Tìm hiểu về nhân thân người phạm tội

Chuyên mụcLuật hình sự, Tội phạm học nhan-than-nguoi-pham-toi

Nhân thân người phạm tội tuy không phải là yếu tố cấu thành tội phạm nhưng nó lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định khung hình phạt, là một trong những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

 

Các nội dung liên quan:

 

1. Một số vấn đề lý luận về nhân thân người phạm tội 

Khi nói đến nhân thân người phạm tội là nói đến đặc điểm và dấu hiệu về cá nhân của người thực hiện hành vi phạm tội. Trong lịch sử đã có nhiều quan điểm về nhân thân người phạm tội, cụ thể:

– Quan điểm duy tâm: Giải thích nguồn gốc hành vi của con người nói chung, hành vi phạm tội của người phạm tội nói riêng chịu sự điều chỉnh của đấng siêu nhân, của lực lượng vô hình không tồn tại trong hiện thực khách quan. Thời kỳ 1500 năm trước Công nguyên, người ta cho rằng nguyên nhân phát sinh tội phạm là do chúa trời (God’ will)[1]. Vì vậy, giải thích nguồn gốc hành vi phạm tội của người phạm tội cũng xuất phát từ quan điểm duy tâm này. Hành vi của con người nói chung, hành vi phạm tội của người phạm tội nói riêng chịu sự điều chỉnh của đấng siêu nhân, của lực lượng vô hình không tồn tại trong hiện thực khách quan”.

– Thuyết nhiễm sắc thể: Thuyết nhiễm sắc thể nghiên cứu gen của cơ thể con người, tìm ra mối quan hệ giữa nhiễm sắc thể giới tính và hành vi lệch lạc. Người đầu tiên nghiên cứu theo hướng này là một học giả người Anh tên là Patricia Jacobs, bà là người đầu tiên đưa ra kiểu nhiễm sắc thể thứ 47 liên quan đến hành vi phạm tội. Thuyết nhiễm sắc thể tội phạm thì nghiên cứu về nhiễm sắc thể và đưa ra kết luận: Người phạm tội là người có đột biến nhiễm sắc thể (có nhiễm sắc thể thứ 47) đã tạo ra tính cách hung hãn trong cuộc sống và sẽ thực hiện tội phạm.

Theo thuyết nhiễm sắc thể, nguyên nhân của tội phạm là do người phạm tội đã có kiểu nhiễm sắc thể bất thường so với người bình thường khác. Một người bình thường có kiểu nhiễm sắc thể XY đối với nam, XX đối với nữ. Qua nghiên cứu một số mẫu tù nhân ở Anh, Patricia Jacobs nhận thấy số tù nhân nam có kiểu nhiễm sắc thể XYY, số tù nhân nữ có kiểu nhiễm sắc thể XXX chiếm một tỉ lệ đáng kể trong số tù nhân khảo sát. Những người có kiểu nhiễm sắc thể như vậy gọi là hội chứng Kilinefelter[2]. Như vậy, các nhà tội phạm học tư sản đã xuất phát từ quan điểm sinh học, cho rằng tội phạm có tính chất chống xã hội bẩm sinh, một trong những động lực thúc đẩy tội phạm là do ảnh hưởng di truyền. Với nhận định như vậy thì một bộ phận con người sinh ra là để trở thành tội phạm. Còn những nhà duy tâm thì coi tội phạm là do đấng bề trên quy định.

