Xử lý hành vi không chấp hành quyết định của Tòa án

Chuyên mụcLuật tố tụng dân sự, Thảo luận pháp luật nguyen-don-tan-cong-kiem-sat-vien-va-hoi-dong-xet-xu
Nguyên đơn tấn công Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử trong phiên toà huyện Bình Chánh ngày 23/7/2018 (Ảnh: Cắt từ đoạn clip)

Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; gây rối, hành hung, vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp là một thực trạng xảy ra ở nhiều Tòa án hiện nay. Bài viết phân tích, đánh giá quy định của pháp luật về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, nêu ra thực trạng của pháp luật tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.

1. Xử lý hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án

Quy định của pháp luật và thực tiễn

Điều 490 BLTTDS 2015 bổ sung quy định xử lý đối với người phiên dịch, người giám định và bỏ quy định về việc xử lý đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn không có mặt tại Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng so với quy định tại Điều 384 BLTTDS 2004.

Việc bổ sung quy định như trên là phù hợp. Bởi, người phiên dịch, người giám định có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ việc nhằm giải quyết vụ việc một cách toàn diện.

Một trong các nghĩa vụ của đương sự là có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, “xét về vị trí tố tụng, bị đơn là người bị buộc phải tham gia tố tụng để giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Xét về góc độ tâm lý cũng như góc độ quyền lợi, bị đơn thường không muốn tham gia tố tụng và nại ra những khó khăn để không thực hiện các yêu cầu của Tòa án. Một trong những biểu hiện thường gặp của bị đơn là không đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án”[1]. Việc bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không chấp hành theo giấy triệu tập của Tòa án, việc vắng mặt của họ ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, ảnh hưởng đến hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, hòa giải, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khác.

Trong các vụ, việc nêu trên, bị đơn vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 70 của BLTTDS, việc vắng mặt họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, cản trở hoạt động tố tụng dân sự thì phải bị xử lý. Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì cũng phải bị xử lý nếu việc vắng mặt họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, cản trở hoạt động tố tụng dân sự.

Một số giải pháp hoàn thiện

Chúng tôi cho rằng, trước hết Điều 490 BLTTDS năm 2015 nên quy định như sau: Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng và sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”.

Thứ hai, kiến nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn Điều 490 BLTTDS về hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án với nội dung như sau: Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng và sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Xử lý hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp

Quy định của pháp luật

Điều 491 BLTTDS 2015 quy định: Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này rời khỏi phòng xử án. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa.

Quy định tại Điều này cũng được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án. Theo quy định này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào nội quy phiên tòa được quy định tại Điều 234 của BLTTDS, quyền điều khiển phiên tòa để xử lý hành vi vi phạm.

Thông tư số 13/2016/TT-BCA của Bộ Công an ngày 10/3/2016 quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân, tại khoản 5 Điều 3 quy định như sau: “5. Việc bảo vệ phiên tòa chỉ thực hiện khi có yêu cầu của Tòa án nhân dân”. Như vậy, chỉ khi Tòa án có yêu cầu thì Công an mới bố trí lực lượng hỗ trợ.

Trong khi đó, Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC của TANDTC ngày 28/7/2017 quy định về phòng xử án thì sơ đồ tất cả các phòng xử án đều bố trí Cảnh sát bảo vệ phiên tòa. Thông tư này đã được áp dụng nhưng lực lượng Cảnh sát bảo vệ phiên tòa hiện chưa có.

Đối chiếu các quy định trên thấy rằng: Tại Tòa án hiện nay chưa có lực lượng Cảnh sát bảo vệ phiên tòa trừ một số vụ án dân sự mà Tòa án có yêu cầu Đội cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp của Cơ quan Công an cùng cấp hỗ trợ bảo vệ phiên tòa. Việc kiểm tra an ninh chưa được thực hiện bởi chưa có lực lượng thực hiện nhiệm vụ này.

Và cũng chỉ có người tham gia phiên tòa thì mới xuất trình các giấy triệu tập, giấy mời, giấy tờ có liên quan cho Thư ký phiên tòa. Luật không có quy định về việc phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác khi tham dự phiên tòa. Nếu người tham dự phiên tòa không phải là đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có hành vi vi phạm thì việc xác định nhân thân người vi phạm để ban hành quyết định xử lý hành chính là rất khó, bởi không thể nào biết được người tham gia phiên tòa là ai, ở đâu.

BLTTDS quy định, Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa. Quy định này trên thực tế không thi hành được vì có vướng mắc trong công tác phối hợp, thi hành quyết định của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, “hầu hết các phiên tòa dân sự hiện nay hầu như không có sự hỗ trợ của cảnh sát tư pháp, nên khi có sự việc nghiêm trọng xảy ra, không có lực lượng giải quyết[2]”.

Điều 491 BLTTDS 2015 quy định: Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 391 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: 1. Người nào tại phiên tòa mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, những người khác có mặt tại phiên tòa hoặc có hành vi đập phá tài sản thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Gây náo loạn phiên tòa dẫn đến phải dừng phiên tòa; b) Hành hung thành viên Hội đồng xét xử.

Ranh giới về mức độ nguy hiểm của hành vi bị xử lý vi phạm hành chính và mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự chưa được quy định rõ ràng, dễ tạo ra sự tùy tiện ở chủ thể có thẩm quyền quyết định hoặc tạo ra sự không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Luật quy định các chế tài đối với hành vi vi phạm nội quy phiên tòa cũng được áp dụng đối với phiên họp của Tòa án. Tuy nhiên chưa quy định thẩm quyền xử lý các hành vi này. Theo Điều 48 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, các hành vi này sẽ do Chánh án hoặc Chánh tòa ra quyết định xử phạt. Quy định này chưa đảm bảo tính cấp thiết, bởi không phải lúc nào Chánh án hoặc Chánh tòa cũng có mặt tại Tòa án vào thời điểm thẩm phán tiến hành mở phiên họp để ban hành quyết định xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm.

Điều 234 BLTTDS quy định về nội quy phiên tòa, không quy định về nội quy phiên họp. Do đó thiếu cơ sở xác định hành vi vi phạm phiên họp.

Thực trạng hiện nay cho thấy, hành vi vi phạm tại phiên họp diễn ra phổ biến, biểu hiện như: đương sự đang làm việc tự ý bỏ về, không kí biên bản, có hành vi la hét, chửi mắng, miệt thị lẫn nhau gây mất trật tự tại phiên họp, xé biên bản, thậm chí gây hấn, hành hung những người tiến hành tố tụng. Hiện, chưa ghi nhận trường hợp vi phạm tại phiên họp bị xử lý hành chính.

Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa diễn ra khá phổ biến, cho đến thời điểm nghiên cứu tác giả chỉ mới phát hiện được 01 trường hợp bị xử lý theo quy định của BLTTDS. Các trường hợp còn lại báo chí ghi nhận rất nhiều nhưng các Tòa không thể xử lý được.

Chẳng hạn như tại phiên tòa xét xử vụ án về Hôn nhân và gia đình tại TAND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Khi xét xử, HĐXX tuyên cho nguyên đơn và bị đơn ly hôn thì bị đơn đã cùng người nhà đánh thẩm phán chủ tọa phiên tòa bị thương tích[3].  Tại phiên tòa dân sự tại TAND Tp Hà Nội vào tháng 4-2008. Trong quá trình tranh luận, bị đơn đã hành hung luật sư của nguyên đơn[4]. Tại phiên tòa dân sự của TAND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, sau khi hội đồng xét xử tuyên án, bị đơn đã xông lên khu vực của Hội đồng xét xử la hét, chửi mắng[5]. Tại phiên tòa dân sự của TAND thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông), bị đơn đã xông vào đánh nguyên đơn và vây hãm chủ tọa phiên tòa để phản đối, tấn công không cho chủ tọa phiên tòa tuyên án, sau đó, xô bàn ghế, đập phá phòng xử án khiến cho phiên tòa phải hoãn lại[6].

Mới đây nhất là vụ án dân sự tranh chấp về lối đi của TAND huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh, mặc dù Tòa cũng đã dự liệu trước tình hình, có phương án phòng ngừa, có yêu cầu cảnh sát hỗ trợ tư pháp, đã mời cán bộ y tế tới trước phiên xử nhưng đương sự trong vụ án vẫn tấn công Kiểm sát viên tại Hội trường xét xử[7].

Quá trình giải quyết vụ án, đối với vụ án có tính chất phức tạp, đương sự trong vụ án nhiều, thường có hành vi chống đối khi tham gia tố tụng hoặc vụ án có nhiều người tham dự hoặc được sự quan tâm của xã hội thì trước khi mở phiên tòa, thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên toà dự liệu trước tình hình và tự xác định phương án phòng ngừa bằng cách chủ động làm công văn đề nghị Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc công an cùng cấp với Tòa án để được hỗ trợ bảo vệ trật tự phiên tòa. Tuy nhiên, có trường hợp đương sự đến tham dự phiên tòa mới thể hiện hành vi chống đối, cản trở quyết liệt thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vận dụng quyền điều kiển phiên tòa để yêu cầu người gây rối ra khỏi phòng xử án. Nếu tình hình phức tạp, Tòa án liên hệ bằng hình thức điện thoại trực tiếp nhờ Cơ quan Công an cùng cấp hoặc Cảnh sát 113 đến hỗ trợ, tuy nhiên, cũng không thể xử lý kịp thời, nhanh chóng các hành vi gây rối.

Tòa án không có lực lượng bảo vệ thường trực tại các phiên tòa dân sự nên không có lực lượng thực thi quyết định khi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ban hành quyết định xử lý như buộc người vi phạm quy định rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa.

Về xử lý, hiện nay, về xử lý hành vi vi phạm tại phiên tòa luật quy định thẩm phán chủ tọa phiên tòa được xử phạt hình chính, không quy định thẩm quyền xử phạt hành chính cho thẩm phán giải quyết vụ việc. Do đó, hành vi vi phạm không được xử lý kịp thời.

Pháp luật cũng chưa quy định rõ trình tự thủ tục xử lý. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 muốn xử phạt phải lập biên bản vi phạm, sau đó ra quyết định xử phạt. Việc lập biên bản vi phạm hành chính không đơn giản, phải đảm bảo có đủ các bên ký vào, có cả người chứng kiến. Tại phiên tòa, trong lúc mất trật tự thì chủ tọa phải tập trung điều hành phiên tòa, giữ ổn định trật tự. Khi phiên tòa đã ổn định thì người có hành vi vi phạm đã rời đi. Thêm vào đó, mẫu biên bản xử phạt hành chính Tòa án cũng chưa có. Đồng thời, căn cứ xác định mức độ của hành vi để xử phạt chưa cụ thể nên áp dụng mức phạt nào cũng là điều phải cân nhắc.

Một số giải pháp hoàn thiện

Tác giả đề xuất về tiêu đề Điều 491 BLTTDS nên quy định như sau: “Xử lý hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, vi phạm nội quy phiên họp”.

Về nội dung Điều 491 BLTTDS nên quy định như sau:

“1. Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa, thẩm phán chủ trì phiên họp xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán chủ trì phiên họp có quyền ra quyết định buộc người vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này rời khỏi phòng xử án, phòng họp. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa, phiên họp thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa, thẩm phán chủ trì phiên họp về việc buộc rời khỏi phòng xử án, phòng họp hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa, phiên họp.

Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.

Thứ hai, kiến nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết hướng dẫn Điều 491 BLTTDS 2015 về xử lý hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, vi phạm nội quy phiên họp với nội dung như sau: “1. Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa, thẩm phán chủ trì phiên họp xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán chủ trì phiên họp có quyền ra quyết định buộc người vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này rời khỏi phòng xử án, phòng họp. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa, phiên họp thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa, thẩm phán chủ trì phiên họp về việc buộc rời khỏi phòng xử án, phòng họp hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa, phiên họp.

Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.

Thứ ba, thành lập lực lượng Cảnh sát tư pháp bảo vệ, giữ trật tự tại Tòa án. Lực lượng cảnh sát tư pháp này thuộc biên chế và chịu quản lý, điều hành, phân công trực tiếp của Chánh án TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Về nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát tư pháp có thể do ngành công an huấn luyện. Lực lượng này có nhiệm vụ kiểm tra an ninh đối với tất cả mọi người trước khi vào phòng xử án, tham gia phiên họp. Ngoài chức năng bảo vệ các phiên tòa, phiên họp, cảnh sát tư pháp còn có thể tham gia bảo vệ trụ sở tòa án, áp giải người làm chứng, tạm giữ hành chính người có hành vi gây rối tại Tòa án…

NGUYỄN ÁNH TUYẾT (TAND huyện Bàu Bàng, Bình Dương)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).


[1] Lê Thu Hà (2006), Bình luận khoa học một số vấn đề của pháp luật tố tụng dân sự và thực tiễn áp dụng, NXB Tư pháp, Hà Nội, trang 177

[2] Ts. Nguyễn Đức Mai, thẩm phán tòa quân sự Trung ương, “Vấn đề xử lý hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án”, tạp chí Tòa án nhân dân tháng 10 – 2007, số 19, trang 4.

[3] Lưu Thái Bảo – “Bảo vệ thẩm phán – vấn đề bỏ ngỏ”, https://anninhthudo.vn/phap-luat/bao-ve-tham-phan-van-de-bo-ngo/329715.antd, truy cập vào lúc 11 giờ 28 phút, ngày 03/9/2018.

[4] Chi Mai – “Náo loạn tại các phiên tòa dân sự”, https://tuoitre.vn/nao-loan-tai-cac-phien-toa-dan-su-270955.htm, truy cập 14 giờ 28 phút, ngày 11/11/2017.

[5] Đỗ Trường – “Tấn công chủ tọa gây náo loạn Tòa án”, https://thanhnien.vn/thoi-su/tan-cong-chu-toa-gay-nao-loan-toa-an-754154.html, truy cập 11 giờ 23 phút, ngày 03/9/2018.

[6] Hoàng Yến – “Phạt hành chính, Luật cho phép, Tòa vẫn bó tay” – https://www.baomoi.com/phat-hanh-chinh-luat-cho-phep-toa-van-bo-tay/c/7178629.epi, truy cập 15 giờ 10 phút ngày 11/11/2017.

[7] Lệ Trinh –  Yến Châu “Kiểm sát viên, nhà báo bị đánh tại Tòa Bình Chánh là ai”, http://plo.vn/phap-luat/kiem-sat-vien-nha-bao-bi-danh-tai-toa-binh-chanh-la-ai-783742.html, truy cập 08 giờ 44 phút ngày 03/9/2018.

2/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền