Giao dịch dân sự là một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong bài viết này, tác giả chủ yếu tập trung nêu và phân tích các quan điểm liên quan tới giao dịch dân sự nói chung, giao dịch dân sự có điều kiện nói riêng được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và có sự so sánh, đối chiếu với pháp luật của một số quốc gia.
1. Khái niệm giao dịch dân sự
Trong giai đoạn trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực đã có nhiều bài viết bày tỏ quan điểm về việc sử dụng thuật ngữ “giao dịch dân sự” trong Bộ luật Dân sự năm 2015:
Quan điểm thứ nhất: Không cần thay đổi vì thuật ngữ “giao dịch dân sự” được sử dụng tại Việt Nam từ thời kỳ đầu ban hành Bộ luật Dân sự năm 1995 và người dân cũng đã quen thuộc với việc sử dụng nó. Quan điểm này được sự đồng tình của PGS.TS. Đỗ Văn Đại[1], theo đó, ông cho rằng, không cần thiết phải thay đổi thuật ngữ giao dịch dân sự bởi bản chất của giao dịch dân sự và “hành vi pháp lý” là tương tự nhau, nhưng với người Việt Nam thì việc sử dụng thuật ngữ giao dịch dân sự đã gắn bó với thói quen từ 20 năm nay (từ Bộ luật Dân sự năm 1995).
Quan điểm thứ hai: Nên sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý” để phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đồng tình với quan điểm này có bà Bùi Thị Thanh Hằng với dẫn chứng rằng, việc sử dụng thuật ngữ “giao dịch” không bao trùm được nội hàm được ghi nhận tại Điều 121 Bộ luật Dân sự năm 2015; bên cạnh đó, nên sử dụng những thuật ngữ “hành vi pháp lý” vì có sự tương thích với thế giới để từ đó có cách hiểu tương đồng với các thuật ngữ luật, bởi thuật ngữ “hành vi pháp lý” có bản chất không khác với thuật ngữ “giao dịch dân sự”. Minh chứng cho quan điểm này là một số quốc gia đã ghi nhận việc sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý”. Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định tại Điều 112: “Những hành vi pháp lý là những hành vi tự nguyện, đúng pháp luật mà mục đích trực tiếp của những hành vi đó là thiết lập những quan hệ pháp lý giữa những thể nhân, pháp nhân nhằm thành lập, thay đổi, chuyển nhượng, bảo vệ hoặc chấm dứt các quyền”. Bộ luật Dân sự Nhật Bản quy định khái quát về hành vi pháp lý là như thế nào nhưng đã sử dụng thuật ngữ “a juristic act” để thể hiện những giao dịch giữa các cá nhân, pháp nhân với nhau[2].
Quan điểm thứ ba: Cần bỏ từ “dân sự” ra khỏi “giao dịch dân sự” vì việc sử dụng thuật ngữ này không có trên thế giới mà chỉ có ở Việt Nam, có thể chuyển đổi thành “giao dịch” hoặc “giao dịch pháp lý” để bao quát được cả những giao dịch thương mại, chứ việc sử dụng như hiện nay sẽ bị giới hạn là chỉ dành cho phạm vi dân sự. Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng, thương mại là một bộ phận của dân sự, nhưng điều này cần xem xét vì việc quy định hai văn bản khác nhau: Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh những quan hệ dân sự và Luật Thương mại năm 2005 điều chỉnh những quan hệ thương mại. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật khác như Luật Đầu tư năm 2014 cũng điều chỉnh quan hệ thương mại nhưng lại thuộc văn bản chuyên ngành. Ủng hộ cho quan điểm này là PGS.TS. Ngô Huy Cương: Việc sử dụng thuật ngữ “giao dịch dân sự” trong Bộ luật Dân sự là không chính xác bởi lẽ người ta thường sử dụng thuật ngữ “giao dịch dân sự” hay “hành vi dân sự” để phân biệt với “giao dịch thương mại” hay “hành vi thương mại”, trong khi đó Bộ luật Dân sự áp dụng cho cả quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động[3]. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự Georgia quy định tại Điều 50: “Giao dịch là một tuyên bố đơn phương, song phương hoặc đa phương về ý định nhằm tạo lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp lý”. Quy định này của Geogia cho thấy giao dịch bao quát được cả những giao dịch dân sự nói chung và những giao dịch thương mại nói riêng.