– Khác với các quan điểm của các nhà duy tâm cũng như các quan điểm của các nhà tư bản, học thuyết Mác – Lênin khẳng định: Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, nhưng không hề phủ nhận mặt tự nhiên, cái sinh học trong việc xác định bản chất con người. Đồng thời bản chất con người không phải là cái duy nhất, cố định bất biến mà là cái chung nhất, sâu sắc nhất và có tính lịch sử cụ thể. Trong khi nhấn mạnh bản chất xã hội của con người phải nhận thấy cái xã hội không thể tách rời cái sinh học, mặc dù, cái xã hội chiếm vị trí cơ bản trong bản chất con người. Nguyên nhân dẫn tới việc phạm tội của con người là kết quả của sự tác động qua lại giữa phẩm chất tâm lí tiêu cực với môi trường xã hội tiêu cực. Nhân thân con người phạm tội hoàn toàn không mang tính chất bẩm sinh, mà là đặc điểm được quy định về mặt xã hội, được thể hiện đi ngược lại với các chuẩn mực và lợi ích xã hội. Theo đó, tội phạm do con người gây ra, song nó không xuất hiện cùng với con người trong xã hội, tức là trong lịch sử xã hội loài người, tội phạm chỉ xuất hiện trong một điều kiện nhất định[3].

Không ai trong chúng ta sinh ra lại muốn trở thành kẻ phạm tội, kể cả những người phạm tội và đang chịu hình phạt, nhưng con người hoàn toàn có nguy cơ trở thành tội phạm bởi các phẩm chất tâm lý không vững vàng cùng với sự tác động của môi trường sống bất lợi. Hành vi phạm tội không phải là hành vi tất yếu xảy ra đối với bất cứ ai. Chính vì lẽ đó mà hình phạt đối với người phạm tội luôn mang tính chất phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng. Mác viết “một cái gì đó lớn hơn trong con người kẻ phạm pháp… Chẳng phải là mỗi người công dân đã gắn liền với Nhà nước bằng hàng nghìn sợi dây thần kinh sống đó sao, và lẽ nào Nhà nước lại có quyền cắt đứt toàn bộ các sợi dây thần kinh nào trong số đó”[4]. Bởi vậy, nhân thân người phạm tội cũng tại một phần bản thân xã hội đã tạo ra nó, và như thế xã hội mà đại diện là Nhà nước phải có trách nhiệm với việc này. Qua phân tích, chúng ta thấy rằng, nói đến nhân thân người phạm tội là nói đến nhân thân của một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội một cách có lỗi. Ngoài trường hợp này chúng ta không thể sử dụng cụm từ này.

Qua phân tích, tác giả cho rằng nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm, những dấu hiệu quan trọng thể hiện rõ nhất bản chất xã hội của con người thực hiện hành vi phạm tội.

2. Nhân thân người phạm tội theo số lượng người phạm tội đã bị xét xử trong bản án có hiệu lực pháp luật

Nhân thân bị cáo và nhân thân người phạm tội là hai khái niệm khác nhau. Nhân thân bị cáo, bị can hoặc người bị tạm giữ là những thuật ngữ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, tùy vào các giai đoạn tố tụng hình sự. Cụ thể ở đây đối với bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tương tự vậy khi có quyết định khởi tố bị can thì gọi là bị can. Còn khái niệm nhân thân người phạm tội thì khác, bởi vì nhân thân người phạm tội là đối tượng nghiên cứu của tội phạm học nên nó được coi là tổng hợp các đặc điểm, những dấu hiệu quan trọng thể hiện rõ nhất bản chất xã hội của con người thực hiện hành vi phạm tội. Hay nói cách khác, nhân thân người phạm tội là cái toàn bộ phản ánh đặc điểm của người phạm tội, cả về mặt thời gian và không gian. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể nghiên cứu, cũng như phạm vi nghiên cứu mà chúng ta xem xét đánh giá mức độ khác nhau giữa hai khái niệm này như thế nào. Qua số liệu thống kê các vụ án đã xét xử sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ ra rằng, số lượng bị cáo bị tuyên không có tội chiếm tỉ lệ rất ít, cụ thể giai đoạn 1986-1988 tỉ lệ này là 0,28%, giai đoạn 1989 – 1991 là 0,37%, giai đoạn 1997 – 1999 là 0,12%, giai đoạn 2001 – 2003 là 0,05%[5], đối với tỉnh Nam Định giai đoạn 2006 – 2015 tỷ lệ này là 0%[6]. Vì vậy, nhân thân bị cáo và nhân thân người phạm tội dưới góc độ tội phạm học trong đề tài nghiên cứu được hiểu cùng một nghĩa. Nghiên cứu nhân thân người phạm tội có thể chia thành hai nhóm: Nhóm các đặc điểm về mặt xã hội – nhân khẩu học; nhóm các đặc điểm về mặt pháp lý hình sự. Để thấy rõ vai trò, vị trí và mức độ ảnh hưởng cụ thể của các đặc điểm nêu trên đối với quá trình hình thành nhân cách người phạm tội như thế nào, dưới đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng nhóm đặc điểm đó.

