Site icon Hocluat.VN

Các dạng vi phạm khi giải quyết vụ án tranh chấp về thừa kế

tranh-chap-thua-ke

Những năm gần đây, tranh chấp về di sản thừa kế gia tăng và việc giải quyết loại án này luôn là mối quan tâm của xã hội, thậm chí gây bức xúc khi có những vụ việc phải giải quyết nhiều lần, qua nhiều cấp xét xử do khiếu kiện kéo dài.

Từ thực tiễn công tác cho thấy, trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp về thừa kế Kiểm sát viên cần lưu ý một số dạng vi phạm như sau:

1. Điều tra xác minh chưa đầy đủ

– Giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng diện tích đất thực tế (theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ nhiều hơn diện tích được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án không yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến về diện tích đất tăng thêm để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Ví dụ: Vụ án “tranh chấp thừa kế” giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị A, bị đơn là bà Võ Thị B: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 21/8/1998 thể hiện thửa đất 327 có tổng diện tích 633m2. Tuy vậy, hồ sơ vụ án chưa có chứng cứ chứng minh thửa đất tranh chấp là tài sản chung của cụ Võ Trọng X và cụ Võ Thị C, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh tại cơ quan có thẩm quyền về thời điểm cấp đất để xác định thửa đất nêu trên là tài sản chung của vợ chồng cụ X hay là tài sản riêng của cụ Võ Thị C. Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ thể hiện thửa đất tranh chấp có diện tích 808.6m2. Sơ đồ thửa đất ngày 28/9/2017 thể hiện thửa đất có diện tích 829,72m2. Tại Công văn số 94/CV ngày 20/9/2017, UBND xã N.L xác nhận diện tích đất thừa so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (196,72m2) là đất vườn liền kề đất ở của gia đình bà C. Theo các tài liệu có tại hồ sơ vụ án thì bà B ở trên đất tranh chấp từ năm 1987. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ tứ cận thửa đất từ khi vợ chồng cụ X tạo lập và sinh sống đến nay có thay đổi hay không, nguyên nhân diện tích đất thực tế lớn hơn diện tích đất được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do sai số đo đạc hay do khai hoang, nếu khai hoang thì ai khai hoang để có cơ sở giải quyết tranh chấp là thiếu sót.

– Chưa làm rõ nghĩa vụ của người chết để lại: Vụ án “tranh chấp di sản thừa kế” giữa ông Nguyễn Trọng Đ và ông Nguyễn Chính T: Các đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế của ông D, quá trình giải quyết vụ án các đương sự đều thừa nhận năm 1995 ông D đã viết giấy bán nhà đất cho ông C với số tiền là 15.000.000 đồng. Ông Đ, ông H, ông C đều trình bày do việc mua bán không thành nên ông D đã trả tiền lại cho ông C, bà H là người đại diện theo ủy quyền của ông C trình bày ông D chỉ mới trả cho ông C số tiền mua nhà đất là 5.000.000 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm không điều tra xem xét giải quyết nghĩa vụ của ông D để lại là thiếu sót, làm thiệt hại đến quyền lợi của đương sự.

– Khi chia di sản thừa kế cần xác định đầy đủ những người thuộc hàng thừa kế theo thứ tự, nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn thì xác định đến hàng thừa kế thứ hai, hàng thừa kế thứ ba… Cần lưu ý trường hợp một hoặc một số con của người để lại di sản chết thì cần xác định họ chết trước hay chết sau người để lại di sản để đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

2. Không đưa đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng

– Khi chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, cần xác định xem quyền sử dụng đó có thế chấp tại cơ quan, tổ chức, cá nhân nào không để đưa họ tham gia tố tụng.

Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa bà Nguyễn Thị H và bà Hồ Thị L: Tại biên bản lấy lời khai bà Hồ Thị L ngày 02/11/2012: bà L khai “hiện nay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được Ngân hàng nông nghiệp giữ.” Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án từ năm 2012 đến khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu bà L xuất trình bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không lấy lời khai của bà L để làm rõ có hay không việc bà L đang dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp vay tiền tại ngân hàng để đưa Ngân hàng nông nghiệp tham gia tố tụng mà vẫn tuyên hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Ngân hàng.

3. Vi phạm trong việc giải quyết  tài sản trên đất (là di sản thừa kế)

– Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa bà Nguyễn Thị N, Nguyễn Thị V: Bản án nhận định bà V và anh H là người xây dựng các công trình trên đất, không hỏi ý kiến anh H về giải quyết tài sản trên đất nhưng chỉ buộc bà Nị trả số tiền giá trị bờ rào cho một mình bà V làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh H

– Vụ án “kiện đòi lại di sản thừa kế” giữa nguyên đơn ông Lương Bá H và bị đơn ông Phạm Văn P và bà Nguyễn Thị Đ: Buộc ông H, ông T, ông L, ông M phải trả giá trị tài sản trên đất cho ông P, bà Đ là 28.058.000 đồng nhưng không chia kỷ phần cho từng người.

4. Vi phạm trong việc giải quyết trích công sức cho người thừa kế có công tôn tạọ, quản lý di sản

– Đương sự cho rằng đất của mình, không phải di sản nên không yêu cầu trích công sức tôn tạo, bảo quản di sản, bản án sơ thẩm không áp dụng nội dung án lệ để giải quyết trích công sức cho người có công bảo quản di sản.

– Có nhiều người có công sức tôn tạo bảo quản di sản thừa kế nhưng chỉ trích cho một người hoặc một số người. Vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa bà Nguyễn Thị H và bà Hồ Thị L: Ông Trương Văn D kết hôn với bà Hồ Thị L năm 1986 và sống với ông T bà N trên mảnh đất đang tranh chấp. Năm 2003, ông Trương Văn D chết. Như vậy vợ chồng ông đã sống chung trên mảnh đất này 17 năm. Từ năm 2003 đến này bà L sống chung với bà N trên mảnh đất này. Vợ chồng bà L sống với ông T bà N trên diện tích đất tranh chấp đã có công sức bảo vệ, tôn tạo đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất này. Tòa án cấp sơ thẩm tính trích công sức cho bà L mà không tính trích công sức cho ông D là thiếu sót, làm thiệt hại đến quyền lợi của bà L và các con.

– Có nhiều người có công sức tôn tạo bảo quản di sản thừa kế, một số người đồng ý giao phần công sức của họ cho một người quản lý, sử dụng, một số người chưa có ý kiến nhưng lại giao toàn bộ công sức của tất cả cho một người quản lý, sử dụng. Vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa ông Nguyễn Quốc K và bà Nguyễn Thị H: Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà H và 06 người con có công sức tôn tạo bảo quản di sản thừa kế, trong đó có 03 người con đồng ý giao phần công sức họ được hưởng cho bà H, 03 người con chưa có ý kiến gì về nội dung này nhưng bản án quyết định giao toàn bộ công sức có trị giá ½ thửa đất là di sản cho một mình bà H sử dụng làm ảnh hưởng quyền và lợi ích của 3 người con đó.

5. Quyết định của bản án không đầy đủ, cụ thể; không đúng quy định pháp luật

– Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người để lại di sản, sau đó chia cho các đồng thừa kế và trích công sức bằng đất nhưng không yêu cầu các đương sự đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục theo quy định pháp luật.

– Buộc nguyên đơn hoặc bị đơn phải trích tiền công sức, tiền trị giá tài sản trên đất thừa kế, trích tiền chênh lệch chia di sản thừa kế cho người có công sức, có tài sản hoặc đồng thừa kế nhưng không giao số tiền đó cho người được trích.

– Giao cho được quyền sở hữu phần tường bao, nhà, công trình, cây cối đã xây dựng và trồng trên đất thừa kế được giao, được quyền sở hữu các tài sản trên đất nhưng không quyết định cụ thể bao nhiêu mét tường bao; giao ngôi nhà, công trình nào; số lượng các loại cây là chưa đầy đủ, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

6. Vi phạm trong việc quyết định chi phí định giá tài sản, thẩm định tại chỗ

Quá trình giải quyết vụ án Tòa án tiến hành định giá tài sản theo yêu cầu của đương sự nhưng hồ sơ không thể hiện chi phí định giá, thẩm định là bao nhiêu, ý kiến của người nộp tạm ứng chi phí đối với số tiền đã nộp như thế nào nhưng phần quyết định của bản án không quyết định về trách nhiệm chịu chi phí định giá theo quy định tại Điều 165 BLTTDS, Điều 42 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.

7. Vi phạm về án phí

– Vi phạm trong việc tính án phí đối với người được hưởng di sản

– Vi phạm trong việc không tính án phí đối với phần di sản giao cho các đương sự sử dụng vào mục đích thờ cúng.

– Vi phạm trong việc miễn, giảm án phí

– Người được chia, được hưởng di sản là người cao tuổi nhưng không xem xét, hướng dẫn cho đương sự làm các thủ tục để được miễn nộp án phí mà buộc họ phải chịu án phí. Điển hình: Tại bản án số 14/2017/DSST ngày 13/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện DC giải quyết vụ án tranh chấp thừa kế giữa anh Cao Văn B và bà Cao Thị S:  Bà S, bà N, bà T là người cao tuổi được miễn án phí nhưng bản án sơ thẩm vẫn buộc họ phải chịu án phí là không đúng quy định tại Nghị quyết 326/2016.

– Giảm án phí không đúng quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 13 Nghị quyết 326/2016-UBTVQH 14 ngày 30/12/2016: Khi đương sự thuộc trường hợp được giảm nộp tạm ứng án phí nhưng bản án sơ thẩm giao cho đương sự sở hữu, sử dụng tài sản có giá trị lớn thì cần xác định đương sự không thuộc trường hợp được giảm án phí.

– Người được miễn án phí thì chỉ được miễn án phí đối với phần di sản họ được chia được hưởng nhưng một số vụ án bản án quyết định miễn án phí cả phần thừa kế của những người khác tặng cho người đó là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTCVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

NGUYỄN THỊ MAI DUNG (VKSND tỉnh Nghệ An)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version