Site icon Hocluat.VN

Chính trị Việt Nam có theo bước Trung Quốc?

xijinping-hanoi-afp-net

Mặc dù cùng theo chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc đảng của Việt Nam được coi là tương đối dân chủ hơn Trung Quốc. Lời khen ngợi này xuất phát từ nguyên tắc lãnh đạo dựa trên đồng thuận của Việt Nam, nền dân chủ nội Đảng, và một xã hội dân sự có thể gọi là ít bị trấn áp hơn. Tuy nhiên, các nhân tố này đã xấu đi rõ rệt kể từ khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử vị trí của mình vào đầu năm 2016. Xu hướng này đã được đẩy nhanh khi Đảng chuẩn bị tổ chức hội nghị giữa nhiệm kỳ vào mùa xuân này, Hội nghị Trung ương lần thứ 7, nơi sẽ đưa ra những quyết định quan trọng về lãnh đạo và cải cách nội bộ.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng đáng sợ của mình để “đả hổ diệt ruồi” sau Đại hội Đảng lần thứ 18 năm 2012,  chính trị nội bộ Việt Nam vẫn là một cuộc giằng co giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng. Sự cạnh tranh cân bằng kiểu như vậy đã giúp ĐCSVN duy trì môi trường hòa bình kể từ khi nước này tiến hành chính sách cải cách định hướng thị trường (còn gọi là Đổi mới) vào năm 1986.

Tuy nhiên, ngay khi ông Trọng vươn lên với tư cách là người chiến thắng, phe bảo thủ dường như đã quyết tâm làm theo các đồng chí Trung Quốc của mình trong việc dọn sạch các phần tử thoái hóa bên trong Đảng. Sau một năm tạm lắng, năm 2017 đã chứng kiến ​​sự xáo trộn chưa từng thấy trong dàn lãnh đạo tinh hoa của Việt Nam khi ĐCSVN đã thanh lọc nhiều quan chức cao cấp vì tham nhũng, quản lý kinh tế yếu kém, cố ý vi phạm các quy định của nhà nước, tham ô và lạm quyền.

Đáng chú ý nhất là việc sa thải ông Đinh La Thăng, một thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực và từng được coi là một ngôi sao chính trị đang lên. Sau phiên tòa đầu tiên trong số hai phiên tòa, ông Thăng bị kết án 13 năm tù, trở thành ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên phải chịu hình phạt nghiêm khắc như vậy. Hơi nóng của “cái lò” – hình ảnh ẩn dụ của chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng – cũng đã “thiêu đốt” các nhân vật nổi bật khác, cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu, từ chính quyền địa phương, các bộ ngành và các doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù chiến dịch này đã mang lại một số công lý nhằm giải quyết vấn đề tham nhũng khét tiếng của Việt Nam, nó cũng đã giúp củng cố quyền lực của ông Trọng và những người gần gũi ông, nhất là Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng – vị trí ở Việt Nam tương đương với nhà lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn ở Trung Quốc. Ngoài ra, sau hai năm, ông Trọng đã hoàn toàn kiểm soát quân đội và lực lượng công an. Ngoài chức bí thư Quân ủy Trung ương, ông cũng đã thành công trong trong việc tham gia Ban Chấp hành Đảng ủy Công an Trung ương vào năm 2016, lần đầu tiên trong nền chính trị Việt Nam một vị Tổng bí thư tham gia vai trò đó.

Trên một mặt trận khác, có lẽ với một chiến lược dài hạn hơn, ông Phạm Minh Chính, một đồng minh của ông Trọng và là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đang thí điểm một chương trình nhằm “nhất thể hóa” các chức vụ Đảng và Nhà nước ở cùng cấp độ hành chính. Nói một cách đơn giản, mục tiêu là nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống quản lý song song của Việt Nam bằng cách sáp nhập vị trí bí thư Đảng địa phương (hiện ở cấp huyện và cấp xã) với vị trí chủ tịch UBND cùng cấp. Nhiều người cho rằng chương trình thí điểm này là bước đi đầu tiên nhằm “nhất thể hóa” hai vị trí cao nhất trong chính trị Việt Nam: Chủ tịch nước và Tổng Bí thư. Đây là phương thức được thực hiện ở Trung Quốc từ năm 1993 khi Tổng Bí thư Giang Trạch Dân được bầu làm Chủ tịch nước Trung Quốc, trong khi truyền thống này đã không được thực hiện ở Việt Nam kể từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969.

