Tóm tắt: Luật Cảnh sát biển năm 2018 sẽ có hiệu lực vào tháng 7 năm 2019 xác định lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chịu trách nhiệm quản lý an ninh, trật tự và an toàn, đảm bảo tuân thủ luật pháp Việt Nam và các quy định quốc tế mà Việt Nam đã ký hoặc tham gia, tại các vùng biển và trên thềm lục địa của Việt Nam. Bài viết phân tích các chức năng và quyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, môi trường, cuộc sống và tài sản của các cá nhân và pháp nhân trên biển và tiến hành hợp tác quốc tế với các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của các nước khác với mục đích duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và trật tự cho Biển Đông.
Những nội dung liên quan:
- Tài liệu giới thiệu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018
- Thực trạng pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện
Abstract: The Coast Guard Law of 2018 coming into enforcement in July 2019, defines the Vietnam Coast Guard as the core, full-time force with its tasks for security, stability and safety, compliance ensurance of Vietnamese laws and international regulations that Vietnam has signed or acceded in coastal areas and on Vietnam’s continental shelf. This article provides analysis of the functions and rights of the Vietnam Coast Guard in fulfilling the tasks of protecting the sovereignty, the sovereignty right and national jurisdiction, the environment, living activities and property of individuals and legal entities on the sea and in conducting the international cooperation with maritime law enforcement agencies of other countries with the aim of peaceful stability, security, safety and proper performance in South China Sea.
Luật Cảnh sát biển năm 2018 – bước phát triển mới của Lực lượng chấp pháp biển Việt Nam
Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2019. Đây là lần thứ ba Việt Nam sửa đổi luật và quy định về Cảnh sát biển nhằm nâng cao năng lực hàng hải của mình trước các mối đe dọa và thách thức mới[1].
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập năm 1998 dưới cái tên Cảnh sát biển Việt Nam, là một bộ phận của Hải quân Việt Nam. Năm 2014, được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và được xác định vị thế nâng cao là một lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy chung của Bộ Quốc phòng và Hải quân Việt Nam. Các hoạt động của Cảnh sát biển tuân theo Pháp lệnh Cảnh sát biển năm 2008, hiện nay là Luật Cảnh sát biển năm 2018.
Các chức năng và quyền của Cảnh sát biển Việt Nam
Theo quy định của Điều 3 Luật Cảnh sát biển năm 2018, Cảnh sát biển Việt Nam là một lực lượng nòng cốt của Nhà nước, chuyên trách và chịu trách nhiệm quản lý an ninh, trật tự, an toàn, đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, trong khu vực biển và trên thềm lục địa của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Cảnh sát biển có quyền nổ sung đối với các tàu và phương tiện trên biển, trừ các tàu của cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự, tàu chở người và con tin (Điều 14). Tuy nhiên, quyền này bị giới hạn trong một số trường hợp khi:
– người có hành vi vi phạm sử dụng vũ khí chống lại, sử dụng các biện pháp khác đe dọa trực tiếp đến tính mạng và an ninh phương tiện của Cảnh sát biển;
– Cảnh sát biển biết rõ tàu thuyền do người bị truy đuổi điều khiển cố ý trốn thoát;
– Cảnh sát biển biết rõ tàu thuyền chở người bị truy đuổi hoặc vũ khí bất hợp pháp, thuốc nổ, tài liệu bất hợp pháp, bí mật nhà nước, ma túy, báu vật quốc gia cố ý trốn thoát;
– Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển hoặc cướp vũ trang có ý định trốn thoát.
Cần thiết nhắc lại rằng, việc sử dụng súng có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, nổ súng trên biển cần phải bị hạn chế. Cảnh sát biển chỉ nổ súng trong trường hợp khẩn cấp, sau khi ra lệnh dừng lại bằng tín hiệu, hành động và âm thanh, hoặc nổ súng cảnh báo trước và nghiêm túc chấp hành lệnh của cơ quan có thẩm quyền.