Từ định nghĩa trên rút ra mô hình lý luận về các đặc điểm mà mỗi công trình nghiên cứu nhân thân người phạm tội cần phải làm rõ trong nghiên cứu của mình. Thống nhất 03 nhóm đặc điểm cụ thể như sau:

Một là, đặc điểm tự nhiên

Khi nghiên cứu các đặc điểm tự nhiên của người phạm tội chính là việc chúng ta nghiên cứu về độ tuổi, giới tính, dân tộc, quốc tịch, nơi sinh và nơi thường trú của người phạm tội. Tùy thuộc vào các công trình nghiên cứu khác nhau mà các đặc điểm tự nhiên này ở người phạm tội được đặt ra nghiên cứu. Qua nghiên cứu tình hình tội phạm ở Nam Định giai đoạn 2006 – 2015 thấy rằng, người phạm tội trên địa bàn tỉnh Nam Định đều là người có quốc tịch Việt Nam và chủ yếu là dân tộc Kinh. Còn các dấu hiệu khác, chúng ta có thể chỉ ra một số nét chủ yếu của những dấu hiệu thường thấy khi nghiên cứu nhân thân người phạm tội như sau:

– Dấu hiệu về giới tính: Thực tế qua công tác nghiên cứu tình hình tội phạm ở nước ta cũng như các nước trên thế giới đã cho thấy số lượng giữa nam giới và nữ giới phạm tội có khác nhau, nam giới thường phạm tội nhiều hơn so với nữ giới. Tỷ lệ trung bình nữ giới phạm tội giao động trong khoảng 10 đến 12% mỗi năm trong tổng số người phạm tội[7]. Nhưng đó là số liệu khảo sát trước năm 1999, gần đây thì kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ này là từ 6 – 10%[8], ở tỉnh Nam Định giai đoạn 2006 – 2015 số bị cáo là nữ giới chiếm 5,94% tổng số bị cáo[9]. Việc nam giới phạm tội nhiều hơn nữ giới không phải do đặc điểm sinh lý của nam giới khác với nữ giới, mà là do những điều kiện hình thành phẩm chất cá nhân và sự tiếp nhận giáo dục của nam giới có những đặc điểm khác với nữ giới. Nam giới và nữ giới đều bình đẳng như nhau trong việc tiếp nhận giáo dục, đồng thời họ cùng có khả năng nhận thức như nhau. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu “trọng nam khinh nữ” đang tồn tại trong nhiều gia đình. Nam giới thường nhận được sự nuông chiều nhiều hơn. Nghiên cứu các đặc điểm giới tính của người phạm tội là nam giới đã chỉ ra, nam giới dễ bị ảnh hưởng bởi các thói hư tật xấu, dễ bị tiêm nhiễm tệ nạn xã hội và dễ hình thành phẩm chất cá nhân tiêu cực, trạng thái tâm lý tiêu cực hơn so với nữ giới. Điều này cũng có nghĩa là, tổ chức phòng ngừa tội phạm trong xã hội cần tập trung nhiều vào nam giới là điều cần thiết.