Tất cả những động thái này chắc chắn đã đưa ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo nhiều quyền lực nhất của Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Trong một bối cảnh như vậy, Việt Nam đang dần dần chuyển từ chế độ một đảng thành chế độ một người lãnh đạo, giống như Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.

Ngoài ra, và có lẽ đáng lo ngại hơn, đó là không chỉ có sự tương đồng về thủ tục mà còn về những thủ thuật trấn áp mà ĐCSVN đã học được từ Bắc Kinh. Điều này được minh họa rõ nét trong vụ bắt cóc kiểu Chiến tranh Lạnh, ngay từ trung tâm Berlin, đối với Trịnh Xuân Thanh, một quan chức chính phủ và cựu giám đốc một doanh nghiệp nhà nước liên quan đến ông Đinh La Thăng. Vụ việc gây sốc cho nước Đức và tạo ra căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước. Người ta có thể liên tưởng đến các vụ bắt cóc khác nhau của an ninh Trung Quốc tại Hồng Kông hay Thái Lan (mặc dù vụ của Việt Nam ở Đức có lẽ nằm ở một cấp độ khác).

Các nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam có thể đã không bị sốc bởi vì họ đã bị đối xử một cách mạnh tay bất thường trong hai năm qua. Cảnh sát đã bắt giữ 19 và 21 nhà hoạt động lần lượt trong hai năm 2016 và 2017, so với chỉ 7 người vào năm 2015. Luật về Hội đã được chờ đợi từ lâu, một đạo luật có thể làm cho môi trường bấp bênh tại Việt Nam trở nên an toàn hơn cho xã hội dân sự, đã bị hoãn vô thời hạn. Tình hình cũng ảm đạm đối với các phương tiện truyền thông của Việt Nam, vốn trên lý thuyết là thuộc sở hữu nhà nước và đang được Đảng kiểm soát chặt chẽ. Chẳng hạn, năm 2016, hơn 150 cơ quan truyền thông đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông phạt tiền vì “đưa tin sai lệch”, con số lớn nhất từng được ghi nhận. Mặc dù không phải tất cả các bản tin bị phạt đều là về chính trị, nhưng điều này cho thấy sự sẵn sàng của chế độ trong việc gia tăng áp lực lên một trong những môi trường báo chí vốn đã khắc nghiệt nhất trên thế giới.

Tại Việt Nam, ông Trọng được coi là một nhà lãnh đạo liêm khiết, không tham nhũng, cho phép ông giành được sự ủng hộ rất lớn trong và ngoài Đảng nhằm thực hiện chiến dịch chống tham nhũng. “Cái lò ông Trọng”, mặc dù bị cáo buộc là một bình phong cho các cuộc thanh trừng chính trị, đã có những tác động tích cực lên quản lý nhà nước của Việt Nam, vốn từ lâu đã thiếu cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình hiệu quả như người ta thường thấy ở bất kỳ chế độ chuyên chế nào. Tuy nhiên, cách tiếp cận từ trên xuống này phụ thuộc rất nhiều vào “các nhà lãnh đạo tốt”, người có khả năng thực hiện kế hoạch chống tham nhũng một cách không ngừng nghỉ và không toan tính lợi ích cho mình.

Ít người sẽ phản đối khả năng ông Trọng, hiện đã 73 tuổi, sẽ nghỉ hưu vào kỳ đại hội tiếp theo của ĐCSVN vào năm 2021. Đến lúc đó, nếu tất cả các chiến thuật củng cố quyền lực theo nguyên tắc “tập trung dân chủ” được thể chế hóa, thì người kế nhiệm ông sẽ có được một bàn tay mạnh mẽ để nhào nặn cơ chế “lãnh đạo tập thể” của Việt Nam theo ý muốn. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ làm xói mòn những cải cách chính trị khiêm tốn đã mất nhiều năm mới thực hiện được, và do đó càng làm lu mờ viễn cảnh dân chủ hóa của Việt Nam. Có lẽ chỉ có các đồng chí của họ ở Bắc Kinh là sẽ hài lòng với một kịch bản như vậy.

 

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế (http://nghiencuuquocte.org/2018/02/23/chinh-tri-viet-nam-co-theo-buoc-trung-quoc)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version