Site icon Hocluat.VN

Hợp đồng “không hoàn hảo” và sự can thiệp của tòa án

Hợp đồng

Tóm tắt: Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng, đó là tự do ý chí của các bên. Hợp đồng phải là sản phẩm của sự thống nhất ý chí trên cơ sở tự do, tự nguyện, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm mà không một bên thứ ba nào có thể can thiệp. Tuy nhiên, nguyên tắc này có những ngoại lệ trong các trường hợp mà tòa án có thể can thiệp vào ý chí của các bên. Đó là khi hợp đồng có các điều khoản không rõ ràng; khi hợp đồng có các điều khoản không phù hợp với pháp luật; và khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản làm cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng trở nên đặc biệt tốn kém hơn đối với một bên.

 

Abstract: One of the most important and basic principles of the law of contract is free will of the parties. Contracts are the outputs resulted from the discretion and self-responsibility without any intervention of any third parties. However, this principle has exceptions in cases where the court may interfere with the will of the parties. That is where the contract contains unclear terms; where the contract contains provisions not in accordance with the law; and where circumstances fundamentally change, which may lead to expensive performance of the contract particularly for one party.

 

Hợp đồng “không hoàn hảo” và sự can thiệp của tòa án

Mục lục:

  1. Khi hợp đồng không rõ ràng
  2. Khi hợp đồng hoặc một số điều khoản trong hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật
    • 2.1. Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản cao hơn lãi suất cho phép của pháp luật
    • 2.2. Mức phạt vi phạm hợp đồng
  3. Khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản
    • 3.1. Tiêu chí xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản
    • 3.2. Điều kiện và cách thức can thiệp của tòa án khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản
  4. Kết luận

Khi giao kết hợp đồng, các bên luôn muốn thể hiện cụ thể nhất ý chí và mục đích giao kết hợp đồng thông qua nội dung của hợp đồng. Trên thực tế, rất nhiều hợp đồng được tạo ra rất sơ sài và thiếu đi những nội dung quan trọng là nền tảng của hợp đồng. Những điều khoản được đề cập đến có thể là điều khoản về đối tượng của hợp đồng, điều khoản về giá và phương thức thanh toán, điều khoản về chất lượng của tài sản, điều khoản về thời hạn và phương thức giao hàng. Những hợp đồng như thế có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu. Tuy nhiên, việc tuyên một hợp đồng vô hiệu không phải là giải pháp phù hợp nhất cho các bên, trong trường hợp các bên thực sự có thiện chí, có ý muốn và nguyện vọng thực hiện hợp đồng. Trong tình huống này, việc Tòa án can thiệp để điều chỉnh những thiếu sót của hợp đồng là phương án hợp tình, hợp lý, đảm bảo việc thực hiện hợp đồng của các bên vẫn được tiếp tục diễn ra phù hợp với ý chí của các bên trong hợp đồng.

Hợp đồng “không hoàn hảo” có thể tồn tại dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, hai trường hợp hợp đồng được xác lập không hoàn hảo phổ biến nhất thường gặp hiện nay. Đó là trường hợp một số điều khoản trong hợp đồng không được quy định cụ thể, rõ ràng và trường hợp hợp đồng hoặc một số điều khoản trong hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, hợp đồng cũng sẽ trở nên không còn hoàn hảo nữa trong trường hợp hoàn cảnh thực hiện hợp đồng đã thay đổi một cách cơ bản và vì vậy trở thành một lý do để tòa án xác định lại nội dung của hợp đồng.

1. Khi hợp đồng không rõ ràng

Đối với trường hợp thứ nhất, pháp luật hiện hành có những quy định cụ thể cho phép Tòa án can thiệp vào hợp đồng của các bên để giải thích, điều chỉnh những nội dung còn thiếu sót, chưa rõ ràng, cân bằng các quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng. Các quy định về giải thích hợp đồng đều giải thích theo hướng xác định ý chí chung của các bên về nội dung của hợp đồng. Khoản 1 Điều 404 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng”. Khoản 5 của Điều này cũng nhấn mạnh, trường hợp khi có sự mâu thuẫn giữa ý chí của các bên trong hợp đồng thì phải xác định ý chí chung trong hợp đồng để giải thích hợp đồng. Sở dĩ phải xác định ý chí chung bởi nó chính là sự thỏa thuận của các bên và cũng là yếu tố nền tảng để hợp đồng được xác lập. Tuy nhiên, ý chí chung của các bên là yếu tố chủ quan, vì vậy không dễ để Tòa án xác định được ý chí của các bên vào thời điểm xác lập hợp đồng. Vì vậy, ngoài việc xác định ý chí của các bên trong hợp đồng thông qua các thông tin được các bên cung cấp, Tòa án phải vận dụng các quy định của pháp luật, quy luật vận động của thị trường và những yếu tố khách quan khác để làm rõ những vấn đề vướng mắc. Một số quy định khác của pháp luật cũng đã cho phép có sự điều chỉnh nhất định sau khi hợp đồng được giao kết khi một số nội dung của hợp đồng không được quy định rõ ràng. Khoản 2, Điều 433 BLDS năm 2015 quy định trong trường hợp hợp đồng mua bán tài sản không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá của tài sản thì giá của tài sản sẽ được xác định theo giá của thị trường. Tương tự, Điều 52 Luật Thương mại năm 2005 quy định trong trường hợp không có thỏa thuận về giá hàng hóa hay không có bất kỳ chỉ dẫn nào về giá thì giá của hàng hóa được xác định theo “giá của loại hàng hóa đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hóa, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng tới giá”. Không chỉ dừng lại ở vấn đề xác định giá, khoản 3 Điều 432 quy định về chất lượng của tài sản mua bán, theo đó, khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản thì chất lượng được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố; trong trường hợp không có tiêu chuẩn này thì tiêu chuẩn của tài sản được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng. Hay trong trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn giao hàng cụ thể, khoản 3 Điều 37 Luật Thương mại năm 2005 quy định, thời hạn giao hàng sẽ là một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng. Những trường hợp nêu trên là những trường hợp pháp luật đã cho phép Tòa án can thiệp, xác định những vấn đề không rõ ràng trong hợp đồng khi tranh chấp giữa các bên xảy ra.

Thực tiễn xét xử đã ghi nhận những trường hợp thực tế mà Tòa án trong phạm vi thẩm quyền của mình đã giải thích và điều chỉnh những hợp đồng có nội dung không được quy định cụ thể, rõ ràng. Cụ thể, trong một tranh chấp liên quan đến xác định giá của hợp đồng, Tòa án nhân dân tối cao quyết định rằng, trong trường hợp giá của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được xác định rõ ràng, Tòa án cấp phúc thẩm và sơ thẩm tự mình xác định giá trị của hợp đồng là phù hợp, trên cơ sở tham khảo ý kiến của hội đồng thẩm định giá của lô đất đang tranh chấp để đưa ra quyết định cuối cùng về giá trị của lô đất[1]. Trong một tranh chấp khác về quyền sử dụng căn nhà số 564 Hậu Giang, Tòa án nhận định rằng việc hợp đồng chỉ ghi rằng bán căn nhà 564 Hậu Giang thì có thể hiểu rằng các bên đã thỏa thuận bán toàn bộ căn nhà (chứ không thể một hoặc hai tầng trong căn nhà). Ngoài ra, giá trị chuyển nhượng mà các bên đã thực hiện với nhau là 320 lượng vàng phù hợp với giá thị trường đối với toàn bộ căn nhà, vì vậy Tòa án cho rằng, việc chuyển nhượng căn nhà 564 Hậu Giang là chuyển nhượng toàn bộ căn nhà chứ không phải một phần căn nhà[2].

2. Khi hợp đồng hoặc một số điều khoản trong hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật

Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật luôn tạo ra một vài sự giới hạn cho các chủ thể trong hợp đồng. Ngoài việc đảm bảo sự cân bằng về quyền và lợi ích của các bên, vấn đề đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thực hiện một cách đúng đắn và phù hợp cũng rất quan trọng. Sẽ là rất rủi ro nếu các bên cùng thỏa thuận về những điều khoản trong hợp đồng mà nội dung của những điều khoản này không phù hợp với các quy định của pháp luật. Sự không phù hợp có thể được thể hiện ở việc không tuân thủ giới hạn mà pháp luật cho phép hoặc trái với các quy định của pháp luật. Sẽ không có vấn đề gì nếu các bên vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng một cách tự nguyện và thiện chí. Tuy nhiên, khi tranh chấp xảy ra và được đưa ra trước Tòa, sự không phù hợp trong các điều khoản nêu trên có thể dẫn đến tình trạng những điều khoản này, thậm chí là cả hợp đồng bị vô hiệu, khiến cho các bên phải gánh chịu những bất lợi nhất định từ sự không phù hợp của hợp đồng.

Để tạo sự linh động và mềm dẻo trong việc giải quyết các vụ án dân sự, không phải trong mọi trường hợp Tòa án đều sẽ tuyên các điều khoản hay toàn bộ hợp đồng có chứa những điều khoản không phù hợp vô hiệu. Thực tiễn xét xử cho thấy, các hợp đồng mà trong đó có chứa các quy định về lãi suất như lãi suất cho vay trong khi hạn, lãi suất của tiền gốc quá hạn, lãi của lãi quá hạn, mức phạt của khoản phạt vi phạm hợp đồng, dù cho các khoản này có vượt quá mức trần của quy định của pháp luật, thì Tòa án sẽ thực hiện việc điều chỉnh lại mức lãi suất nhằm đảm bảo giữ nguyên mục đích và ý định ban đầu của các bên trong hợp đồng trong mối liên hệ với các quy định của pháp luật. Sau đây là hai dẫn chứng cụ thể về việc Tòa án bằng ý chí của mình điều chỉnh hợp đồng của các bên trong trường hợp hợp đồng hoặc một số điều khoản của hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật:

2.1. Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản cao hơn lãi suất cho phép của pháp luật

Theo khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005 thì “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Quy định về về lãi suất trong khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 đã tạo nên tính độc lập trong lãi suất của khoản vay so với lãi suất của ngân hàng nhà nước, trong đó quy định “trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được quá 20%/năm của khoản tiền vay. Như vậy, có thể thấy rằng, quy định về lãi suất của cả BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều đưa ra một mức lãi suất trần để giới hạn mức lãi suất do các bên thỏa thuận với nhau. Vấn đề về lãi suất vay trên thực tế không hề đơn giản. Trong một số hợp đồng, lãi suất được đề cập đến trong điều khoản về lãi suất chỉ là lãi suất danh nghĩa. Trên thực tế, để có thể nâng mức lãi suất lên quá mức giới hạn được pháp luật quy định, bên cho vay có thể gia tăng các loại chi phí như phí hoa hồng, phi giao dịch, phí mua giới, phí dịch vụ để làm tăng số tiền thu được của bên cho vay hoặc bằng cách nào đó làm giảm số tiền thực nhận khi vay của bên vay, trong khi lãi suất của hợp đồng vẫn được đảm bảo nằm trong giới hạn được pháp luật quy định. BLDS cũng không định nghĩa cụ thể về “lãi suất vay do các bên thỏa thuận”, hay “lãi suất theo thỏa thuận” là gì, nên có thể  hiểu lãi suất ở đây là lãi suất thực tế. Mức lãi suất thực tế này không chỉ bao gồm tỉ lệ phần trăm của khoản vay mà còn bao gồm cả các loại chi phí khác mà bên vay phải bỏ ra để có thể nhận được khoản vay này. Để biết lãi suất có quá cao so với quy định của pháp luật hay không, sau khi đã tính toán lãi suất thực tế mà hợp đồng quy định, cần phải xác định mức lãi suất để đối chiếu. BLDS năm 2005 đi theo hướng căn cứ vào mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định; theo đó, mức lãi suất của hợp đồng không được vượt quá 150% mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có thể thay đổi trong từng thời kỳ cụ thể. Cho nên, trong trường hợp có quá nhiều mức lãi suất được đưa ra thì không thể lấy một mức lãi suất bất kỳ nào để làm mức lãi suất để đối chiếu. Theo nguyên tắc, lãi suất để đối chiếu chính là lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại thời điểm hợp đồng được các bên xác lập[3]. Đến khi BLDS năm 2015 ra đời, mức lãi suất trong hợp đồng được cố định ở mức không vượt quá 20% khoản vay trong hợp đồng. Việc cố định mức lãi suất như BLDS năm 2015 khiến cho các bên dễ dàng hơn trong việc xác định mức lãi suất phù hợp, đồng thời cũng là việc nới rộng mức lãi suất trần để các bên có thể xác lập các hợp đồng với mức lãi suất cao hơn.

Thực tiễn xét xử ghi nhận những vụ việc Tòa án đã phải điều chỉnh lại mức lãi suất trong hợp đồng vay tài sản giữa các bên khi mức lãi suất do các bên thỏa thuận vượt quá lãi suất trần mà pháp luật cho phép. Theo Tòa án nhân dân tối cao, việc các bên thỏa thuận mức lãi suất cao hơn mức 150% mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định là không phù hợp, vì vậy việc điều chỉnh lại lãi suất của Tòa án các cấp là phù hợp, nhưng việc lấy mức lãi suất là 7%/năm lại chưa thực sự phù hợp do trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2009, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra rất nhiều mức lãi suất khác nhau, vì vậy mức lãi suất này cần phải được xác định lại[4].

Trong một tranh chấp khác, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhận định rằng, mức lãi suất trong hạn và quá hạn trong khoản vay giữa nguyên đơn và bị đơn cần phải được xác định lại và đưa về mức tối đa mà pháp luật cho phép là 150% lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định[5]. Tuy nhiên, khác với vụ việc trên, Quyết định số 350/2013/DS-GĐT của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao lại có hướng đi hoàn toàn khác. Tòa cho rằng, mức lãi suất được điều chỉnh lại cần phải thấp hơn mức lãi suất tối đa mà pháp luật quy định[6]. Trên thực tế, có rất nhiều hợp đồng vay nặng lãi tồn tại trên thị trường, việc giới hạn mức trần nhằm mục đích tránh trường hợp một bên lợi dụng những ưu thế về vốn của mình áp đặt những điều kiện bất lợi cho bên còn lại nhằm trục lợi bất chính từ khoản vay giữa hai bên. BLDS hiện hành đang đi theo hướng điều chỉnh lại mức lãi suất về mức tối đa mà pháp luật cho phép, tức mức 20%/năm[7]. Theo chúng tôi, cách điều chỉnh này sẽ không tạo nên tính răn đe, phòng ngừa những trường hợp các cá nhân có chủ đích, ý định cho vay nặng lãi bởi vì khi phát hiện ra hợp đồng có mức lãi suất cao hơn quy định của pháp luật, các cá nhân này cũng chỉ bị điều chỉnh về mức lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép mà không phải chịu thêm bất cứ các chế tài nào theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trong trường hợp lãi suất trong hợp đồng vay tài sản cao hơn quy định của pháp luật, pháp luật cần phải cho phép Tòa án linh động điều chỉnh mức lãi suất về mức thấp hơn mức trần của pháp luật, có thể là mức lãi suất thấp nhất mà pháp luật hiện hành cho phép là 10%/năm.

2.2. Mức phạt vi phạm hợp đồng

Điều 324 BLDS năm 1995 xem “phạt vi phạm” là một “biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Đến BLDS năm 2005, thỏa thuận phạt vi phạm được coi là “một nội dung của hợp đồng” theo quy định tại Điều 402 của Bộ luật này. Đến BLDS năm 2015, quan điểm như BLDS năm 2005 vẫn được duy trì. Theo đó, phạt vi phạm vừa là “biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng”, vừa là “trách nhiệm dân sự” nhưng bản chất “trách nhiệm dân sự” chiếm ưu thế hơn so với bản chất còn lại. Như vậy, phạt vi phạm hợp đồng có thể hiểu cách khác là thỏa thuận nhằm mục đích răn đe, hướng các bên đến việc thực hiện nghĩa vụ phù hợp với các quy định của hợp đồng. Mức phạt vi phạm trong BLDS ở các thời kì khác nhau cũng được quy định khác nhau. Theo Điều 378 BLDS năm 1995, mức phạt vi phạm có thể là một khoản tiền nhất định được hoặc được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, nhưng mức cao nhất không quá 5%. Tuy nhiên, giới hạn mức phạt vi phạm lại không được quy định trong BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015, mà mức phạt vi phạm được “các bên thỏa thuận”. Điều này có nghĩa là, về nguyên tắc, các bên có quyền tự do định đoạt mức phạt vi phạm hợp đồng trong pháp luật dân sự và khi giải quyết các tranh chấp có liên quan đến mức phạt vi phạm, cơ quan xét xử không phải xem mức phạt của các bên có vượt quá một giới hạn nào hay không.

Trong những thời điểm trước đây, mức phạt vi phạm thường hay bị giới hạn bởi những tỉ lệ phần trăm cụ thể. Khoản 1 Điều 29 Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế của Hội đồng Nhà nước năm 1989 quy định “mức tiền phạt vi phạm hợp đồng từ 2% đến 12% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm”. Tuy nhiên, Pháp lệnh này không còn được áp dụng, nhưng một số luật chuyên ngành khác vẫn duy trì cách giới hạn mức phạt ở một tỉ lệ nhất định. Luật Thương mại năm 2005 quy định về phạt vi phạm vi phạm hợp đồng tại các Điều 292, 300 và 301, theo đó mức phạt vi phạm được giới hạn ở mức 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Ngoài ra, phạt vi phạm hợp đồng còn được quy định tại Điều 110 Luật Xây dựng năm 2003, với giới hạn mức phạt là 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Cho đến khi Luật Xây dựng năm 2014 ra đời, mức phạt vi phạm đã không được giới hạn như trong Luật Xây dựng năm 2003, mà quy định mức phạt do các bên thỏa thuận. Mức phạt vi phạm chỉ được giới hạn ở mức 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm đối với những công trình xây dựng có vốn nhà nước. Những sự giới hạn trong việc quy định về mức phạt vi phạm thể hiện sự hạn chế tự do ý chí của các bên trong việc thỏa thuận ký kết hợp đồng.

Thực tiễn xét xử cho thấy, để đảm bảo đúng mục đích của khoản phạt vi phạm, khi các bên trong hợp đồng thỏa thuận với nhau mức phạt vi phạm cao hơn mức phạt mà pháp luật quy định, Tòa án sẽ điều chỉnh mức phạt vi phạm về mức tối đa mà pháp luật cho phép. Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, Tòa án có thể linh động xem xét, điều chỉnh mức phạt về thấp hơn mức tối đa theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thực hiện tiếp hợp đồng, đảm bảo sự cân bằng về quyền và lợi ích của các chủ thể. Quyết định số 03/2009/KDTM-GĐT ngày 9/4/2009 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong vụ tranh chấp về phạt vi phạm hợp đồng giữa Công ty Đại Nam (nguyên đơn) và Doanh nghiệp Nguyệt Phương (bị đơn) đã ghi nhận quan điểm trên. Trong vụ việc này, Tòa án đã nhận định rằng, mức phạt 10%/tháng trên số tiền chậm thanh toán và mức phạt 15% cho nguyên đơn đưa ra là quá cao. Tòa án nhân dân tối cao cũng không chấp nhận phương án do cả Tòa phúc thẩm và Tòa sơ thẩm đưa ra và cho rằng, trong trường hợp này cần phải căn cứ vào mức phạt vi phạm của Luật Thương mại năm 2005 (là tối đa 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm) và căn cứ trên khía cạnh thực tế là Doanh nghiệp Nguyệt Phương bị cháy kho hàng ở Campuchia để xem xét giảm mức phạt mà bị đơn phải chịu để tạo thuận lợi cho các bên trong việc thực hiện hợp đồng[8].

3. Khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản

Khi hợp đồng được thực hiện trong một khoảng thời gian dài, có thể xảy ra trường hợp hoàn cảnh thay đổi một cách căn bản làm cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng với các nội dung được thỏa thuận vào thời điểm giao kết không còn phù hợp nữa. Khi đó, trên tinh thần thiện chí, các bên sẽ phải đàm phán để điều chỉnh lại nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đàm phán lại không phải là một giải pháp duy nhất và không dễ đạt được. Vì vậy, pháp luật ở nhiều nước trên thế giới đã luật hóa lý thuyết về hardship và cho phép tòa án hoặc chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng[9]. Trước năm 2015, pháp luật Việt Nam không có quy định chung về xử lý hợp đồng khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản[10]. Phải đến Bộ luật Dân sự năm 2015, thì quy định về thực hiện hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi cơ bản mới chính thức trở thành nguyên tắc chung cho việc điều chỉnh hợp đồng.

3.1. Tiêu chí xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Khái niệm về sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản mặc dù không được làm rõ, nhưng BLDS năm 2015 đã nêu ra những điều kiện cụ thể để một sự kiện được coi như là sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản, bao gồm:

Thứ nhất, sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Nguyên nhân xảy ra phải là nguyên nhân khách quan, tức là không phụ thuộc vào ý chí của một trong các bên trong hợp đồng. Những trường hợp mà các bên có chủ đích, hoặc có tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho một sự kiện diễn ra mà một bên phải chịu sự tác động bất lợi từ sự kiện đó thì sẽ không đáp ứng được điều kiện của sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản. Ví dụ: Công ty A (bên bán, Hoa Kỳ) và Công ty B (bên mua, Việt Nam) giao kết với nhau hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong điều khoản phương thức giao hàng, công ty B được quyền lựa chọn các cảng đến trong quá trình giao hàng. Khi bên A giao hàng, bên B yêu cầu bên A giao hàng tại cảng nước C, và bên A biết rõ tình hình của nước C nhưng không có ý kiến gì. Hậu quả là hàng của bên A giao cho bên B bị giữ lại tại cảng nước C và được nước C sử dụng. Trong trường hợp này, bên A không được quyền viện dẫn điều khoản về hoàn cảnh thay đổi cơ bản tại Điều 420 BLDS năm 2015 vì sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản này không phải là nguyên nhân khách quan vì bên A đã biết rõ tình hình tại nước C nhưng vẫn cố tình tiếp tục thực hiện việc giao hàng tại nước này.

Thứ hai, tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Ngoài yếu tố là nguyên nhân khách quan, sự thay đổi hoàn cảnh này phải nằm ngoài tầm kiểm soát và dự tính của các bên. Sự thay đổi hoàn cảnh có thể đến từ các yếu tố tự nhiên như hỏa hoạn, thiên tai, hay những yếu tố đến từ con người như bất ổn chính trị, bạo động, đình công, hay từ những yếu tố đến từ quy luật vận động của nền kinh tế thị trường như sự biến động về nguyên vật liệu, giá cả. Trong trường hợp các bên biết, hoặc phải biết sẽ có sự thay đổi hoàn cảnh xảy ra trong tương lai mà vẫn thực hiện việc giao kết hợp đồng thì khi có sự thay đổi hoàn cảnh xảy ra, sự thay đổi này không được xem xét là sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản. Vấn đề này có thể đến từ việc các bên chủ quan trong giao hết hợp đồng, hoặc năng lực dự đoán của các bên yếu kém, dẫn đến việc không lường trước được những hậu quả sẽ xảy ra đến từ sự thay đổi hoàn cảnh, khiến một trong các bên phải chịu thiệt hại nghiêm trọng. Trong một số hợp đồng hiện nay, các bên trao cho nhau quyền điều chỉnh giá cả và một số điều khoản khác trong hợp đồng khi có sự biến động trong những yếu tố khách quan. Những hợp đồng như vậy sẽ không được áp dụng những quy định về sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản vì các bên đã có sự lường trước về hoàn cảnh sẽ thay đổi trong tương lai.

Thứ ba, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác: mức độ của sự thay đổi như đã được đề cập ở phần trên phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của cơ quan xét xử khi có sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản xảy ra. Hoàn cảnh thay đổi khiến cho một bên bị mất đi đáng kể quyền lợi đạt được từ hợp đồng. Tuy nhiên, cũng như các quy định của luật pháp quốc tế hiện nay, mức độ của sự thay đổi không được BLDS năm 2015 giải thích. Vì vậy, để xác định được mức độ thay đổi ảnh hưởng đến một trong các bên, cơ quan tài phán cần phải xác định mục đích giao kết hợp đồng ban đầu của các bên, từ đó xem xét trong mối quan hệ với sự ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh để đánh giá được mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi này.

Thứ tư, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Việc xác định thiệt hại nghiêm trọng là một vấn đề rất khó khăn. Khi có một sự thay đổi hoàn cảnh xảy ra, Tòa án trong việc điều chỉnh hợp đồng phải trù liệu đến các tình huống là hệ quả của việc tiếp tục thực hiện hợp đồng trong hoàn cảnh thay đổi. Trước hết, Tòa án và các bên liên quan phải cùng nhau trả lời được câu hỏi liệu tiếp tục thực hiện hợp đồng có gây ra thiệt hại cho một bên hay không. Việc xác định thiệt hại xảy ra trong tương lai dựa trên những thông tin hiện có cần phải được đánh giá hết sức khách quan, chính xác, tránh trường hợp việc dự liệu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, thiệt hại xảy ra phải là thiệt hại “nghiêm trọng”. Hiện nay, BLDS năm 2015 không giải thích cụm từ “thiệt hại nghiêm trọng”. Mức độ nghiêm trọng ở đây rất khó xác định, có thể khiến một bên chịu thiệt hại tại một tỷ lệ cụ thể dựa trên giá trị của hợp đồng. Việc xác định thiệt hại nghiêm trọng trong trường hợp này hoàn toàn phụ thuộc phần lớn vào ý chí của cơ quan xét xử. Theo chúng tôi, khi mức thiệt hại vượt quá toàn bộ giá trị hợp đồng của các bên giao kết thì có thể được xem xét là thiệt hại nghiêm trọng.

Thứ năm, bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Quy định này thể hiện việc các bên đã thực hiện mọi biện pháp trong phạm vi cho phép và trong khả năng của mình để giảm thiểu mức độ thiệt hại xảy ra, trên cơ sở nguyên tắc thiện chí của hợp đồng. Khi một sự thay đổi hoàn cảnh xảy ra và một bên xác định rằng thiệt hại chắc chắn xảy đến, bên bị ảnh hưởng phải thể hiện sự thiện chí bằng việc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh chứ không được ỷ lại vào quy định sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản. Hợp đồng được giao kết giữa các bên phải đảm bảo sự cân bằng về quyền và lợi ích, một bên không thể đẩy toàn bộ rủi ro mà bên này phải gánh chịu cho bên còn lại khi hoàn cảnh khách quan xảy ra. Nghĩa vụ về hạn chế, ngăn chặn thiệt hại là nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng và cũng được quy định tại Điều 362 BLDS năm 2015, theo đó “bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình”. Hơn nữa, Điều 9 BLDS năm 2015 cũng có quy định cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền của mình để gây thiệt hại cho người khác. Vì vậy, quy định nghĩa vụ về hạn chế thiệt hại được xem là điều kiện để có sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản là hoàn toàn phù hợp, ràng buộc các bên phải hạn chế tối đa mức thiệt hại xảy ra, thể hiện rõ tinh thần tự nguyện, thiện chí của các bên trong hợp đồng.

3.2. Điều kiện và cách thức can thiệp của tòa án khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản

Theo khoản 2 Điều 420 BLDS năm 2015, khi có sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản xảy ra, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng sao cho phù hợp. Việc điều chỉnh này ưu tiên sự thỏa thuận của các bên tìm ra giải pháp để hợp đồng tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không thể đồng thuận để tìm ra giải pháp phù hợp cho trường hợp này, thì cần phải có người thứ ba trung gian để đưa ra quyết định phù hợp cho các bên. Khoản 3 Điều 420 BLDS năm 2015 quy định, trong trường hợp các bên không thể thống nhất với nhau về giải pháp điều chỉnh hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên sẽ có quyền yêu cầu Tòa án: “a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.

Như vậy, điều kiện để Tòa án có thể can thiệp vào ý chí của các bên là khi có sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản và biện pháp đàm phán lại thất bại. Sự thất bại của biện pháp đàm phán phải được hiểu là các bên đã đàm phán nhưng không đạt được thống nhất chung hoặc một bên yêu cầu đàm phán nhưng bên kia không chịu đàm phán. Trong thực tế, không hiếm trường hợp khi xảy ra sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản, và một bên yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng, nhưng bên kia lại không chấp nhận yêu cầu. Trong trường hợp này, việc không chấp nhận yêu cầu đàm phán lại hợp đồng có thể xem là một ứng xử không thiện chí và cấu thành lỗi của bên từ chối để bên còn lại có thể áp dụng những chế tài của việc không thực hiện hợp đồng như buộc thực hiện tiếp hợp đồng, bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng. Việc Tòa án can thiệp vào hợp đồng của các bên là giải pháp cuối cùng khi các bên đã thiện chí muốn cùng nhau tìm ra giải pháp cho hợp đồng, chấp nhận chia sẻ những rủi ro, giảm bớt phần lợi ích mong muốn đạt được khi giao kết hợp đồng.

Khi can thiệp vào hợp đồng của các bên, Tòa án sẽ xác định những nhân tố ảnh hưởng tới hợp đồng và tới các bên, từ đó đưa ra giải pháp để các bên có thể chịu ít thiệt hại nhất từ sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản. Giải pháp có thể là Tòa án sẽ chấm dứt hợp đồng hoặc điều chỉnh một số nội dung của hợp đồng để các bên có thể chịu ít thiệt hại nhất do sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản. Việc Tòa án điều chỉnh nội dung của hợp đồng chỉ diễn ra khi mà việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn so với những chi phí thực hiện hợp đồng khi mà hợp đồng được sửa đổi. Quy định này nhằm hạn chế sự can thiệp quá sâu của Tòa án vào hợp đồng của các bên. Sự can thiệp quá sâu của Tòa án trong việc điều chỉnh hợp đồng có thể dẫn đến hậu quả là hợp đồng bị thay đổi không phù hợp với mục đích giao kết ban đầu của các bên trong hợp đồng, hoặc lại điều chỉnh có lợi hơn cho bên bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản.

Việc chấm dứt hợp đồng khi Tòa án can thiệp vào ý chí của các bên trong trường hợp có sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thời điểm nào sẽ là thời điểm phù hợp để xác định hợp đồng bị chấm dứt. Điểm a khoản 3 Điều 420 BLDS 2015 quy định trong trường hợp Tòa án xác định hợp đồng bị chấm dứt, thời điểm xác định việc chấm dứt hợp đồng sẽ tại “một thời điểm xác định”. Khái niệm “thời điểm xác định” ở đây chưa được BLDS làm rõ. Trong hợp đồng tồn tại rất nhiều các mốc thời gian khác nhau, có thể là thời điểm giao kết hợp đồng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực, thời điểm thực hiện nghĩa vụ của các bên, thời điểm chấm dứt hợp đồng… Nếu Tòa án xác định tại một trong những thời điểm bất kỳ trong quá trình giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng thì sẽ dẫn đến tình trạng quyết định về thời điểm chấm dứt hợp đồng trong mỗi vụ việc khác nhau sẽ có thể khác nhau, không có sự thống nhất trong quá trình giải quyết tranh chấp của Tòa án, khiến cho các chủ thể của hợp đồng gặp tâm lý bất an và mất niềm tin vào cơ quan giải quyết tranh chấp.

Kết luận

Các phân tích ở trên đã cho thấy, các trường hợp phổ biến nhất mà Tòa án can thiệp vào ý chí của các bên là hợp đồng không rõ, hợp đồng có quy định không phù hợp với pháp luật và hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi căn bản.

– Trong trường hợp can thiệp vào ý chí của các bên khi hợp đồng không đủ rõ hoặc hợp đồng có quy định không phù hợp với pháp luật, Tòa án sẽ căn cứ vào hợp đồng và những thông tin do các bên cung cấp, thông tin từ những nguồn phù hợp khác để xác định mục đích của các bên ban đầu trong hợp đồng và ý chí của các bên trong việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt hợp đồng, để từ đó, Tòa án có thể đưa ra sự điều chỉnh phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị ảnh hưởng.

– Trong trường hợp Tòa án được phép can thiệp vào hợp đồng khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản, thì Tòa án chỉ thực hiện quyền này khi các bên đã thực hiện việc đàm phán lại hợp đồng nhưng không thành công và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc. Đứng trước những tình trạng này, Tòa án sẽ lựa chọn một trong hai phương án hoặc là chấm dứt hợp đồng hoặc là điều chỉnh một số nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, việc xác định vấn đề này cũng gặp phải một số khó khăn do pháp luật vẫn chưa có những quy định cụ thể.

+ Khó khăn thứ nhất mà Tòa án có thể gặp phải đó là việc xác định mức độ thay đổi do hoàn cảnh khách quan gây ra là bao nhiêu so với hợp đồng để có thể cho rằng đó là sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản. Hiện nay, pháp luật không có hướng dẫn hay quy định cụ thể về mức độ thay đổi này, vì vậy việc xác định mức độ thay đổi phụ thuộc nhiều vào ý chí của Tòa án trong thực tiễn xét xử;

+ Khó khăn thứ hai là việc xác định thiệt hại nghiêm trọng mà bên bị ảnh hưởng phải gánh chịu nếu thực hiện tiếp hợp đồng khi có sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản.

Ngoài những khó khăn mà Tòa án gặp phải, việc Tòa án can thiệp vào hợp đồng mà không đưa ra giới hạn của sự can thiệp cũng có thể dẫn đến tình trạng Tòa án lạm dụng quyền lực của mình để can thiệp quá sâu vào hợp đồng hoặc Tòa án có những sự điều chỉnh không phù hợp với mục đích, ý chí của các bên trong việc giao kết hợp đồng. Hậu quả xảy ra là các bên bị ảnh hưởng có thể trở thành bên được hưởng quá nhiều lợi ích từ hợp đồng được điều chỉnh và tình trạng mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng ngày càng xấu hơn. Vì vậy, pháp luật hiện nay cần phải đưa ra những quy định cụ thể hơn về sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản nhằm hỗ trợ Tòa án trong việc xét xử, hạn chế sự can thiệp quá sâu của Tòa án vào hợp đồng và giúp các bên có thể lường trước được những rủi ro đến từ hoàn cảnh cơ bản thay đổi./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Quốc Chiến, “Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi và việc sửa đổi Bộ luật dân sự 2005”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15 (295), tháng 8/2015, tr. 29-33.

2. Đỗ Văn Đại (2017), Luật hợp đồng Việt Nam, tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam.

3. Đỗ Văn Đại (2014), Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc Gia.

4. F. Hinestrosa, Rapport Général-Révision du contratin Le Contrat, Nxb. Société de législation comparée 2008, tr. 406.

PHẠM HỒ HOÀNG LONG

Văn phòng Thừa phát lại Phạm Hoàng, Thành phố Đà Nẵng.

PGS.TS. NGÔ QUỐC CHIẾN

Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương

Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (400), tháng 12/2019


[1] Quyết định số 21/2010/DS-GĐT ngày 5/5/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[2] Bản án số 1543/DSPT ngày 6/9/2002 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

[3] Đỗ Văn Đại (2017), Luật hợp đồng Việt Nam, tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, 2017, tr. 642.

[4] Quyết định số 698/2010/DS-GĐT ngày 20/10/2010 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao.

[5] Bản án số 1113/2012/KDTM-ST ngày 31/7/2012 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

[6] Quyết định số 350/2013/DS-GĐT của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao.

[7] Điều 468 BLDS năm 2015.

[8] Quyết định số 03/2009/KDTM-GĐT ngày 9/4/2009 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[9] Nước đi tiên phong là Italy. BLDS Italy năm 1942 đã có quy định buộc các bên đàm phán lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Cơ chế này sau đó đã ảnh hưởng tới một số hệ thống pháp luật khác trên thế giới như Hà Lan, Đức và đặc biệt là các nước Mỹ Latinh. Điều 313 BLDS Đức (Bürgerliches Gesetzbuch – BGB bản sửa đổi năm 2002) quy định rằng khi hoàn cảnh thay đổi nghiêm trọng tới mức làm mất đi căn cứ của nó (Wegfall der Geschäftsgrundlage) thì bên bị ảnh hưởng bất lợi được yêu cầu bên kia ĐCHĐ hoặc chấm dứt hợp đồng (CDHĐ). Tại Hà Lan, BLDS năm 1992 (Điều 6.258) Xem: F. Hinestrosa, Rapport Général-Révision du contratin Le Contrat, Nxb. Société de législation comparée 2008, tr.406.

[10] Quy định về điều chỉnh hợp đồng chỉ tồn tại trong một số đạo luật chuyên ngành như Luật Kinh doanh bảo hiểm (Điều 20), Luật Đấu thầu (Điều 57). Trên góc độ so sánh, xem: Ngô Quốc Chiến (2015), “Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi và việc sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15 (295), tháng 8/2015, tr. 29-33.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version