Site icon Hocluat.VN

Về thỏa thuận nhận tội trong tố tụng hình sự

Bộ luật Tố tụng hình sự

Hồi năm 2015 Đài truyền hình Việt Nam có phát sóng một loạt tập phim tài liệu nói về nền tư pháp hình sự của nước Mỹ. Trong đó có một tập phim nói về vụ án hai người bị mất tích trong những lần khác nhau khi chạy bộ tập thể dục trong một khu rừng. Trong lần mất tích lần thứ hai người ta đã điều tra ra bắt được hung thủ và tìm được xác nạn nhân, các cơ quan tố tụng nghi ngờ hung thủ cũng đã gây ra vụ sát hại với người mất tích thứ nhất nhưng ko làm thế nào để kết luận được, do nghi phạm không chịu khai báo.

Thông qua luật sư bào chữa nghi phạm đã thực thi thỏa thuận nhận tội theo đó hắn đã khai ra nơi chôn xác của nạn nhân thứ nhất và rồi cơ quan tố tụng xử lý cả hai vụ theo mức án chung thân thay vì án tử hình như luật định.

Đó là một ví dụ về thỏa thuận nhận tội trong tố tụng hình sự. Hay như mới hai năm trước một nghệ sĩ hài béo của Việt Nam đã bị bắt ở Mỹ vì bị nghi lạm dụng tình dục trẻ em, nhờ cơ chế thỏa thuận nhận tội mà bị cáo đã hưởng mức án nhẹ và sau một thời gian bị giam thì đã về nước. Vụ án này bị cáo cũng đã nhờ luật sư thực hiện các hoạt động với cơ quan tư pháp.

Quay trở lại Việt Nam.

Thực tế hành nghề lâu nay, tôi gặp nhiều vụ án hình sự mà cơ sở kết tội và gỡ tội đều thiếu và yếu. Phía cơ quan điều tra do một số sai sót ban đầu cho nên chứng cứ kết tội không thật đầy đủ rõ ràng. Về phía bị cáo kêu oan thì cũng không đưa ra được cơ sở thuyết phục và mặc dù ko hy vọng là mình được tuyên vô tội, nhưng đã trót kêu oan rồi, đâm lao thì phải theo lao và chẳng còn cách nào khác là cứ phải kêu vô tội.

Điều đó dẫn đến những vụ dằng dai kéo dài nhiều năm hồ sơ trả đi trả lại và công lý kém được thực hiện hiệu quả.

Những khi đó tôi hình dung nghĩ đến nếu có một cơ chế về thỏa thuận nhận tội thì sẽ ích lợi biết bao, điều đó sẽ giúp cho cả hai bên, phía bị cáo sẽ kể ra câu chuyện thật mà các bên muốn nghe và sẽ được hưởng mức án nhẹ. Cơ quan tố tụng thì cũng bớt vất vả phải tìm kiếm chứng cứ hoặc ko thể tìm ra chứng cứ, song lại ko thể kết luận xác định là không có tội phạm được.

Nay tìm hiểu thì được biết chế định thỏa thuận nhận tội thịnh hành ở các nước thuộc hệ thống Thông luật như Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ,… tức các nước từng là thuộc địa của Anh. Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức… cũng có áp dụng chế định này nhưng còn hạn chế. 

Thực tế hiện nay việc bị cáo thành khẩn khai báo ăn năn hối cải cũng được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng điều này không giống với thỏa thuận nhận tội mà theo đó luật sư bào chữa thỏa thuận cụ thể về mức án với bên công tố theo như cách mà các nước họ thực thi chế định thỏa thuận nhận tội. Việc thành khẩn khai báo để mong hưởng mức án nhẹ chứa đựng trong đó sự mong manh thiếu rõ ràng về mức án và bao hàm quyền áp đặt mức án từ một bên tòa án. Trong khi cơ chế thỏa thuận nhận tội rõ ràng về mức án được ấn định hơn nhiều và đó là cơ sở khuyến khích bị cáo nhận tội khai báo rõ ràng để có lợi về mức án.

Do vậy, tôi cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự cần sớm sửa đổi để bổ sung chế định thỏa thuận nhận tội này vào luật, đáp ứng cơ chế giải quyết cho nhiều vụ án xảy ra trong thực tế đời sống.

Nguồn:  Luật sư Ngô Ngọc Trai 

Bài gốc: https://ngongoctrai.com/ve-thoa-thuan-nhan-toi-trong-tung-hinh-su/

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

1900.0164
Exit mobile version