý – xã hội này không phải là một khái niệm trừu tượng mà nó cơ sở khách quan do điều kiện xã hội, do hoàn cảnh sống cụ thể của mỗi con người.

+ Nhu cầu là động cơ của hành vi, nhu cầu chỉ trở thành động lực thúc đẩy chủ thể hành động khi nào chủ thể ý thức được rằng, hành động đó sẽ mang lại cho chủ thể một cái lợi nào đó, tức là phải thông qua lợi ích, nhu cầu mới được động cơ hóa.

+ Nhu cầu, lợi ích và động cơ có quan hệ mật thiết với nhau, chi phối lẫn nhau, song không phải đồng nhất với nhau. Ở chủ thể hành vi, khi một nhu cầu nào đó bắt đầu xuất hiện, thì chủ thể cũng bắt đầu hướng sự nhận thức vào việc tìm kiếm cái thỏa mãn nhu cầu.

– Kế hoạch hóa hành vi:

+ Kế hoạch hóa hành vi là việc chủ thể xác định mục đích trực tiếp, đối tượng tác động của hành vi, phương tiện, địa điểm, thời gian thực hiện và xác định cả phương thức giải quyết hậu quả của hành vi. Khi có nhu cầu và đã nhìn thấy lợi ích thì chủ thể hành vi sẽ định ra kế hoạch hành động. Đây chính là bước chuẩn bị cho thực hiện hành vi.

– Hiện thực hóa hành vi:

+ Hiện thực hóa hành vi là bước chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi bằng các thao tác và các hành động cụ thể. Chủ thể tác động trực tiếp vào các đối tượng để thỏa mãn nhu cầu. Đó là hành vi khách quan, là sự biểu hiện ra bên ngoài của hành vi với các yếu tố cấu thành của nó.

+ Chỉ trên cơ sở của hành vi khác quan như vậy, các mặt khách thể và chủ thể, khách quan và chủ quan của hành vi mới được xác định. Và chính hành vi khách quan này là cái bộc lộ bản chất hiện thực của con người.
Một số luận điểm tội phạm học về hành vi phạm tội:

+ Tuy mang ý nghĩa tiêu cực đối với xã hội, nhưng hành vi phạm tội cũng chỉ là một dạng hành vi của con người. Bản chất của hành vi phạm tội, cũng như bản chất của tình hình tội phạm là tổng hòa các quan hệ tâm – sinh lý – xã hội, trong đó cái xã hội là cái khách quan, bên ngoài và giữ vai trò quy định đối với cái tâm – sinh lý bên trong của cá nhân con người. Vì vậy, tội phạm xảy ra trước hết là do môi trường bên ngoài.

+ Sự khác nhau giữa hành vi phạm tội và các hành vi xã hội khác của con người không phải ở cơ chế chung. Để làm rõ sự khác nhau này và nguyên nhân của hành vi phạm tội thì cần phải dựa trên cái nền của cơ chế chung để tìm ra sự khác biệt, tìm ra điểm bắt đầu của hành vi phạm tội.

2. Phân tích tình hình tội phạm là một hiện tượng lịch sử – pháp lý hình sự và mang tính giai cấp:

Tính giai cấp quyết định bản chất của tình hình tội phạm, tính giai cấp của tình hình tội phạm thể hiện ở nguồn gốc xuất hiện, ở các nguyên nhân phát sinh ở nội dung của các tội phạm cụ thể và cả số phận của tình hình tội phạm trong tương lai.

Tội phạm không tồn tại ở mọi hình thái kinh tế xã hội. Ngay trong thời kỳ cộng sản nguyên thủy thì đã có giết chóc, cướp bóc… nhưng chưa gọi là tình hình tội phạm mà tội phạm chỉ có khi xã hội phân chia giai cấp và có nhà nước.

Nguồn gốc này gắn bó chặt chẽ với sự ra đời của nhà nước, tình hình tội phạm gắn liền với sự xuất hiện tư hữu, sự phân chia xã hội, thành giai cấp đối kháng và sự ra đời của nhà nước.
Nội dung của nó cũng mang tính chất giai cấp, ý chí của giai cấp thống trị được quy định thành những hành vi bị coi là tội phạm và hệ thống các biện pháp trừng trị căn cứ vào tính chất, mức độ ảnh hưởng của hành vi đó đối với các lợi ích của giai cấp mình. Giai cấp thống trị có toàn quyền đề ra các thủ tục, trình tự áp dụng trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi phạm tội và người phạm tội. Mỗi giai cấp bảo vệ một số quan hệ xã hội khác nhau.

Tính giai cấp của tình hình tội phạm thể hiện ở việc tội phạm xâm hại những quan hệ xã hội mà giai cấp thống trị bảo vệ ở những nguyên nhân gốc rễ phát sinh ra nó, nói như Lênin “Chế độ người bóc lột người, sự bần cùng hóa và nạn thất nghiệp”.

Ở một góc độ khác thuộc tính giai cấp của tình hình tội phạm còn biểu hiện ở mặt số phận của nó trong tương lai. Chừng nào chúng ta thủ tiêu xóa bỏ sự đấu tranh giai cấp thì tình hình tội phạm sẽ bị triệt tiêu trong xã hội không còn mâu thuẫn giai cấp, không còn tư hữu và tất nhiên không còn nhà nước.

Tình hình tội phạm là một tổng thể thống nhất các tội phạm trong xã hội chính là những đặc điểm về chất của hiện tượng này, điều đó có ý nghĩa là giữa các dấu hiệu đặc điểm của tình hình tội phạm có sự thống nhất biện chứng của nó, sự thống nhất lượng chất của hiện tượng đó là mối quan hệ lẫn nhau giữa các dấu hiệu: Quy mô rộng lớn của tình hình tội phạm, tính thay đổi về mặt lịch sử tính giai cấp, tính tiêu cực nội dung xã hội và bản chất của nó. Đặc điểm của tình hình tội phạm thay đổi tùy thuộc vào sự thay đổi của hình thái kinh tế xã hội nhất là sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp tùy thuộc và sự phát triển kinh tế xã hội trong một quốc gia nhất định.

Tình hình tội phạm không phải là hiện tượng bất biến trong xã hội mà nó có sự thay đổi và mất đi trong những điều kiện lịch sử nhất định. Tình hình tội phạm có thể thay đổi tùy thuộc vào sự phát triển của cáchình thái kinh tế xã hội khác nhau trong lịch sử, và ngay trong cùng một hình thái kinh tế xã hội nếu có sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp thì tình hình tội phạm cũng có sự thay đổi.
Số lượng các hành vi bị coi là tội phạm trong những giai đọan lịch sử khác nhau là có sự khác nhau. Tình hình tội phạm luôn có sự vận động và thay đổi từ đơn giản đến phức tạp từ thô sơ đến tinh vi hiện đại, sự thay đổi này được thể hiện trong phương thức thủ đọan công cụ, phuơng tiện phạm tội ở những giai đọan lịch sử khác nhau sẽ có sự khác nhau.

Nhìn nhận tình hình tội phạm một cách khái quát nhất dưới góc độ tội phạm học phục vụ cho các định hướng có trọng tâm của chính sách hình sự mỗi quốc gia, thích ứng với nhu cầu phát triển của xã hội ở mỗi thời kỳ, có thể phân chia cấu trúc tình hình tội phạm như sau:

– Vùng ổn định: Là vùng của những tội phạm tự nhiên, tức là bao gồm những hành vi mà ở mọi thời đại, mọi nền văn hóa đều bị lên án và bị trừng phạt. Đó là những hành vi phạm tội xâm hại đến những giá trị phổ quát của toàn nhân loại, cho nên ở mọi quốc gia chúng đều bị cấm và được quy định trong Đạo luật hoặc Bộ Luật Hình sự.

– Vùng quy định của pháp luật hình sự: Là vùng luôn luôn ổn dịnh qua mọi biến động của thời gian và sự kiện, kể cả sự kiện chính trị. Tuy nhiên còn một bộ phận khác bao gồm những hanh vi mà ở giai đoạn này thì nguy hiểm cho xã hội, cần lên án và cấm bằng pháp luật hình sự nhưng sang giai đoạn khác, do tình hình biến đổi, chúng không còn nguy hiểm nữa nên được phi tội phạm hóa, loại bỏ những hành vi đã được pháp luật hình sự pháp điển hóa.

– Vùng cần quy định của pháp luật hình sự: Vì trong sự vận động và biến đổi không ngừng của thực tế đời sống xã hội, thường xuyên xuất hiện những hành vi mới, có mức độ nguy hiểm đối với xã hội cần phải lên án và ngăn chặn bằng pháp luật hình sự. Vì thế, việc quy định bổ sung cho danh sách các tội phạm ở mỗi quốc gia là một nhu cầu khách quan của việc bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ pháp luật.

– Hiện thực của tình hình tội phạm: Đề cập đến toàn bộ những hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ tội phạm đang tồn tại và vận động theo quy luật của bản thân nó chứ không phụ thuộc vào việc các hành vi đó đã được quy định trong Bộ Luật hình sự hay chưa. Vì thế hiện thực của tình hình tội phạm là mặt quy định đối với hoạt động lập pháp hình sự.

Tội phạm – hiện tượng xã hội tạo nên tình hình tội phạm – luôn có tính pháp lí vì được phản ánh trong luật hình sự. Chỉ những hiện tượng xã hội xảy ra đã được quy định trong luật hình sự mới có thể là những yếu tố tạo nên tình hình tội phạm. Sự thay đổi của luật sẽ làm thay đổi những yếu tố và qua đó làm thay đổi tình hình tội phạm.
Như vậy, có thể nói, tình hình tội phạm có tính phụ thuộc pháp lý. Đồng thời với đặc điểm này, tình hình tội phạm cũng có tính vận động- không ổn định theo thời gian và không gian. Tình hình tội phạm có thể thay đổi do tội phạm luôn vận động theo quy luật dưới sự tác động của các hiện tượng, quá trình xã hội khác. Con người có thể chủ động tác động để tình hình tội phạm thay đổi theo hướng giảm thiểu qua việc áp dụng các biện pháp hạn chế, ngăn ngừa tội phạm.

IV. Kỹ năng phân tích các hình thức biểu hiện của tình hình tội phạm:

1. Phần hiện của tình hình tội phạm:

Phần hiện của tình hình tội phạm là toàn bộ những hành vi phạm tội và chủ thể của các hành vi đó đã bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự ở từng đơn vị hành chính – lãnh thổ hay trên phạm vi toàn quốc, trong những khoảng thời gian nhất định và được ghi nhận trong thống kê hình sự.
Phần hiện của tình hình tội phạm được tạo ra bởi 2 bộ phận khác nhau: Số tội phạm và người phạm tội đã qua xét xử, số liệu cơ bản phản ánh phần hiện cũng như thực trạng của tình hình tội phạm nói chung do rõ ràng, đáp ứng qui tắc suy đoán vô tội; Số tội phạm và người phạm tội không qua xét xử, sở dĩ có lọai số liệu này và mức độ của nó lớn hay nhỏ là phụ thuộc vào chính sách hình sự cũng như khả năng năng lực thực tế của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là cơ quan điều tra.

– Số tội phạm và người phạm tội đã qua xét xử:

+ Số liệu cơ bản nhất, ít sai số nhất phản ánh về tình hình tội phạm nói chung và về phần hiện của nó nói riêng, phải là số liệu thống kê về số người phạm tội và những hành vi phạm tội của họ đã qua xét xử hình sự. Trên thực tế của hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam, cho đến nay không tồn tại số liệu thống kê cụ thể. Vì thế, số tội phạm và người phạm tội qua xét xử, chỉ có thể được chắt lọc trên cơ sở của các số liệu thống kê hiện có.
+ Xét về tổng số, những con số tuyệt đối của thống kê xét xử sơ thẩm hình sự của Toà án nhân dân tối cao, tuy còn hàm chứa những dung sai nhất định nhưng trên thực tế không có số liệu thống kê nào khác sát với thực tế hơn với số tội phạm và người phạm tội theo đúng nghĩa pháp lý đích thực của nó.
+ Số liệu thống kê xét xử sơ thẩm hình sự có thể xếp vào loại số lớn và đặc biệt có cấu trúc chi tiết và chính xác từ các nhóm, cũng như từ từng tội phạm khác nhau. Vì thế nó rất phù hợp cho nhiều mục đích nghiên cứu tội phạm học. Đối với phần hiện của tình hình tội phạm, số liệu thống kê này hoàn toàn bảo đảm yêu cầu hội tụ các nguồn số liệu án hình sự đã qua xét xử và sự hội tụ này diễn ra một cách tự nhiên, hợp lý đối với trình tự tố tụng hình sự.

– Số tội phạm và người phạm tội không qua xét xử:

+ Chính sách hình sự của Nhà nước ta không đòi hỏi mọi hành vi phạm tội đều phải đưa ra xét xử mà chỉ yêu cầu mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Pháp luật hình sự cũng đã quy định ngày càng hoàn thiện các giải pháp cho những trường hợp phạm tội nhưng thực tế không đủ điều kiện hoặc không cần thiết áp dụng thủ tục xét xử.

+ Những trường hợp khó xác định được dấu hiệu cơ bản của tội phạm tức là hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ tội phạm thực tế đã được thực hiện. Ví dụ như có người bị giết chết nhưng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, cuộc điều tra phải bị đình chỉ vì một trong những lý do: Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.

+ Những trường hợp tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án vì lý do chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu mà không được phục hồi điều tra khi đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Nếu như khoa học luật hình sự có đối tượng nghiên cứu chủ yếu là tội phạm với tính cách là hành vi của cá nhân con người và nhiệm vụ cơ bản của nó là xác định những cơ sở cho việc cá thể hoá trách nhiệm hình sự, thì tội phạm học lại có đối tượng nghiên cứu chủ yếu là tình hình tội phạm với tính cách là một hiện tượng xã hội và có nhiệm vụ chủ yếu là chỉ ra càng đầy đủ càng tốt, càng chính xác càng tốt những biểu hiện của căn bệnh xã hội – tội phạm và các nguyên nhân của nó vì mục đích phòng ngừa. Vì phải cá thể hoá trách nhiệm hình sự nên Luật hình sự không cho phép xem xét các dấu hiệu của tội phạm một cách tách rời nhau mà phải đồng bộ; Còn tội phạm học, vì mục đích phòng ngừa tội phạm cho nên buộc phải xem xét đến từng dấu hiệu của tội phạm, đặc biệt là dấu hiệu bản chất của nó, tức là nguy hiểm đối với xã hội của hành vi. Vì thế, mọi hành vi nguy hiểm đối với xã hội ở mức độ tội phạm đã xảy ra nhưng chưa hoặc không đủ điều kiện để đưa ra xét xử thì không thể không tập hợp vào phạm trù tình hình tội phạm.

2. Phần ẩn của tình hình tội phạm:

Phần ẩn của tình hình tội phạm hay tội phạm ẩn đều là những cụm từ khác âm đồng nghĩa. Đây là loại khái niệm chỉ trạng thái. Xét về mặt thuật ngữ, dấu hiệu khác biệt, tức là dấu hiệu mà nhờ nó người ta có thể phân biệt được khái niệm này với khái niệm khác trong cùng một loại chính là trạng thái ẩn hoặc hiện của những hành vi phạm tội đã được thực hiện trong thực tế.

Tội phạm ẩn là các tội phạm đã thực tế xảy ra nhưng không được thể hiện trong thống kê tội phạm vì không được phát hiện, không được xử lí hoặc không được đưa vào thống kê tội phạm. Việc các tội phạm này không được thể hiện trong thống kê tội phạm là do không được xử lí về hình sự, không được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng không được xử lí về hình sự, hoặc đã được xử lí về hình sự nhưng chưa dứt điểm, chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, hoặc đã được xử lí dứt điểm về hình sự nhưng không được đưa vào thống kê tội phạm.
Việc tội phạm không được xử lý về hình sự có thể do nguyên nhân khách quan nhưng cũng có thể do lỗi chủ quan của các cơ quan có trách nhiệm. Từ đó, tội phạm ẩn được phân thành tội phạm ẩn khách quan và tội phạm ẩn chủ quan. Tội phạm ẩn do không được đưa vào thống kê tội phạm được gọi là tội phạm ẩn do sai số thống kê.
Nguyên nhân phát sinh tội phạm ẩn:

– Nguyên nhân bắt nguồn từ phía nạn nhân của tội phạm: nạn nhân không tố cáo hành vi phạm tội do không tin tưởng vào cơ quan bảo về pháp luật do bị người phạm tội hoặc người nhà phạm tội đe dọa, hoặc do sợ phiền hà hoặc sợ bị công khai bí mật đời tư.

– Nguyên nhân từ phía người phạm tội: người phạm tội thực hiện bằng hành vi xảo quyệt, người phạm tội đe dọa nạn nhân và gia đình nạn nhân hoặc người phạm tội đưa hối lộ.

– Nguyên nhân từ phía các cơ quan chức năng: do thái độ thiếu tình thần trách nhiệm hoặc do nể nan, quen biết nên bao che, hoặc nhận hối lộ.

– Nguyên nhân từ phía người làm chứng: người làm chứng sợ bị trả thù nên không dám đứng ra làm chứng, tố cáo hành vi phạm tội hoặc sợ phiền hà cá nhân và người thân.

Có 2 loại tội phạm ẩn: Tội phạm ẩn khách quan là trường hợp tội phạm đã xảy ra trên thực tế nhưng do nguyên nhân khách quan, cơ quan chức năng không phát hiện ra vụ phạm tội – không có thông tin về vụ án; Tội phạm ẩn chủ quan là trường hợp tội phạm đã xảy ra trên thực tế, cán bộ hoặc cơ quan chức năng đã nắm được vụ việc nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà vụ án không được thụ lý, xử lý hình sự và do đó không có trong số liệu thống kê.

Phần ẩn của tình hình tội phạm là tổng thể các hành vi phạm tội cùng các chủ thể của các hành vi đó đã xảy ra trong thực tế nhưng không đc phát hiện, không bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc không có trong thống kê hình sự. Như vậy, về nguyên tắc tội phạm ẩn có thể tồn tại ở mọi tội phạm cụ thể, tuy rằng mức độ ẩn hay tỷ lệ ẩn của từng tội phạm có khác nhau. Điều khẳng định này không phải chỉ có giá trị như một sự chỉ dẫn sử dụng khái niệm tội phạm ẩn trong các hoàn cảnh khác nhau mà còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, tức là nó đặt ra yêu cầu phải đánh giá và làm rõ các thông số về tội phạm ẩn, đối với từng tội phạm cụ thể ngay trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự.

Từ những phân tích trên, có thể rút ra một số kết luật sau đây về tình hình tội phạm:

– Tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực ở mức độ nguy hiểm nhất và vô cùng phức tạp. Vì thế, nhận thức đúng và chính xác được tình hình tội phạm phải có cơ sở khoa học, tức là phải dựa trên cơ sở chỉ dẫn của tội phạm học.

– Đặc điểm của tình hình tội phạm là những đặc điểm do tội phạm học nghiên cứu và phát triển để nhận thức ngày càng đầy đủ hơn và chính xác hơn về tình hình tội phạm. Do đó, đặc điểm của tình hình tội phạm ở nước ta hay ở nước khác trong giai đoạn hiện nay hay trong giai đoạn trước luôn luôn là mặt biểu hiện bản chất của tình hình tội phạm, bao gồm bản chất tâm lý – xã hội và lịch sử, bản chất pháp lý hình sự và giai cấp của tình hình tội phạm.

– Từ bản chất tâm lý – xã hội tiêu cực của tình hình tội phạm cho thấy, tội phạm là kết quả tiêu cực của sự tương tác giữa môi trường xã hội bên ngoài và chủ thể thông qua quá trình tâm – sinh lý bên trong cá nhân chủ thể hành vi, là kết cục của một quá trình phát triển có khuyết tật của cá nhân con người cụ thể hay là sự nhào nặn của môi trường sinh sống thông qua cá nhân con người cụ thể mà trong đó, tức là trong sự tương tác đó bao giờ cũng có sự tham gia của khâu trung gian là ý thức cá nhân.

– Tình hình tội phạm xuất hiện trong lịch sửa ở những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định thì cũng sẽ mất đi trong những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định vào một thời điểm lịch sử nhất định.

– Tính chất pháp lý hình sự của tình hình tội phạm bao giờ cũng hàm chứa tình giai cấp hay nói cách khác là tính giai cấp của tình hình tội phạm là một nội dung thuộc mặt hình thức pháp lý của tình hình tội phạm.

– Tình hình tội phạm là một chỉnh thể, nhưng có hai phần: phần ẩn và phần hiện. Vì thế, các cơ quan hay chủ thể nào được Nhà nước giao nhiệm vụ chuyên trách đấu tranh với tình hình tội phạm thì đồng thời có trách nhiệm xác định phần ẩn của loại tội phạm thuộc trách nhiệm của mình và thực hiện những giải pháp phòng ngừa tương ứng. Phần ẩn của tình hình tội phạm chỉ được xác định thông qua đặc điểm định lượng của tình hình tội phạm và lấy phần hiện của tình hình tội phạm làm cơ sở cho việc nghiên cứu đối chứng.

– Đặc điểm của tình hình tội phạm được nghiên cứu chủ yếu dựa trên cơ sở phần hiện của nó và lấy đặc điểm định lượng và định tính với các hình thức biểu hiện là mức độ, cơ cấu, tính chất và động thái của tình hình tội phạm làm nội dung. Đây chính là cơ sở tạo nên cái nhìn tổng quan về tình hình tội phạm ở mỗi giai đoạn.

 


Các tìm kiếm liên quan đến phân tích tình hình tội phạm, tình hình tội phạm là gì, cơ cấu của tình hình tội phạm, các thông số của tình hình tội phạm, ý nghĩa của việc nghiên cứu tình hình tội phạm, tình hình tội phạm hiện nay ở việt nam, tại sao nói tình hình tội phạm là hiện tượng xã hội tiêu cực, mối quan hệ giữa các đặc tính của tình hình tội phạm, dự báo tình hình tội phạm

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version