Tác giả bài viết cho rằng, nên bỏ từ “dân sự” ra khỏi “giao dịch dân sự”, tức chỉ gọi là “giao dịch” như quan điểm của PGS.TS. Ngô Huy Cương. Theo tác giả, thuật ngữ giao dịch đã quen thuộc với người dân Việt Nam, do đó, nếu sử dụng hành vi pháp lý sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau của người dân, trong khi việc ban hành các văn bản pháp luật cũng phải dựa trên tình hình xã hội, phong tục, tập quán của quốc gia mình. Vì vậy, trong Bộ luật Dân sự có thể sử dụng thuật ngữ “giao dịch” hoặc “giao dịch pháp lý”.
2. Khái niệm về giao dịch dân sự có điều kiện
Ở mỗi nước lại có quy định khác nhau về giao dịch dân sự có điều kiện. Nhật Bản thì quy định là “hành vi pháp lý với điều kiện”. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự Nhật Bản không đề cập tới “hành vi pháp lý với điều kiện” được hiểu như thế nào mà đưa ra cách hiểu hành vi pháp lý với điều kiện khẳng định và phủ định. Cụ thể, Điều 127 Bộ luật Dân sự Nhật Bản quy định: “Hành vi pháp lý với điều kiện khẳng định trở nên có hiệu lực chỉ khi điều kiện đó được hoàn toàn thực hiện. Hành vi pháp lý với điều kiện phủ định chấm dứt hiệu lực chỉ khi điều kiện này hoàn toàn thực hiện. Nếu các bên thể hiện ý chí rằng hiệu lực của việc thực hiện điều kiện có giá trị hồi tố thì ý chí này được chiếm ưu thế”. Bộ luật Dân sự Thái Lan thì quy định là hành vi pháp lý có điều kiện thông qua việc xác định một điều khoản quy định sự phụ thuộc vào hiệu lực của một hành vi pháp lý vào một sự kiện chưa rõ trong tương lai, được coi là một điều kiện[4]. Do vậy, có thể thấy Bộ luật Dân sự Thái Lan đưa ra một điều kiện hành vi pháp lý và điều khoản xác định hiệu lực của hành vi pháp lý phụ thuộc vào một điều kiện. Bộ luật Dân sự Thái Lan cũng phân loại hành vi pháp lý có điều kiện xảy ra trước, hành vi pháp lý có điều kiện xảy ra sau và hiệu lực của hồi tố. Bộ luật Dân sự Đức thì không quy định cụ thể giao dịch pháp lý có điều kiện mà quy định những điều kiện làm phát sinh quyền và điều kiện làm chấm dứt quyền. Cụ thể, Điều 158 quy định: “Nếu một giao dịch pháp lý được thiết lập tùy thuộc vào một điều kiện làm phát sinh quyền, khi điều kiện đó được thỏa mãn, giao dịch pháp lý đó sẽ phát sinh hiệu lực. Nếu một giao dịch pháp lý được thiết lập tủy thuộc vào điều kiện làm chấm dứt quyền, khi điều kiện đó được đáp ứng thì hiệu lực của giao dịch pháp lý đó sẽ chấm dứt, vào thời điểm này tình trạng pháp lý trước đây sẽ được hồi tố”[5].
Điểm giống của những hệ thống văn bản pháp luật của Nhật Bản, Thái Lan và Đức là không đưa ra khái niệm giao dịch (hành vi) pháp lý có điều kiện, mà chủ yếu tập trung vào việc xác định điều kiện làm ảnh hưởng tới hiệu lực của một giao dịch (hành vi) pháp lý có điều kiện. Việc phân loại giao dịch (hành vi) pháp lý giữa các quốc gia này tuy có cách quy định từ ngữ khác nhau như điều kiện xảy ra trước, điều kiện xảy ra sau hoặc điều kiện làm phát sinh quyền, điều kiện làm chấm dứt quyền hoặc điều kiện khẳng định, điều kiện phủ định, nhưng nhìn chung, giao dịch (hành vi) pháp lý có điều kiện phân loại thành giao dịch (hành vi) pháp lý có điều kiện phát sinh và giao dịch (hành vi) pháp lý có điều kiện hủy bỏ.
Hiện nay, tại Việt Nam, tác giả chưa tìm thấy công trình nghiên cứu nào đi sâu phân tích quy định liên quan tới giao dịch dân sự có điều kiện được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tác giả nhận thấy rằng tên gọi của Điều 120 chưa phù hợp với nội dung được đề cập trong điều khoản này. Bởi tên gọi của Điều 120 là giao dịch dân sự có điều kiện, nhưng nội dung bên trong của điều khoản thì không đưa ra khái niệm về giao dịch dân sự có điều kiện mà chỉ nêu những nội dung liên quan tới điều kiện được các bên thỏa thuận thêm trong giao dịch dân sự. Khoản 1 Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhằm hướng tới việc xác lập điều kiện trong giao dịch dân sự có điều kiện là dựa trên sự thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ và khi điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ đó xảy ra thì giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ; khoản 2 là hướng tới nguyên tắc nhằm đảm bảo tính khách quan của điều kiện được áp dụng trong giao dịch dân sự có điều kiện. Thêm nữa, nhìn lại hệ thống các điều kiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam về giao dịch dân sự có điều kiện gồm Điều 120 về giao dịch dân sự có điều kiện, Điều 284 về thực hiện nghĩa vụ có điều kiện, Điều 402 về phân loại hợp đồng dân sự và trong đó có đưa ra khái niệm về hợp đồng dân sự có điều kiện cho thấy có một số bất hợp lý: (i) Bộ luật Dân sự không đưa ra khái niệm về giao dịch dân sự có điều kiện mà chỉ đề cập tới hợp đồng dân sự có điều kiện mặc dù hợp đồng dân sự có điều kiện là một hình thức của giao dịch dân sự có điều kiện, tức là vấn đề chung không được khái quát mà chỉ khái quát một hình thức cụ thể; (ii) Điều khoản quy định về việc xác lập điều kiện trong giao dịch dân sự có điều kiện là dựa trên sự thỏa thuận, bởi cả ba điều luật đã nêu đều đề cập tới sự thỏa thuận điều kiện của các bên. Do đó, điều này sẽ trở nên bất hợp lý đối với hành vi pháp lý đơn phương có điều kiện, đặc biệt đối với di chúc có điều kiện. Bởi bản chất của hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Thông thường, hành vi pháp lý đơn phương được xác lập theo ý chí của một bên chủ thể duy nhất (lập di chúc, từ chối hưởng thừa kế). Trong nhiều trường hợp, hành vi pháp lý đơn phương chỉ phát sinh hậu quả pháp lý khi có người khác đáp ứng được những điều kiện nhất định do người xác lập giao dịch đưa ra. Nếu hành vi pháp lý đơn phương có điều kiện là một hình thức của giao dịch dân sự có điều kiện thì Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể dẫn tới cách hiểu là đối với hành vi pháp lý đơn phương có điều kiện thì điều khoản quy định về điều kiện làm phát sinh, hủy bỏ hành vi pháp lý đơn phương đó phải do các bên thỏa thuận. Vậy câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp xác định đối với di chúc có điều kiện thì cách hiểu được đề cập ở trên sẽ không có giá trị pháp lý.
Chính vì vậy, quy định liên quan tới giao dịch dân sự có điều kiện trong Bộ luật Dân sự năm 2015 cần được chỉnh sửa sao cho phù hợp với quy định chung liên quan tới các giao dịch trên thực tiễn. Theo tác giả, thứ nhất, việc quy định tại Điều 120 về giao dịch dân sự có điều kiện cần quy định chi tiết hơn và mang tính chất khái quát chung hơn nhằm phù hợp với vị trí của giao dịch dân sự nói chung và giao dịch dân sự có điều kiện nói riêng trong Bộ luật Dân sự. Thứ hai, nhìn lại các quy định của Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Thái Lan và Đức, tác giả nhận thấy rằng từ “thỏa thuận” cần được loại bỏ khỏi nội dung Điều 120. Ngoài ra, việc quy định về giao dịch dân sự có điều kiện có thể xây dựng theo hai cách: Cách 1, quy định chi tiết từng giao dịch dân sự có điều kiện phát sinh, giao dịch dân sự có điều kiện hủy bỏ như hầu hết được xây dựng trong Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Thái Lan và Đức; cách 2, xây dựng một khái niệm chung nhất về giao dịch dân sự có điều kiện và xác định điều kiện được áp dụng trong giao dịch dân sự có điều kiện. Quan điểm của tác giả là đồng tình với cách thứ hai hơn, cụ thể như sau:
“1. Nếu một giao dịch dân sự được thiết lập tùy thuộc vào một điều kiện thì khi điều kiện đó được thỏa mãn, giao dịch dân sự đó sẽ phát sinh hiệu lực hoặc chấm dứt hiệu lực.
2. Sự kiện được coi là điều kiện của giao dịch do chính người xác lập giao dịch định ra hoặc trong hợp đồng thì điều kiện đó do chính các bên thỏa thuận. Nó phải là sự kiện thuộc về tương lai. Sự kiện đó xảy ra hay không xảy ra không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể trong giao dịch.
3. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.
4. Nếu theo nội dung của giao dịch dân sự có điều kiện mà các bên thể hiện ý chí rằng hiệu lực của việc thực hiện điều kiện có giá trị hồi tố thì ý chí này được chiếm ưu thế ”.
ThS. Phùng Bích Ngọc
Trường Đại học Thương mại
Tài liệu tham khảo
Để lại một phản hồi Hủy