Cảnh sát biển có thẩm quyền hoạt động trong tất cả các vùng biển Việt Nam từ nội thủy, lãnh hải đến các giới hạn ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam để đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn cũng như duy trì thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Cảnh sát biển có thể tiến hành kiểm tra và kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tài nguyên, ngăn chặn và chống ô nhiễm môi trường; bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn; phát hiện, ngăn chặn và chống buôn người, vận chuyển trái phép và buôn bán ma tuý, cướp biển và các vi phạm khác. Thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam được Luật Cảnh sát biển năm 2018 mở rộng hơn so với Pháp lệnh Cảnh sát biển năm 1998 và 2008. Cảnh sát biển Việt Nam được mở rộng phạm vi hoạt động cả vào nội thủy và biển cả trong trường hợp tồn tại biển cả trong Biển Đông theo tinh thần của phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc năm 2016. Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng kép, vừa là thành phần quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, vừa làm chức năng cảnh sát giữ gìn an ninh, trật tự, môi trường biển và tìm kiếm cứu nạn. Trong khi thực hiện các nhiệm vụ của mình, Cảnh sát biển có trách nhiệm hợp tác với chính quyền địa phương, lực lượng quân đội, lực lượng hải quân, Bộ đội Biên phòng, Công an, lực lượng kiểm ngư Việt Nam, lực lượng dân quân, lực lượng kiểm soát chuyên nghiệp (thuế quan, vệ sinh, kiểm dịch) và các lực lượng khác. Cảnh sát biển chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý các hành động một cách thống nhất, hiệu quả và linh hoạt để giải quyết sự cố kịp thời và giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ và nghĩa vụ của các lực lượng trên biển theo quy định của pháp luật. Trong cùng một vùng biển, khi vi phạm liên quan đến nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của nhiều tổ chức, cơ quan, lực lượng khác nhau, nguyên tắc “phát hiện vi phạm trước, xử lý trước” sẽ được áp dụng theo thẩm quyền của pháp luật. Trong trường hợp tổ chức, cơ quan không có thẩm quyền thì phải giao nộp hồ sơ, người bị truy bắt, bằng chứng, tàu, phương tiện vi phạm pháp luật, quy định cho tổ chức, cơ quan, lực lượng có thẩm quyền. Tổ chức, cơ quan và lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra và xử lý cho cơ quan chuyển giao.
Cảnh sát biển có trách nhiệm hợp tác quốc tế trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, hòa bình và ổn định trong các khu vực biển quốc tế và khu vực (Điều 19) trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là một bên, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cơ quan, cá nhân trên biển.
Cảnh sát biển có quyền thực hiện hợp tác quốc tế, được quy định tại Điều 20 như sau:
– Phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền;
– Phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, mua bán vũ khí trái phép, khủng bố, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh bất hợp pháp, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, khai thác hải sản bất hợp pháp và tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên biển;
– Phòng, chống ô nhiễm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; kiểm soát bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; phòng, chống, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam;
– Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam;
– Các nội dung hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến Cảnh sát biển Việt Nam.
Như vậy, Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế với các cơ quan chấp pháp trên biển khác trong khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Sự hợp tác của các cơ quan chấp pháp trong khu vực sẽ giúp tăng cường lòng tin lẫn nhau trong xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật pháp nhằm mục đích duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn cho các vùng biển và đại dương trong khu vực.
Những năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã tham gia vào một số thỏa thuận hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Malaysia. Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam 6 tàu Cảnh sát biển dạng 45-foot Metal Shark-built vào tháng 5/2017. Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản đã thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 7/2018 và Nhật cũng giúp Việt Nam 6 tàu Cảnh sát biển đã qua sử dụng vào năm 2011. Các tàu Cảnh sát biển của Ấn Độ và Hàn Quốc thăm Việt Nam và Cảnh sát biển Việt Nam cũng có chuyến thăm đáp lễ và phối hợp tập trận chung với Cảnh sát biển Ấn Độ tháng 10/2018. Cảnh sát biển Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN năm 2014. Tại cuộc họp lần thứ 23 của ARF[2] tại Lào vào ngày 26/7/2016, Việt Nam là tác giả của sáng kiến “tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chấp pháp trên biển nhằm thúc đẩy lòng tin, và tăng cường năng lực và sự phối hợp, từ đó giải quyết hiệu quả hơn với những thách thức an ninh biển phổ biến và những thách thức biển khác”[3]. Cảnh sát biển là thành viên tích cực của Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp vũ trang trên tàu ở Châu Á (ReCAAP) và bên liên lạc (focal point) tổ chức các cuộc họp hàng năm của các Cơ quan Bảo vệ bờ biển Châu Á (HACGAM). Vào tháng 1 năm 2018, Việt Nam đã tổ chức thành công “Hội thảo ARF về tăng cường hợp tác chấp pháp biển trong khu vực” tại Nha Trang với sự tham gia của các quan chức chính phủ và các học giả đến từ 22 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Luật Cảnh sát biển năm 2018 với những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển đã thể hiện rõ vị trí cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, thể hiện đúng quan điểm của Đảng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển các quốc gia trên thế giới hiện nay. Luật Cảnh sát biển năm 2018 là một công cụ sắc bén để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam./.
[1] PrashanthParameswaran, Why Vietnam’s New Coast Guard Law Matters
https://thediplomat.com/2018/04/vietnam-coast-guard-in-the-spotlight-with-new-law/
[3] ARF statement on cooperation among maritime law enforcement agencies 2016, https://english.vietnamnet.vn/fms/government/161225/arf-statement-on-cooperation-among-maritime-law-enforcement-agencies.html
(Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao – Đại học Quốc gia Hà Nội)
(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 2+3/2019.)
Để lại một phản hồi Hủy