– Dấu hiệu về độ tuổi: Độ tuổi ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách trong đặc điểm nhân thân người phạm tội. Dấu hiệu về độ tuổi của người phạm tội cho phép nói lên các đặc điểm xử sự trái xã hội của những người ở những độ tuổi khác nhau, cũng như tính chất riêng biệt của cơ cấu về độ tuổi của các nhóm người phạm tội khác nhau. Nghiên cứu thực tế cho thấy rằng, tội phạm do người có độ tuổi từ 18 – 30 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất so với những người ở các nhóm độ tuổi khác, sau đó là những người ở trong độ tuổi trung niên từ 31 – 45 tuổi, sau nữa là những người chưa thành niên từ 14 – 18 tuổi và cuối cùng là những người trên 45 tuổi…[10]. Kết quả nghiên cứu ở tỉnh Nam Định cho thấy, số bị cáo là người chưa thành niên chiếm 4,08 %, khảo sát trong 217 bản án với 502 bị cáo tỉ lệ này là 10,35%, số lượng bị cáo phạm tội ở tuổi chưa thành niên chủ yếu là tội trộm cắp tài sản chiếm tới 92,3% số bị cáo ở độ tuổi này phạm tội; số bị cáo ở độ tuổi trẻ em chiếm 0,37%; số bị cáo từ đủ 18 đến dưới 30 tuổi chiếm 12,71%; số bị cáo phạm tội trên 30 tuổi chiếm 84,45% tổng số bị cáo[11]. Sự khác nhau trong cơ cấu tội phạm do những người phạm tội ở độ tuổi khác nhau thực hiện có sự ảnh hưởng nhất định trong quá trình xã hội hóa con người, sự hình thành nhân cách trong từng giai đoạn phát triển của mỗi cá nhân.

– Dấu hiệu về nơi cư trú: Nơi cư trú, nơi sinh sống có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng phạm tội nói chung và tội phạm cụ thể nói riêng. Bản chất nơi cư trú đã chứa đựng các điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa đặc thù. Nghiên cứu tình hình tội phạm ở nước ta cũng như các nước khác trên thế giới cho thấy, tỷ lệ tội phạm thường tập chung ở các thành phố lớn, như ở tỉnh Nam Định giai đoạn 2006 – 2015, riêng TP. Nam Định tỷ lệ tội phạm chiếm 41,52%[12]. Xét về cơ số tội phạm theo số dân cũng như theo diện tích địa lý thì cơ số tội phạm ở các thành phố lớn vẫn chiếm đa số. Ở các địa phương cũng vậy, tỷ lệ tội phạm cao thường diễn ra ở những vùng có kinh tế phát triển, có nhiều nơi vui chơi, giải trí. Trong những năm gần đây, tội phạm ở nông thôn cũng không ngừng gia tăng cả về số hành vi phạm tội, số bị cáo và số vụ án. Tính chất các vụ án ngày càng phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, các vụ án có đồng phạm cũng gia tăng không ngừng.

Hai là, đặc điểm xã hội

Nghiên cứu đặc điểm xã hội của nhân thân người phạm tội, chính là việc chúng ta nghiên cứu các nội dung gắn bó mật thiết với người phạm tội như trình độ học vấn, nghề nghiệp, tôn giáo – tín ngưỡng, sở thích (nghiện rượu, ma túy, game…), khuynh hướng giá trị, hoàn cảnh gia đình, công trạng, danh hiệu. Có thể nói đặc điểm xã hội của người phạm tội là rất nhiều, bài viết xin phân tích một số đặc điểm điển hình của người phạm tội trên cở sở nghiên cứu tình hình tội phạm ở tỉnh Nam Định, như:

– Dấu hiệu về trình độ học vấn: Trình độ học vấn cũng phản ánh sự phát triển lý trí và hình thành nhân cách, tạo cho con người còn có thể lựa chọn được cách ứng xử đúng với các chuẩn mực xã hội. Vì vậy, trình độ văn hóa của con người có ảnh hưởng đến hành vi phạm tội. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 1990 có 44% người phạm tội có trình độ văn hóa cấp I trở xuống, 48% người phạm tội đang học giở cấp II, 2.3% người phạm tội đang học dở cấp III [13]. Còn ở tỉnh Nam Định giai đoạn 2006 – 2015, số bị cáo có trình độ từ trung học cơ sở trở xuống chiếm tỷ phần cao nhất với hơn 69,9 %[14]. Như vậy, rõ ràng trình độ văn hóa và hành vi phạm tội của chủ thể có mối quan hệ với nhau.

