Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Chuyên mụcLuật hình sự giet-nguoi

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

 

Các nội dung liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội xâm phạm tính mạng sức khỏe nhân phẩm danh dự của con người

 

Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

 

1. Khái niệm

Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là trường hợp tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

2. Các yếu tố cấu thành Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Về thực chất đây cũng là trường hợp giết người. Do đó các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này cũng tương tự như tội giết người, nhưng ở tội này có thêm dấu hiệu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nên nó có thêm những tình tiết sau:

– Nạn nhân phải là người đang có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người phạm tội hoặc của người khác. Hành vi đó là trái pháp luật và có mức độ nguy hiểm đáng kể.

– Người phạm tội đã có hành vi tước đoạt tính mạng nạn nhân trong khi hành vi xâm phạm nói trên của nạn nhân đang xảy ra hoặc đe doạ sẽ xảy ra ngay tức khắc.

– Người phạm tội đã có hành vi tước đoạt sinh mạng của nạn nhân khi có đủ cơ sở để
thực hiện quyền phòng vệ. Việc người phạm tội có hành vi phòng vệ là cần thiết. Nhưng người phạm tội đã thực hiện quyền phòng vệ của mình rõ ràng là quá đáng, quá mức cần thiết nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi tấn công/xâm hại. Việc gây ra cái chết cho nạn nhân rõ ràng là vượt quá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân.

Để đánh giá sự tương xứng giữa tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân với hành vi tước đoạt sinh mạng của nạn nhân của người phạm tội chúng ta cần xem xét một cách đầy đủ, toàn diện tất cả các tình tiết liên quan, trước tiên phải chú ý đến:

+ Tính chất quan trọng của những lợi ích bị xâm hại hoặc đe doạ xâm hại;

+ Mức độ thiệt hại mà hành vi tấn công của nạn nhân có thể gây ra;

+ Sức mãnh liệt của hành vi tấn công của nạn nhân;

+ Khả năng ngăn chặn hành vi tấn công của nạn nhân đặt trong hoàn cảnh cụ thể… Phân biệt trường hợp phạm tội này với trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ở các điểm sau (tạm gọi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là (1), giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là (2)):

+ Trong trường hợp (1), hành vi trái pháp luật của nạn nhân phải đang diễn ra và chưa kết thúc; trường hợp (2), hành vi trái pháp luật của nạn nhân khiến tinh thần của người phạm tội bị kích động mạnh có thể đã kết thúc.

+ Trường hợp (1), tinh thần của người phạm tội có thể bị kích động (chưa đến mức mất tự chủ) hoặc không bị kích động; trường hợp (2), tinh thần của người phạm tội phải bị
kích động mạnh.

+ Hành vi trái pháp luật của nạn nhân trong trường hợp (1) chỉ có thể bằng hành động; trường hợp (2) hành vi trái pháp luật có thể bằng hành động, lời nói…

+ Hành vi trái pháp luật của nạn nhân trong trường hợp (1) là đối với người phạm tội, Nhà nước, tổ chức, người khác; hành vi trái pháp luật ở trường hợp (2) là đối với người phạm tội hoặc người thân của họ.

Trong trường hợp phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh bởi hành vi trái pháp luật của nạn nhân (đối với người phạm tội hoặc người thân của họ), rất khó phân biệt với phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Trong những những trường hợp cụ thể, người áp dụng pháp luật hình sự sẽ  xác định.

Theo tôi, hành vi trái pháp luật trong trường hợp phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh chưa được xem là cần chống trả. Ví dụ, anh A là một trí thức, vô cớ bị một người không quen biết (B) chửi. Không kiềm chế được nên A đã đánh B trọng thương. Nếu hành vi tấn công vừa khiến cho bên bị hại bị kích động mạnh về tinh thần vừa làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng thì việc ưu tiên viện dẫn chế định áp dụng sẽ là phòng vệ chính đáng vì áp dụng chế định này sẽ có lợi hơn cho chủ  thể phòng vệ (người chống trả). Dĩ nhiên, yếu tố tinh thần bị kích động mạnh cũng được đưa ra xem xét để đánh giá mức độ cần thiết của hành vi phòng vệ. Có thể xem xét ví dụ dưới đây:

3. Ví dụ về giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Hai gia đình ông Ánh và Bền tranh chấp nhau trên một phần đất. UBND đã thông báo hai bên cứ bình tĩnh, giữ nguyên vị trí chờ chính quyền giải quyết. Bên nhà ông Ánh chấp hành nghiêm chỉnh nhưng bên ông Bền thường xuyên kiếm chuyện và đổ nước bẩn vào sau nhà bếp của ông Ánh. Tuy nhiên, phía gia đình ông Ánh vẫn hết sức kiềm chế.

Ngày 8/11/1987, Nguyễn Đình Quý là con của ông Ánh phát hiện bên nhà ông Bền lại đổ
nước sau bếp nhà mình nên chạy sang nhà ông Bền hỏi: “Sao bác cứ đổ nước bẩn sang nhà cháu hoài thế?”. Ông Bền nói: “Mày về gọi bố mày sang đây”, rồi sai con là Dũng cầm dao đến trước mặt Quý đe doạ và tiếp tục đổ nước bẩn sang nhà ông Ánh. Ngay sau đó, ông Bền cầm ống bơm xe đạp đập vào đầu Quý nhưng bị trượt vào tường, một mảng tường văng ra trúng vào đầu Bền làm chảy máu.
Quý chạy về nhà cầm dao chạy sang thì em của ông Bền là Bình giằng dao vứt đi. Bền lấy gạch ném trúng vào đầu Quý làm bị thương. Tức quá, Quý xông vào đánh ông Bền nhưng bị Dũng cầm dao chém bị thương phải đưa đi bệnh viện.

Ngay sau đó, Bền chạy sang đạp đổ bức tường ngăn cách giữa đất hai nhà, miệng luôn chửi rủa gia đình ông Ánh. Rồi cùng tám người khác gồm con và em, cháu người cầm thanh sắt, người cầm dao phay, xà beng, xẻng hùng hổ kéo sang nhà ông Ánh.

Đến sân nhà, con của ông Bền xông vào giật đứt bức màng che cửa nhà ông Ánh, miệng hét:“Chúng mày định giết ông già tao à? Tao sẽ giết”. Ông Ánh bước ra cửa để ngăn cản thì bị con của ông Bền túm cổ áo, miệng thét chửi và dùng cán dao thúc vào bụng làm ngã lăn ra đất. Con của ông Ánh nhảy ra kéo cha vào cũng bị con của ông Bền dùng dao chém và đá ngã lăn ra nền nhà.

Lúc ấy, Nguyễn Đình Long (con của ông Ánh) đang nằm ngủ, nghe ầm ĩ liền thức giấc, nhìn ra sân thấy toàn là người nhà của ông Bền, hò reo, trên tay cầm vũ khí vẻ mặt sát khí. Chứng kiến thấy cha mình bị thúc dao vào bụng ngã lăn, em mình cũng thế, mọi lối đi đều bị phong toả, Long lục tủ lấy ra quả lựu đạn mà Long đã lấy của đơn vị lúc xuất ngũ, rút chốt ném ra sân. Lựu đạn nổ làm chết 4 người nhà của ông Bền, bị thương 9 người (trong đó có cả người nhà của ông Bền, ông Ánh và cả Long).

Trong trường hợp này, xét ra hành vi của phía ông Bền diễn ra trong một quá trình lâu dài, kèm theo hành vi tấn công diễn ra hiện tại có thể khiến Long bị kích động mạnh về tinh thần. Vì vậy, Long mới có xử sự thiếu sáng suốt, có hành động chống trả dù biết rằng có thể gây ra thiệt hại cho cả người thân của mình và cả mình. Mặt khác, Long cũng có quyền phòng vệ chính đáng. Do vậy, chúng ta phải ưu tiên áp dụng quy định về phòng vệ chính đáng để xem xét trường hợp của Long, xem hành vi của Long có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không, nếu không vượt quá, Long được xem là không phạm tội.

4. Hình phạt của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Hình phạt chia thành 2 khung:

– Giết một người: người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

– Giết nhiều người: người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Trường hợp này, nhiều người bị giết phải đều có hành vi trái pháp luật làm phát sinh quyền phòng vệ từ
phía người phạm tội. Nếu trong số những người bị giết, chỉ có một người có hành vi trái pháp luật làm phát sinh quyền phòng vệ, những người còn lại không có hành vi trái pháp luật hoặc có nhưng không thỏa mãn điều kiện của phòng vệ chính đáng thì người phạm tội phải bị truy cứu thêm tội giết người (Điều 123).

Chú ý: đây cũng là hành vi phạm tội không có giai đoạn chuẩn bị hoặc chưa đạt. Vì thế, chỉ có thể định tội này khi hậu quả chết người đã xảy ra.


Các tìm kiếm liên quan đến Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, ví dụ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, điều 96 bộ luật hình sự, bộ luật hình sự 2015, tội vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, điều 96 bộ luật tố tụng hình sự, tội vượt quá phòng vệ chính đáng, tình huống phòng vệ chính đáng, phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền