Bộ luật Hình sự quy định: “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật này quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Đây là nguyên tắc: không bị trừng phạt khi không có luật. Và nó là một nguyên tắc chung phổ biến trên thế giới mà bất cứ một người học luật nào cũng phải biết.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự Việt Nam, từ năm 1985, đến Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009) và nay là Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) vẫn luôn mắc phải một sai lầm nghiêm trọng liên quan đến kỹ thuật lập pháp và cũng là vi phạm nguyên tắc cốt yếu được viện dẫn ở trên.
Nhìn vào một loạt các tội danh liên quan đến xâm hại tính mạng và sức khoẻ hoặc các tội khác mà có các tình tiết định tội cũng như định khung thì đều thấy quy định các mức thương tích được lấy làm căn cứ định luợng ở các mức:
- Từ: 11% đến 30%;
- Từ: 31% đến 60%; và
- Từ 61% trở lên.
Như vậy, giữa các mức thương tích làm căn cứ định tội và định khung, có một khoảng trống: từ 30 đến dưới 31%; từ 60 đến duới 61% sẽ không được Bộ luật Hình sự quy định. Và do vậy, khi hành vi phạm tội mà gây tổn hại trong khoảng trống này sẽ không bị xử lý với nguyên tắc: không ai bị trừng phạt nếu không có luật.
Tuy nhiên, do việc sai lầm về tư duy lập pháp này mà việc phủ lấp khoảng trống lại dành cho một Thông tư của Bộ Y tế: Thông tư số 20/2014/TT-BYT về giám định thương tích trong vụ án hình sự. Trong đó quy định việc nếu tổng tỷ lệ thương tích (được làm tròn đến 2 số thập phân) mà lớn hơn hoặc bằng 5 thì làm tròn thành 01 đơn vị. Nhưng rất tiếc, thông tư này cũng lại bỏ trống phần làm tròn đối với phần thập phân nhỏ hơn 5 (vì không thể mặc nhiên coi phần thập phân nhỏ hơn 5 thì sẽ làm tròn về 0, bởi đây là luật). Mặc dù vậy, việc làm tròn thương tích để làm căn cứ định tội và định khung đối với tội danh dựa vào Thông tư này là một sự vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và nguyên tắc tối cao của Bộ luật Hình sự như vừa nêu ra.
Tôi vẫn không hiểu lý do gì mà các nhà lập pháp luôn bỏ trống khoảng trị số với một đơn vị trong khi soạn thảo Bộ luật lớn và quan trọng như vậy? Trước đây, còn có tình trạng hình phạt giữa các khoản của một điều luật chồng lắp vào nhau dẫn đến một sự xung đột về nguyên tắc xác định tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm (điều này rất may là đã được khắc phục tại BLHS 2015).
Vì Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh mà các tội có liên quan đến mức độ thương tích của thể nhân ở vào các khoảng trống nêu trên, nên việc Thông tư của Bộ Y tế tự đưa ra căn cứ để quy định (đẩy) một hành vi nào đó đang không bị xử lý trách nhiệm hình sự lại trở thành một tội phạm là một sự xâm phạm nghiêm trọng vào luật pháp và các quyền cơ bản của con người được hiến pháp bảo hộ.
Để lại một phản hồi Hủy