Tình huống về tội trộm cắp tài sản thông qua việc rút bớt hàng hóa

Chuyên mụcĐề cương ôn tập, Luật hình sự Tổng hợp các bài tập tình huống luật hình sự

Tình huống về tội trộm cắp tài sản thông qua việc rút bớt hàng hóa khi vận chuyển

 

K là chủ kiêm lái xe thường xuyên được Công ty X thuê chở hàng từ kho của công ty giao cho Hợp tác xã M. Trong một lần chở hàng, do đã quen nhau nên thủ kho của công ty X thỏa thuận và cho K vào kho tự bốc và xếp hàng lên xe, mỗi chuyến là 30 bao hàng ra cổng thủ kho mới kiểm tra số hàng vận chuyển và ký vào phiếu xuất hàng. Hôm đó K đã chở được 4 chuyến, mỗi chuyến đúng 30 bao hàng, đến chuyến thứ 5 K xếp thêm 2 bao hàng lên xe (vượt 2 bao so với thỏa thuận với thủ kho). Khi ra cổng kho, K có thái độ điềm nhiên như vẫn chở 30 bao hàng như các chuyến trước và đưa phiếu xuất hàng cho thủ kho ký. Tin rằng K chở đủ số bao hàng như đã thoả thuận và đã giữa trưa nên thủ kho không đếm lại số bao hàng K vận chuyển mà ký xác nhận ngay vào phiếu xuất hàng như các chuyến trước. Bằng thủ đoạn trên K đã chiếm đoạt được 2 bao hàng của Công ty X trị giá là 5 triệu đồng.

Về hành vi chiếm đoạt tài sản của K có các ý kiến sau về tội danh:

a. K phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
b. K phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
c. K phạm tội trộm cắp tài sản.

 

Hỏi:

 

1. Anh (chị) hãy bác bỏ các ý kiến sai; Xác định ý kiến đúng và giải thích rõ tại sao. (3 điểm)

2. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn xác định được ngoài hành vi chiếm đoạt tài sản nói trên, K còn rút bớt mỗi chuyến một số hàng hóa của Hợp tác xã M tổng giá trị là 10 triệu đồng. Hãy định tội cho hành vi này. (2 điểm)

3. Toàn bộ số tài sản chiếm đoạt được K đã bán lại cho N. Theo anh (chị) N có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao? (2 điểm)

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Định tội danh là một vấn đề rất quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, là tiền đề cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt một cách công minh chính xác. Tuy nhiên, việc định tội danh chính xác thật không dễ dàng. Trên thực tiễn xung quanh một vụ án có rất nhiều quan điểm về việc xác định tội danh của người phạm tội. Đặc biệt, về phần các tội phạm xâm phạm sở hữu trong BLHS Việt Nam nếu không hiểu rõ tính chất, đặc điểm cũng như những dấu hiệu pháp lí của từng tội cụ thể thì việc nhầm lẫn giữa các tội phạm lại càng rất dễ xảy ra. Vì vậy, em xin chọn tình huống số 4 đã trình bày ở trên để thông qua đó trình bày rõ hơn việc định tội danh trong tình huống cụ thể.

 

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

 

1. Anh (chị) hãy bác bỏ các ý kiến sai; Xác định ý kiến đúng và giải thích rõ tại sao?

 

Trong tình huống đưa ra không đề cập đến vấn đề độ tuổi cũng như năng lực chịu

TNHS của K, vì thế có thể mặc nhiên hiểu là K có đầy đủ các điều kiện để trở thành chủ thể thường của tội phạm. Như vậy, với dấu hiệu chủ thể này thì K hoàn toàn có thể trở thành chủ thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội trộm cắp tài sản được được nếu thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu khác của một trong ba loại tội này.

Ta khẳng định hành vi chiếm đoạt tài sản công ty X của K cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ Luật Hình Sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Quá trình định tội danh trong nhóm các tội phạm sở hữu , cần chú ý các nội dung sau đây :

Trước hết, cần xác định hành vi phạm tội có xâm phạm quan hệ sở hữu hay không. Nói cách khác, khách thể trực tiếp có phải là quyền sở hữu hay không. Bởi trong thực tế có những hành vi tác động đến tài sản nhưng không phải tội xâm phạm sở hữu.

Hai là, nghiên cứu đầy đủ các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các cấu thành tội phạm cụ thể và phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác trong nhóm tội xâm phạm sở hữu để từ đó định tội danh chính xác.

Xét trong tình huống trên, các dấu hiệu pháp lí được nêu trong đề bài rất dễ dấn tới những sai lầm trong việc định tội danh. Về phần các tội phạm xâm phạm sở hữu trong BLHS Việt Nam nếu không hiểu rõ tính chất, đặc điểm cũng như những dấu hiệu pháp lí của từng tội cụ thể thì việc nhầm lẫn giữa các tội phạm rất dễ xảy ra.

Về hành vi chiếm đoạt tài sản của K có các ý kiến sau về tội danh:
a. K phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140).
b. K phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139).
c. K phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 138).

a) Quan điểm cho rằng K phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS 1999) hoặc K phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS 1999) là sai.

Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếmđoạt tài sản là trường hợp khi cùng có hợp đồng chuyển giao tài sản và có thủ đoạn giandối chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, giữa hai tội này có những dấu hiệu pháp lí khác nhaunhư sau:

* K phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS).

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi khác nhau là: hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối.

* Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Xét về mặt khách quan, hành vi lừa dối là hành vi đưa ra những thông tin giả. Về mặt chủ quan người phạm tội biết đó là thông tin giả nhưng vẫn mong muốn người khác tin đó là sự thật. Hành vi lừa dối được biểu hiện cụ thể qua thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội . Lừa dối là cơ sở, là tiền đề để việc chiếm đoạt tài sản xảy ra, có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chiếm đoạt được tài sản xảy ra. Do có hành vi gian dối nên người phạm tội mới ký kết được hợp đồng chuyển giao tài sản và từ đó được giao tài sản.

* Hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội lừa đảo có 2 hình thức thể hiện cụ thể:

– Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối. Vì tin vào những thông tin người phạm tội đưa ra nên người bị lừa dối đã giao tài sản đó cho người phạm tội.

– Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội thìhình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữa lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối. Vì tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã nhận nhầm (nhận thiếu, sai loại tài sản được nhận) hoặc không nhận được tài sản sản.

Trong cả hai trường hợp trên, khi bị lừa dối, chủ tài sản “tự nguyện” giao tài sảncho người phạm tội vì đã tin vào những thông tin giả dối mà người phạm tội đưa ra.

Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản người phạm tội ngay từ đầu đã có ý định chiếm đoạt tài sản nên có các hành vi gia dối để đi đến ký kết các hợp đồng giả tạo, từđó họ được giao tài sản.

Có thể mô phỏng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

Tội lừa đảo => có ý định chiếm đoạt => có hành vi gian dối => ký kết hợp đồng giả tạo => người phạm tội được chuyển giao tài sản => thực hiện việc chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ vào những phân tích trên, xét trong tình huống:

*Thứ nhất: K không có hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm tạo lòng tin ở thủ kho để thủ kho nguyện giao tài sản cho mình. Thủ kho không “tự nguyện” giao 2 bao hàng kia cho K. Mà đến chuyến thứ 5 K tự xếp thêm 2 bao hàng lên xe (vượt 2 bao so với thỏa thuận với thủ kho).

*Thứ hai: K không có ý thức chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu. Cụ thể, Việc Công ty X ký hợp đồng cho thuê K chở hàng xuất phát từ ý chí của công ty đó, K không sử dụng thủ đoạn gian dối, không có hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm tạo lòng tin ở chủ tài sản và họ nguyện giao tài sản cho người có thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối của K không có trước hành vi nhận được tài sản từ chủ tài sản và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, K không thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

* K phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ( Điều 140).

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sảnlà hành vi chiếm đoạt toàn bộ hay một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết giữa chủ tài sản và người có hành vi chiếm đoạt. Hành vi chiếm đoạt ở đây là hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết. Đó là:

– Không trả lại tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc thủ đoạn gian dối (như giả tạo bị mất; đánh tráo tài sản; rút bớt tài sản…)

– Không trả lại được tài sản do không có khả năng vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, buôn bán hàng cấm hay đánh bạc…)

Ngoài những điều kiện về tuổi và phải có năng lực TNHS tội này đòi hỏi chủ thể phải là những người đã được chủ tài sản tín nhiệm giao cho khối lượng hàng nhất định trên cơ sở giao tài sản là hợp đồng. Việc giao nhận tài sản hoàn toàn ngay thẳng. Chủ tài sản do tín nhiệm đã giao tài sản để người được giao: Sử dụng; bảo quản; vận chuyển; gia công; sửa chữa…Đối với tội này, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên thì mới cấu thành tội, nếu dưới bốn triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thứ nhất, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ xảy ra trong lĩnh vực hợp đồng, tức là người phạm tội thông qua việc ký kết hợp đồng.

Thứ hai:đối vớitội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ban đầu chưa ký kết hợp đồng, người phạm tội chưa có ý định chiếm đoạt tài sản nên việc ký kết hợp đồng là hoàn toàn ngay thẳng. Hợp đồng này được ký trên cơ sở lòng tin sẵn có giữa đôi bên. Người phạm tội chỉ có ý định chiếm đoạt tài sản sau khi họ nhận được tài sản từ chủ tài sản và thực hiện việc chiếm đoạt bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc gian dối.

Thứ ba: trong tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản thì thời điểm xuất hiện thủ đoạn gian dối này là khi người có hành vi gian dối đã nhận được tài sản do chủ tài sản tín nhiệm giao cho. Việc nhận tài sản của người khác là hoàn toàn ngay thẳng, hợp pháp.

Thứ tư: tội lạm dụng tín nhiệm thì thủ đoạn gian dối không có ý nghĩa để thực hiện việc ký kết hợp đồng và do đó không có ý nghĩa quyết định đến việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không. Do vậy, hành vi gian dối như đánh tráo, rút bớt về số lượng tài sản chủ yếu nhằm che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản.

Có thể mô phỏng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

Tội lạm dụng tín nhiệm => người phạm tội chưa có ý định chiếm đoạt => có ký kết hợp đồng ngay thẳng => được chuyển giao tài sản => nảy sinh ý định chiếm đoạt => Thực hiện việc chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối.

Ta thấy, trong 4 chuyến chở hàng đầu tiên, K đều chở đủ 30 bao hàng. Chỉ đến chuyến hàng thứ 5, K mới có thủ đoạn gian dối trong việc chiếm đoạt thêm 2 bao hàng nữa của Công ty trị giá 5 triệu đồng. Như vậy, K chỉ có thủ đoạn này sau khi đã ký hợp đồng chở thuê cho Công ty X. Hành vi gian dối của K không nhằm tạo lòng tin, sự nhầm lẫn trong việc ký kết hợp đồng với chủ tài sản mà chỉ nhằm che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản.Như vậy, K có thể phạm tội Lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, để xác định một cách đúng đắn K có phạm tội Lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản hay không ta cần phải căn cứ vào điều kiện: Hành vi phạm tội của tội này là hành vi chiếm đoạt toàn bộ hay một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng (hợp đồng chuyển thuê) được ký kết giữa chủ tài sản (công ty X) với người có hành vi chiếm đoạt là K và giá trị tài sản đã đủ yếu tố cấu thành tội. Như vậy, chủ tài sản đã tín nhiệm giao tài sản cho K trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ Công ty X đến hợp tác xã M. Tuy nhiên, Công ty X không có hợp đồng trong việc giao tài sản trong kho hàng cho K. Số lượng hàng được bốc xếp lên xe vẫn được sự kiểm tra của thủ kho trước khi rời Công ty (30 bao hàng 1 chuyến). K được tự ý vào bốc xếp hàng lên xe là do sự thỏa thuận quen biết giữa thủ kho và K chứ không trên cơ sở hợp đồng và không có sự “tự nguyện” giao tài sản của Công ty X. Sau khi bốc dỡ hàng lên xe, trước khi ra khỏi công ty, trong mỗi chuyến hàng thủ kho đều kiểm tra đủ 30 bao hàng và ký vào phiếu xuất kho. Trong chuyến hàng thứ 5, việc “Tin rằng K chở đủ số bao hàng như các chuyến trước, lại đã giữa trưa nên thủ kho không đếm lại số bao hàng K vận chuyển mà ký xác nhận ngay vào phiếu xuất 30 bao hàng” là sự sơ suất, sai sót trong việc kiểm tra hàng hóa của thủ kho Công ty dẫn đến K chiếm đoạt thành công 2 bao hàng.

 

Như vậy, trong trường hợp này, K không thể phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140 BLHS.

b) Quan điểm cho rằng K phạm tội Trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS) là đúng và có căn cứ. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và thực tiễn xét xử thì: Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lí. Như vậy, thủ đoạn lén lút, bí mật là đặc trưng của tội trộm cắp, là thủ đoạn quyết định đến việc chiếm đoạt được tài sản.

Về mặt khách quan, dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt cùng với hai dấu hiệu khác là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có người quản lí.

Dấu hiệu chiếm đoạt trong cấu thành tội trộm cắp tài sản được hiểu là chiếm đoạt được, tội này chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Thực tiễn xét xử đã nhận định về những trường hợp chiếm đoạt được tài sản ở tội này nhưsau:

“ Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người.

Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản.

Nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản ra khỏi vị trí ban đầu”.

Ở trong tình huống, dấu hiệu chiếm đoạt được thể hiện ở chỗ: K đã chiếm đoạt được tài sản của Công ty X. Đó là 2 bao hàng có giá trị 5 triệu đồng. Theo quy định của Công ty, K chỉ được phép chở đúng 30 bao hàng nhưng K đã chiếm đoạt thêm 2 bao hàng nữa. Ở đây, tài sản mà K đã chiếm đoạt không phải là vật nhỏ gọn(không thể giấu tài sản trong người). Như vậy, tội trộm cắp tài sản hoàn hoàn thành khi K đưa được 2 bao hàng này lên xe, rời khỏi khu vực bảo quản (kho hàng).

Hành vi chiếm đoạt của K là hành vi lén lút. Do được sự tin tưởng của thủ khonên K được vào kho tự bốc và xếp hàng lên xe, mỗi chuyến là 30 bao hàng ra cổng thủ kho mới kiểm tra số hàng vận chuyển và ký vào phiếu xuất hàng. Lợi dụng lúc thủ kho tin tưởng, để sơ hở nên K đã tiến hành việc chiếm đoạt thêm 2 bao hàng. Như vậy, K đã có ý thức che giấu hành vi mà mình đang thực hiện.

Tài sản mà K chiếm đoạt ở đây là tài sản đang có chủ. Chủ sở hữu những bao hàng này là Công ty X. Vị trí ban đầu của 2 bao hàng là trong kho hàng của Công ty X, thuộc quyền sở hữu của Công ty. K và Công ty X chỉ thỏa thuận ký kết hợp đồng trong việc K chở số hàng hóa từ Công ty X sang hợp tác xã M chứ không thỏa thuận việc K sẽ được vào kho để bốc dỡ hàng theo ý muốn của mình. Cho nên, hành vi của K trong trường hợp này là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ.

Về mặt chủ quan, người phạm tội trộm cắp tài sản khi thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ tài sản mình chiếm đoạt là tài sản có người quản lí. Ở đây K biết chủ sở hữu các bao hàng là Công ty X, nhưng vẫn lợi dụng lúc thủ kho sơ hở, chủ quan để lén lút chiếm đoạt. Việc trong chuyến thứ 5, thủ kho không kiểm tra số hàng mà ký luôn vào phiếu xuất kho đã tạo điều kiện cho K thực hiện chiếm đoạt 2 bao hàng trót lọt.

Như vậy, qua những phân tích về dấu hiệu pháp lý trên đây của từng loại cấu thành tội phạm càng khẳng định rõ hơn về hành vi của K là cấu thành tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009).

 

2. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn xác định được ngoài hành vi chiếm đoạt tài sản nói trên, K còn rút bớt mỗi chuyến một số hàng hóa của Hợp tác xã M tổng giá trị là 10 triệu đồng. Hãy định tội cho hành vi này?

 

Việc K rút bớt mỗi chuyến một số hàng hóa của Hợp tác xã M tổng giá trị là 10 triệu đồng cấu thành nên tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản(Điều 140 BLHS năm 1999).

Như chúng ta đã phân tích ở trên Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sảnlà hành vi chiếm đoạt toàn bộ hay một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết giữa chủ tài sản và người có hành vi chiếm đoạt. Hành vi chiếm đoạt ở đây là hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết. Đó là:

– Không trả lại tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc thủ đoạn gian dối (như giả tạo bị mất; đánh tráo tài sản; rút bớt tài sản…)

– Không trả lại được tài sản do không có khả năng vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, buôn bán hàng cấm hay đánh bạc…)

* Chủ thể của tội phạm.

K đủ điều kiện về tuổi và năng lực TNHS. K được công ty X tín nhiệm giao cho K khối lượng tài sản nhất định (30 bao hàng mỗi chuyến) trên cơ sở giao tài sản là hợp đồng chuyển thuê số hàng hóa từ Công ty đến hợp tác xã M. Việc giao và nhận là hoàn toàn ngay thẳng. Công ty X tín nhiệm giao tài sản cho K trong quá trình vận chuyển được bảo quản, vận chuyển.

* Hành vi phạm tội.

K đã chiếm đoạt một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng chuyển thuê giữa Công ty X và K. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt trong tội này là những bao hàng được giao ngay thẳng cho K trong quá trình vận chuyển. Ở đây, K đã thực hiện hành vi chiếm đoạt là: rút bớt tài sản (trị giá 10 triệu đồng). Hành vi gian dối của K có sau khi K và Công ty X đã thực hiện hợp đồng và hành vi gian dối này nhằm che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, có thể khẳng định hành vi rút bớt số hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ Công ty X sang Hợp tác xã M cấu thành nên tộiLạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS 1999).

 

3. Toàn bộ số tài sản chiếm đoạt được K đã bán lại cho N. Theo anh (chị) N có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao?

 

Ta khẳng định, N có thể sẽ phải chịu TNHS về hành vi của mình.

Để kết luận N có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không ta cần xét xem giữa K và N có sự bàn bạc, thỏa thuận từ trước với nhau hay không? Và xét đến yếu tố lỗi của N, có ba trường hợp sau đây:

– Trường hợp 1: Nếu giữa K và N có sự thỏa thuận về việc cất giấu và tiêu thụ tài sản trước khi hành vi phạm tội của K xảy ra thì người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ sẽ bị coi là đồng phạm giúp sức theo Điều 20 BLHS.

– Trường hợp 2 : Nếu giữa K và N không có sự thỏa thuận, bàn bạc trước, N có hành vi chứa chấp tài sản mà biết rằng tài sản đó có được bằng con đường phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp thì N sẽ bị truy cứu TNHS về Tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 BLHS).

+ Về mặt khách quan: Hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chỉ bị xử lý theo Điều 250 khi hành vi đó thực hiện mà không có sự thỏa thuận hay hứa hẹn trước.

Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người phạm tội mà có thể hiện bằng các hành vi như: cho người phạm tội cất giấu tài sản do phạm tội mà có; chuyển đổi tài sản do phạm tội mà có thành tài sản hợp pháp, mua lại hoặc đem bán lại bộ tài sản mà biết đó là tài sản phạm tội mà có…

+ Về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp nên người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản phải chịu trách nhiệm hình sự khi biết tài sản đó là do người khác phạm tội mà có.

– Trường hợp 3:Nếu N không biết và không có khả năng biết tài sản của K là sở hữu bất hợp pháp thì N không phải chịu TNHS về tội chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Như vậy, N có thể phải chịu TNHS về hành vi mua lại số hàng hóa mà K đã chiếm đoạt của Công ty X.

 

KẾT LUẬN

 

Thực tiễn xét xử còn nhiều vụ án về tội xâm phạm quan hệ sở hữu có tính chiếm đoạt còn xử nhầm, xử sai. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa làm cơ sở cho việc xét xử các vụ án được nhanh chóng, chính xác, đúng người đúng tội, tránh để tội phạm lọt lưới cũng như các vụ oan sai. Bài tập tình huống trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể về việc định tội danh đối với các tội xâm phạm sở hữu.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.Trường Đại học Luật Hà Nội,Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam tập 2 – NXB Công an nhân dân, năm 2009.
2.Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 1999 ( sửa đổi và bổ sung năm 2009), Nxb. Lao Động, năm 2013.
3. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Phần các tội phạm tập 2 – NXB TP Hồ Chí Minh, năm 2002.
4.TS. Lê Đăng Doanh, Định tội danh đối với các tội xâm phạm sở hữu- NXB Tư Pháp.
5.TS. Dương Tuyết Miên – Định tội danh và Quyết định hình phạt – NXB Lao động xã hội.
6. TS. Đỗ Đức Hồng Hà – Bài tập Luật hình sự và Tố tụng hình sự – NXB Tư pháp.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền