Vụ VOV bị tấn công mạng có liên quan đến bà Phương Hằng?

Chuyên mụcBạn có biết? Báo điện tử VOV - Đài tiếng nói Việt Nam

Vụ VOV bị tấn công mạng có liên quan đến bà Phương Hằng, vì liền trước sự kiện đó VOV đã đăng hai bài nhắm đến chỉ trích bà Hằng. Tuy nhiên, ở đây có mấy hành vi độc lập (nhưng có liên hệ với nhau):

1 – Bà Phương Hằng tuyên bố sẽ khởi kiện VOV và VTC (một đơn vị truyền hình của VOV);
2 – Những người ủng hộ bà Phương Hằng đã bình luận chỉ trích VOV, đánh giá tiêu cực về VOV trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google Maps, v.v…
3 – Hacker tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) với VOV.

Về việc 1, thì rất hoan nghênh các bên giải quyết tranh chấp bằng con đường pháp lý. Bà Hằng cho rằng VOV và VTC đã chỉ trích sai lầm về mình, bà có quyền khởi kiện.

Về việc 2, thì vấn đề này không được điều chỉnh bằng pháp luật, mà hoàn toàn là văn hóa ứng xử và khuôn mẫu ứng xử trên môi trường không gian mạng. Không có luật nào cấm được người ta đánh giá 1 sao cho VOV trên một nền tảng mạng xã hội của bên thứ ba.

Dĩ nhiên, với sự việc đó, VOV có thể có hai cách tiếp cận:

– Cách tiếp cận thứ nhất, đại ý rằng: Tao là nhà đài trung ương, là cơ quan thuộc Chính phủ, chúng mày đánh giá tao 1 sao tức là chúng mày phản động, chúng mày chống Đảng. Tao sẽ báo công an gô cổ hết chúng mày lại ?

– Cách tiếp cận thứ hai, thì sòng phẳng hơn, cần nhìn nhận lại cách tiếp cận, góc nhìn của VOV trong sự việc bà Phương Hằng. Liệu góc nhìn đó có đúng không, hoặc nếu đúng rồi thì đã toàn diện chưa, có thiên kiến không?
Một số người đã đưa ra chất vấn: Lúc những nghệ sĩ làm nhiều điều mờ ám, không minh bạch chuyện từ thiện, nhận “con nuôi” mà không rõ ràng về tiền nong, v.v… thì VOV ở đâu? Tại sao lúc bà Phương Hằng lên tiếng về điều đó, thì VOV lại chỉ trích bà Phương Hằng?

Dĩ nhiên, câu chất vấn trên đây cũng có phần nào chủ quan. Nhưng đó cũng là một góc nhìn mà VOV cần xem xét. Bản chất sự việc này là một khủng hoảng truyền thông, nếu cứ đem góc nhìn tuyên giáo ra để giải quyết thì sẽ rất dở hơi.
Đồng ý rằng VOV là cơ quan thuộc Chính phủ, là tiếng nói của chế độ, nhưng trong quan hệ với độc giả, thính giả, VOV cũng chỉ là một cơ quan báo chí, và trước hết phải là một cơ quan báo chí, chứ không phải một cơ quan tuyên giáo.

Về việc 3, thì có thể thấy rằng đang có một cuộc tấn công mạng có hệ thống nhằm vào VOV.

Cuộc tấn công mạng này được thực hiện trên ba phương diện:

(i) Tấn công từ chối dịch vụ nhằm vào nền tảng kĩ thuật của VOV;
(ii) Tấn công bằng dư luận truyền thông nhằm vào nhận diện, xếp hạng, fanpage, nói chung lại là các nền tảng của VOV trên môi trường mạng;
(iii) Tấn công nhằm vào các cá nhân có liên quan: Các phóng viên, biên tập viên VOV, các luật sư, luật gia cộng tác với VOV trong sự việc liên quan đến VOV (luật sư Cường Chính Pháp, nhà báo/luật gia Đức Hiển, v.v…), và người thân của họ.

Báo Tuổi trẻ đưa tin về việc Bộ Công an điều tra vụ báo điện tử VOV bị tấn công mạng

Cần lưu ý rằng, những cuộc tấn công mạng này đã hòa lẫn vào dòng dư luận của những người ủng hộ bà Phương Hằng trên mạng xã hội. Nhưng nó được tổ chức bài bản, hệ thống hơn, chứ không phải là một hành động tự phát.
Có cơ sở để tin rằng: Đã có một nhóm có tổ chức, với những nguồn lực mạnh mẽ về tài chính – kĩ thuật, đã tổ chức cuộc tấn công này nhằm vào VOV, dưới vỏ bọc những dư luận bức xúc với VOV.

Ai là người đứng sau cuộc tấn công đó? Rất khó để xác định, nhưng để suy đoán, thì hãy đặt câu hỏi ai được lợi sau cuộc tấn công này? Nếu đặt ở địa vị bà Phương Hằng, hành động đó là tự bắn vào chân mình. Một tỉ phú như bà Hằng đủ khôn ngoan để không đứng ra tổ chức tấn công mạng – một hành vi phạm pháp hình sự theo pháp luật Việt Nam.

Theo quan điểm cá nhân của mình, tính chất của sự việc tấn công mạng nhằm vào VOV là rất nghiêm trọng, là điển hình của một cuộc tấn công mạng trong chiến tranh hiện đại, với sự kết hợp tương đối nhuần nhuyễn giữa không gian mạng và không gian thực tế.

Các cơ quan quốc phòng – an ninh chịu trách nhiệm về an ninh mạng, chiến tranh mạng của Việt Nam rất cần phải nghiên cứu kĩ sự kiện này, để tránh lặp lại trong tương lai.

Trong một cuộc chiến tranh mạng thực sự, với kẻ thù có tổ chức và nguồn lực vô hạn, thì không chỉ một mình VOV, mà một viễn cảnh tệ hại là tất cả các kênh thông tin chủ chốt của Chính phủ trên mạng internet (VTV, VOV, VNA), các website đuôi gov, v.v… đều có thể bị tấn công đồng loạt cùng một lúc. Những thông tin sai lệch và không rõ ràng có thể được gieo rắc trong dân chúng, tạo ra không khí hoang mang, hoảng loạn, v.v… gây thiệt hại không kém gì một cuộc chiến tranh vũ trang.

Ở phía trên, mình đã nói rằng, trong góc nhìn quan hệ với độc giả, thính giả, thì VOV là cơ quan báo chí. Nhưng trong góc nhìn của chiến tranh mạng, thì VOV là bộ mặt của chế độ trên không gian mạng. Ở góc nhìn đó, thì chế độ bảo vệ và tường lửa dành cho VOV không chỉ nên dừng lại ở trang báo điện tử thông thường, mà cần được nâng cao hơn.
An ninh mạng và chiến tranh mạng là một chủ đề nghiên cứu mình rất tâm đắc, nhưng có lẽ hôm nay dừng lại ở đây. Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng, có các thiết chế chuyên trách về an ninh mạng của Bộ Công an. Cục CNTT Bộ Quốc phòng cũng được nâng cấp lên thành Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86) để chuẩn bị cho tương lai. Việc bây giờ là chờ xem họ sẽ làm gì.

Còn trước mắt, điều tệ hại nhất là đánh đồng những kẻ đã tấn công mạng VOV với những người dân bức xúc với VOV. Những kẻ tấn công mạng là phần tử tội phạm hình sự – điều đó không cần bàn cãi. Nhưng rất cần tỉnh táo để phân định từng đối tượng cụ thể, và có phương thức ứng xử phù hợp.

Bài học vụ Tiên Lãng trong quá khứ vẫn còn nóng hổi: Khi cơ quan công quyền coi những người dân bức xúc vì bị thu hồi đất trái pháp luật như tội phạm, đưa bàn tay sắt của công an và quân đội vào cuộc, thì sẽ để xảy ra những hậu quả rất đáng tiếc./.

Bài viết được chia sẻ trên tài khoản facebook cá nhân của Lương Lê Minh.

4.7/5 - (12 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền