Site icon Hocluat.VN

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển tài sản

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển tài sản quy định tại Điều 541 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015.

 

Các nội dung liên quan:

 

Điều 541. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.

2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

 

Quy định này kế thừa hoàn toàn quy định tại Điều 546 BLDS năm 2005. Nghiên cứu quy định tại điều này, có thể nhận thấy một số vấn đề cần bàn luận như sau:

Thứ nhất, khoản 1 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vẩn chuyển trong trường hợp làm mất hoặc hư hỏng tài sản. Người được bồi thường trong quy định này được xác định là bên thuê vẩn chuyển. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp nếu bên thuê vận chuyển đồng thời là bên có quyền nhận tài sản vận chuyển. Trong trường hợp bên thuê vận chuyển không đồng thời là beennhanaj tài sản, thì quy định này mâu thuẫn với quy định tại khoản 4 Điều 540 Bộ luật này (bên nhận tài sản có quyền yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hư hỏng). Theo đó, người có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại lại không phải là người được bồi thường thiệt hại. Điều này cho thấy, quy định tại khoản 1 Điều này cần phải được sửa đổi cho phù hợp theo hướng thay cụm từ “bên thuê vận chuyển” bằng cụm từ “bên nhận tài sản”.

Thứ hai, quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tại khoản 5 Điều 534 Bộ luật này cũng quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại của bên vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển làm mất mát, hư hỏng tài sản vận chuyển. Rõ ràng, cùng một nội dung như nhau nhưng lại được quy định trùng lặp ở hai quy định khác nhau là không hợp lý. Do đó, một trong hai quy định này phải được loại bỏ, và việc loại bỏ quy định tại khoản 5 Điều 534 Bộ luật này là hợp lý.

Thứ ba, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vận chuyển được loại trừ cả theo quy định tại khoản 1 Điều này, cả theo quy định tại khoản 3 Điều này. Mặc dù các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vận chuyển là khác nhau, nhưng rõ ràng điều đó cho thấy sự rải rác, lẻ tẻ của các quy định pháp luật. Theo đó, các quy định về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vận chuyển nên được quy định thống nhất với nhau. Hợp lý nhất đó là quy định chung vào khoản 1 Điều này.

Thứ tư, theo quy định tại khoản 2 Điều này, nếu tài sản vận chuyển gây ra thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc , người thứ ba, mà bên thuê vận chuyển vi phạm nghĩa vụ đóng gói, bảo đảm an toàn thì bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 535, bên vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất quy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết. Như vậy, trong trường hợp bên vận chuyển biết hoặc phải biết về việc những tài sản  này có nguy cơ gây ra thiệt hại cho mình hoặc người thứ ba mà vẫn chấp nhận vận chuyển, thì nếu xảy ra thiệt hại lại bắt bên thuê vận chuyển bồi thường dường như là không hợp lý. Về nguyên tắc, quyền của một chủ thể trong quan hệ hợp đồng cũng đồng thời là nghĩa vụ của họ trong quan hệ hợp đồng đó. Nếu bên vận chuyển nhận thức được khả năng gây ra thiệt hại cho mình hoặc người thứ ba mà vẫn vận chuyển tức là họ bị coi là có toàn bộ hoặc một phần lỗi đối với thiệt hại gây ra. Do đó, phải quy định bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm đối với một phần hoặc toàn bộ thiệt hại do tài sản vận chuyển gây ra cho chính mình hoặc người thứ ba mới hợp lý. Hơn nữa, nếu giữa bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển có thỏa thuận về việc bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại do tài sản vận chuyển gây ra thì khi tài sản vận chuyển gây thiệt hại, bên vận chuyển phải tự chịu thiệt hại và bồi thường thiệt hại cho người thứ ba. Từ những phân tích này cho thấy, quy định tại khoản 2 Điều này là không hợp lý và cần được sửa đổi theo hướng bổ sung cụm từ “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” vào cuối khoản này.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền

Exit mobile version