Site icon Hocluat.VN

Cử nhân luật được quyền bào chữa tại phiên tòa Hình sự không?

bao-chua

Tình cờ mình đọc được một bài viết, ý bài viết đó nói rằng trình độ Cử nhân luật (chưa có chứng chỉ hành nghề Luật sư) đương nhiên được bào chữa trong vụ án hình sự. Mình hơi bất ngờ vì quan điểm này, vì những quy định tố tụng hiện hành có giới hạn nhất định về đối tượng là người bào chữa trong vụ án hình sự. Vậy trong vụ án hình sự người bào chữa có thể là ai? Sinh viên luật, cử nhân luật có được quyền bào chữa cho bị cáo trong phiên tòa hình sự hay không? Mình xin chia sẻ đôi lời

Thứ nhất, chúng ta cần phải hiểu theo luật định khái niệm “Người bào chữa” bao gồm những ai.

Theo Khoản 2 Điều 72 Bộ luật TTHS 2015 thì người bào chữa có thể là:

– Luật sư;

– Người đại diện của người bị buộc tội;

– Bào chữa viên nhân dân;

– Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Như vậy, để được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa thì buộc lòng phải là 01 trong 04 đối tượng kể trên.

Thứ hai, trình độ Cử nhân Luật có thể là người bào chữa trong phiên tòa hình sự không?

Câu trả lời là CÓ THỂ, nhưng rất hạn chế. Bởi nếu với trình độ là Cử nhân luật thì bạn chỉ có thể rơi vào đối tượng là “người đại diện” của người bị buộc tội.

Ảnh minh họa (Nguồn: CLB Luật Gia Trẻ – Khoa Luật ĐHQGHN)

Thứ ba, đại diện của người bị buộc tội là ai?

Theo Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 thì người đại diện của cá nhân là cha, mẹ đối với con chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định hoặc người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện.

Thứ tư, tại sao không phải là đại diện theo ủy quyền mà buộc phải là đại diện theo pháp luật mới được bào chữa tại phiên tòa hình sự?

Câu trả lời là Luật không quy định. Về quyền của bị can, bị cáo vấn đề này được quy định tại Điều 60 61 Bộ luật TTHS 2015, theo đó bị can, bị cáo chỉ được quyền tự bào chữa hoặc NHỜ người khác bào chữa. Luật không quy định về việc bị can, bị cáo được quyền ủy quyền lại quyền bào chữa cho người khác.

=> Chính vì vậy, nguời đại diện của bị can, bị cáo trong Tố tụng hình sự không thể là đại diện theo ủy quyền.

Như vậy, câu trả lời cuối cùng là trong tố tụng hình sự, nguời có trình độ Cử nhân luật (hay bất cứ trình độ nào khác) có quyền được bào chữa nếu là người đại diện cho bị can, bị cáo. Cụ thể ở đây là cha, mẹ đối với con chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định hoặc người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện.

Tác giả: hailibra

Nguồn: Lawnet.thukyluat.vn

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version