Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong THADS

Về thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và thông báo các văn bản khác trong thi hành án dân sự

Hoạt động thi hành án dân sự ở nước ta trong những năm vừa qua có nhiều tiến bộ vượt bậc đáng ghi nhận trong mọi mặt hoạt động, trong đó có hoạt động ban hành quy phạm pháp luật về thông báo thi hành án dân sự. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự ngày càng hoàn thiện, tạo nhiều thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự, trong đó các quy định về thông báo thi hành án đã cụ thể, rõ ràng hơn, góp phần đảm bảo cho cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên thực hiện tốt nhiệm vụ thông báo của mình.

Thông báo trong thi hành án dân sự là việc cơ quan thi hành án dân sự gửi các “Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án, … cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó”[1]. Luật Thi hành án dân sự đã dành 05 điều luật (từ Điều 39 đến Điều 43) quy định về vấn đề thông báo thi hành án dân sự, đồng thời Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) và Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. Điều này thể hiện tầm quan trọng của công việc thông báo trong thi hành án dân sự.

Việc quy định chặt chẽ về đối tượng, trình tự, thủ tục thông báo không chỉ đảm bảo cho thông tin đến được với đương sự, người liên quan[2] mà còn có tầm quan trọng trong việc đảm bảo trình tự thủ tục thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các quy phạm pháp luật về thông báo thi hành án dân sự vào thực tiễn tổ chức thi hành án vẫn còn có cách hiểu vấn đề chưa thống nhất, gây khó khăn trong việc áp dụng. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đi sâu phân tích một số quan điểm về áp dụng pháp luật về thông báo thi hành án và một số kinh nghiệm có liên quan về việc thông báo các văn bản trong thi hành án dân sự và hình thức  thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

1. Về thông báo thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng

Điều 43 Luật Thi hành án dân sự và khoản 5 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã có quy định  khá chi tiết về vấn đề thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, quan điểm thứ nhất cho rằng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên chỉ thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi pháp luật có quy định hoặc đương sự có yêu cầu. Căn cứ pháp lý của quan điểm này dựa vào quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự. Quan điểm thứ hai cho rằng, ngoài hai trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 43 nêu trên thì còn cần phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi đương sự vắng mặt tại địa phương. Cơ sở pháp lý của quan điểm này là theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 43 của Luật Thi hành án dân sự[3].

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi vì:

Một là, khoản 1 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định phải thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi pháp luật có quy định hoặc đương sự có yêu cầu. Quy định đã xác định điều kiện để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên chỉ thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có 1 trong hai điều kiện hoặc có cả 2 điều kiện quy định nêu trên.

Hai là, khoản 2 điều 43 Luật Thi hành án dân sự không phải là điều kiện để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng mà là quy phạm về thủ tục thông báo. Khi có 1 hoặc 2 điều kiện nêu trong khoản 1 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải áp dụng khoản 2 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự để xác định thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng như thế nào – hoặc là phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương hoặc Trung ương. Do vậy, trường hợp đương sự vắng mặt tại địa phương không phải là điều kiện yêu cầu phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, quan điểm thứ hai cho rằng khoản 1 Điều 43 quy định: “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi pháp luật có quy định” và khoản 2 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự cũng là một quy định của pháp luật vì vậy việc đương sự vắng mặt tại địa phương cũng cần phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo chúng tôi quan điểm này hiểu một cách chưa chính xác về quy phạm pháp luật thông báo thi hành án dân sự. Bởi vì, khi xét đến một điều luật để áp dụng, chúng ta phải đặt từng nội dung trong tổng thể của Điều luật, ca Mục, của Chương, của Chế định luật,…Về mặt kỹ thuật lập pháp, nếu chúng ta cho rằng việc vắng mặt của đương sự ở tại địa phương cũng là điều kiện để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì tại sao nhà làm luật lại thiết kế riêng biệt thành các khoản khác nhau?. Điều 43 Luật Thi hành án dân sự được thiết kế với 3 khoản khác nhau và với các quy phạm pháp luật khác nhau. Khoản 1 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự quy định về điều kiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng – tức là xác định rõ những trường hợp nào cần phải thông báo; khoản 2 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự quy định về thủ tục thực hiện việc thông báo khi có 1 trong hai điều kiện hoặc có cả 2 điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự thì xác định xem đương sự có ở địa phương hay không để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương hoặc Trung ương.

Ví dụ: khi Chấp hành viên tổ chức việc bán đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự thì theo quy định tại Điều 56, 57 Luật đấu giá tài sản năm 2016,… Chấp hành viên phải thông báo, trong đó có thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đây chính là quy định của pháp luật buộc phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và khi đó cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải áp dụng khoản 2 Điều 43 để xác định thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương hay Trung ương cho phù hợp.

Theo chúng tôi, việc hiểu đúng, áp dụng đúng quy phạm pháp luật này là một yêu cầu rất quan trọng. Từ thực tiễn cho thấy chúng ta phải áp dụng đúng, đủ theo quy định của pháp luật, không nên thực hiện dư thừa các thủ tục sẽ làm mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhiều khả năng còn phải chịu trách nhiệm về các khoản chi trả không đúng theo quy định.

Vì vậy, chúng ta chỉ thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi pháp luật có quy định hoặc đương sự có yêu cầu. Trường hợp đương sự vắng mặt không thể thực hiện được thông báo trực tiếp thì chúng ta phải áp dụng quy phạm phạm pháp luật của khoản 2 Điều 40 và Điều 41 Luật Thi hành án dân sự để thực hiện việc thông báo và như thế, chúng ta đã thông báo hợp lệ[4].

* Hiệu quả của vấn đề này là:

Theo chúng tôi, áp dụng quy phạm pháp luật thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng có hiệu quả là đảm bảo việc áp dụng quy phạm pháp luật đúng, đầy đủ, chính xác theo đúng yêu cầu của pháp luật. Qua đó, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức để thực hiện các công việc khác và điều đặc biệt quan trọng là tránh được trách nhiệm bồi thường có thể xảy ra do đương sự khiếu nại, tố cáo việc thông báo không đúng quy định làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

* Về giải pháp:

Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng quy phạm pháp luật thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để có những chỉ đạo, quán triệt việc áp dụng thống nhất quy định này.

2. Thông báo thi hành án đối với các văn bản khác

Khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự quy định: Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó”.

Vấn đề đặt ra là “Văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án” là những loại văn bản nào? Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định, không hướng dẫn đầy đủ, cụ thể vấn đề này. Vì vậy, việc hiểu và áp dụng quy phạm thông báo này còn nhiều tranh luận, quan điểm khác nhau, và thực hiện một cách khác nhau.

Ví dụ: Về vấn đề thông báo bán đấu giá tài sản thi hành án

– Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi cơ quan thi hành án dân sự đã ký kết hợp đồng ủy quyền việc bán đấu giá tài sản cho tổ chức bán đấu giá theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì đối với việc thông báo phải thực hiện theo pháp luật về bán đấu giá tài sản, do đó cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên không có trách nhiệm phải thông báo cho các đương sự, người liên quan trừ trường hợp tài sản đã ký hết hợp đồng và đã hết thời hạn mà không bán được theo quy định tại Điều 104 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Quan điểm này viện dẫn pháp luật không có yêu cầu phải thông báo vì thực tế các đương sự và người liên quan đã biết và buộc phải biết về việc tổ chức bán đấu giá. Trong suốt quá trình thi hành án, các đương sự và người liên quan đã được thông báo nhiều trình tự liên quan đến việc kê biên, thỏa thuận về giá, thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức bán đấu giá,…Vì vậy, họ phải có trách nhiệm liên hệ với tổ chức bán đấu giá để được biết về việc tổ chức bán đấu giá tài sản đối với tài sản có liên quan đến mình.

– Quan điểm khác lại cho rằng, các thông báo bán đấu giá tài sản, thông báo bán đấu giá tài sản không thành,… thậm chí là cả thông báo có người đăng ký mua tài sản bán đấu giá,…thì đều phải thực hiện việc thông báo cho các đương sự và người liên quan biết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Quan điểm này viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 39 và rằng đây là “văn bản khác” cần phải thông báo cho đương sự và người liên quan.

Cả hai quan điểm trên đều có những luận cứ về pháp lý và thực tiễn  nhất định, bởi vì:
Xét về mặt thực tiễn thì các đương sự và người liên quan đều đã biết và buộc phải biết về quá trình tổ chức thi hành án, trong đó có việc đưa tài sản kê biên ra bán đấ giá. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm liên hệ với tổ chức bán đấu giá, cơ quan thi hành án dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình (nếu có).

Xét về mặt pháp lý thì những thông báo trên, mặc dù còn chưa rõ ràng và ngay cả các biểu mẫu thông báo cũng không quy định, nhưng những văn bản thông báo đó vẫn thuộc trường hợp “văn bản khác” và phải thực hiện. Điều này góp phần  bảo vệ Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự khi có khiếu nại, tố cáo.

Với kinh nghiệm của những người làm thực tiễn chúng tôi cho rằng trong trường hợp này nên thực hiện đầy đủ việc thông báo, kể cả đối với những văn bản thông báo còn nhiều quan điểm khác nhau. Vì khi có khiếu nại, tố cáo thì đương sự, người liên quan thường viện vào lý do không nhận được thông báo để khiếu nại …dẫn đến khó khăn cho Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án.

* Hiệu quả của này là: Khi pháp luật chưa có quy phạm rõ ràng, còn nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau thì Chấp hành viên nên lường trước những hậu quả có thể xảy ra để tác nghiệp một cách an toàn nhất. Chấp hành viên nên thông báo tất cả các văn bản có liên quan đến đương sự, người liên quan biết  để họ biết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, và đồng thời Chấp hành viên sẽ bảo vệ được chính mình.

* Về giải pháp:
Giải pháp trước mắt: Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn đối với khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về “…văn bản khác…” là những loại văn bản nào mà cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải thực hiện việc thông báo cho đương sự, người liên quan.

Giải pháp lâu dài: Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự vào thời điểm thích hợp đối với khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự về “…văn bản khác…” theo hướng cụ thể rõ ràng các quyết định, văn bản mà cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải thực hiện việc thông báo cho đương sự, người liên quan. Bên cạnh đó, cần thiết loại bỏ cụm từ “văn bản khác” vì dẫn đến nhiều cách hiểu, cách áp dụng khác nhau và tránh những rủi ro không đáng có cho người thực thi công vụ.

Hiểu đúng và áp dụng đúng quy phạm pháp luật về thông báo thi hành án nói riêng và các quy định pháp luật về thi hành án dân sự nói chung là một yêu cầu bắt buộc đối với cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên. Đồng thời, cần thiết phải có một cơ chế pháp lý đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn về thông báo thi hành án để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp.

Chú thích:

[1] Khoản 1, Điều 39 Luật Thi hành án dân sự.

[2] Đinh Duy Bằng, “Thông báo thi hành án dân sự – những vấn đề từ thực tiễn”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp, số 3/2011.

[3] Khoản 2 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự quy định: Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của địa phương đó hai lần trong 02 ngày liên tiếp.Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 02 ngày liên tiếp

[4] Đinh Duy Bằng, “Thực tiễn áp dụng quy phạm pháp luật thi hành án dân sự”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp, số 12/2016.

 

THS. ĐINH DUY BẰNG & THS. HOÀNG THỊ THANH HOA

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền