Site icon Hocluat.VN

Bàn về thời hạn một số biện pháp ngăn chặn trong bộ luật tố tụng hình sự 2015

Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) chúng ta vẫn hay gọi là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự… mà một trong những nội dung quan trọng nhất của BLTTHS đó là quy định về biện pháp ngăn chặn.

 

Các nội dung liên quan:

 

Biện pháp ngăn chặn là biện pháp tố tụng quan trọng nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ người bị buộc tội gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội…thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng một trong các biện pháp: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Mà khi áp dụng một trong các biện pháp này luôn ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân. Do vậy, BLTTHS luôn có quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục, điều kiện, thẩm quyền và nhất là về thời hạn áp dụng. BLTTHS có hẳn 01 chương (Chương VII) quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, và để áp dụng các biện pháp này còn có rất nhiều điều luật ở chương khác quy định. So với BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 có một số quy định rất mới, đó là vấn đề thời hạn áp dụng của các biện pháp: bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh.

Các biện pháp ngăn chặn này được quy định tại các Điều 121 (bảo lĩnh), 122 (đặt tiền để bảo đảm), 123 (cấm đi khỏi nơi cư trú) và 124 (tạm hoãn xuất cảnh). Tại các điều luật này đều quy định rất rõ về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và đặc biệt là thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn này.

Tuy nhiên, với các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ và tạm giam thì cả BLTTHS 2003, BLTTHS 2015, Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS 2003 và Dự thảo sửa đổi Thông tư liên tịch số 05/2005 quy định rất cụ thể và chặt chẽ về thời hạn và thời gian gia hạn (Điều 118 đối với tạm giữ và Điều 173 đối với tạm giam) thì thời hạn của các biện pháp ngăn chặn như bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh chỉ được quy định như sau: thời hạn bảo lĩnh/đặt tiền để bảo đảm/cấm đi khỏi nơi cư trú/tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của bộ luật này. Các biểu mẫu của Cơ quan điều tra, của Viện kiểm sát đều có nội dung về thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn (xem các Mẫu số 46 à 50, 51, 54 được ban hành kèm theo Quyết định 15/QĐ-VKSTC ngày 09 tháng 01 năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố). Tuy nhiên, thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự quy định dài hay ngắn tùy thuộc vào tính chất, mức độ của từng vụ án và đặc biệt là luôn có gia hạn thời hạn giải quyết; và trong thực tiễn, việc gia hạn thời hạn giải quyết vụ án cũng thường xuyên xảy ra, do vậy đương nhiên thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn này cũng phải kéo dài tương ứng.

Ví dụ: A phạm tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Thời hạn điều tra vụ án theo Điều 172 BLTTHS là không quá 02 tháng do vậy, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với A cũng là 02 tháng. Tuy nhiên, do có một số khó khăn trong quá trình điều tra nên phải gia hạn điều tra đối với vụ án là không quá 02 tháng. Vậy quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nới cư trú với A trong trường hợp này là gì: ra quyết định gia hạn hay một quyết định mới với thời hạn không quá 02 tháng? Trong giai đoạn truy tố và xét xử cũng vậy.

Tuy nhiên vấn đề này, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không quy định cụ thể, hướng dẫn của ngành và hệ thống mẫu cũng không có hướng dẫn chi tiết. Thông tư 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS 2003 không có hướng dẫn, trong khi đó Thông tư 05 sửa đổi có 02 điều là Điều 22 và Điều 23 có đề cập nhưng chưa quy định cụ thể về thời hạn này. Do vậy đã gây khó khăn lớn trong việc áp dụng pháp luật trong thời gian qua, điều đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân của chính người bị áp dụng mà còn có nguy cơ vi phạm tố tụng là hiện hữu.

Do vậy bản thân đề xuất: hiện Dự thảo sửa đổi Thông tư liên tịch số 05 chưa được ban hành chính thức, liên ngành tố tụng trung ương cần sớm thống nhất những nội dung này đưa vào Thông tư 05 sửa đổi để áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

Phan Văn Toàn – Viện KSND huyện Tây Sơn

Nguồn: vksbinhdinh.gov.vn

 


Các tìm kiếm liên quan đến biện pháp ngăn chặn trong bộ luật tố tụng hình sự 2015, các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự 2015, so sánh các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, điều 110 bộ luật tố tụng hình sự 2015, khái niệm biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, điều 163 bộ luật tố tụng hình sự, các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng dân sự, bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực khi nào

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version