– Dấu hiệu về nghề nghiệp: Nghề nghiệp của người phạm tội có vị trí quan trọng khi phân tích đặc điểm nhân thân của người phạm tội. Địa vị xã hội cao và nghề nghiệp ổn định sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển nhân cách con người, đồng thời bảo đảm cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các mâu thuẫn xã hội mà trực tiếp là kinh tế khi cần thiết. Thông thường khi trình độ văn hóa thấp thì sẽ khó kiếm được một công việc ổn định và có thu nhập ổn định. Không có tay nghề, chuyên môn nào đó thì rất khó tìm được việc, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay. Khi đã không có nghề nghiệp thì không có vị trí trong xã hội. Đa số những người phạm tội là những người không có nghề nghiệp ổn định, không có địa vị trong xã hội; đa số những người phạm tội thuộc thành phần lười lao động, lười học tập, chỉ muốn sống dựa dẫm vào người khác, ăn bám vào người khác, mong muốn giàu có nhưng không có thực lực, họ chỉ mong và bằng mọi cách kiếm ra tiền nhanh nhất mà không cần phải lao động. Tuy nhiên, sự thành thạo nghề nghiệp có thể giúp người phạm tội phát hiện được những sơ hở của pháp luật để “lách luật”, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra. Nghiên cứu đặc điểm nghề nghiệp cho thấy, giải quyết vấn đề tội phạm trong xã hội đi liền với vấn đề giáo dục, vấn đề đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, tạo cho họ có khả năng lao động, nhằm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân và giáo dục nhân cách phù hợp với đạo đức, quy tắc, nếp sống xã hội là điều quan trọng nhất. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần tập trung vào những loại nghề nghiệp nhất định có khả năng thực hiện tội phạm, vào từng loại người nhất định để đề ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp, có hiệu quả nhất.

Qua nghiên cứu giai đoạn 2006 – 2015, ở tỉnh Nam Định cho thấy, có tới 19,5% bị cáo không có nghề nghiệp; 25,9 % bị cáo không có nghề nghiệp ổn định. Số bị cáo thuộc đối tượng này còn chiếm tỉ lệ cao ở tỉnh Nam Định, chủ yếu là ở tội đánh bạc chiếm 39,5%, tội phạm về ma túy chiếm 27,2%, tội trộm cắp tài sản chiếm 17,5%, còn lại là tội cướp tài sản chiếm 15,8%[15]. Tỉ lệ đối tượng phạm tội là người không có nghề nghiệp, nghề nghiệp không ổn định chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm cho thấy, tình trạng thất nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

– Dấu hiệu về hoàn cảnh gia đình: Hoàn cảnh gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành những phẩm chất tâm lý tiêu cực của con người, dẫn đến họ sẽ có tính chống đối xã hội, và có những hành vi đi ngược với các chuẩn mực xã hội. Chính yếu tố gia đình trong đa số trường hợp đã kích thích tính tích cực của mỗi thành viên, đồng thời gia đình giữ vai trò kiểm sát, giám sát hành vi của những thành viên trong gia đình, hạn chế đến mức tối đa các hiện tượng tiêu cực phát sinh trong mỗi con người. Nghiên cứu những tội phạm được thực hiện bởi người chưa thành niên phạm tội thì có 32,3% sống trong hoàn cảnh gia đình nghèo đói; 27,7% các em có bố mẹ ly hôn hoặc ly thân; 24,7% có bố hoặc mẹ đã chết; 9,2% các em có bố hoặc mẹ ngoại tình, 70% các em sống trong gia đình đông con[16]. Như vậy, tình trạng gia đình có ảnh hưởng đến những đặc điểm nhân thân của người phạm tội.

Ba là, đặc điểm hành vi phạm tội

Khi xét về đặc điểm động cơ, mục đích của người phạm tội thể hiện trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi phạm tội, nó thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Khi thực hiện một tội phạm bất kỳ, chủ thể luôn có những động cơ và mục đích nhất định, đó là động lực bên trong thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Động cơ, mục đích là suy nghĩ bên trong, nó xuất hiện trong suy nghĩ của chủ thể trước khi chủ thể thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong Bộ luật Hình sự. Động cơ được hiểu là động cơ bên trong thúc đẩy sự hành động của chủ thể, còn mục đích là cái mong muốn đạt được của chủ thể khi thực hiện hành vi. Đặc điểm này luôn gắn với những nhóm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự, như nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu thì mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt tại sản của người khác, hoặc nhóm tội về ma túy với mục đích siêu vụ lợi.

Như vậy, nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm, những dấu hiệu quan trọng thể hiện rõ nhất bản chất xã hội của con người thực hiện hành vi phạm tội. Nghiên cứu nhân thân người phạm tội cũng là biện pháp để bảo vệ quyền con người trong đó có người phạm tội. Nghiên cứu nhân thân người phạm tội có một ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu rõ các đặc điểm về nhân thân có tính chất đặc biệt mà người bình thường không có, cơ chế hình thành các đặc điểm đó, hay nói cách khác là nghiên cứu nguyên nhân của tội phạm, nguyên nhân của tình hình tội phạm thuộc yếu tố về chủ thể người thực hiện hành vi phạm tội; đâu là nhân tố liên quan tới việc hình thành và thúc đẩy các phẩm chất tiêu cực của con người, khiến họ có hành động đi ngược lại với các chuẩn mực, các lợi ích xã hội; Nhà nước sẽ làm gì để hạn chế những phẩm chất tiêu cực này và sâu xa hơn nữa là Nhà nước, cả hệ thống chính trị và xã hội phải làm gì để tạo ra một môi trường tích cực toàn diện, mục đích là không cho những phẩm giá tiêu cực của chủ thể có môi trường tiêu cực để thực hiện hành vi phạm tội, qua đó cũng tạo điều kiện để cải tạo, giáo dục chủ thể có phẩm chất tâm lý tiêu cực trước khi họ phạm tội. Đó cũng là nội dung của chiến lược phòng ngừa sớm trong lí luận tội phạm học nói chung, nội dung chiến lược phòng ngừa sớm cũng đang được Đảng và Nhà nước ta tích cực triển khai thực hiện trên diện rộng[17].

ThS. Vũ Văn Anh
Tòa án nhân dân huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

 


[1] PGS.TS Dương Tuyết Miên (2013),Tội phạm học đại cương, Nxb. Chính trị – Hành chính, Hà Nội, tr.47.

[2] Wikepedie Tiếng Việt.

[3] PGS.TS Phạm Văn Tỉnh (2007), Một số vấn đề lý luận về tình hình tội phạm ở Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 37-54.

[4] Mác – Anghen, tập 1, tr.132.

[5] Phạm Văn Tỉnh (2004), Đặc điểm tội phạm học của tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay, Luận án Tiến sĩ luật học, Viện Nhà nước và pháp luật, tr.111.

[6] Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định.

[7] Đại học Quốc gia Hà Nội (1999), Giáo trình tội phạm học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.146.

[8] Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình tội phạm học, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.194.

[9] Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định.

[10] Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình tội phạm học, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr195.

[11]Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định.

[12] Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định.

[13]Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật (2000), Tội phạm học Việt Nam – Một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.107.

[14]Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định.

[15] Nguồn: Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định.

[16] Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình tội phạm học, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr152.

[17] Xem PGS.TS Phạm Văn Tỉnh (2014), “Nội dung của chiến lược phòng ngừa tội phạm ở Việt Nam hiện nay – nhận thức và lý luận”, Tạp Chí nhân lực khoa học xã hội (3).

5/5 - (2 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền