Site icon Hocluat.VN

Đối tượng và phương pháp điều chỉnh của luật thi hành án dân sự

luat-thi-hanh-an-dan-su-2014

Phân tích đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của luật thi hành án dân sự Việt Nam.

 

Xem thêm: Khái niệm Luật thi hành án dân sự Việt Nam

 

Đối tượng điều chỉnh của luật thi hành án dân sự Việt Nam

Đối tượng điều chỉnh của luật thi hành án dân sự Việt Nam là các quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự, đương sự, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc thi hành án dân sự phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự.

Một số đặc trưng cơ bản:

– Các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật thi hành án dân sự phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự, từ khi đương sự thực hiện quyền yêu cầu thi hành án dân sự đến khi kết thúc thi hành án.

– Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật thi hành án dân sự có tác dụng trực tiếp đối với việc thi hành bản án, quyết định được đưa ra thi hành.

– Một bên chủ thể thuộc đối tượng điều chỉnh của luật thi hành án dân sự là cơ quan thi hành án dân sự còn bên kia là đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác.

Đối tượng điều chỉnh của luật thi hành án dân sự có thể chia thành 3 nhóm:

– Nhóm 1: Các quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự với các đương sự.

– Nhóm 2: các quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cá nhân, cơ quan và tổ chức liên quan đến việc thi hành án dân sự.

– Nhóm 3: các quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự với toà án, trọng tài, hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và viện kiểm sát.

Trong các nhóm đối tượng trên thì nhóm quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự với các đương sự mang tính phổ biến, bởi đương sự là người có quyền hoặc nghĩa vụ thi hành án dân sự còn cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức thi hành án dân sự. Để đảm bảo việc thi hành án dân sự nhanh chóng, đúng đắn, boả vệ được lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trước hết pháp luật phải điều chỉnh quan hệ này.

Phương pháp điều chỉnh của Luật thi hành án dân sự Việt Nam

Phương pháp điều chỉnh của Luật thi hành án dân sự Việt Nam là tổng thể những cách thức mà luật thi hành án dân sự tác động lên các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của nó.

Luật thi hành án dân sự Việt Nam điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự bằng hai phương pháp là mệnh lệnh và định đoạt.

– Phương pháp mệnh lệnh: Nó quy định địa vị pháp lý cho các cơ quan thi hành án dân sự hoàn toàn khác với địa vị pháp lý của các chủ thể khác. Các chủ thể khác phải phục tùng cơ quan thi hành án dân sự. Quyết định của cơ quan thi hành án dân sự đưa ra trong quá trình thi hành án buộc các chủ thể phải thực hiện hoặc bị cưỡng chế thực hiện. Nếu không có sự can thiệp của cơ quan thi hành án thì nhiều trường hợp việc thi hành án dân sự không thể thực hiện được.

Ngoài ra để các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình thì các cơ quan này phải có những quyền lực pháp lý nhất định với các chủ thể khác, từ đó họ mới có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án.

– Phương pháp định đoạt: Trong quá trình thi hành án dân sự các đương sự vẫn được quyền tự quyết định quyền, lợi ích hợp pháp của họ và việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Khi bản án, quyết định dân sự được thi hành, các đương sự có quyền tự quyết định việc thi hành án dân sự như yêu cầu đương sự bên kia hoặc cơ quan thi hành án thi hành.

Trong quá trình thi hành án dân sự, các đương sự vẫn có thể thương lượng, thoả thuận việc thi hành án, tự thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án nữa.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version